Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

17:00 31/12/2020
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

Lê Thị Thúy1

 

Tóm tắt: Trải qua 42 năm cải cách và mở cửa, Đảng Cộng sản Trung Quốc không ngừng coi trọng tổng kết thực tiễn và khái quát hóa thành lý luận. Thành tựu lớn nhất đến nay về mặt lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc là đã làm rõ những vấn đề cơ bản về nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Quá trình phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc là quá trình thực hiện những bước đi tôn trọng tính qui luật, khiến cho cải cách kinh tế ở Trung Quốc thành công. Nghiên cứu vấn đề này ở Trung Quốc giúp có được những bài học kinh nghiệm có giá trị cho phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. 

Từ khóa: Đảng Cộng sản Trung Quốc, thể chế kinh tế, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa

 

Completing the Institutional Framework of Socialist Market Economy in China and Lessons of Experience for Vietnam

Over 42 years of reform and opening up, the Communist Party of China (CPC) has incessantly attached importance to synthesizing the real situation and generalizing it into theory. The most important theoretical achievement of the CPC so far is that it has clarified the basics of China's characteristic socialist market economy. The development of the socialist market economy in China is the process of taking steps upholding the rule of development, making the economic reform in the country successful. The research of the issue in China provides valuable lessons of experience for the development of a socialist-oriented market economy in Vietnam.

 

1. Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc[1]

Cách đây 42 năm, tại Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) Đảng Cộng sản Trung Quốc họp cuối tháng 12/1978 đã mở ra một thời kỳ mới cho nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong công cuộc cải cách, mở cửa, hội nhập quốc tế: chuyển trọng tâm công tác của toàn Đảng từ trước đó “lấy đấu tranh giai cấp là cương lĩnh” sang “xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm”, thực hiện cải cách và mở cửa, xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Trong suốt quá trình 42 năm cải cách và mở cửa, Đảng Cộng sản Trung Quốc không ngừng tìm tòi về mặt lý luận, coi trọng tổng kết thực tiễn, sau đó khái quát hóa thành lý luận để chỉ đạo thực tiễn mới. Thành tựu lớn nhất đến nay về mặt lý luận là Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xây dựng và làm rõ lý luận về nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.

Năm 1979, Đặng Tiểu Bình là người khởi xướng công cuộc cải cách và mở cửa trong bối cảnh Trung Quốc rơi vào tình trạng nghèo đói sau nhiều biến động về chính trị và yếu kém về kinh tế. Ông cho rằng: “Kế hoạch nhiều hơn hay thị trường nhiều hơn không phải là sự khác biệt bản chất giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Kinh tế kế hoạch không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản cũng có kế hoạch. Kinh tế thị trường không phải là chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội cũng có thị trường”[2]. Ông khẳng định: “Kết hợp kinh tế kế hoạch với kinh tế thị trường sẽ càng có thể giải phóng lực lượng sản xuất, đẩy nhanh phát triển kinh tế”[3]. Dưới sự chỉ dẫn này của Đặng Tiểu Bình, Đại hội XIV (10/1992) của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nêu rõ ràng, mục tiêu cải cách thể chế kinh tế của Trung Quốc là xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Hội nghị trung ương lần thứ 3 khóa XIV đã phác họa bộ khung cơ bản của kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa: “Lấy chế độ công hữu làm chủ thể, nhiều thành phần kinh tế cùng phát triển… xây dựng hệ thống thị trường mở cửa thống nhất trong cả nước; chuyên đổi chức năng quản lý kinh tế của Chính phủ, xây dựng hệ thống điều tiết vĩ mô hoàn thiện lấy biện pháp gián tiếp là chính…”[4]. Đại hội XV của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chú trọng việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tương đối toàn diện và bảo đảm kinh tế quốc dân tiếp tục phát triển nhanh chóng, lành mạnh; coi đó là hai bài toán lớn cần giải quyết xong trong 10 năm đầu thế kỷ XXI. Đại hội XV đột phá vào vấn đề cốt lõi của xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc là vấn đề sở hữu. Sở hữu là mặt chủ yếu có tính chất quyết định nhất trong quan hệ sản xuất, mà quan hệ sản xuất lại quyết định kinh tế thị trường, cho nên sở hữu có tác động đến chế độ xã hội. Trung Quốc giải quyết được vấn đề sở hữu coi như giải quyết được vấn đề căn bản của cách mạng xã hội. Sở hữu là gốc rễ của cải cách doanh nghiệp nhà nước; đồng thời là cơ sở phái sinh phương thức phân phối, thông qua phân phối thể hiện bản chất của chế độ sở hữu. Bản chất của sở hữu nhà nước xã hội chủ nghĩa là giải phóng và phát triển sức sản xuất, nâng cao mức sống nhân dân.

