Phát triển kinh tế du lịch gắn với dược liệu nhằm phát triển bền vững ở Hà Giang hiện nay

17:00 04/10/2020
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

TS.VŨ TUẤN HƯNG

Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

Tóm tắt: Hà Giang là một tỉnh miền núi phía Bắc của Việt nam. Với những đặc thù về tự nhiên, xã hội và con người, Tỉnh có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế du lịch và dược liệu. Trong thời gian qua, Hà Giang đã có những chuyển mình mạnh mẽ và đã xác định hướng đi tập trung, quyết tâm phát triển 2 lĩnh vực trên trở thành trụ cột phát triển kinh tế của Tỉnh. Nhiều Chính sách đã được triển khai và đang định hình các bước đi ngày càng rõ rệt, cụ thể. Vì thế, việc xem xét, đánh giá dưới góc độ kinh tế về tiềm năng, thực trạng và đưa ra các gợi ý có tính giải pháp chính sách là điều cần thiết trong giai đoạn này.

Từ khóa: kinh tế du lịch, Du lịch cộng đồng; kinh tế dược liệu, phát triển kinh tế du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm dược liệu; du lịch và dược liệu Hà Giang. 

 

Lời mở đầu                 

Hà Giang là một tỉnh miền núi phía Bắc, vị trí địa đầu của dải đất hình chữ S. Với tổng diện tích tự nhiên là 7.914,8 km2, trong đó đất lâm nghiệp có rừng là 437.217,9 ha, chủ yếu là rừng tự nhiên [11]. Do đặc thù về địa hình, khí hậu với dải núi cao Tây Côn Lĩnh và Cao nguyên Đồng Văn đã tạo nên định hình cao dần về phía Tây Bắc, thấp dần về phía Đông Nam chia thành 3 tiểu vùng mang đặc điểm đa dạng khác nhau. Nơi đây có sự sinh sống của nhiều dân tộc với truyền thống canh tác, sản xuất đặc thù và những giá trị từ bản sắc văn hóa dân tộc mang lại cho Hà Giang vẻ đẹp tiềm ẩn, hấp dẫn hữu nhiên để phát triển du lịch (trong đó đặc biệt là du lịch cộng đồng). Bên cạnh đó, với nhiều tiểu vùng địa hình và khí hậu khá đa dạng, diện tích rừng tự nhiên lớn, với đa dạng các nguồn gien thực vật trong đó có các loài dược liệu quý, với kinh nghiệm và tri thức truyền thống của đồng bào dân tộc về thuốc nam cũng tạo cho Hà Giang cơ hội trong bảo tồn, ươm tạo, sản xuất và chế biến phát triển dược liệu. Thực tế trong thời gian qua, dưới góc độ kinh tế và chính sách kinh tế, Hà Giang đã có những chuyển mình mạnh mẽ và đã xác định hướng đi tập trung, quyết tâm phát triển 2 lĩnh vực du lịch và dược liệu trở thành trụ cột phát triển kinh tế của Tỉnh. Nhiều Chính sách đã được triển khai và đang định hình các bước đi ngày càng rõ rệt, cụ thể. Vì thế, việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng và giải pháp chính sách trong phát triển kinh tế du lịch (Trong bài viết sẽ tập trung loại hình du lịch cộng đồng) gắn với dược liệu là điều cần thiết.

1. Một số vấn đề về phát triển kinh tế du lịch cộng đồng gắn với dược liệu

Du lịch cộng đồng gắn với dược liệu là một loại hình đặc thù của du lịch nói chung. Để có thể nghiên cứu, tìm hiểu và đánh giá toàn diện cần xem xét một cách khái quát từng thuật ngữ cấu thành.

1.1. Du lịch và du lịch cộng đồng

Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, đời sống người dân được nâng lên, nhu cầu đi lại tìm hiểu khám phá, tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng ngày càng trở thành một vấn đề thiết yếu của cuộc sống. Du lịch trở thành một ngành kinh tế tạo ra việc làm lớn nhất trên thế giới. Du lịch thúc đẩy sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng và phần lớn trong số đó hỗ trợ một cách tích cực cho việc cải thiện điều kiện sống của người dân địa phương. Kinh tế du lịch cũng mang lại nguồn thu đáng kể đóng góp vào GDP. Kinh tế du lịch được xem xét từ góc độ kinh tế ngành, đây là một ngành kinh tế mũi nhọn và ngày càng trở nên quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế quốc dân và mỗi địa phương.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourist Organization), Du lịch bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú, trong mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc trong mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn; cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác nữa, trong thời gian liên tục nhưng không quá một năm, ở bên ngoài môi trường sống định cư; nhưng loại trừ các du hành mà có mục đích chính là kiếm tiền. Du lịch cũng là một dạng nghỉ ngơi năng động trong môi trường sống khác hẳn nơi định cư.[6]

Theo kết quả khảo sát của tổ chức AC Nielson do Tổ chức phát triển Hà Lan ủy thác cho thấy: 65% du khách muốn trải nghiệm văn hóa và di sản địa phương; 54% du khách muốn trải nghiệm thiên nhiên, nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe; 84% du khách muốn tham quan danh lam thắng cảnh địa phương [6]. Như vậy, việc nghiên cứu và phát triển loại hình du lịch phù hợp với xu hướng trên đây, đặc biệt ở những khu vực cộng đồng dân cư mà tại đó sự phát triển còn hạn chế, trình độ dân chí chưa cao trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.

Du lịch cộng đồng (CBT) được hình thành và phát triển cũng chính là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ địa phương đồng thời làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch cũng như trải nghiệm của khách du lịch. Phát triển kinh tế du lịch cộng đồng là một chiến lược được các nhà hoạch định du lịch xác định nhằm hướng tới việc xây dựng cộng đồng hành động để tham gia vào phạm vi rộng hơn trong những tiếp cận với ngành du lịch. Tiếp cận thuật ngữ du lịch cộng đồng hiện cũng có 2 mức độ khác nhau.

Theo nghĩa rộng, khái niệm được đề cập trong tiêu chuẩn của ASEAN về du lịch cộng đồng, kinh tế du lịch chủ yếu dựa vào doanh nghiệp vừa và nhỏ. Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch tìm kiếm cơ hội trao quyền cho cộng đồng trong việc quản lý mức độ tăng trưởng của du lịch và đạt được những mục tiêu có liên quan tới phúc lợi và phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Vì thế, CBT không chỉ bao gồm mối quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương để phân bổ lợi ích cho cả hai bên, mà còn bao gồm cả việc cộng đồng giúp đỡ doanh nghiệp du lịch và ngược lại, doanh nghiệp cũng hỗ trợ cộng đồng phát triển để cải thiện phúc lợi tập thể. Như vậy theo nghĩa rộng, du lịch cộng đồng là sự gắn kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư bản địa trong kiến tạo, khai thác, phát triển các dịch vụ du lịch tại địa phương gắn chặt với lợi ích của 2 bên trong đó có cộng đồng bản địa được xác định là nền tảng quan trọng.

