Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CM 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã xác định: công nghiệp hóa và hiện đại hóa không thuần túy chỉ là sự phát triển của công nghệ, cơ sở hạ tầng hay năng lực sản xuất, mà còn là quá trình cải biến toàn diện về tư duy, lối sống, cơ cấu xã hội và hệ giá trị. Từ lâu Đảng và Nhà nước ta đã xác định vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ, trong đó có khoa học xã hội. Nền khoa học xã hội ở Việt Nam được ra đời vào những năm 50 của thế kỷ XX với các chức năng cơ bản là nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tư vấn, phản biện chính sách. Trải qua 70 năm ra đời và phát triển, đến nay khoa học xã hội Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, có đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước (Hồ Sĩ Quý, 2023). Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong nội dung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới đã nhận định: “Khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị góp phần tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, con người Việt Nam và bảo vệ Tổ quốc” (Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 2021). Bài viết trình bày định hướng phát triển khoa học xã hội của Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước và bàn về vai trò của khoa học xã hội trong bối cảnh mới.
Định hướng của Đảng về phát triển khoa học xã hội trong quá trình phát triển đất nước
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định khoa học xã hội là một trong những trụ cột quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Ngay từ khi đất nước bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới, giai đoạn đầu đất nước còn nhiều khó khăn về kinh tế, Đảng đã nhận định tầm trọng của khoa học công nghệ và sự song hành của khoa học xã hội với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng nêu rõ: “Tăng cường và kết hợp chặt chẽ hoạt động của các ngành khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Tăng mức đầu tư, đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức lại lực lượng khoa học kỹ thuật, làm cho khoa học, kỹ thuật gắn chặt với sản xuất và đời sống, đem lại hiệu quả thiết thực, trở thành một bộ phận của lực lượng sản xuất xã hội”.
Đến Đại hội VII, khi cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã định hướng “phát triển đồng bộ khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật đi đôi với phát triển giáo dục và văn hoá, nâng cao dân trí”.
Đến Đại hội Đảng toàn quôc lần thứ VIII (năm 1996), với chủ trương “xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1996), khoa học và công nghệ được xác định là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đảng đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2020 khoa học xã hội và nhân văn “có khả năng làm cơ sở cho việc xây dựng hình thái ý thức xã hội mới. Sự phát triển của khoa học xã hội đủ sức cung cấp luận cứ cho việc hoạch định các chính sách, chiến lược và quy hoạch phát triển”. Với định hướng phát triển “chú trọng đúng mức nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội, khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên, làm chỗ dựa lâu bền cho nghiên cứu ứng dụng, triển khai và tiếp nhận các thành tựu mới về khoa học và công nghệ” (Ban chấp hành trung ương Đảng, 1996).
Năm 2001, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, khoa học xã hội và nhân văn được hướng vào việc giải đáp các vấn đề lý luận và thực tiễn, dự báo các xu thế phát triển, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người, phát huy những di sản văn hoá dân tộc, sáng tạo những giá trị văn hoá mới của Việt Nam. Đảng đã định hướng “sắp xếp, đổi mới hệ thống nghiên cứu khoa học, phối hợp chặt chẽ nghiên cứu khoa học tự nhiên, khoa học - công nghệ với khoa học xã hội và nhân văn (Ban chấp hành trung ương Đảng, 2001).
Chủ trương phát triển đồng bộ khoa học xã hội với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ tiếp tục được duy trì nhất quán qua các kỳ đại hội Đảng tiếp theo. Trong kết luận số 69-KL/TW ngày 11/1/2024 của Bộ Chính trị, khoa học xã hội và nhân văn được nhận định đã đóng góp tích cực cho việc “cung cấp luận cứ trong vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật” (Bộ Chính trị, 2024a). Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đề ra mục tiêu phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo. Một trong số các nhiệm được đề ra là có cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập hoạt động hiệu quả. Đầu tư, nâng cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cùng các cơ sở nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trọng điểm quốc gia (Bộ Chính trị, 2024b).
Vai trò của khoa học xã hội trong bối cảnh mới
Có thể nói, khoa học xã hội đang đối diện với những cơ hội và thách thức mới từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ với sự xuất hiện và phổ biến của không gian mạng, công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo,… Dữ liệu công nghệ lớn có thể mang lại công cụ hữu hiệu cho các nhà khoa học xã hội cả về dữ liệu lẫn phương pháp. Sự phát triển của khoa học và công nghệ chắc chắn sẽ tác động đáng kể đến cách vận động xã hội, từ đó đặt ra yêu cầu cho khoa học xã hội cần có nghiên cứu chuyên sâu để hiểu được thực trạng và xu hướng những vấn đề xã hội nảy sinh trong bối cảnh mới. Khoa học xã hội nếu được định hướng đúng và đầu tư hiệu quả sẽ phát huy vai trò bảo tồn bản sắc văn hóa trong tiến trình hiện đại hóa, toàn cầu hóa. Bởi vì sự hiện đại hóa nhanh chóng có thể dẫn đến “tha hóa” văn hóa và đồng hóa xã hội nếu thiếu sự can thiệp của các lĩnh vực như văn hóa học, nhân học và lịch sử. Các nghiên cứu về kinh tế, y học, công nghệ cần gắn với các vấn đề về môi trường, văn hóa, dân tộc, phát triển con người, bình đẳng giới và phát triển xã hội. Những nghiên cứu văn hóa – xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện giá trị cốt lõi của xã hội và gia đình, giáo dục thế hệ trẻ và thúc đẩy bình đẳng xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ở một khía cạnh khác, khoa học xã hội cũng sẽ phát huy vai trò dự báo và ứng phó với thách thức xã hội. Quá trình công nghiệp hóa thường kèm theo các hệ quả như mất cân bằng vùng miền, phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội, bất bình đẳng giới, ô nhiễm môi trường, biến đổi nhân khẩu học… Các nghiên cứu xã hội học, nhân khẩu học và chính sách công có khả năng dự báo các xu thế này và đề xuất các giải pháp ứng phó kịp thời.
Nhìn chung, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định khoa học xã hội là trụ cột quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước, đồng hành cùng khoa học tự nhiên và công nghệ. Từ khi Đảng ta quyết định bước vào công cuộc Đổi mới đến nay, Đảng luôn nhất quán quan điểm phát triển khoa học xã hội gắn với thực tiễn, phục vụ xây dựng đường lối, chính sách, nâng cao dân trí, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Trong bối cảnh mới, Đảng tiếp tục khẳng định vai trò của khoa học xã hội trong dự báo xu thế, giải quyết vấn đề thực tiễn, bảo vệ nền tảng tư tưởng và định hướng phát triển bền vững đất nước. Việc đầu tư, phát triển tổ chức nghiên cứu, nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học xã hội trong quản lý, điều hành thực sự đóng vai trò quan trọng quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tài liệu tham khảo
- Ban chấp hành trung ương Đảng, 1996, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng
- Ban chấp hành trung ương Đảng, 2001, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng
- Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 2021, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
- Bộ Chính trị, 2024a, Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/1/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
- Bộ Chính trị, 2024b, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Đảng Cộng sản Việt Nam. 1996 Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1996, tr. 12.
- Hồ Sĩ Quý, 2023, Khoa học xã hội với vai trò định hướng giá trị phát triển văn hóa, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 10, tr 16-24.