Đại hội XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra thêm một bước, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa vẫn là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của việc xây dựng và cải cách trong 20 năm đầu thế kỷ XXI.

Đến Đại hội XVIII, Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu lên nội dung quan trọng nhất của hoàn thiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là xử lý mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường. Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII (tháng 11/2013) đã thông qua Nghị quyết thúc đẩy cải cách toàn diện, sâu rộng, để đến năm 2020, Trung Quốc xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện. Trong đó, công cuộc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường được coi trọng: thị trường đóng vai trò quyết định trong phân bổ nguồn lực[5]. Về mặt chế độ kinh tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định chế độ kinh tế cơ bản của nước này là: chế độ công hữu là chủ thể, kinh tế nhiều sở hữu cùng phát triển. Đây là trụ cột quan trọng của chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc và là nền tảng của thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Kinh tế công hữu và kinh tế phi công hữu đều là bộ phận hợp thành của kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đều là nền tảng quan trọng của sự phát triển kinh tế xã hội Trung Quốc; vừa phải kiên trì không dao động củng cố và phát triển kinh tế công hữu, kiên trì địa vị chủ thể của kinh tế công hữu, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, không ngừng tăng cường sức sống, sức khống chế, sức ảnh hưởng của kinh tế công hữu; vừa phải kiên trì không dao động khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn kinh tế phi công hữu phát triển, kích hoạt sức sống và sức sáng tạo của kinh tế phi công hữu.

Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/2017) nêu rõ mục tiêu trước mắt là xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào năm 2020, đồng thời đề ra mục tiêu dài hạn đến giữa thế kỷ XXI, trở thành quốc gia hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp. Đại hội XIX xác định chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã bước vào thời đại mới với đặc trưng mới là mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Trung Quốc đã chuyển hóa thành mâu thuẫn giữa đòi hỏi có cuộc sống ngày càng tốt hơn của người dân với sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ.

Nhằm thích ứng với những biến đổi mới của tình hình thế giới và đất nước, Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nêu lên những định hướng lớn trong xây dựng thể chế kinh tế hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa với 6 nội dung lớn: đi sâu vào cải cách kết cấu trọng cung; nhanh chóng xây dựng nhà nước sáng tạo; thực thi chiến lược chấn hưng nông thôn; thực thi chiến lược phát triển hài hòa vùng miền; nhanh chóng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hình thành cục diện mới mở cửa đối ngoại toàn diện.

Đặc biệt, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, Văn kiện Đại hội XIX chỉ rõ: cải cách thể chế kinh tế phải lấy việc hoàn thiện chế độ quyền tài sản và sắp xếp theo hướng thị trường hóa các yếu tố sản xuất làm trọng điểm…; hoàn thiện thể chế quản lý vốn quốc hữu các loại, cải cách thể chế nhận quyền kinh doanh vốn quốc hữu, nhanh chóng tối ưu hóa bố cục, điều chỉnh kết cấu, sắp xếp lại mang tính chiến lược đối với kinh tế quốc hữu, thúc đẩy vốn quốc hữu được bảo tồn và tăng giá trị, làm cho tư bản quốc hữu mạnh lên ưu thế hơn và lớn hơn, phòng ngừa có hiệu quả việc thất thoát vốn quốc hữu…; đi sâu cải cách doanh nghiệp quốc hữu, phát triển kinh tế sở hữu hỗn hợp, bồi dưỡng một loạt doanh nghiệp tốp đầu thế giới có sức cạnh tranh toàn cầu… Văn kiện Đại hội XIX phản ánh tập trung tư duy kinh tế Tập Cận Bình thông qua những chủ trương, luận thuyết về chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng và phát triển kinh tế Trung Quốc, trong đó tuyến chính là cải cách cơ cấu trọng cung, hóa giải các rủi ro thách thức, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới[6].

