Ngày 22 tháng 7 năm 2020, tại Học viện Khoa học xã hội, Số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, nghiên cứu sinh Lê Thị Lâm đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Công tác xã hội; Chuyên ngành: Công tác xã hội; Mã số: 9 76 01 01. Người hướng dẫn khoa học: (1). PGS. TS. Phan Thị Mai Hương; (2). PGS.TS. Đỗ Thị Vân Anh.
|
NCS. Lê Thị Lâm chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng |
Phát biểu tại buổi Lễ NCS. Lê Thị Lâm cho biết: Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực trạng công tác xã hội nhóm đối với nữ sinh viên trong phòng ngừa quấy rối tình dục, luận án có nhiệm vụ đề xuất và thử nghiệm hoạt động công tác xã hội nhóm nhằm hình thành và củng cố năng lực phòng ngừa quấy rối tình dục cho nữ sinh viên. Qua đó, luận án sẽ góp phần phản ánh thực trạng và hiệu quả hoạt động công tác xã hội trong phòng ngừa quấy rối tình dục cho nữ sinh viên hiện nay trong khuôn khổ trường đại học; Đề cập đến những hạn chế của công tác này dưới những quan điểm cần quan tâm để xây dựng những hoạt động công tác xã hội có hiệu quả hơn. Mặt khác, luận án còn là tài liệu tham khảo, tuyên truyền về công tác xã hội trong bối cảnh đây là một ngành, nghề còn non trẻ ở Việt Nam rất cần sự chung tay xây dựng cộng đồng an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái của toàn xã hội.
|
Toàn cảnh Lễ bảo vệ Luận án của NCS. Lê Thị Lâm |
Đánh giá về Luận án, Hội đồng nhận định: Về mặt lý luận: Luận án góp phần hệ thống hoá, khái quát hoá dựa trên bằng chứng tường minh lý luận về phòng ngừa quấy rối tình dục, công tác xã hội với nhóm trong phòng ngừa quấy rối tình dục; Nội dung, hình thức cũng như cách tiếp cận trong công tác xã hội với nhóm nhằm phòng ngừa quấy rối tình dục cho nữ sinh viên. Hình thành mô hình hoạt động công tác xã hội với nhóm trong giáo dục phòng ngừa quấy rối tình dục nữ sinh viên, phù hợp với điều kiện của nữ sinh viên trong khuôn khổ chương trình học tập và rèn luyện tại trường đại học.Về mặt thực tiễn: Luận án góp phần cung cấp cơ sở dữ liệu và tài liệu tham khảo cho các lĩnh vực chính sách công, công tác xã hội, tâm lý và giáo dục học, phục vụ trong nghiên cứu và đào tạo liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ nữ sinh viên; Là tài liệu hữu ích trong giảng dạy các học phần liên quan đến giới, bình đẳng giới, công tác xã hội với phụ nữ yếu thế.
Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua.
Phạm Vĩnh Hà
(Nguồn: Học viện KHXH)