Nhân học môi trường

17:00 02/02/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

TS. Nguyễn Công Thảo*

 

Khái niệm và lịch sử phát triển

Nhân học môi trường là một chuyên ngành của nhân học văn hóa, tập trung nghiên cứu mối quan hệ qua lại giữa con người và môi trường trong những bối cảnh cụ thể. Các nhà nhân học môi trường quan tâm tìm hiểu xem các hoạt động sản xuất, tổ chức xã hội, cơ cấu dân cư, lối sống, niềm tin tín ngưỡng của con người có tác động như thế nào đến môi trường tự nhiên và ngược lại. Hình thành với tư cách một hướng tiếp cận trong nhân học từ những năm 1930, nhân học môi trường ban đầu gắn với tên gọi sinh thái học văn hóa trong những năm 1960, nhân học sinh thái trong thập niên 1970 và trở thành nhân học môi trường từ giữa thập niên 1980 đến nay. Quá trình phát triển của nhân học môi trường có thể chia thành năm giai đoạn.

Một là giai đoạn trước thế kỷ XX. Trong suốt nhiều thế kỷ, cách nhìn phổ biến ở giai đoạn này bị chi phối bởi quan điểm quyết định luận môi trường (environmental determinism) vốn quan niệm điều kiện tự nhiên có tác động quan trọng, quyết định đến hình thức tổ chức xã hội, bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân cư. Sự khác biệt về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, thậm chí cả về tính cách con người đều có nguồn gốc từ điều kiện khí hậu, địa lý khác nhau. Ví dụ tiêu biểu cho quan niệm này là việc khẳng định yếu tố khí hậu có ảnh hưởng đến tính cách con người. Chẳng hạn, cư dân vùng nhiệt đới thường lười, cẩu thả và bừa bãi, trong khi cư dân vùng ôn đới có khuynh hướng kiên định và chăm chỉ làm việc hơn (Hungtington 1921).

Hai là giai đoạn đầu thế kỷ XX. Quan điểm quyết định luận môi trường có công trong việc cởi bỏ màu sắc huyền bí của Chúa trời mà nhà thờ Thiên Chúa giáo đã khoác lên những giải thích về con người và thế giới tự nhiên trong suốt thời trung cổ. Tuy nhiên, quan điểm quyết định luận môi trường bị phê phán một cách gay gắt bởi nó nhìn nhận con người đóng vai trò  thụ động, bị chi phối hoàn toàn bởi các điều kiện tự nhiên, và lập luận như vậy là quá giản đơn và thiếu tính thuyết phục. Sự ra đời của quan điểm khả năng môi trường (environmental possibilism) vì thế là một sự phản biện đối với quan điểm quyết định luận môi trường vì nhấn mạnh rằng dù môi trường có ảnh hưởng nhất định đến văn hóa, nhưng con người mới là nhân tố quyết định đối với bản sắc của một nền văn hóa. Cơ sở thực tế để các học giả theo quan điểm khả năng môi trường phản biện lại quan điểm quyết định môi trường bao gồm: (1) Có thể tìm thấy nhiều nền văn hóa khác nhau trong cùng một điều kiện môi trường, (2) Cũng có thể tìm thấy nhiều nền văn hóa tương đồng với nhau ở những điều kiện môi trường khác nhau. Một số học giả tiêu biểu cho quan điểm này là nhà nhân học người Mỹ tên là Franz Boas (1911) và học tr  của ông Alfred Kroeber (1925).

