Đoàn chuyên gia AUF do ông Jean-Émile Gombert, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Rennes 2 (Pháp), Hiệu trưởng danh dự trường đại học Rennes 2 (Pháp) làm trưởng đoàn, cùng đi còn có ông Patrick Saubost, nguyên giám đốc vùng Bretagne et Pays de la Loire - Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp (CNRS), chuyên gia tư vấn về quản lý nguồn nhân lực (CNRS) và bà Nguyễn Thị Thúy Nga, phụ trách dự án Nghiên cứu khoa học và Quản trị đại học - Văn phòng Châu Á Thái Bình Dương (AUF).
Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) được thành lập năm 1961 tại Canada, hiện đang là mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu lớn nhất thế giới với hơn 1.000 thành viên (đại học, trường đại học, viện và trung tâm nghiên cứu) tại gần 120 quốc gia. Là cầu nối tri thức Pháp ngữ toàn cầu, AUF là tổ chức quốc tế phi lợi nhuận, hành động vì sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục và đào tạo đại học với phương châm: “Khoa học Pháp ngữ: tư duy toàn cầu, đa dạng trong hành động theo đặc thù khu vực”.
Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh nhiệt liệt chào đón đoàn chuyên gia đã tới làm việc tại Viện Hàn lâm và chia sẻ những thông tin khái quát liên quan đến lịch sử hình thành, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm trải dài trong 72 năm xây dựng và trưởng thành.
Phó Chủ tịch cho biết, sau tái cơ cấu và sáp nhập, đến nay Viện Hàn lâm đang duy trì 22 đơn vị nghiên cứu/26 tổ chức được chia thành 3 khối viện bao gồm: nhóm các viện nghiên cứu về xã hội, nhóm các viện nghiên cứu về nhân văn và nhóm các viện nghiên cứu về quốc tế. Ngoài ra, Viện Hàn lâm còn có Học viện Khoa học xã hội, chịu trách nhiệm về đào tạo sau đại học; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chịu trách nhiệm trưng bày những giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em và Nhà Xuất bản Khoa học xã hội. Hàng năm Viện Hàn lâm thực hiện khoảng 15 đề tài cấp Nhà nước, 100 đề tài cấp Bộ, gần 400 đề tài cấp cơ sở. Trung bình hàng năm Viện Hàn lâm công bố khoảng 80 đầu sách và khoảng 3.000 bài báo khoa học, trong đó có nhiều bài nghiên cứu có chất lượng được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín. Về chức năng nhiệm vụ: Hiện Viện Hàn lâm đang thực hiện 3 chức năng chính bao gồm: Chức năng nghiên cứu cơ bản; Chức năng tư vấn chính sách (cung cấp báo cáo đầu vào cho các phiên họp của Chính phủ, cung cấp các báo cáo tư vấn cho Đảng và Nhà nhà nước, các bộ, ban, ngành và chính quyền các địa phương khác… trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn) và chức năng đào tạo sau đại học. Lực lượng nghiên cứu của Viện Hàn lâm hiện có khoảng 1.500 người trong đó có khoảng 800 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trở lên…
Đoàn chuyên gia AUF tại buổi làm việc
Khẳng định tầm quan trọng của Đoàn chuyên gia AUF trong nhiệm vụ đánh giá năng lực quản trị của Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh cho biết thêm: Hiện nay Viện Hàn lâm đang thực hiện 02 Đề án quan trọng trình Bộ Chính trị bao gồm: Đề án “Xây dựng Viện Hàn lâm thành Trung tâm Khoa học trọng điểm quốc gia, đạt trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới vào năm 2045” và Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới”. Đây là những Đề án hướng tới việc tạo ra những đột phá lớn về khoa học xã hội và nhân văn nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển của đất nước. Chính vì vậy, đây chính là thời điểm để Viện Hàn lâm tự nhìn lại, đánh giá chính mình và đề xuất những giải pháp căn bản cả về nhân lực, đầu tư, tổ chức, cơ chế, chính sách… nhằm đưa hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn lên một tầm cao mới.
Toàn cảnh buổi làm việc
Với 7 nội dung được các chuyên gia của đoàn công tác AUF đề xuất liên quan tới vấn đề: Quản trị tổ chức (tìm hiểu cơ cấu hành chính và quản trị; chiến lược và tầm nhìn dài hạn; cơ chế ra quyết định; tự chủ của cơ sở); Năng lực nghiên cứu (tìm hiểu chất lượng và số lượng các công bố khoa học; các dự án nghiên cứu đang thực hiện và các hình thức hợp tác; cơ cấu tổ chức nghiên cứu; cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện có); Nhân lực (tìm hiểu số lượng và trình độ chuyên môn của đội ngũ nghiên cứu; khả năng thu hút nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế; đào tạo và phát triển chuyên môn; đào tạo gắn với hoạt động nghiên cứu; bình đẳng giới và sự đa dạng về nguồn nhân lực); Hợp tác và đối tác trong nghiên cứu (tìm hiểu liên kết với các tổ chức khoa học, học thuật; hợp tác với doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước; hợp tác quốc tế; chuyển giao công nghệ và phát huy giá trị nghiên cứu); Ảnh hưởng và tính thực tiễn của các nghiên cứu cũng như khả năng phổ biến và công nhận trong cộng đồng học thuật và xã hội (tìm hiểu đóng góp cho các chính sách công; tác động của các kết quả nghiên cứu đối với sự phát triển kinh tế và xã hội; mức độ công nhận của cơ sở nghiên cứu trong cộng đồng học thuật quốc gia và quốc tế; phổ biến kiến thức tới công chúng); Cơ sở hạ tầng và môi trường làm việc (tìm hiểu tình trạng các tòa nhà và phòng thí nghiệm; quyền truy cập vào thư viện và cơ sở dữ liệu; điều kiện làm việc của các nhà nghiên cứu; chính sách phát triển bền vững; quản lý chất thải); Tài chính và quản lý ngân sách (tìm hiểu đa dạng hóa các nguồn tài chính; phân bổ và sử dụng nguồn lực dành cho nghiên cứu; minh bạch và hiệu quả trong quản lý tài chính), Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh đánh giá cao các nội dung khảo sát và bày tỏ tin tưởng kết quả của Đoàn chuyên gia AUF. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Viện Hàn lâm có thêm những đánh giá khách quan từ một tổ chức có uy tín quốc tế góp phần nâng cao năng lực quản trị của Viện Hàn lâm trong thời gian tới.
Theo kế hoạch Đoàn chuyên gia sẽ có buổi làm việc với các Ban chức năng và các Viện Nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm kéo dài đến hết ngày 23/5/2025./.