Theo nghĩa hẹp, Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Hiện nay, du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cộng đồng cư dân bản địa. Từ đó có thể thấy: Du lịch cộng đồng được hiểu là hoạt động kinh tế du lịch do cộng đồng làm chủ, thực hiện, quản lý hoặc điều hành tại địa phương. Hoạt động này đóng góp vào phúc lợi của cộng đồng thông qua việc hỗ trợ sinh kế bền vững và bảo vệ các truyền thống văn hóa-xã hội có giá trị và các tài nguyên di sản văn hóa.

Du lịch cộng đồng mang lại cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống địa phương, trong đó các cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch và thu được các lợi ích kinh tế - xã hội từ các hoạt động du lịch và chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và văn hóa địa phương. Theo nghĩa hẹp, đẩy cao vai trò của kinh tế địa phương, hộ gia đình, cá nhân người dân bản địa trong việc tham dự và sở hữu, quản lý vận hành các cơ sở dịch vụ du lịch tại khu vực văn hóa địa phương nhất định.

Việc vận dụng hướng phát triển kinh tế du lịch cộng đồng cần linh hoạt theo cả hai hướng (cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp), tùy thuộc vào điều kiện địa phương. Đối với các nơi điều kiện kinh tế xã hội, trình độ dân cư còn hạn chế, nơi mới manh nha phát triển du lịch để phát triển nhanh, bền vững và chuyên nghiệp nên cân nhắc hướng phát triển du  lịch cộng đồng theo nghĩa rộng. Đối với các nơi có bề dầy phát triển du lịch, người dân có kinh nghiệm, có khả năng tự tổ chức tốt các hoạt động và dần hiệu quả, thì việc thực hiện xu hướng nghĩa hẹp cũng là một cân nhắc để khai thác tối đa giá trị và thế mạnh của văn hóa và nhân lực bản địa trong phát triển du lịch.

1.2. Dược liệu

Dược liệu được định nghĩa là các nguyên liệu để làm thuốc có nguồn gốc tự nhiên từ thực vật, động vật, khoáng vật và đáp ứng các tiêu chuẩn làm thuốc. Dược liệu được xem như một lĩnh vực kinh tế với nhiều hấp dẫn về cơ hội phát triển. Nước ta nằm trong vùng khí hậu nóng ẩm, với địa hình đa dạng kéo dài từ Bắc vào Nam, có 4 mùa rõ rệt là điều kiện cho nhiều loại cây dược liệu phát triển. Hiện theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam có trên 3000 cây dược liệu đã được phát hiện. Từ xưa, ông cha ta đã sử dụng dược liệu để chữa bệnh, nền tảng của Y học Việt Nam là dựa trên y học cổ truyền. Vì vậy, dược liệu có vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực y tế nước nhà và là một lĩnh vực kinh tế mang lại lợi ích lớn cho người dân địa phương..

1.3. Phát triển kinh tế du lịch cộng đồng gắn với dược liệu

Phát triển kinh tế du lịch cộng đồng gắn với dược liệu là hoạt động định hướng phát triển kinh tế trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch gắn bó chặt chẽ với các hoạt động liên quan đến dược liệu dựa trên nền tảng các giá trị của cộng đồng địa phương. Để hiệu quả, tác động của nhà nước, chính quyền địa phương trong việc tạo ra một cơ chế thuận lợi, các chính sách, công cụ, nhân lực hỗ trợ nhằm xây dựng và thực thi, thúc đẩy hoạt động du lịch  dựa trên nền tảng cộng đồng bản địa, gắn với tri thức truyền thống địa phương, giá trị văn hóa đặc trưng và kết hợp sâu rộng với việc đầu tư sản xuất, kinh doanh các mô hình dược liệu và sản phẩm dược liệu là thế mạnh của địa phương tạo ra loại hình du lịch cộng đồng trong phát triển kinh tế du lịch bền vững và có chiều sâu.

Thực tiễn hiện nay ở các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều mô hình du lịch cộng đồng gắn với dược liệu. Đây là một xu hướng tất yếu trong xã hội hiện đại với nhiều như cầu  đa dạng khác nhau đặc biệt nhu cầu bảo vệ chăm sóc sức khỏe bằng những dược liệu từ thiên nhiên.

Dưới góc độ kinh tế, việc phát triển du lịch gắn với dược liệu nói chung và đặc biệt là du lịch cộng đồng gắn với dược liệu là một hướng đi đúng hướng gắn với giá trị chiều sâu của văn hóa, kinh nghiệm bản địa, cũng như thế mạnh tự nhiên, xã hội của các địa phương nơi có các điều kiện thuận lợi cho phát triển song trùng 2 lĩnh vực này từ đó là nhân tốt thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

2. Thực trạng phát triển kinh tế du lịch cộng đồng gắn với dược liệu ở Hà Giang hiện nay

2.1. Tiềm năng du lịch cộng đồng và dược liệu ở Hà Giang

2.1.1. Tiềm năng phát triển kinh tế du lịch cộng đồng

Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, có vị trí đường biên giới 277,5 km với Trung Quốc, phía đông, tây và nam Hà Giang giáp với các tỉnh có tiềm năng du lịch như: Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái. Bên cạnh đó, Hà Giang còn có nhiều tài nguyên du lịch bao gồm các tài nguyên tự nhiên như cao nguyên đá Đồng Văn, nhiều thác, hang động, ruộng bậc thang, rừng chè cổ thụ với nhiều cây chè di sản,...Tài nguyên nhân văn của Hà Giang cũng phong phú, bao gồm các giá trị bản sắc văn hoá của cộng đồng 19 dân tộc anh em, được bảo lưu và giữ gìn. Vì thế, ngành kinh tế dịch vụ du lịch Hà Giang có nhiều lợi thế để phát triển.

Thúc đẩy kinh tế du lịch cộng đồng trên nền tảng đa dạng các địa hình và văn hóa gắn với nhiều dân tộc anh em sinh sống tạo ra cho Hà Giang sự đa dạng về văn hóa, truyền thống canh tác, ẩm thực, cách thức sinh hoạt và nhà ở. Đây là một điểm nhấn quan trọng hấp dẫn và kích thích sự tìm hiểu, trải nghiệm  của khách du lịch với mô hình du lịch trải nghiệm cùng tham gia cùng cộng đồng và người bản địa. Các hình thức homestay, đi bộ khám phá cuộc sống con người và cảnh quan sinh thái,..đã tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch đặc biệt là khách quốc tế từ những quốc gia phát triển như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Ý, Isael, Anh, Mỹ,…

2.1.2. Tiềm năng phát triển dược liệu

Với địa hình có dải núi Tây Côn Lĩnh và Cao nguyên đá Đồng Văn đã tạo nên địa hình đa dạng thành 3 tiểu vùng mang đặc điểm khác nhau, với kiểu thời tiết á nhiệt đới và ôn đới phù hợp với phát triển cây dược liệu. Theo số liệu thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam có khoảng 3.948 loài cây dược liệu, trong đó tỉnh Hà Giang có trên 1100 loài, nhiều loại có diện tích lớn, giá trị kinh tế cao có thể kể đến như: Thảo Quả, Hương Thảo, Giảo Cổ Lam, Đỗ  Trọng, Đương Quy, Thiên Niên Kiện,…Trong sách đỏ Việt Nam (2007) Hà Giang có đến 78 loài cây thuốc quý hiếm như sau: [11] Theo số liệu điều tra năm 2013 của Viện Quy hoạch Nông nghiệp cho thấy, diện tích trồng dược liệu của Hà Giang là 10.722 ha, trong đó diện tích trồng Thảo Quả lên đến 9363 ha chiếm 87,3%, Hương Thảo 156 ha, Gừng và nghệ 565 ha, lá khôi 201 ha, Óc Chó 135 ha, Đỗ Trọng 115 ha, Ý Dĩ 100 ha, Ấu Tẩu 22ha,..[11].

