Phí Hồng Minh1, Lê Minh Hiếu2, Nguyễn Cao Đức3
Tóm tắt: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh lan rộng đang đẩy nhiều quốc gia lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội và y tế trầm trọng, Đài Loan nổi lên như mô hình đáng học hỏi không chỉ trong kiểm soát dịch bệnh mà còn cả trong phục hồi kinh tế. Nhờ các gói kích thích kinh tế và cứu trợ công nghiệp hiệu quả cùng lợi thế đặc biệt trong các ngành điện tử ICT, Đài Loan là một trong số ít ỏi các nền kinh tế có khả năng duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020 và ổn định trong các năm sau đó. Đặc biệt, tận dụng cơ hội gia tăng ứng dụng số trong thời kỳ dịch bệnh, Đài Loan xem đây như thời cơ vàng cho việc thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cấp ngành và đẩy mạnh phát triển các ngành cốt lõi trong Công nghiệp 4.0, nhằm mục tiêu đưa Đài Loan trở thành Thung lũng Silicon châu Á với vai trò như một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quan trọng của khu vực.
Từ khóa: Đại dịch COVID-19, tác động kinh tế, phục hồi kinh tế
Abstract :While globally widespread COVID-19 pandemic is pushing many countries into severe socio-economic and health crisis, Taiwan has emerged as a role model for both pandemic management and economic recovery. Thanks to effective economic stimulus and industrial relief packages as well as Taiwan’s unique advantages in electronics and ICT-related industries, Taiwan is one of the few economies that likely obtain positive growth in 2020 and sustain steady growth in the years later. Remarkably, taking advantage of rising digital application demand during and after the pandemic, Taiwan perceive these changing market structure as valuable chances for promoting digital transformation, industrial upgrading, developing core industries in Industry 4.0, and facilitate Taiwan to deploy Asia Silicon Valley program which turning Taiwan into a vibrant innovation and startup hub.
Keywords: Taiwan, COVID-19 pandemic, economic impact, economic stimulus, industrial relief.
1. Giới thiệu[1][2][3]
Dịch bệnh do chủng corona mới (SARS-CoV-2) hay còn gọi là COVID-19 khởi phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019 và dần lan rộng toàn cầu đang làm cho bức tranh kinh tế toàn cầu đầy màu u ám. Với viễn cảnh tăng trưởng âm trong năm 2020 theo các dự báo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF, -4,9%), Ngân hàng Thế giới (WB, -5,2%), hay dự báo tươi sáng nhất của OECD với mức giảm 4,5%[4], thì thế giới vẫn đang đứng trước nguy cơ rơi vào thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất trong suốt 100 năm qua. Dịch bệnh không chỉ làm ngành du lịch lữ hành và hàng không điêu đứng, gián đoạn chuỗi cung, nhưng quan trọng hơn nó đang làm thay đổi hành vi cũng như cơ cấu nhu cầu và định hình một nền kinh tế hậu COVID-19 rất khác so với trước đây. Trong bối cảnh bệnh dịch đầy u ám trên toàn cầu, Đài Loan nổi lên như một điểm sáng nhờ các nỗ lực ngăn chặn dịch nhanh chóng kịp thời ngay trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dịch bệnh cũng như các biện pháp truy vết kiểm soát dịch đáng học hỏi. Mặc dù việc phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả đã tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh tế tiếp diễn bên trong Đài Loan, song mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến một nền kinh tế hướng ngoại phụ thuộc thị trường nước ngoài lớn sẽ như thế nào? Bài viết này sẽ nỗ lực trả lời các câu hỏi trên đồng thời cung cấp một số biện pháp ứng cứu và điều chỉnh kinh tế của Đài Loan trước tình hình đại dịch khó kiểm soát, tái định hình cấu trúc sản xuất toàn cầu cũng như căng thẳng Mỹ - Trung gay gắt khó lường.