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác lập tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới với mục tiêu đến năm 2035 cơ bản hoàn thành hiện đại hóa, trở thành cường quốc hiện đại hóa vào giữa thế kỷ XXI. Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới được đưa vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, trở thành tư tưởng chỉ đạo đối với sự nghiệp cải cách, mở cửa, xây dựng hiện đại hóa ở Trung Quốc.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Trung Quốc phải hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa, xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại, chuyển đổi thành công phương thức tăng trưởng và phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu. Tiếp đó, Hội nghị Công tác kinh tế trung ương Trung Quốc tháng 12/2017 đã lần đầu tiên đưa ra khái niệm “Tư tưởng Tập Cận Bình về kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”. Tư tưởng Tập Cận Bình về kinh tế tập trung vào chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả phát triển. Có thể thấy, tư tưởng kinh tế của Tập Cận Bình tập trung vào chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, tìm kiếm động lực mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế chuyển từ “tăng trưởng cao” sang “chất lượng cao”.

Ở Trung Quốc, bàn tay vô hình đã phát huy tác dụng to lớn. Cơ chế thị trường là biện pháp hết sức quan trọng trong phân phối tài nguyên. Nó có thể thông qua sự tác động và ảnh hưởng lẫn nhau giữa cung, cầu, giá cả cạnh tranh thúc đẩy phân phối và sử dụng tài nguyên hợp lý, từ đó thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Thị trường hàng hóa  phát triển lành mạnh, với trên 95% hàng hóa do thị trường điều phối, hàng hóa do nhà nước định giá chỉ gần 5%. Về cơ bản, thị trường hàng hóa thông suốt, phục vụ chu đáo, đầy đủ mặt hàng. Thị trường các yếu tố sản xuất không ngừng hoàn thiện, hình thành một hệ thống thị trường tương đối hoàn chỉnh bao gồm thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường đất đai, thị trường khoa học công nghệ… Chiến lược đa nguyên hóa thị trường đã được thực thi, thông suốt thị trường trong nước và quốc tế, giảm thấp những hạn chế cho phép gia nhập hoặc rời bỏ thị trường… Có thể thấy một hệ thống thị trường hiện đại mở cửa thống nhất cạnh tranh có trật tự đã hình thành.

Bàn tay hữu hình của nhà nước cũng đã phát huy tích cực. Điều tiết vĩ mô của chính phủ thông qua chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách pháp luật và hành chính là những biện pháp mà chính phủ tác động vào thị trường để khắc phục những khiếm khuyết mà kinh tế thị trường mang lại. Mục đích là thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng thêm việc làm, ổn định mức giá cả, bảo đảm cân bằng cán cân thương mại.

2. Thực tiễn phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc

Về mặt thực tiễn, do quyết tâm cải cách thể chế kinh tế để sức sản xuất xã hội được giải phóng và phát huy; đồng thời tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, tận dụng những cơ hội mà toàn cầu hóa kinh tế đưa lại, nên Trung Quốc đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong nhiều năm liền. Sau 42 năm kể từ ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra đường lối phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc đã đạt tốc độ phát triển thần kỳ, từ một quốc gia nghèo đói, lạc hậu trở thành siêu cường kinh tế thứ hai thế giới.

Kể từ năm 1979 tới nay, hơn 850 triệu người đã thoát nghèo kể từ khi Chính phủ Trung Quốc áp dụng nền kinh tế định hướng thị trường. Đây được xem là một kỳ tích mà không phải quốc gia đang phát triển nào cũng có thể đạt được.