Thời gian gần đây, với các chính sách mạnh mẽ của tỉnh trong việc xác định một trong 2 mũi nhọn trụ cột phát triển kinh tế của Hà Giang là dược liệu đã tạo ra các thuận lợi và thu hút nhiều doanh nghiệp và người dân tham gia trồng sản xuất, chế biến dược liệu với quy mô, sản lượng ngày càng lớn hơn. 19 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn với nhiều kinh nghiệm trong chế biến thuốc và chữa bệnh bằng phương pháp cổ truyền gắn với bài thuốc là tri thức truyền thống bản địa (đặc biệt là các tri  thức của dân tộc Dao đỏ) cũng là một ưu điểm tiềm năng cho sự phát triển của dược liệu gắn với du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, Hà Giang có vị trí địa lý thuận lợi; tiếp giáp với tỉnh Vân Nam là nơi nuôi, trồng và chế biến dược liệu hàng đầu của Trung Quốc nên rất thuận tiện trong việc giao lưu trao đổi hàng hóa và kinh nghiệm sản xuất với nước bạn. Nhờ hệ thống giao thông tương đối phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút khách du lịch đến các địa điểm nổi tiếng như vùng cao nguyên đá Đồng Văn, vùng du lịch sinh thái Hoàng Su Phì, Xín Mần..vv; kết hợp với giao lưu văn hóa chăm sóc sức khỏe và tiêu thụ sản phẩm dược liệu..

Như vậy, những yếu tố từ tự nhiên sinh thái, vị trí địa lý đến yếu tố xã hội, con người, giá trị văn hóa, tri thức truyền thống bản địa cho thấy các thuận lợi và tiềm năng cho sự phát triển của ngành kinh tế dược liệu ở Hà Giang đặc biệt trong xu hướng kết hợp các chuỗi ngắn gắn với sự phát triển của du lịch tỉnh nhà.

2.2. Định hướng và thực tiễn triển khai du lịch cộng đồng gắn với dược liệu ở Hà Giang hiện nay

2.2.1. Định hướng phát triển kinh tế du lịch gắn với dược liệu

Định hướng phát triển du lịch và dược liệu đã được Hà Giang quan tâm và đặt ra từ rất sớm. Từ năm 2011, UBND Tỉnh đã ban hành Đề án số 175/ĐA-UBND với mục đích cải tạo chăm sóc diện tích cây dược liệu lâu năm và trồng mới 4000 ha tạo vùng nguyên liệu tập trung thuận lợi cho thu hoạch và chế biến; Năm 2013 tỉnh đã thông qua quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2025; Tỉnh đã thông qua Tuyên bố Panhou năm 2012 về phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới;  Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định: Phát triển dược liệu gắn với xóa đói, giảm nghèo và phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững là 2 trong 5 chương trình trọng tâm. Tại hội nghị Du lịch và Dược liệu ngày 23/2/2019 tại Tả Phìn Hồ, 11 huyện và Thành phố đã ký tuyên bố chung về phát triển du lịch và dược. Tuyên bố đã đưa ra trong đó có 9 tiêu chí làm cơ sở cho các huyện, thành phố lựa chọn 1 làng mang đậm bản sắc của các dân tộc để đầu tư thành làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với dược liệu nhằm đảm bảo cho khách du lịch được trải nghiệm văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương khi đến với Hà Giang.

2.2.2. Thực tiễn triển khai phát triển kinh tế du lịch cộng đồng gắn với dược liệu ở Hà Giang hiện nay

Kết quả chung của ngành du lịch Hà Giang trong những năm gần đây đã tạo ra nhiều khởi sắc. Năm 2018, Hà Giang thu hút trên 1,1 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt trên 1.150 tỷ đồng; toàn tỉnh có 12 làng văn hóa du lịch tiêu biểu, thu hút lượng lớn khách đến tham quan, lưu trú, đem lại thu nhập tốt cho người dân địa phương[13] . Giai đoạn 2015 – 2018, Hà Giang đã trồng mới được trên 4.682 ha dược liệu.

Đối với hoạt động xây dựng du  lịch cộng đồng gắn kết với dược liệu trong chương trình tuyên bố Tả Phìn Hồ đã và đang được thực hiện khẩn trương, tích cực. Đa phần các huyện đã triển khai xây dựng Đề án, kế hoạch thực hiện xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với dược liệu. Tuyên bố trên đã thực hiện có một số kết quả sau:

Thứ nhất, trong việc thực hiện đề án và chuẩn bị các tiêu chí: Trong danh sách 11 huyện, thành phố đăng kí có các làng văn hóa du lịch tiêu biểu tại Thôn Nậm Đăm, huyện Quản Bạ đạt 8/9 tiêu chí, Thôn Nà Ràng, huyện Xí Mần, thôn Pả Vi Hạ, huyện Mèo Vạc đạt 6/9 tiêu chí. Còn lại các huyện, thành phố đang gấp rút hoàn thiện để trình UBND Tỉnh công nhận đáp ứng đủ chuẩn theo tuyên bố đã kí vào cuối năm 2019[10]. Nhìn chung, các huyện thực hiện tích cực, nhưng việc lựa chọn triển khai thời gian ngắn, chưa thực sự được nghiên cứu, tính toán kỹ nên gây khó khăn ít nhiều cho việc thực hiện chuẩn bị.

Thứ hai, trong quy hoạch lựa chọn vùng trồng dược liệu phục vụ gắn kết với làng văn hóa du lịch. Hiện nay, các huyện đã lựa chọn đăng kí các dược liệu chọn trồng gồm các dược liệu như: Xuyên Khung, Đinh Lăng, Đẳng Sâm, Atiso, Ích Mẫu, Địa Liền, Xạ Hương, Cây lá Khôi, Quế, Y Dĩ, Huyền Sâm, Chè Shan Tuyết với tổng số gần 50ha. Mô hình thôn nậm Đăm gắn với hợp tác xã Cộng đồng Nậm Đăm đã có cơ sở sản xuất, sơ chế, nơi trồng, ươm tạo và hơn 10 sản phẩm thành phẩm đang triển khai kênh phân phối tại các điểm du lịch.[10]Bên cạnh kết quả, còn một số tồn tại như: một số huyện còn không chủ động, lúng túng trong việc lựa chọn, xác định cây dược liệu nào có giá trị kinh tế cao, có thị trường bền vững, phù hợp với đặc thù khí hậu, địa lý đơn vị nên đã lựa chọn nhiều cây dược liệu đơn giản, như gia vị nấu ăn: xả, nghệ, húng quế, Bạc hà, Xạ hương, Hương nhu, Ý dĩ, Địa liền. Hoặc lựa chọn cây dược liệu mà chưa chắc chắn về đầu ra sản phẩm, chưa định hình việc chế biến sâu để tạo ra sản phẩm gắn với chuỗi giá trị ngắn của làng văn hóa du lịch đã chọn.