2. Những tác động đến nền kinh tế Đài Loan
a. Tác động đến nền kinh tế nội địa
Nhờ chiến lược phòng ngừa và truy vết hiệu quả, tác động của đại dịch tới nền kinh tế nội địa của Đài Loan nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát. Cũng như tất cả các nền kinh tế khác, hàng không và du lịch là hai ngành chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi COVID-19 ở Đài Loan. Chỉ trong ba tháng đầu 2020, lượng khách nước ngoài đến Đài Loan đã giảm 57%, và hai hãng hàng không lớn nhất của Đài Loan (China Airline và Eva Air) đã hứng chịu thiệt hại tài chính đáng kể, nhiều khách sạn địa phương không thể trụ vững phải đóng cửa. Doanh thu bán hàng trong ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn đã giảm 6,6% trong quý đầu tiên, có tới 6000 lao động đã bị cắt giảm, trên 20% lao động không được trả lương[5]. Mặc dù chịu tổn thất, song các ngành dịch vụ ở Đài Loan vẫn hoạt động tốt hơn nhiều nền kinh tế khác nhờ hiệu ứng của các chính sách kích cầu của chính quyền. Các biện pháp kích cầu thị trường nội địa hiệu quả đã đóng vai trò quan trọng giúp cho chỉ số quản lý thu mua PMI các ngành phi sản xuất duy trì được đà tăng trưởng tích cực từ điểm đáy 40,4% trong tháng 2/2020 tăng lên mức đỉnh 59,4% vào tháng 8/2020. Cụ thể, nhằm giảm thiểu thiệt hại do cắt giảm và đóng cửa các đường băng quốc tế, Đài Loan đã xúc tiến nhiều chương trình khuyến mãi du lịch nội địa, đặc biệt là các tour du lịch tới Bành Hồ (một đảo trên Eo biển Đài Loan) nhằm dùng thị trường nội địa cứu lấy ngành hàng không và du lịch. Với ngành thể thao, ngay khi các biện pháp phòng dịch bước đầu có hiệu quả, giải Bóng chày chuyên nghiệp 2020[6] cùng nhiều hoạt động thể thao khác được tiếp diễn cho phép người hâm mộ xem trực tiếp với yêu cầu chỉ sử dụng nửa công suất các sân vận động. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hạn chế cũng dần được nới lỏng, cho phép nhiều người tham gia hơn [7].
Trong khi đó, khu vực chế tạo của của Đài Loan dù chịu ảnh hưởng tiêu cực trong ba tháng 3, 4 và 5/2020 song đã sớm tạo lập được đà phục hồi trong những tháng tiếp sau đó. Nó phản ánh ở chỉ số PMI ngành chế tạo đã bắt đáy vào tháng 5/2020 ở mức 44,8%, song đà phục hồi trong những tháng sau ở tất cả các ngành sản xuất đã giúp chỉ số này tăng nhanh và đạt mức 57,7% vào tháng 9/2020. Nếu so sánh với các nền kinh tế Đông Bắc Á khác như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, thì Đài Loan đã duy trì được sức sản xuất công nghiệp ở mức khá ổn định, cao hơn hẳn so với Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều này thể hiện ở chỗ Đài Loan chỉ có 3 tháng có PMI dưới 50%, trong khi chỉ số này của Hàn Quốc và Nhật Bản cả suốt 9 tháng đầu năm 2020 đều dưới 50%.