Ba là giai đoạn những năm 1960-1970. Trong những năm 1960, khái niệm “sinh thái học văn hóa” (cultural ecology) trở nên phổ biến, gắn với tên tuổi của các nhà nhân học người Mỹ như Julian Steward (1972), Roy Rappaport (1967). Nhìn trên phạm vi toàn cầu, Đại học Comlumbia được coi là cái nôi của của hướng tiếp cận này. Điểm chung của các nhà sinh thái học văn hóa là tìm hiểu vai trò của văn hóa trong việc giúp các cộng đồng địa phương tối đa hóa khả năng thích ứng của mình với môi trường tự nhiên mà không gây ra tác động đối với tự nhiên, làm suy thoái môi trường tự nhiên. Thay vì tập trung nghiên cứu các thực hành văn hóa, các nhà sinh thái học văn hóa ở giai đoạn này quan tâm hơn đến mối quan hệ giữa hệ thống sản xuất, đặc điểm nhân khẩu và điều kiện môi trường tự nhiên. Đối tượng nghiên cứu của các nhà sinh thái học văn hóa là những cộng đồng có quy mô dân số nhỏ, cư trú khá biệt lập với các xã hội khác và có nền kinh tế thiên về tự cung, tự cấp (Netting 1968). Thông điệp họ muốn gửi gắm là các cộng đồng địa phương, qua quá trình thích nghi đã tạo dựng cho mình những tri thức quan trọng, giúp họ tồn tại một cách hài h a với môi trường tự nhiên.

Bốn là giai đoạn những năm 1980 đến 1990. Trong giai đoạn này, thuật ngữ “nhân học sinh thái” (ecological anthropology) trở nên phổ biến hơn từ cuối những năm 1970, đầu những năm 1980, gắn liền với nhiều tên tuổi, trong đó có nhà nhân học người Mỹ tên là Marvin Harris, người đại điện cho quan điểm lý thuyết có tên gọi là duy vật văn hóa. Harris chia văn hóa của một cộng đồng thành ba bộ phận: cơ sở hạ tầng, cấu trúc và cơ sở thượng tầng. Ông cho rằng cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng quan trọng nhất đến cơ chế thích nghi với môi trường tự nhiên của mỗi cộng đồng (Harris 1979). Hướng tiếp cận khác trong giai đoạn này tập trung vào hành vi ở cấp độ cá nhân hay tổ chức xã hội trong việc đưa ra các quyết định sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Chính vì thế, thuật ngữ sinh thái học nhân văn cũng khá phổ biến trong giai đoạn này.

Năm là giai đoạn từ giữa những năm 1990 đến nay. Ở giai đoạn này, thuật ngữ “nhân học môi trường” trở nên phổ biến. Sự thay đổi về thuật ngữ phản ánh đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu. Trong những giai đoạn trước, các nhà nhân học tập trung nghiên cứu những cộng đồng nhỏ lẻ, khá biệt lập, tìm hiểu phương thức ứng phó của họ với môi trường tự nhiên theo cái nhìn lịch đại, nhấn mạnh mối quan hệ qua lại giữa đặc trưng văn hóa, điều kiện xã hội với môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, từ giữa những năm 1990, các vấn đề môi trường hiện tại được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn. Phạm vi nghiên cứu của các nhà nhân học môi trường cũng được mở rộng ở phạm vi vùng, quốc gia và quốc tế. Bên cạnh yếu tố văn hóa, tác động của chính sách nhà nước, tổ chức quốc tế, thị trường trong việc chi phối mối quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên cũng được nhấn mạnh (Townsend 2000). Tính ứng dụng, liên ngành được thể hiện rõ hơn trong hướng tiếp cận nhân học môi trường (Moran 2006). Nó góp phần tìm hiểu vấn đề môi trường ở phạm vi toàn cầu, nhìn nhận yếu tố chính trị, lợi ích kinh tế, bất bình đẳng như là những tác nhân quan trọng, có ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên (Kottak 1999). Trong nhân học môi trường, chúng ta có thể phân loại thành các hướng nghiên cứu khác nhau bao gồm: sinh thái học văn hóa, sinh thái học chính trị, lịch sử sinh thái, lịch sử môi trường (Nguyễn Công Thảo 2009).

Nhân học môi trường ngày nay đã trở thành một chuyên ngành quan trọng, được giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học tại khoa nhân học của nhiều trường đại học lớn ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở Mỹ, như các Trường Đại học California tại Riverside, Florida, Georgia, Hawaii, Indiana, Kent, Kentucky, New Mexico, North Carolina, Rutgers, Washington.