Quá trình phát triển của Trung Quốc bắt đầu từ cuối những năm 1970 bằng việc chuyển đổi thành thị trường mở cửa hơn. Tiếp đến là thông qua các biện pháp cải cách triệt để, tận dụng lợi thế của lao động giá rẻ, đồng tiền yếu và hệ thống nhà máy để phân phối sản phẩm ra khắp thế giới. Tất cả đã làm thay đổi nền kinh tế từ nông thôn suy thoái thành siêu cường thịnh vượng.

Nền kinh tế Trung Quốc hiện có quy mô lớn thứ 2 trên thế giới với GDP là 14,3 nghìn tỷ USD năm 2019. Kinh tế Trung Quốc vẫn theo sát Mỹ (21,5 nghìn tỷ USD) với khoảng cách dần rút ngắn hơn[7].

Trong 42 năm qua, Trung Quốc đã diễn ra những thay đổi to lớn, thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội với bước chuyển biến lịch sử là “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm”. Thể chế kinh tế, xã hội có bước chuyển biến mạnh mẽ theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc cũng đạt được nhiều thành công trong ổn định tình hình trước những biến động lớn của thế giới.

Thu nhập của người dân được nâng cao, với mức bình quân đầu người tăng từ 7.311 nhân dân tệ năm 2012 lên 23.821 nhân dân tệ năm 2016, đạt tỷ lệ tăng hàng năm là 7,4%. Năm 2017, thu nhập bình quân cư dân đạt 25.974 nhân dân tệ. Năm 2019 con số này là 70.693 nhân dân tệ (khoảng 10.099 USD)[8]. Mạng lưới an sinh xã hội đã được hình thành rộng khắp. Bảo hiểm dưỡng lão xã hội đã bao phủ tới 900 triệu dân, bảo hiểm y tế cơ bản đã tới hơn 1,4 tỷ dân.

Năm 2020, dân số Trung Quốc là 1,44 tỷ người; trong đó dân số đô thị khoảng 813,47 triệu người[9]. Năm 2017, Trung Quốc đứng thứ 25 trong bảng xếp hạng “sức mạnh mềm” thế giới[10]. Trung Quốc đang nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, hướng tới mục tiêu cơ bản hoàn thành hiện đại hóa vào năm 2035 và trở thành cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Bình quân thời kỳ 1978-2012, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 9,6%; giai đoạn 2013-2016 tuy mức tăng trưởng có giảm so với trước, song vẫn đạt mức tương đối cao là 7,2%. Năm 2019, nước này vẫn tăng trưởng 6,1% dù cuộc chiến thương mại với Mỹ đã gây sức ép đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Dự trữ ngoại tệ vẫn duy trì vị trí đứng đầu thế giới, tính đến cuối năm 2019 đạt 3.119 tỷ USD[11]. Điều đáng chú ý, sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trở thành một trong những động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của kinh tế thế giới (đóng góp trên 33% năm 2019)[12].

Mặc dù đạt được những thành tựu nêu trên nhưng sự phát triển của Trung Quốc đến nay vẫn bộc lộ nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là phát triển không cân bằng, không hài hòa, không bền vững (Văn kiện Đại hội  XVIII) hay không cân bằng, không đầy đủ (Văn kiện Đại hội XIX), biểu hiện ở sự chênh lệch phát triển, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền (miền Đông với miền Tây), giữa thành thị với nông thôn, giữa các giai tầng khác nhau trong xã hội; chất lượng và hiệu quả phát triển không cao, môi trường sinh thái bị đe dọa nghiêm trọng; tình trạng dư thừa sản phẩm công nghiệp nhất là xi măng, sắt thép… cùng với đó là những rủi ro về nợ công, nhất là nợ của chính quyền địa phương, nếu không kiểm soát được rất dễ làm cho kinh tế vĩ mô mất ổn định thậm chí gây mất ổn định xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nhiều nhưng về mặt lý luận thể hiện ở việc xử lý mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường chưa tốt; nhận thức về quy luật kinh tế thị trường chưa đầy đủ và xây dựng thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, chính phủ vẫn còn can dự quá nhiều vào các hoạt động của các chủ thể thị trường, quản lý giám sát thị trường chưa tốt.