Nguồn: Bộ Kinh tế Đài Loan (MOEA), Tổng cục thống kê Hàn Quốc (KOSIS), CEIC data, Cục thống kê Nhật Bản (SBJ), 2020.
b. Tác động đến ngoại thương
Dịch bệnh bùng phát đã có tác động mạnh tới thị trường toàn cầu, các biện pháp đóng cửa biên giới cũng dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung và tác động đáng kể đến hoạt động xuất nhập khẩu của Đài Loan. Mặc dù có một số ngành bị tác động tiêu cực như hàng không và du lịch; linh kiện máy móc; hóa chất; và phụ tùng ô tô; song cơ cấu nhu cầu thay đổi thời kỳ đại dịch lại thúc đẩy xuất khẩu ở một số lĩnh vực khác và mang lại tác động tích cực nhất định đến hoạt động ngoại thương của Đài Loan. Các chỉ số thống kê cho thấy, hoạt động xuất khẩu trong 9 tháng đầu 2020 vẫn đạt 248,1 tỷ USD duy trì mức tăng trưởng 2,45% so với cùng kỳ năm trước, tình hình nhập khẩu hàng hóa của Đài Loan giảm nhẹ 0,74% với tổng giá trị nhập khẩu là 207,8 tỷ USD. Cơ cấu xuất khẩu của Đài Loan cũng có sự gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa vốn và hàng hóa trung gian song hành với sự sụt giảm hàng tiêu dùng. Dù vậy, do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội, cơ cấu thị trường xuất khẩu của Đài Loan có chút thay đổi như tăng xuất khẩu vào Mỹ và Trung Quốc trong khi lại giảm ở các thị trường EU, ASEAN, Nhật Bản. Về cơ bản, tình hình xuất khẩu của Đài Loan trong năm 2020 vẫn khá ổn định và chỉ chịu sự tác động nhỏ từ đại dịch. Cụ thể, theo số liệu sơ bộ của MOEA, tổng giá trị xuất khẩu của Đài Loan vẫn tăng 3,67% trong quý I, giảm nhẹ 2,43% trong quý II và tăng 6,02% trong quý II/2020. Thực tế này chính là nhờ sự gia tăng nhu cầu làm việc tại nhà, tìm kiếm các giải pháp làm việc và giải trí thời kỳ dịch bệnh cũng như triển khai công nghệ 5G đã giúp các doanh nghiệp Đài Loan gia tăng doanh số đối với sản phẩm điện tử. Chính nhờ sự bù đắp tăng trưởng xuất khẩu của các nhóm ngành này đã giúp tổng xuất khẩu tháng 9/2020 của các công ty có trụ sở tại Đài Loan tăng trưởng 9,36% so với cùng kỳ năm trước, đạt 30,7 tỷ USD.
Nguồn: Bộ Kinh tế Đài Loan (MOEA), 2020.
Đối lập với tình trạng đình trệ của hoạt động du lịch và vận tải hàng không quốc tế, xuất khẩu các sản phẩm điện tử cùng các thiết bị thông tin và viễn thông từ Đài Loan đã trở thành các nhóm ngành tăng trưởng liên tục với giá trị xuất khẩu lớn nhất chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan trong 9 tháng đầu 2020. Dù các ngành này đã duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trong thời gian trước đó, song 9 tháng đầu năm 2020 đã chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục ở mức 16,75% so với cùng kỳ năm trước với giá trị xuất khẩu là 124,3 tỷ USD. Nhờ những thương vụ tăng vọt trong những quý đầu năm 2020, sự gia tăng đơn hàng và mở rộng đầu tư của TSMC, công ty bán dẫn quan trọng nhất của Đài Loan, đã đóng góp tới 13% tổng đầu tư tư nhân và đóng góp 6% GDP của Đài Loan trong 7 tháng đầu 2020[8].