Nhân học môi trường ở Việt Nam

Về mặt đào tạo, nhân học môi trường được giảng dạy ở hai Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dưới hình thức môn học. Ở góc độ nghiên cứu, Viện Dân tộc học đã thành lập Phòng Nhân học Môi trường vào năm 2012 và đến năm 2018 đổi tên thành Phòng Nhân học môi trường tộc người. Các công trình nghiên cứu theo hướng nhân học môi trường ở Việt Nam đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước và có thể chia thành hai giai đoạn chính (Nguyễn Công Thảo 2016).

Trong những thập niên trước 2000, chủ đề nghiên cứu môi trường của các nhà dân tộc học Việt Nam thường thể hiện ở việc xem xét tính thích ứng của các thực hành văn hóa của mỗi tộc người với điều kiện tự nhiên. Điều này thể hiện qua kiến trúc nhà cửa, trang phục, công cụ sản suất, hệ thống thủy lợi hay tín ngưỡng của nhiều tộc người thiểu số cư trú ở vùng cao. Mỗi tộc người được khảo tả như một thế giới khá khép kín, với bản sắc riêng, được thai nén và nuôi dưỡng trong một không gian tự nhiên có ranh giới xác định. Dù không trực tiếp gọi tên nhưng hơi hướng quan điểm tiến hóa thể hiện khá rõ nét trong một số nghiên cứu về các tộc người vùng cao Việt Nam trong giai đoạn này. Khuynh hướng diễn đạt khá phổ biến trong thời kỳ này là gắn hình thức canh tác, cư trú với trình độ phát triển của tộc người. Canh tác nương rẫy mặc định được coi là thấp hơn so với canh tác lúa nước và là tác nhân dẫn đến suy thoái môi trường. Nhiều tín ngưỡng liên quan đến rừng được coi là lạc hậu, mê tín dị đoan. Ảnh hưởng của lý thuyết tiến hóa đơn tuyến cộng với tư tưởng “vị tộc người” dường như đã khiến một nhà dân tộc học Việt Nam gặp bối rối khi phải đưa ra nhận định về bản sắc văn hóa của tộc người mình nghiên cứu. Điều này thể hiện qua sự chưa nhất quán trong nhận định, khi có thực hành văn hóa thì được coi là tốt, có thực hành thì lại coi là lạc hậu. Chủ đề nghiên cứu chính trong giai đoạn này bao gồm:

<img width="14" height="121" data-cke-saved-src="file:///C:/Users/Nguyen%20Xuan%20Khoat/AppData/Local/Temp/msohtmlclip1/01/clip_image001.gif" src="file:///C:/Users/Nguyen%20Xuan%20Khoat/AppData/Local/Temp/msohtmlclip1/01/clip_image001.gif" align="left" style="outline: 0px; font-weight: inherit; font-style: inherit; max-width: 700px; border-width: 0px; font-family: inherit; margin: 0px; padding: 0px; vertical-align: baseline;" '="" class="cboxElement" v:shapes="_x0000_s1026">- Sản xuất nông nghiệp truyền thống.

- Khai thác và thích ứng với tự nhiên.

- Tín ngưỡng trong sản xuất nông, lâm nghiệp.

- Cảnh quan sinh thái, gạch nối giữa môi trường và con người.

