Tiếp nối khóa Tập huấn phương pháp nghiên cứu khoa học tại Hà Nội, Ngày 26/5/2014, đoàn gồm 30 cán bộ trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục chương trình điền dã theo kế hoạch tại bản Nưa (xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An).
Đón tiếp Đoàn tại Nhà Văn hóa bản Nưa là Trưởng bản Vi Văn Giao cùng đại diện cán bộ xã và một số bà con địa phương. Sau phần giới thiệu chung, TS. Trần Hồng Hạnh, đại diện cho chuyên gia khoa học của Chương trình đã gửi lời cảm ơn sự có mặt nhiệt tình của chính quyền và bà con địa phương bản Nưa, đồng thời hy vọng 5 nhóm cán bộ trẻ của Viện Hàn lâm sẽ phối hợp tốt cùng 5 nhóm người dân địa phương hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra của chuyến điền dã.
Thực hiện hoạt động này, toàn thể học viên sẽ phải áp dụng triệt để các nội dung đã được đào tạo tại khóa Tập huấn. Theo đó, ngoài việc tiếp cận nhân học/dân tộc học để thu thập tư liệu theo chuyên ngành, các học viên còn phải thể hiện được khả năng thích ứng văn hóa và vận dụng linh hoạt được các kỹ năng mềm để hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Sau chuyến đi, việc nộp Nhật ký điền dã và đề xuất nghiên cứu là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với mỗi học viên.
Điểm nhấn dễ nhận thấy đầu tiên trong chuyến thực địa chính là tiếp cận nhân học/dân tộc học đã trở thành cách tiếp cận hết sức mới lạ, đầy hấp dẫn và không kém phần thử thách đối với nhiều nghiên cứu viên trẻ, nhất là những người chưa từng kinh qua thực địa, chỉ nghiên cứu tư liệu. Với các học viên này, điền dã dân tộc học, tiếp cận nhân học trở thành một chuyến đi đầy hấp dẫn. Việc hòa mình vào với suy nghĩ, sinh hoạt của người dân nơi này để hiểu, để biết và tìm ra các ý tưởng xây dựng đề xuất nghiên cứu trở thành một chuyến “thám hiểm” đầy thú vị. Bên ly rượu đầy và bát chè xanh thơm mùi lá, câu chuyện của các nhóm học viên đã không chỉ dừng lại ở việc hỏi và trả lời, mà đã trở thành chuỗi những câu chuyện về cuộc đời, suy nghĩ, cảm nhận và chia sẻ mà mỗi bà con người Thái bản Nưa đang gửi gắm với những nhà nghiên cứu trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm).
|
|
|
|
|
|
Chia tay bà con nơi đây, trong cái nắng tháng 5 rực rỡ, tình người dân và nhóm cán bộ nghiên cứu trẻ dường như thân tình hơn, “nóng hơn” trong những cái bắt tay thật chặt, trong lời hẹn gặp lại những chuyến thực địa sau. Các học viên lại lên đường sang Lào để tiếp tục các hoạt động khác thuộc Chương trình Tập huấn phương pháp nghiên cứu và giao lưu quốc tế dành cho nghiên cứu viên trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào sẽ diễn ra vào ngày 28 -31/5/2014.
Nội dung của hoạt động này sẽ được cập nhật tại bản tin sau.
Phạm Vĩnh Hà