Cùng với các sản phẩm điện tử, các thiết bị máy móc cũng chứng kiến sự tăng trưởng 6,7% hằng năm lên mức 1,78 tỷ USD. Sự tăng trưởng này chính là nhờ vào một số quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh và nỗ lực nới lỏng phong tỏa và nỗ lực khôi phục sản xuất, nối lại các đơn hàng đã trì hoãn trước đó. Trong khi đó, trong tháng 7/2020 so với cùng kỳ năm trước, các đơn hàng hóa chất đã mất đi 22,7% giá trị, giảm xuống còn 1,43 tỷ USD, các sản phẩm kim loại đã giảm 5,4% xuống mức 2,04 tỷ USD, còn sản phẩm nhựa sụt giảm 4,7%[9]. Thực tế là, với tình trạng kinh tế đình trệ và giá dầu giảm mạnh do cạnh tranh quốc tế khốc liệt thì các sản phẩm hóa chất sẽ tiếp tục chịu tổn thương chừng nào tình trạng dư cung quá mức trên toàn cầu chưa được giải quyết. Nhìn chung, với triển vọng gia tăng nhu cầu triển khai mạng lưới 5G, ứng dụng các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, các sản phẩm phục vụ các hoạt động thực tế ảo, học tập và làm việc tại nhà sẽ tiếp tục là động lực xuất khẩu chính cho Đài Loan. Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng Mỹ - Trung và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc lại có khả năng tác động tiêu cực tới xuất khẩu mảng thiết bị điện tử, viễn thông và thông tin của Đài Loan do Trung Quốc là thị trường chính của các công ty công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Đài Loan.
c. Tác động đến tăng trưởng kinh tế
Như được phản ánh trong hình dưới đây, có thể thấy rằng nếu như quý I/2020 chứng kiến mức tăng trưởng dương, thậm chí cao hơn quý I/2019, tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu do COVID-19 đã khiến tăng trưởng quý II của Đài Loan sụt giảm 0,58% theo ước tính sơ bộ của DGBAS. Mặc dù các ước tính của IMF và WB đều dự báo GDP Đài Loan sẽ bị giảm đi trong năm 2020, song các cơ quan dự báo của Đài Loan vẫn dự báo mức tăng trưởng dương và theo dự báo vào tháng 9/2020 DGBAS, Đài Loan vẫn có tiềm năng đạt mức tăng trưởng 1,56% trong năm 2020. Sự khác biệt trong dự đoán này xuất phát từ cơ sở Đài Loan đã kiểm soát tốt dịch bệnh, các gói cứu trợ và kích thích kinh tế đã có kết quả tích cực giúp thúc đẩy cầu nội địa, đặc biệt là sự nở rộ thương mại điện tử, giao hàng và các nhu cầu phát sinh khi giãn cách ở nhà khác. Bên cạnh đó, chiến lược kinh tế chuyển hướng vào thúc đẩy nhu cầu nội địa của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn từ sau 2016 cũng đã góp phần mang lại hiệu ứng tích cực cho Đài Loan khi chú trọng phát triển thị trường trong nước. Sự thay đổi này đã phần nào bù trừ tác động tiêu cực của COVID-19. Tuy nhiên, đứng trước tình hình giá dầu thô và các sản phẩm liên quan giảm mạnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Đài Loan cũng đang đứng trước áp lực giảm phát ở mức dự báo 0,32% trong năm 2020. Tình trạng giảm phát này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư cũng như triển vọng tăng trưởng tương lai của Đài Loan.
Nguồn: Cục Thống kê và Kế toán Đài Loan (DGBAS)
Nhìn chung, nhờ các chương trình kinh tế hiệu quả và lợi thế trong các ngành ICT và các thiết bị truyền thông cho việc triển khai 5G, các tổ chức quốc tế và các cơ quan dự báo của Đài Loan đều chung quan điểm lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của hòn đảo trong các năm 2021-2022. Theo quan điểm của TIER cùng các cơ quan nghiên cứu Đài Loan, sự hồi phục kinh tế của Đài Loan có thể đi theo chữ V hoặc chữ U. Những quan điểm lạc quan về tình hình phục hồi kinh tế Đài Loan hậu đại dịch dựa trên năng lực kiểm soát dịch bệnh và thích ứng hiệu quả đã giúp hòn đảo tạo dựng được vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn nữa, với lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, các sản phẩm liên quan đến vật liệu bán dẫn của Đài Loan đang trở thành trụ cột quan trọng đóng góp khoảng 30% tổng xuất khẩu và 14% GDP của nền kinh tế Đài Loan năm 2020[10].
