Sinh hoạt khoa học “Kỹ năng thu thập, xử lý thông tin và trích dẫn tài liệu tham khảo trong luận án, luận văn ngành Công tác xã hội”

12:00 20/10/2013
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 12/10/2013, Khoa Công tác xã hội - Học viện Khoa học xã hội đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học dành cho học viên cao học với chủ đề: “Kỹ năng thu thập, xử lý thông tin và trích dẫn tài liệu tham khảo trong luận án, luận văn ngành Công tác xã hội” do PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Phó Trưởng khoa Khoa Công tác xã hội thuyết trình.

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị - Phó Trưởng khoa Khoa công tác xã hội đang thuyết trình tại buổi sinh hoạt

 

Theo PGS.TS. Phạm Hữu Nghị,  vai trò của thông tin đối với các nghiên cứu là đặc biệt quan trọng, nhất là đối với học viên đang học tập và nghiên cứu tại Học viện Khoa học xã hội, vì đó là yêu cầu then chốt đảm bảo yếu tố xác thực của mọi nghiên cứu đặt ra, hầu hết các học viên khi bắt đầu triển khai một đề tài nghiên cứu thường gặp khó khăn trong việc trong việc thu thập, tìm kiếm, xử lý thông tin phục vụ cho việc thực hiện luận án, luận văn.

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị nhấn mạnh vai trò của tài liệu tham khảo đối với hoạt động nghiên cứu và đặc biệt lưu ý về vấn nạn sao chép tài liệu không trích nguồn vẫn còn là một thực tế đang diễn ra trong các luận văn, luận án. Phó giáo sư cho rằng, để tránh tình trạng “sao chép” tràn lan đang diễn ra, trích nguồn bằng việc ghi rõ tên tài liệu tham khảo là cách duy nhất hiện nay giúp cho học viên khẳng định được cơ sở của nguồn tài liệu trích dẫn, tạo độ tin cậy cao cho các luận án, luận văn trong việc khẳng định các luận điểm khoa học.

Có 5 lưu ý được phó giáo sư nêu ra nhằm nhấn mạnh yếu tố quan trọng và cần thiết của tài liệu trích dẫn phục vụ cho việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đó là:

Thứ nhất, giúp cho người viết có được cái nhìn tổng quan về tình hình nghiên cứu, những kết quả nghiên cứu đã đạt được, những “khoảng trống”, những vấn đề pháp lý chưa được làm rõ hoặc đã lạc hậu cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cho phù hợp với tình hình mới; Thứ hai, là cơ sở cho việc minh chứng luận điểm, quan điểm khoa học của người viết bởi nghiên cứu khoa học luôn có tính kế thừa và phát triển. Thông qua nguồn tài liệu tham khảo, người viết sẽ nhìn nhận vấn đề nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau, trên cơ sở đó sẽ có những so sánh, đối chiếu nhằm làm rõ những quan điểm khoa học của mình đã nêu trong đề tài, lĩnh vực nghiên cứu; Thứ ba, việc trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo đầy đủ góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn tình trạng “đạo văn” – vấn nạn đang diễn ra phổ biến ở nước ta hiện nay; Thứ tư, giúp cho người làm công tác nghiên cứu có được cái nhìn toàn diện về vấn đề nghiên cứu. Việc tra cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng những vấn đề liên quan đến đề tài nghiên cứu sẽ giúp cho người nghiên cứu tránh được những sai lầm/thất bại trong nghiên cứu; Thứ năm, là nguồn để kiểm chứng các trích dẫn khoa học, đảm bảo việc trích dẫn chính xác, khách quan và hợp pháp. Việc xác định nguồn tài liệu tham khảo sẽ giúp cho người làm công tác nghiên cứu tránh được tình trạng đạo văn hiện nay.

Bên cạnh đó, phó giáo sư cũng cho rằng khi chọn nguồn tài liệu tham khảo, học viên cần quan tâm đến độ tin cậy, tính khách quan, tính pháp lý của tài liệu đó. Nội dung của tài liệu tham khảo phải liên quan đến cơ sở lý luận, nội dung, thực trạng và đối tượng nghiên cứu, tham khảo thêm các nguồn tài liệu liên quan đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và các nước (có thể là văn bản đang có hiệu lực thi hành, có thể là văn bản hết hiệu lực thi hành nhằm mục đích so sánh, đối chiếu nhằm làm rõ mức độ phù hợp của quy định hiện tại hoặc lý giải vì sao có sự sửa đổi, bổ sung, thay thế), các nguồn tài liệu tham khảo thu được từ điều tra, khảo sát và xử lý số liệu từ thực tiễn nghiên cứu của tác giả...

Nội dung của buổi sinh hoạt khoa học đã mang lại cho học viên cao học ngành Công tác xã hội nhiều kiến thực sự bổ ích, giúp cho họ có những định hướng và phương pháp đúng đắn trong quá trình triển khai các đề tài và nội dung nghiên cứu, góp phần nâng cao được chất lượng của các luận văn, luận án của Khoa Công tác xã hội nói riêng và của Học viện Khoa học xã hội nói chung.

                                                                                                                                              Phạm Vĩnh Hà

                                                                                                                                            (Nguồn Học viện Khoa học xã hội)

                                                                                                           

In trang Chia sẻ

Tin khác