Thứ ba, trong phát triển sản phẩm dịch vụ gắn với dược liệu. Đến nay, mới chỉ có làng du lịch văn hóa gắn với sản phẩm dược liệu Nậm Đăm, Huyện Quản Bạ là  đã có hoạt động trải nghiệm du lịch cộng đồng với việc thăm quan và đã hình thành các sản phẩm dược liệu trưng bày và bán tại các điểm du lịch như: Cao Atiso, trà gừng, cao củ Dòm, Mạnh gân cốt cao, ngâm chân Thảo dược, Sinh lý rượu, là tắm và các tinh dầu, thuốc xoang. 10 đơn vị còn lại trong danh sách đăng ký của các huyện và thành phố vẫn chưa thực sự chủ động có vùng trồng dược liệu cũng như sản phẩm dược liệu [10]. Hiện nay các đơn vị này vẫn đang trong quá trình triển khai lựa chọn diện tích trồng, loại cây, xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng kế hoạch cụ thể liên quan đến đất, cơ sở sản xuất, thu hút nhà đầu tư và người dân tham gia, cũng như xác định đầu ra, kênh phân phối. Đa số huyện hiện nay mới đang bắt tay xây dựng nên các sản phẩm du lịch gắn với dược liệu chứ chưa có sản phẩm cụ thể, kể cả hình thức homestay hay loại dược liệu để trồng chứ chưa nói đến sản phẩm chế biến sâu của dược liệu. Ví dụ như: Làng Văn hóa du lịch Tân Sơn, Bắc Quang, Một số nơi thì đã có sẵn du lịch cộng đồng nhưng chưa có sản phẩm dược liệu như: Nậm Hồng của Hoàng Su Phì, Tân Nam của Quang Bình, hay tình huống tương tự ở làng văn hóa du lịch gắn dược liệu ở Nà Ràng, Khuôn Lùng, huyện Xí Mần.

Thứ tư, hoạt động liên kết, xúc tiến đầu tư, quảng bá. Hầu hết các huyện đều đã xây dựng Đề án và đã chủ động xúc tiến quảng bá giới thiệu điểm đến du lịch, làng văn hóa du lịch gắn với dược liệu trên các trang thông tin điện tử của huyện, một số chương trình xúc tiến du lịch, các sự kiện du lịch do tỉnh tổ chức như “Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Hà Giang di sản và hoa” tại Nha Trang, Khánh Hòa; Tham gia hội chợ tại Quảng Ninh, Lễ Hội 100 năm Chợ tình Khâu Vai huyện Mèo Vạc[10], Lễ Hội Hà Giang tại Hà Nội tháng 10/2019 nhằm quảng bá sản phẩm tiêu biểu của địa phương và thu hút xúc tiến đầu tư vào địa phương. Việc kết nối với các công ty du lịch còn nhiều hạn chế, chưa chủ động, việc xúc tiến đầu tư quảng bá vẫn bị động chủ yếu theo các chương trình chung của Tỉnh, nhiều huyện chưa có chương trình riêng. Do đó việc triển khai đề án chưa thu hút được các nhà đầu tư thực sự đủ lực để tham gia vào các khâu sản xuất dược liệu kết hợp với du lịch cộng đồng của cư dân bản địa.

Thứ năm, nguồn nhân lựcphát triển du lịch và dược liệu. Đây là một trong những vấn đề khó khăn, thách thức lớn của thực hiện đề án. Hiện tại đa phần các địa phương mới có nhân lực đáp ứng một phần cho hoạt động du lịch cộng đồng. Đã có khoảng 300 nhân sự đã được đào tào, tập huấn các lớp ngắn hạn do tỉnh, huyện tổ chức, số người có thể giao tiếp tiếng Anh hạn chế là khoảng 50 người như ở Thôn Nậm Đăm, Nậm Hồng, Hạ Thành, Lũng Cẩm Trên,..[10]. Đối với nhân lực trong lĩnh vực trồng chế biến dược liệu ngoài một số nhân lực rải rác từ những kinh nghiệm của đồng bào dân tộc hay khu tập trung phát triển HTX Dược liệu Nậm Đăm, Quản Bạ thì đa phần các huyện, thành phố còn lại thực sự lúng túng. Nhiều gia đình làm du lịch dịch vụ chưa có tính chuyên nghiệp, đa phần chưa được qua đào tạo, hạn chế giao tiếp ngoại ngữ với du khách; Khả năng quản lý, điều hành một cơ sở du lịch cộng đồng cũng như các kỹ năng nấu ăn, phục vụ khách hàng, giao tiếp còn nhiều bất cập, hạn chế.

Thứ sáu, về các đặc trưng, sự khác biệt và lợi thế so sánh của tiểu vùng: Ngoài những yếu tố tự nhiên do địa hình và vị trí địa lý mang lại, việc tạo sự khác biệt trong xây dựng tổng thể các giá trị điểm dến, sản phẩm dịch vụ của các địa phương ở Hà Giang chưa thực sự rõ rệt. Các nét văn hóa gắn trang phục đồng bào, ẩm thực, sản phẩm quà tặng, lưu niệm khá giống nhau ở các huyện tất cả các yếu tố này tạo ra sự nhàm chán và gây sự  kém hấp dẫn cho các địa phương trong thu hút khách du lịch trải nghiệm và khám phá văn hóa, truyền thống cư dân bản địa. 

2.3. Đánh giá nguyên nhân của những tồn tại trong triển khai phát triển kinh tế du lịch cộng đồng gắn với dược liệu ở Hà Giang

Thứ nhất, do chủ trương thực hiện từ tỉnh xuống và gấp gáp trong một thời gian ngắn do đó dẫn đến các địa phương cấp huyện, thành phố còn chưa được chủ động, không có nhiều thời gian để nghiên cứu lựa chọn một cách hiệu quả nhất.

Thứ hai, Việc phát triển kinh tế du lịch cộng đồng gắn với dược liệu là một hướng đi tốt, nhưng việc đưa mô hình mỗi huyện, thành phố phải  có 1 làng văn hóa du lịch gắn với dược liệu áp dụng đồng loạt sẽ gây khó khăn trong thực thi. Không phải vùng nào cũng có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và kinh nghiệm sản xuất phù hợp với nhiều loại dược liệu. Nên cân nhắc giao cho các địa phương được nghiên cứu, lựa chọn các mô hình sao cho phù hợp với lợi thế cạnh tranh, kinh nghiệm thực tiễn của địa bàn mình.