3. Các biện pháp ứng phó của Đài Loan
Đứng trước áp lực kinh tế đình trệ do tác động của đại dịch COVID-19, nguy cơ giảm phát do giá dầu giảm mạnh và triển vọng kinh tế bất định do căng thẳng địa chính trị, Đài Loan cũng như nhiều nền kinh tế khác cũng áp dụng chính sách tiền tệ thích ứng và chính sách tài khóa mở rộng để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Nhìn chung, chính quyền Đài Loan đã áp dụng biện pháp ứng phó tập trung theo ba hướng: ngăn chặn dịch bệnh, cứu trợ công nghiệp và kích thích kinh tế.
Thứ nhất, ngăn chặn dịch bệnh.
Nhờ việc phát hiện sớm tình hình dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) từ tháng 12/2019, Đài Loan đã sớm kích hoạt hệ thống phòng ngừa dịch bệnh, kiểm soát nhanh chóng các ca nhập cảnh và truy vết hiệu quả từng ca lây lan trong cộng đồng. Song hành với kiểm soát hiệu quả bằng công nghệ, ngay sau ca bệnh nhập cảnh đầu tiên ngày 21/1/2020, chính phủ Đài Loan đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang để bảo đảm nguồn cung khẩu trang cho nhu cầu trong nước, tránh găm hàng thông qua yêu cầu người dân mua khẩu trang theo ngày với số lượng giới hạn dựa trên số định danh cá nhân chẵn hay lẻ. Đồng thời, chính quyền khuyến khích các công ty dồn nguồn lực sang sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế và thuốc men. Chính các biện pháp kịp thời này đã giúp Đài Loan tránh được cơn sốt khẩu trang, y tế và các nhu yếu phẩm thiết yếu. Đài Loan cũng xúc tiến chính sách ngoại giao khẩu trang như yêu cầu tất cả các quan chức khi xuất hiện trước truyền thông đều phải đeo khẩu trang kể từ ngày 24/1/2020, quyên góp và tặng khẩu trang, thiết bị y tế cho EU, Mỹ, đồng minh ở Mỹ Latin và châu Phi, và 18 quốc gia trong chính sách hướng Nam mới[11]. Trong bối cảnh bị Trung Quốc cản trở trong các nỗ lực mở rộng không gian quốc tế, các chương trình ngoại giao thời kỳ COVID-19 như ngoại giao khẩu trang hay chia sẻ mô hình Đài Loan trong ngăn ngừa và ứng phó với dịch bệnh đã tạo dựng hình ảnh tích cực của Đài Loan trên trường quốc tế bất chấp những phản ứng gay gắt của Trung Quốc12.
Thứ hai, cứu trợ công nghiệp.