Ngoài ra, sự cản trở của các tập đoàn lợi ích (bao gồm tập đoàn lợi ích bộ ngành, tập đoàn lợi ích địa phương và tập đoàn lợi ích ngành nghề) làm cho tiến trình đi sâu cải cách bị chậm lại và chất lượng, hiệu quả giao lưu hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc với nước ngoài không cao. Cuối cùng là tố chất của nhiều chủ thể thị trường chưa cao, biểu hiện ở tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan làm mất niềm tin của người tiêu dùng cả trong nước và thế giới đối với các sản phẩm được sản xuất hay chế tạo tại Trung Quốc.

Tất cả những tồn tại và vấn đề nêu trên đã đặt ra như một yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài mà Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối mặt giải quyết.

Trung Quốc đang tìm kiếm sự thay đổi về phương thức và mô hình phát triển thay thế phương thức tăng trưởng chủ yếu dựa vào tài nguyên và nhân công rẻ, dựa vào đầu tư lớn và xuất khẩu mạnh. Vấn đề đặt ra đối với kinh tế Trung Quốc hiện nay là chất lượng tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp, mất cân bằng, không hợp lý và không bền vững. Vấn đề nợ công và vấn đề sản xuất thừa vẫn chưa được giải quyết. Do tăng trưởng tốc độ cao trong một thời gian dài, những hệ lụy để lại cho nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết triệt để, chưa được khắc phục kịp thời, như cạn kiệt các nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu - nghèo lớn, phát triển không cân đối... Vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, hướng tới thu nhập cao, chất lượng cao, phát triển xã hội và quản trị xã hội vẫn là những thách thức lớn.

Sở dĩ kinh tế Trung Quốc có những thành công như vậy là do sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bởi xác lập được lý luận kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Đây thực sự là bước đột phá có ý nghĩa thực sự trong đời sống xã hội Trung Quốc, nó soi đường cho thực tiễn, cải cách thể chế cho phù hợp sự phát triển của lực lượng sản xuất. Nó đã đụng chạm tới những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế: chế độ sở hữu, cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách thể chế tiền tệ, hoàn thiện phương thức phân phối.

3. Bài học kinh nghiệm cho việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam từ 1986 đến nay đã chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tới nay mô hình này đã thực sự phát huy tác dụng làm cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao, năng động và ổn định. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX (tháng 4/2001) đã rút ra bài học: phải sử dụng cơ chế thị trường để kích thích sản xuất, giải phóng sức sản xuất, phát huy mặt tích cực, hạn chế tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo vệ lợi ích của nhân dân. Thực tiễn của Việt Nam qua những năm đổi mới đã khẳng định đường lối và chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam là đúng đắn. Do vậy, nghiên cứu thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc, thấy rõ vấn đề được xây dựng trên cơ sở khoa học, tôn trong thực tiễn, tổng kết thực tiễn nâng lên thành lý luận rồi quay trở lại chỉ đạo thực tiễn là những bước đi tôn trọng qui luật khiến cho cải cách kinh tế ở Trung Quốc thành công. Nghiên cứu vấn đề này ở Trung Quốc giúp Việt Nam tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị tham khảo cho phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Thứ nhất, thay đổi mô hình kinh tế từ kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trước hết phải giải phóng tư tưởng, đổi mới tư duy. Trong đó, “thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất kiểm nghiệm chân lý”, lấy cải cách kinh tế làm trọng tâm, phát triển miền duyên hải phía Đông giàu có lên trước; đó còn là nhận thức và giải quyết các mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội, nhận thức về thời đại của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thứ hai, cải cách theo định hướng thị trường. Cải cách, mở cửa là quá trình thay đổi nhận thức và hành động cải cách theo định hướng thị trường, phát huy được các nguồn lực trong xã hội. Qua 42 năm cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã gây dựng được các loại thị trường của các loại hàng hóa, ngành, nghề; xây dựng các chuỗi giá trị theo các ngành nghề, hàng hóa; các nguồn vốn xã hội được huy động và phát huy. Kinh tế tư nhân trở thành lực lượng quan trọng.