Thứ ba, Về góc độ hấp dẫn du lịch nếu các huyện đồng loại có kiểu tổ chức sản phẩm giống nhau thì cũng sẽ làm mất sức hấp dẫn đối với du khách khám phá, vì họ chỉ đi 1 huyện là biết các huyện còn lại. Bên cạnh đó, nếu trường hợp có sự khác biệt nhưng có huyện sẽ tập trung trồng 1 số loại dược liệu mà khó tạo ra sản phẩm gắn với du lịch được ví dụ: Trồng cây lá Khôi ở Bắc Quang và Quang Bình. Bản thân cây lá khôi chỉ là 1 vị trong bài thuốc về dạ dày và trào ngược dạ dày, trồng lá khôi sẽ khó tạo ra sản phẩm tạo chuỗi ngắn, cũng kém hấp dẫn  khi khách chỉ đến thăm quan vườn lá khôi chứ không có hoạt động  sản xuất, chế biến sản phẩm sâu.

Thứ tư, các đề án còn chưa thực sự gắn kết với các quy hoạch liên quan. Nếu thiếu các quy hoạch liên quan và điều chỉnh phù hợp thì việc triển khai mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với dược liệu sẽ gặp khó khăn như: quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất với diện tích đất và chuyển đổi mục đích sang đất thương mại, dịch vụ; quy hoạch phát triển dược liệu, về cơ sở hạ tầng kỹ thuật,…

Thứ năm, về kinh phí triển khai Đề án. Hiện nay các nguồn kinh phí triển khai đề án và kế hoạch vẫn  đang là nguồn kinh phí chủ yếu từ các địa phương nên gây khó khăn cho công tác xây dựng kế hoạch và phân công, tổ chức triển khai.

Thứ sáu, về nguồn nhân lực phát triển du lịch và dược liệu. Với mô hình làng văn hóa du lịch gắn với dược liệu đi liền song trùng dẫn đến khó khăn thực sự cho việc huy động nguồn nhận lực sẵn có ở địa phương, Thực tế không phải địa phương, làng nào cũng có các kinh nghiệm trên cả 2 lĩnh vực để hoạt động, đặc biệt đối với các lĩnh vực dược liệu, dược phẩm cần phải có những người có tay nghề, chuyên môn, được đào tạo mới có khả năng triển khai và sản xuất chế biến sâu tạo sản phẩm du lịch địa phương. Nguyên nhân này dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực triển khai đề án một cách toàn diện, gây khó khăn khi tìm các nhà đầu tư và thu hút họ tham gia vào chuỗi sản xuất.

Thứ bảy, hoạt động liên kết, xúc tiến đầu tư, quảng bá. Có một số yếu tố dẫn đến việc liên kết, xúc tiến đầu tư, quảng cáo chưa thực sự hiệu quả là do các vấn đề liên quan như: Nhân sự trong quản lý cấp phòng của Ủy ban nhân dân huyện còn mỏng, kinh phí thực hiện cho Đề án chưa có nguồn riêng nên việc bố trí kinh phí cho tổ chức xúc tiến, quảng bá hạn chế. Bản thân năng lực của các hộ gia đình tham gia du lịch cộng đồng nặng lực và kinh nghiệm về truyền thống, quảng bá hạn chế trong khi đó mô hình liên kết giữa các công ty du lịch và chủ hộ homestay (Du lịch cộng đồng theo nghĩa rộng) để triển khai sẽ thuận hơn như của Hoàng Su Phì Lodge của Nậm Hồng, Huyện Hoàng Su Phì nhưng hiện nay mô hình này còn ít, chưa thực sự phổ biến.

3. Một số giải pháp phát triển kinh tế du lịch cộng đồng gắn với dược liệu ở Hà Giang

Có thể nói, chính sách phát triển du lịch và dược liệu của Hà Giang hiện nay là một hướng đi đúng. Bên cạnh những ưu điểm, trong quá trình thực hiện chính sách cũng có bộc lộ hạn chế, tồn tại. Để góp phần đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện mô hình phát triển du lịch gắn với dược liệu, cần cân nhắc thực hiện các vấn đề sau:

Thứ nhất, cần cân nhắc cơ chế chính sách linh hoạt có sự lựa chọn mô hình phát triển cụ thể cho phù hợp các địa phương, Trao quyền quyết định cho địa phương  lựa chọn phương thức, hướng đi và mô hình phát triển cả du lịch và dược liệu ở các địa phương khác nhau  sao cho khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh, tiềm năng của từng huyện, thành phố trong phát triển làng văn hóa du lịch và dược liệu. Có thể khuyến khích thực hiện có một số mô hình để địa phương lựa chọn phù hợp ở các dạng thức như sau: Mô hình có đủ cả du lịch gắn với  dược liệu; mô hình có làng văn hóa du lịch và hoạt động sản xuất dược liệu là cơ sở khác trong phạm vi không gian gần cạnh của địa phương.

Thứ hai,  đối với việc lựa chọn cây dược liệu. Các địa phương vẫn tiếp tục triển khai nội dung như Đề án đã xây dựng nhưng về lâu dài, trong quá trình thực hiện cần song song nghiên cứu nghiêm túc, có căn cứ việc lựa chọn cây dược liệu hiệu quả. Tỉnh  nên cân nhắc theo hướng cho các huyện bổ sung các loại cây đa dạng hơn hoặc điều chỉnh loại cây dược liệu đã đăng kí trong Đề án thành cây dược liệu khác hiệu quả, đặc sắc và hợp với vùng khí hậu, thổ nhưỡng địa phương hơn. Việc này nếu có thể nên để các doanh nghiệp, các gia đình sản xuất dược liệu trong chuỗi xem xét thị trường, gắn kết sản xuất chế biến sâu chủ động đề xuất và tham gia.

Thứ ba, về tiêu chí thực hiện làng văn hóa du lịch gắn với dược liệu cần tập trung vào các tiêu chí chính, xem xét chú trọng hơn các tiêu chí liên quan đến tính bản sắc, tính đặc thù, khác biệt của sản phẩm du lịch và dược liệu của mỗi địa phương làm sao cho tạo sức hút hấp dẫn đối với khách du lịch khi tham quan trải nghiệm. Các tiêu chí chính cần tạo sự khác biệt giữa các địa phương có thể xem xét như: Kiểu nhà ở, ẩm thực và cách chế biến đặc sắc khác biệt, trang phục dân tộc, các sản phẩm lưu niệm và nghề thủ công, cách thức phục vụ, trang trí phòng, nơi lưu trú, các khu sinh hoạt chung với biểu tượng văn hóa, tri thức truyền thống, phương thức sinh hoạt đa dạng, các loại dược liệu và sản phẩm chế phẩm đa dạng gắn với bản địa. Như vậy, sẽ góp phần tạo 1 bản đồ du lịch Hà Giang sinh động, hấp dẫn và mỗi huyện, thành phố là là một màu sắc, một phong cách, một bản sắc riêng có. Để làm được việc trên, cần có vai trò điều hành sâu sát và chỉ đạo chung của UBND Tỉnh và các cơ quan chuyên môn của Sở, Ban, ngành.

