
Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 cho thấy, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam là 1,91 con/phụ nữ. Đây là mức sinh thấp nhất quan sát được từ trước đến nay[i]. Trước đó, trong suốt gần 15 năm (từ 2009 đến 2022), mức sinh của Việt Nam giữ trạng thái tương đối ổn định xung quanh mức sinh thay thế. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, 2023-2024, mức sinh Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn. Năm 2023, TFR của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ và giảm tiếp xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024.
Đây là những dấu hiệu cho thấy mức sinh của Việt Nam đang có xu hướng giảm và giảm khá nhanh trong những năm gần đây. Kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới như: Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy khi mức sinh đã giảm thì khó có xu hướng tăng trở lại. Năm 2022, các nước OECD có TFR là 1,5 con/phụ nữ; Nhật Bản là 1,26 con/phụ nữ; Hàn Quốc: 0,78 con/phụ nữ.
Tại Việt Nam, TFR của khu vực thành thị là 1,67 con/phụ nữ, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,08 con/phụ nữ). Tổng số có 32 tỉnh, thành phố thuộc có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế (dưới 2,1 con/phụ nữ); có 25 tỉnh, thành phố có mức sinh dao động xung quanh mức sinh thay thế và 6 địa phương có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế (cao hơn 2,5 con/phụ nữ). Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ), Hà Giang có mức sinh cao nhất cả nước (2,69 con/phụ nữ).

Tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam các nghiên cứu xã hội học đã cho thấy mức sinh luôn là một trong những yếu tố quan trọng nhất để quyết định tới quy mô và cơ cấu dân số. Mức sinh giảm đã đưa Việt Nam bước vào “thời kỳ dân số vàng” từ năm 2007 mở ra cơ hội thuận lợi về cơ cấu dân số và nguồn nhân lực để đẩy mạnh quá trình CNH và phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, mức sinh giảm mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến già hóa dân số quá nhanh.
Theo ước tính của Quỹ dân số Liên hợp quốc, dân số Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2017 và sẽ chuyển sang dân số già vào năm 2037, tức là giai đoạn chuyển tiếp chỉ có 20 năm so với trung bình khoảng từ 50 đến 60 năm ở các nước phát triển. Với mức độ phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, dân số già quá nhanh như vậy trong mấy thập kỷ tới thực sự đã trở thành thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc thích ứng với sự phát triển.
Đánh giá về thực trạng mức sinh ở Việt Nam, ông Nguyễn Đức Vinh (Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng[ii]: Mức sinh 1,67, tuy có tác dụng làm dân số thấp hơn khoảng 7,4 triệu người so với mức sinh thay thế nhưng dẫn đến hiện tượng già hóa dân số ở mức quá cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó mức sinh giữa các nhóm và vùng miền cũng có sự khác biệt khá lớn, sự chênh lệch diễn ra trong khoảng 0,33 đến 0,6, trung bình đạt mức 0,44 (giai đoạn 2001-2016) xét trên bình diện 6 vùng địa lý trên toàn Việt Nam thì sự khác biệt này rất lớn, không chỉ ở mức sinh mà còn bao gồm cả về tốc độ biến đổi. Cụ thể là vào năm 2016, tổng tỷ suất sinh (TFR) chỉ là 1,46 ở vùng Đông Nam Bộ và 1,81 ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng con số này ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc cao tới 2,68. So với 5 vùng còn lại, Tây Nguyên bắt đầu quá độ dân số muộn hơn nên TFR đã giảm nhanh nhất xuống còn 2,26 vào năm 2015. Trong khi TFR ở vùng Đông Nam Bộ tiếp tục giảm sâu thì TFR ở đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, nhất là vùng trung du và miền núi phía Bắc lại có xu hướng tăng trong mấy năm gần đây. Vì vậy, khoảng cách lớn nhất về mức sinh giữa 6 vùng đã giảm từ 1,22 vào năm 2005 xuống 0,66 vào năm 2013 rồi lại tăng lên 1,17 vào năm 2016. Khác biệt về mức sinh giữa các tỉnh/thành cũng rất rõ. Năm 2016, các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Nghệ An, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Ninh Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh đều có TFR cao hơn 2,7 trong khi TFR ở các tỉnh Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Bình Dương, Bạc Liêu, Đồng Nai đều dưới 1,7. Đặc biệt TFR của thành phố Hồ Chí Minh đã giảm rất sâu xuống còn có 1,24.
Tuổi thọ tăng và xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp khiến Việt Nam được dự báo là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới và sớm trở thành quốc gia dân số già vào năm 2038 (ảnh Internet)
Ông Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh, tình trạng khác biệt mức sinh theo học vấn và mức sống đã giảm trong khi khác biệt theo vùng miền lại gia tăng cho thấy chính sách tập trung chủ yếu vào truyền thông và cung cấp dịch vụ phương tiện tránh thai đã không còn phù hợp, ngoài khẩu hiệu “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” mới được triển khai trong thời gian gần đây thì hiện tại Việt Nam vẫn chưa có thêm các chính sách mới để tiếp cận được đến với nhóm có mức sính quá thấp. Chính sách sinh đẻ và chính sách dân số nói chung không chỉ đơn thuần là việc sử dụng các biện pháp tránh thai mà kế hoạch hóa gia đình mà cần phải gắn liền với các chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Khi chuyển hướng chính sách sang dân số và phát triển thì mức sinh là yếu tố quan trọng trong mối liên hệ với những vấn đề xã hội nổi bật trong đó phải nói đến chính là hiện tượng già hóa dân số và các vấn đề khác có liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục, đào tạo, các vấn đề an sinh xã hội… Bài học kinh nghiệm ở nhiều quốc gia đã cho thấy, không phải cứ giảm sinh và quá độ dân số là nghiễm nhiên dẫn đến lợi ích kinh tế mà cần phải có những chính sách kinh tế, xã hội và phát triển nguồn nhân lực phù hợp thì mới đảm bảo được sự phát triển bền vững trong tương lai.
[i] Theo số liệu cùa Tổng cục Thống Kê
[ii] Theo Báo cáo “Mức sinh trong bối cảnh già hóa dân số và mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam” của TS. Nguyễn Đức Vinh (Viện Xã hội học)