Giai đoạn tiếp theo là từ năm 2000 đến nay. Nhờ tăng cường hội nhập và hợp tác nghiên cứu quốc tế, từ cuối những năm 1990 đến nay, ảnh hưởng của lý thuyết tiến hóa luận giảm dần trong nghiên cứu của các nhà nhân học môi trường Việt Nam và từng bước được thay thế bởi quan điểm tương đối văn hóa. Kết quả nghiên cứu nhân học môi trường từng bước làm rõ hơn vai trò và giá trị của tri thức nhân học trong việc hiểu về mối quan hệ giữa con người với môi trường và việc bảo vệ môi trường. Tính ứng dụng, phản biện chính sách trở nên rõ nét và nội dung nghiên cứu nhân học môi trường tập trung nhiều hơn vào các vấn đề đương đại thay vì mô tả truyền thống như ở giai đoạn trước. Ngày càng có nhiều nghiên cứu nhân học nói chung và nhân học môi trường nói riêng chỉ ra rằng các chính sách phát triển của Nhà nước cần phải quan tâm đến đặc điểm văn hóa, sinh kế và môi trường của các tộc người tại chỗ và coi đây là điều kiện quan trọng để đạt được sự phát triển bền vững. Chủ đề nghiên cứu nhân học môi trường cũng đã được mở rộng hơn, bao gồm quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, hưởng dụng đất và tri thức bản địa trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, tác động của chính sách, dự án phát triển, biến đổi khí hậu. Phạm vi nghiên cứu bao quát toàn diện các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị trong mối liên quan với môi trường tự nhiên ở các cộng đồng và địa bàn cụ thể. Điểm chung của các nghiên cứu nhân học môi trường là đặt đối tượng nghiên cứu trong bối cảnh ngày càng có nhiều thách thức từ phía môi trường cho việc phát triển bền vững, và do đó, địa bàn nghiên cứu được mở rộng từ vùng miền núi xuống cả đồng bằng, khu vực đô thị, ven biển. Khái quát lại, các chủ đề nghiên cứu chính của nhân học môi trường giai đoạn này bao gồm (Nguyễn Công Thảo 2018):

- Vai trò của văn hóa với việc bảo vệ môi trường.

- Suy kiệt tài nguyên thiên nhiên.

- Biến đổi khí hậu.

- Biến đổi hệ sinh kế trong điều kiện sinh thái mới.

- Đô thị hóa và ô nhiễm môi trường.

- Tác động của chính sách đối với môi trường.

Có thể thấy, nhân học môi trường đã ra đời ở Việt Nam từ nhiều thập kỷ trước nhưng đã phát triển rõ nét và ngày càng được quan tâm nhiều hơn từ giữa những năm 2000. Bối cảnh phát triển và thực tiễn môi trường sống của Việt Nam đang đòi hỏi các nhà nhân học môi trường Việt Nam phải đẩy mạnh các nghiên cứu sắc bén hơn nữa về mặt lý luận và phương pháp luận để không chỉ hiểu về môi trường và mối quan hệ của nó với con người mà còn hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho việc giải quyết các thách thức của suy thoái môi trường trong quá trình phát triển bền vững ở các cộng đồng, địa phương và của đất nước nói chung.

Cơ hội nghề nghiệp cho các nhà nhân học môi trường

Thực tế giảng dạy và nghiên cứu nhân học môi trường ở Việt Nam cho thấy đây là một hướng chuyên môn có nhiều đề tài nhiên cứu và cách tiếp cận mới mẻ, mở ra rất nhiều vấn đề để sinh viên và các nhà nhân học quan tâm theo đuổi, khám phá ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Trong bối cảnh chất lượng môi trường ngày càng được quan tâm, trở thành một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cuộc sống, thì vai trò của các nhà nhân học nói chung và các nhà nhân học môi trường nói riêng càng trở nên hết sức quan trọng. Điều này thể hiện qua thực tế nhu cầu tuyển dụng từ nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế. Nhờ tính liên ngành cao, các nhà nhân học môi trường có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại nhiều trường đại học và các viện nghiên cứu liên quan đến các chủ đề dân tộc học, nhân học, Việt Nam học, văn hóa học, du lịch sinh thái, địa lý nhân văn, phát triển bền vững. Trong phạm vi hành pháp, các bộ, ban ngành ở trung ương; sở ở cấp tỉnh, phòng ở cấp huyện đều có nhu cầu tuyển dụng sinh viên được đào tạo về nhân học nói chung, nhân học môi trường nói riêng để đảm nhiệm các vị trí việc làm liên quan đến văn hóa, thể thao, du lịch, công tác dân tộc, tuyên giáo, môi trường, v.v. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản, tờ báo, tạp chí đều là những địa chỉ tuyển dụng những người có kiến thức về nhân học môi trường.