Thứ tư, về việc chế biến sâu các sản phẩm dược liệu, tạo sự đa dạng của các sản phẩm du lịch gắn bản sắc địa phương. Tỉnh cần thuê các nhóm chuyên gia theo 2 mảng du lịch (du lịch, văn hóa, dân tộc,..) và dược liệu (trồng, chế biến sản phẩm, thương hiệu,..)  để tư vấn triển khai cho các huyện và chỉnh thể quy hoạch toàn tỉnh về mô hình làng văn hóa du lịch gắn với dược liệu để đảm bảo quy hoạch không chồng chéo, có bản sắc riêng của từng địa phương và đảm bảo hỗ trợ các địa phương chuyên nghiệp trong triển khai.

Thứ năm, Mỗi địa phương cần xây dựng phương án lựa chọn loại hình sản phẩm để làm định hướng phát triển kinh tế du lịch cộng đồng. Để làm được điều đó, cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như cuộc sống cư dân bản địa, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt,… nhằm định hướng các giá trị cốt lõi của cộng đồng, giữ gìn và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy. Để khắc phục các hạn chế về nguồn lực, cơ sở hạ tầng nhất là vùng sâu vùng xa, cần nghiên cứu lựa chọn mô hình du lịch đòi hỏi ít nguồn lực nhưng lại phát huy được lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, sắc thái văn hoá bản địa của cộng đồng các dân tộc

Thứ sáu, về vấn đề quy hoạch và tháo gỡ các vấn đề về tài chính. Tỉnh cần nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách của các huyện, thành phố đặc biệt liên quan đến vấn đề quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp và giấy phép xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng các khu du lịch được quy hoạch, vấn đề nguồn kinh phí riêng để triển khai chính sách, cũng như các cơ chế chính sách, thủ tục thuận lợi rõ ràng cho việc thu hút các nhà đầu tư tham gia. Tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong quy hoạch, chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất, hoàn thiện giấy phép xây dựng, thủ tục đầu tư cần nhanh chóng và đảm bảo đầy đủ đúng quy định của nhà nước trước khi triển khai các dự án, từ đó sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư, người dân tham gia và triển khai hiệu quả.

Thứ bảy, việc liên kết, xúc tiến đầu tư và truyền thông, quảng bá. Hiện nay tỉnh đang thực hiện khá tốt, song cũng cần tiếp tục triển khai thêm nhiều hoạt động hơn nữa, áp dụng các phương thức quảng bá, xúc tiến qua nhiều kênh, đặc biệt chú trọng các kênh online như trên cổng thông tin điện tử với nhiều ngôn ngữ thông tin đầy đủ về các chính sách và việc thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cũng phân cấp cho các địa phương chủ động hơn nữa trong việc xúc tiến thu hút đầu tư  để phát triển du lịch và dược liệu đặc biệt đối với chính sách phát triển làng văn hóa du lịch gắn với dược liệu. Cần phải có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp lữ hành tiêu thụ các sản phẩm do người dân địa phương làm ra. Làm được điều này có nghĩa là đã giúp được người dân tăng thêm thu nhập, có công ăn việc làm ổn định và tạo ra ý thức giữ gìn các truyền thống bản sắc của dân tộc mình[4]. Đó là đóng góp của du lịch cho việc xóa đói giảm nghèo ở địa phương phát triển du lich.  

Thứ tám, về nguồn nhân lực phát triển du lịch và dược liệu: Cần có chính sách khuyến khích, thu hút người có kinh nghiệm, khả năng, có bằng cấp được đào tạo bài bản trong lĩnh vực du lịch và dược liệu là người địa phương về công tác, đầu tư, kinh doanh tại Hà Giang để bổ sung nguồn nhân lực có trình độ. Chú trọng công tác tập huấn cho người dân làm du lịch thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Thực tế là tại các bản du lịch đội ngũ lao động hầu như chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu là kinh doanh tự phát, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, kiến thức trong nghề ít, ngại va chạm, chủ yếu là nhiệt tình và hiếu khách. Chính vì thế muốn cho hoạt động du lịch ở các làng văn hóa du lịch thành công thì phải đầu tư cho con người, đó là đầu tư mang tính chiến lược. Đào tạo từ những người làm công tác quản lý tại các tuyến điểm và những cư dân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch để áp dụng một cách khoa học, linh hoạt, sáng tạo công nghệ đón tiếp và phục vụ khách du lịch[1]. Bên cạnh đó, cần tổ chức nhiều hơn nữa các khóa tập huấn, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng trong việc tổ chức, vận hành, tham gia vào các công đoạn của du lịch cộng đồng, các lớp học ngoại ngữ, các lớp học về trồng, chế biến sản phẩm dược liệu,.. Ngoài kinh phí của tỉnh và địa phương, cần thông qua kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức NGO, các tổ chức tình nguyện nước ngoài trong việc hỗ trợ dạy ngoại ngữ, mở rộng hợp tác kết nghĩa với các địa phương làm tốt hoạt động du lịch để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Riêng lĩnh vực liên quan đến dược liệu, cần tăng cường hợp tác với trường, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này để thường xuyên trao đổi học hỏi, tổ chức kết nghĩa, hợp tác với các đơn vị trên để mỗi huyện sẽ nhận được một, hoặc một số hoạt động hỗ trợ giúp nâng cao trình độ của nhân lực hiện tại của địa phương, hoặc thu hút các đơn vị có khả năng, kinh nghiệm về triển khai làm đầu tàu kích thích sự phát triển theo hướng dần chuyên nghiệp của lĩnh vực dược liệu tại địa phương.

Thứ chín, cơ quan quản lý chuyên ngành ở địa phương với chức năng nhiệm vụ không ngừng nâng cao công tác quản lý hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhằm phối kết hợp khai thác tốt các điểm du lịch tại địa phương, giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc thu hút khách du lịch góp phần xây dựng kinh tế xã hội ở địa phương[4]. Chính quyền địa phương giúp đỡ hướng dẫn các làng văn hóa du lịch tổ chức công việc đón tiếp ứng xử với khách; giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc như kiến trúc nhà ở, trang phục; giữ gìn bảo vệ môi trường vệ sinh; bảo đảm an ninh trật tự cho khách du lịch, nghiên cứu sưu tầm các truyền thống văn hoá dân tộc tiên tiến đưa vào phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần có những ưu đãi về chính sách nhằm thu hút các công ty lữ hành khai thác và liên kết các tour du lịch, đồng thời, đa dạng hóa loại hình dịch vụ như: các hoạt động dưới hình thức tham gia vào một số công đoạn sản xuất/canh tác nông nghiệp gắn với dược liệu; thăm quan phong cảnh, con người, văn hóa và lối sống của người dân… để giúp du khách trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người dân bản địa và khám phá những nét đặc sắc về văn hóa, phong tục, nếp sống nơi đây.

Thứ mười, Tỉnh cần có chính sách khuyến khích việc thành lập và tổ chức thực hiện hiệu quả các công ty du lịch lữ hành của địa phương. Khuyến khích họ nâng cao trình độ và hợp tác bền vững với các tổ chức, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước để tham gia xây dựng tour, tuyến, chương trình du lịch, xây dựng ấn phẩm quảng bá tuyên truyền, tham gia hỗ trợ nhà dân hoàn thiện nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách [1]. Xây dựng những sản phẩm du lịch với những yếu tố độc đáo sẽ thôi thúc du khách tìm đến nhằm thoả mãn nhu cầu, tránh được sự nhàm chán như tổ chức các lễ hội tại các bản, tái hiện các trò chơi dân gian, đầu tư  phát triển các  nghề truyền thống, tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ dân gian, lửa trại và các sản phẩm dược phẩm đặc sắc của địa phương.