Thứ ba, tiến trình cải cách, mở cửa là tiến trình xử lý các mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường và xã hội; giữa cải cách - phát triển và ổn định, giữa kinh tế với chính trị và xã hội. Tiến trình cải cách, phát triển ở Trung Quốc 42 năm qua phản ánh quá trình kết hợp giữa cải cách thể chế kinh tế và thể chế chính trị (như thực hiện chế độ khoán ở nông thôn, cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách hành chính, chuyển chức năng của chính quyền theo hướng xây dựng chính phủ pháp trị, phục vụ; thực hiện chiến lược phát triển phối hợp vùng, miền...). Trung Quốc cũng chú ý giải quyết các vấn đề xã hội, quan tâm phát triển xã hội, bảo đảm công bằng và bình đẳng. Xây dựng hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả, hiệu lực pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, minh bạch... Nâng cao năng lực quản trị quốc gia.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Kim Bảo (Chủ biên) (2002), Thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa có đặc sắc Trung Quốc (Một số đột phá mới về lý luận và thực tiễn từ Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

2.  Nguyễn Kim Bảo (Chủ biên) (2004), Điều chỉnh một số chính sách kinh tế Trung Quốc (giai đoạn 1992 - 2010), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Đỗ Tiến Sâm, Lê Văn Sang (2014), Trung Quốc với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Đỗ Tiến Sâm, Hoàng Thế Anh (2014), “Cải cách thể chế của Trung Quốc và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam”, Nghiên cứu Trung Quốc, số 8.

5. Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội đồng Lý luận Trung ương (2017), Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới, Hà Nội.

6. Hà Thị Hồng Vân (2020), Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (Sách chuyên khảo), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

 


[1] TS., Học viện Báo chí và Tuyên truyền

[2] Nguyễn Kim Bảo (2002), Thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa có đặc sắc Trung Quốc (Một số đột phá mới về lý luận và thực tiễn từ Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 27.

[3] Nguyễn Kim Bảo (2002), Tlđd, tr. 28.

[4] Nguyễn Kim Bảo (2002), Tlđd, tr.32.

[5] Hà Thị Hồng Vân (2020), Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (Sách chuyên khảo), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 83.

[6] 习近平,决胜全面建成小康社会夺取新时代中国特色社会主义伟大胜利——在中国共产党第十九次全国代表大 会上的报告(2017年10月18日)(Tập Cận Bình (2017), Quyết thắng và xây dựng toàn diện xã hội khá giả, nắm bắt thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới - Báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 18 tháng 10 năm 2017), http://www. gov.cn/zhuanti/2017-10/27/content5234876.htm.

[7] “GDP của Trung Quốc”, https://soli

ttps://solieukinhte.com/gdp-binh-quan-dau-nguoi-cua-trung-quoc.

[8] “GDP của Trung Quốc”, Tlđd.

[9] “Dân số của Trung Quốc”, https://danso.org/trung-quoc.

[10] “Cơ cấu đầu tư nước ngoài nhìn nhận về Đại hội XIX: Sau khi nắm quyền lực, kinh tế Trung Quốc sẽ đi về đâu”, http://www.bbc.com/zhongwen/simp/business-41620041.

[11] “Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng”, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/du-tru-ngoai-hoi-cua-trung-quoc-tang-309628.html.

[12] “Nền kinh tế nào đóng góp vào tăng trưởng toàn cầu nhiều nhất năm 2019?”, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/nen-kinh-te-nao-dong-gop-vao-tang-truong-toan-cau-nhieu-nhat-nam-2019-316179.html.

 

 Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 12 (238) 12-2020

 

In trang Chia sẻ

Tin khác