Cơ hội việc làm ngoài các cơ quan nhà nước cũng hết sức đa dạng. Nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, các tổ chức thành viên của Liên hiệp quốc như UNESCO, UNICEF, UNDP thường xuyên tuyển các chuyên gia, tư vấn có kiến thức nhân học nói chung, nhân học môi trường nói riêng để tham gia vào các dự án giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, phòng chống biến đổi khí hậu. Các tổ chức Phi chính phủ như Oxfarm, Plan, Care luôn ưu tiên ứng viên có bằng nhân học khi tuyển dụng cán bộ. Đặc biệt, cơ hội làm tư vấn trong dự án phát triển cho các bộ, ban, ngành cũng như các tổ chức quốc tế hết sức hứa hẹn. Nhân học môi trường cũng là hướng tiếp cận mà nhiều tổ chức quốc tế quan tâm tài trợ, cấp học bổng học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.

 

Tài liệu trích dẫn

CrumleY, Carole L. ed. 2001. New Directions in Anthropology and Environment. Oxford: Altamira Press.

Merchan, Carolyn. 2005. Radical Ecology, the Search for a Livable World. New York: Routledge.

Hungtington, Ellsworth. 1921. The Sacred of the Big Trees. The United States: Washington Government Printing Office.

Boas, Franz. 1911. The Mind of Primitive Man. Westport: Greenwood Press.

Steward, Julian Haynes. 1972. Theory of Cultural Change: The Methodology of Multilineal Evolution. Illinois: University of Illinois Press.

Kottak, Conrad P. 1999. “The New Ecological Anthropology.” Ameriacan Anthropologist. New Series. Vol. 101. No 1: 23-35.

Harris, Marvin. 1979. Cultural Materialism: The Struggle for a Science of Culture. New York: Vintage Books.

Moran, Emilio F. 2006. Human and Nature: An Introduction to Human Ecology Relations. MA, USA: Blackwell Publishing Press.

Netting, Robert. McC. 1968. Hill farmers of Nigeria: Cultural Ecology of the Kofyar of the Jos Plateau. Seatle: University of Washington Press.

Nguyễn Công Thảo 2009. “Một số hướng tiếp cận nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và môi trường.” Tạp chí Dân tộc học, số 3: 47-59.

__________. 2016. “Nhân học sinh thái ở Việt Nam: Hai giai đoạn, một đoạn đường.” Trong Nhân học ở Việt Nam, một số vấn đề lịch sử, nghiên cứu và đào tạo, Nguyễn Văn Sửu, Nguyễn Văn Huy, Lâm Bá Nam, Vương Xuân Tình (đồng chủ biên), tr. 263-285. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.

__________. 2018. “Một số vấn đề lý thuyết về môi trường và tiếp cận nghiên cứu môi trường ở Việt Nam.” Trong Một số lý thuyết về tộc người và tiếp cận ở Việt Nam, Nguyễn Văn Minh chủ biên, tr.332 – 354. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.

Rappaport, Roy A. 1967. Pigs for the Ancestors. New Haven: Yale University Press.

 

* Về tác giả

Nguyễn Công Thảo: nhận bằng Tiến sĩ Nhân học tại Đại học Hawaii, Hoa Kỳ năm 2015, Trưởng phòng Nhân học môi trường tộc người – Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Các hướng nghiên cứu chính: mối quan hệ giữa con người và môi trường, tác động của biến đổi khí hậu tới hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, đô thị hóa và quá trình biến đổi cảnh quan sinh thái. Là chuyên gia tư vấn về các vấn đề dân tộc thiểu số và các vấn đề xã hội cho nhiều tổ chức quốc tế.

 

Nguồn: Giáo trình “Nhân học: Ngành khoa học về con người”, 

Nguyễn Văn Sửu (chủ biên), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020

 

In trang Chia sẻ

Tin khác