Thứ mười một, các cấp, ngành ở địa phương tập trung đầu tư hạ tầng cho du lịch nói chung đặc biệt là làng văn hóa du lịch gắn với dược liệu, trong đó chú trọng tập trung các làng văn hóa du lịch cộng động gắn với dược liệu đã được quy hoạch triển khai. Thực hiện hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho người dân nhưng phải đảm bảo các yếu tố giữ gìn cảnh quan môi trường, phong tục tập quán, truyền thống văn hoá. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với dược liệu phải chú ý công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử bản địa, tránh sự lai căng, biến chất của những giá trị cốt lõi của không gian văn hóa và cộng đồng dân cư nằm trong vùng dự án; đảm bảo giao thông thuận tiện an ninh trật tự, an toàn xã hội; vệ sinh môi trường; đặc biệt cộng đồng cư dân nơi du lịch phát triển phải được hưởng lợi từ việc phát triển kinh tế du lịch cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu rộng rãi loại hình du lịch dựa vào cộng đồng đến du khách gần xa, đặc biệt là khách quốc tế trên các phương tiện thông tin đại chúng để từ đó tạo sức hút đầu tư và lợi ích từ loại hình này để tiếp tục tái đầu tư cơ sở hạ tầng bền vững.[1]

Kết luận

Như phân tích trên đây, một lần nữa khẳng định định hướng phát triểnn du lịch và dược liệu, cũng như xác định đây là hai trụ cột quan trọng và là động lực trong  thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Giang là một định hướng hoàn toàn đúng đắn. Định hướng này cho đến nay đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực cho kinh tế xã hội, đời sống của người dân ở một số vùng gắn với du lịch được nâng lên, tạo được một luồng sinh khí mới hào hứng của người dân. Với chính sách này, sẽ thúc đẩy các hoạt động lữ hành kết nối du lịch cộng đồng, văn hóa bản địa được duy trì, các ngành nghề truyền thống được khôi phục, các sản phẩm lưu niệm từ nguyên liệu địa phương được phát triển. Các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân tộc, các dịch vụ sử dụng các kiến thức bản địa được khôi phục và đưa vào cùng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, hỗ trợ thực hiện các mô hình homestay, người dân nhận thức rõ việc giữ gìn, phát huy bản sắc cộng đồng và môi trường sống là tiêu chí để thu hút và duy trì du khách. Thu nhập càng tăng, tác động xã hội càng lớn. Đem lại nhiều công việc, thu nhập cho người dân, đời sống văn hóa cũng tinh tế hơn. Bên cạnh sự phát triển kinh tế du lịch cộng đồng và dược liệu nói chung, chinh sách phát triển làng văn hóa du lịch gắn với dược liệu được thực hiện trong thời gian gần đây cũng đã khẳng định thêm một lần nữa một hướng đi rõ ràng hơn. Những giải pháp được nhóm tác giả đưa ra ở trên hy vọng sẽ là những gợi ý góp phần hoàn thiện hơn nữa chính sách và mang lại hiệu quả tốt hơn cho Hà Giang. Trong bước đầu triển khai một số thuận lợi, nhưng cũng không ít những khó khăn, thách thức song với quyết tâm chính trị và sự quyết liệt đồng bộ của các cấp, các ngành của tỉnh và địa phương, chắc chắn Hà Giang sẽ thực hiện thắng lợi chính sách và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững.

 

Tài liệu tham khảo

1. Đoàn Mạnh Cương (2018) Phát triển kinh tế du lịch cộng đồng góp phần xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững.

2. Nguyễn Chiến (2019) Hướng tới phát triển du lịch bền vững ở Hoàng Su Phì (Thông tấn xã Việt Nam,2019)

3. Phạm Thị Hồng Cúc - Ngô Thanh Loan (2016), Du lịch cộng đồng góp phần xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, Tập 19, Số X5-2016, pp.5-11.

4. Thùy Giang (2018) Phát triển kinh tế dược liệu: Kho báu khởi đầu từ cộng đồng. VietnamPlus

5. http://www.itdr.org.vn/vi/nghiencuu-traodoi/831, Võ Quế, Xóa đói giảm nghèo thông qua phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, (15/8/2014).

6. http://www.itdr.org.vn. Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển kinh tế du lịch cộng đồng ở một số địa phương tại Việt Nam (11/9/2018)

7. http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/18991, Du lịch cộng đồng: Xu hướng phát triển du lịch bền vững, Cập nhật: 08:35:49, Thứ ba, 06/10/2015. 

8. Diệu Linh (2014) Du lịch cộng đồng - hướng phát triển bền vững, (https://vov.vn/du-lich)

9. http://dangcongsan.vn/453861.html, Quang Minh, Phát triển kinh tế du lịch cộng đồng để thoát nghèo, Cập nhật: 18:11 15/09/2017.

10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang (2019) Báo cáo kết quả triển khai thực hiện tuyên bố chung về phát triển du lịch và dược liệu 6 tháng đầu năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019

11. Sở NN&PTNT Hà Giang (2013) Quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2025;

12. Minh Tâm; Hồng Cừ (2019) Xây dựng Hà Giang thành vùng trọng điểm quốc gia về dược liệu. Báo Hà Giang.

13. Báo Hà Giang (2019) Hội nghị phát triển Du lịch và Dược liệu (23/2/2019)

14. Huyền Trang (2017) Phát triển vùng cây dược liệu gắn với du lịch ở Lào Cai (Laocaitv.vn)

15. https://www.quangninh.gov.vn. Quảng Ninh định hướng phát triển du lịch dược liệu gắn với sinh thái.

 

 

PHỤ LỤC

Bảng 1.Danh mục các cây thuốc ở tỉnh Hà Giang có trong Sách đỏ Việt Nam (2007)

 

STT

Tên thường dùng

Tên khoa học

Họ

 

1

Ngũ gia bì hương

Acanthopanax gracilistylus W.W. Smith

Araliaceae

 

2

Ngũ gia bi gai

Acanthopanax trifoliatus (L) Merr.

Araliaceae

 

3

Dương kỳ thảo

Achillea millefolium L.

Asteraceae

 

4

Lệ dương

Aeginetia indica L.

Orobanchaceae

 

5

Tẩm

Altingia chinensis Olive ex Hance

Altingiaceae

 

6

Kim tuyến ( Kim

tuyến đá vôi)

 

Anoectochilus calcareus Aver.

 

Orchidaceae

 

7

Kim tuyến

Anoectochilus sectaceus Blume

Orchidaceae

 

8

 

Trầm hương

 

Aquilaria crassna

 

Thymelaeaceae

 

9

Lá khôi tía

Ardisia sylvestris Pit (R)

Myrsinaceae

 

10

 

Mã đâu linh lá to

Aristolochia kwangsiensis Chun et How ex

Liang

 

Aristolochiaceae

 

11

Chu sa liên

Aristolochia tuberosa Liang et Hwang in Liang

Aristolochiaceae

 

12

Biến hoá núi cao

Asarum balansae Frach.

Aristolochiaceae

 

13

Biến hoá

Asarum caudigerum Hance

Aristolochiaceae

 

14

Hoa tiên

Asarum glabrum Merr.

Aristolochiaceae

 

15

Nấm đất

Balanophora laxiflora Hemsl.

Balanophoraceae

 

16

Bách xanh

Calocedrus macrolepis Kurz

Cupressaceae

 

17

Trám đen

Canarium tramdenum Dai & Yakovl.

Burseraceae

18

Xương cá

Canthium dicoccum (Gaertn.) Teysm. & Binn.

Rubiaceae

 

19

Lát hoa

Chukrasia tabularis A.Juss

Meliaceae

 

20

Vù hương

Cinnamomum balansae Lec.

Lauraceae

 

21

Re hương

Cinnamomum parthenoxylon Meisn.

Lauraceae

 

22

Đại kế

Cirsium japonicum Fish. ex DC.

Asteraceae

 

23

Luân kế

Cirsium leducei (Franch.) Levl.

Asteraceae

 

24

Đảng sâm

Codonopsis javanica (Blume.) Hook.

Campanulaceae

 

25

Ngân đằng

Codonopsis celebica (Blume) Thuan

Campanulaceae

 

26

Hoàng liên Trung

Quốc

Coptis chinensis Franch

Ranunculaceae

 

27

Hoàng liên chân gà

Coptis quinquesecta W.T.Wang

Ranunculaceae

 

28

Lan hoàng thảo hồng

Dendrobium chrysanthum Lindl.

Orchidaceae

 

29

Thạch hộc tua

Dendrobium fimbriatum Hook.

Orchidaceae

 

30

Đại giác

Dendrobium longicornuLindl.

Orchidaceae

 

31

Hoàng thảo hoa

trắng-vàng

Dendrobium nobile var. alboluteum Huyen &

Aver

Orchidaceae

 

32

Tục đoạn nhọn

Dipsacus asper Wall.ex DC.

Dipsacaceae

 

33

Hoàng tinh

Disporopsis longifolia Craib

Convallariaceae

 

34

Cốt toái bổ bon

Drynaria bonii H. Christ.

Polypodiaceae

 

35

Cốt toái bổ

Drynaria fortunei (L.) J.Sm.

Polypodiaceae

 

36

Kinh giới bông

Elsholtzia communis (Coll. et Hemsl.) Diels

Lamiaceae

 

37

Chùa dù

Elsholtzia penduliflora W.W. Smith

Lamiaceae

 

38

Kinh giới nhăn

Elsholtzia rugulosa Hemsl.

Lamiaceae

 

39

Thù du ngũ gia bì gai

Evodiopanax evodiifolius (Franch.) Nakai.

Araliaceae

 

40

 

Nghiến

Excentrodendron tonkinense (Gagnep.) Chang

& Miau

 

Tiliaceae

 

41

Hà thủ ô đỏ

Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson

Polygonaceae

 

42

Pơ mu

Fokienia hodginsii Herry et Thomas.

Cupressaceae

 

43

Châu thụ

Gaultheria fragrantissma Wall.

Ericaceae

 

44

Giảo cổ lam

Gynostemma pentaphyllum (Thunb.)Makino.

Cucurbitaceae

 

45

 

Thanh giáp

Helwingia himalaica Hook. f. et Thom. ex

C.B. Clake

 

Helwingiaceae

 

46

Hồi núi

Illicium defengpi B.N. Chang

Illiciaceae

 

47

Na rừng

Kadsura heteroclida (Roxb.) Craib

Schisandraceae

 

48

 

Bách hợp

Lilium brownii F. E. Brown ex Mill. var.

viridulum Baker

 

Liliaceae

 

49

Hồi nước

Limnophila rugosa (Roth) Merr.

Scrophulariaceae

 

50

Sến mật

Madhuca pasquieri H. J. Lam

Sapotaceae

 

51

Hoàng liên ô rô

Mahonia bealii (Fort.) Pynaert

Berberidacae

 

52

Mã hồ

Mahonia nepalensis DC.

Berberidaceae

 

53

Rau sắng

Melientha suavis Pierre

Opiliaceae

 

54

Giổi lông

Michelia balansae (A.DC.) Dandy

Magnoliaceae

 

55

Xay răng nhọn

Myrsine semiserrata Wall. in Roxb.

Myrsinaceae

 

56

Lan một lá

Nervilia aragoana Gaudich.

Orchidaceae

 

57

Thanh thiên quỳ

Nervilia fordii (Hance) Schlechter

Orchidaceae

 

58

Xà bì bắc bộ

Ophiopogon tonkinensis Rodr.

Convallariaceae

 

59

Sâm vũ diệp

Panax bipinnatifidum Seem

Araliaceae

 

60

Giổi xương, giổi

Găng

 

Paramichelia baillonii (Pierre) S. Y. Hu

 

Magnoliaceae

 

61

Sâm cau

Peliosanthes teta Andr.

Convallariaceae

 

62

Trúc đen

Phyllostachys nigra (Lodd. ex Loud.) Munro

Poaceae

 

63

Bát giác liên

Podophyllum tonkinensis Gagnep.

Berberidaceae

 

64

Hoàng tinh vòng

Polygonatum kingianum Coll. Hemsl.

Convallariaceae

 

65

Ba gạc

Rauvolfia verticillata (Lour.) Baill.

Apocynaceae

 

66

Thủy bồn thảo

Sedum sarmentorum Bunge

Crassulaceae

 

67

Hoè Bắc bộ

Sophora tonkinensis Gagnep.

Fabaceae

 

68

Bình vôi hoa đầu

Stephania cepharantha Hayata

Menispermaceae

 

69

Mã tiền tán

Strychnos umbellata (Lour.) Merr.

Loganiaceae

 

70

Ngải rợm

Tacca integrifolia Ker-Gawl.

Taccaceae

 

71

Râu hùm Việt Nam

Tacca subflabellata P.P. Ling & C.T. Ting

Taccaceae

 

72

Thông đỏ lá ngắn

Taxus chinensis (Pilg.) Rehd.

Taxaceae

 

73

Thổ Hoàng liên

Thalictrum foliolosum DC.

Ranunculaceae

 

74

Củ gió

Tinospora sagittata (Olive) Gagnep.

Menispermaceae

 

75

Giổi lụa

Tsoongiodendron odorum Chun

Magnoliaceae

 

76

Nữ lang

Valeriana hardwickii Wall. in Roxb.

Valerianaceae

 

77

Sì to

Valeriana jatamansi Jones

Valerianaceae

 

78

Thông vàng

Xanthocyparis vietnamensis Hiep et Loc

Cupressaceae

 

Nguồn: Quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2025

 

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu kinh tế, ISSN 0866.7489, số 12 (499), tháng 12/2019

In trang Chia sẻ

Tin khác