Với các ngành công nghiệp và các công ty chịu ảnh hưởng tiêu cực mạnh bởi dịch bệnh, chính quyền triển khai các chương trình cứu trợ không phân biệt ngành nghề nhằm mục tiêu phân bổ lợi ích công bằng, giải quyết các vấn đề khó khăn trước mắt kịp thời, củng cố nền tảng công nghiệp và tăng cường các dự án hỗ trợ công. Đài Loan cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và người lao động với giá trị 300 tỷ Đài tệ (khoảng 10 tỷ USD) dưới hình thức như các khoản vay phục hồi sản xuất, đưa ra các mức trợ cấp lãi suất lớn, gia hạn nợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs); trợ cấp cho các ngân hàng, giảm hoặc miễn lãi suất cho các khoản SMEs vay trước đó; và cung cấp các khoản vay cứu trợ cho người lao động. Đài Loan cũng kịp thời tác động để ổn định thị trường vốn. Ngay sau khi thị trường chứng khoán Đài Loan chứng kiến sự sụt giảm 13,1% vào đầu tháng 3/2020 cùng với tình trạng rút vốn mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài, Quỹ Ổn định Quốc gia đã quyết định can thiệp nhằm ổn định thị trường chứng khoán, tránh các đổ vỡ gây khủng hoảng hệ thống tài chính. Đài Loan còn thực hiện miễn giảm thuế cho doanh nghiệp như cho phép các doanh nghiệp nộp đơn hoàn lại các khoản thuế nộp thừa; giảm thuế cho các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ; cho phép doanh nghiệp khấu trừ khoản lỗ do COVID-19 vào thu nhập chịu thuế; nới lỏng thời gian nộp thuế; giảm thuế cho các doanh nghiệp duy trì trả lương định kỳ cho người lao động trong thời gian nghỉ dịch do COVID-19; không tính các khoản trợ cấp vào thu nhập chịu thuế. Đặc biệt, để thúc đẩy đào tạo và hỗ trợ việc làm nhân thời kỳ nhàn rỗi do COVID-19, chính quyền Đài Loan còn đưa ra các khoản trợ cấp cho người lao động tái đào tạo khi mất việc. Khi người lao động mất việc được nhận khoản trợ cấp thất nghiệp thông thường, thì người sử dụng lao động cũng được hỗ trợ phần tiền bồi thường phải trả cho người lao động. Các doanh nghiệp còn nhận được nhiều khoản hỗ trợ khác nhằm ổn định việc làm cho người lao động, khuyến khích thiết lập quan hệ công việc -cuộc sống cân bằng cho người lao động. Các gói hỗ trợ này còn hướng tới mục tiêu đảm bảo ổn định và tận dụng cơ hội nâng cấp ngành trong thời kỳ khủng hoảng do đại dịch13. Chính nhờ các biện pháp ứng phó này, nền kinh tế Đài Loan đã chứng kiến sự tăng trưởng 2,2% trong quý I/2020 ngay cả khi có sự suy giảm xuất khẩu.
Thứ ba, kích thích kinh tế.
Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh, Đài Loan đã ban hành Đạo luật đặc biệt về các biện pháp ngăn chặn, cứu trợ và phục hồi vì đại dịch COVID-19 ngày 25/2/2020 cùng với gói kích thích ban đầu trị giá 60 tỷ Đài tệ, sau đó tiếp tục tăng lên đến 150 tỷ Đài tệ (khoảng 5 tỷ USD). Các gói kích thích này sẽ hỗ trợ tất cả mọi người từ các gia đình và các nhóm yếu thế cho tới các doanh nghiệp và ngành dưới dạng giảm thuế cá nhân, trợ cấp chi phí cho hộ gia đình, cứu trợ công nghiệp, và cắt giảm thuế doanh nghiệp. Đến tháng 7/2020, tình hình dịch bệnh lan rộng trên toàn cầu đã tác động xấu đến nhiều ngành kinh tế Đài Loan, do đó Viện Hành chính tiếp tục bổ sung gói 210 tỷ Đài tệ (7,1 tỷ USD) nhằm cung cấp tài chính cho chương trình phòng dịch, cứu trợ và kích thích kinh tế bao gồm cả trợ cấp lương cho công nhân và doanh nghiệp, tài chính cho nghiên cứu phát triển và mua vắc-xin. Bộ Kinh tế (MOEA) đưa ra các phiếu giảm giá có hạn chót vào 31/12/2020 nhằm khuyến khích người dân gia tăng mua hàng đặc biệt tập trung vào các ngành bị thiệt hại mạnh bởi đại dịch như nông nghiệp hay du lịch. Các phiếu giảm giá này được cung cấp không chỉ cho công dân Đài Loan, mà cả những người nước ngoài có vợ hay chồng là người Đài Loan. Những biện pháp này có mục tiêu cứu trợ các doanh nghiệp bị tổn thương mạnh do đại dịch, sớm thiết lập các biện pháp phòng ngừa tổng thể và bảo đảm hòn đảo an toàn trước mối đe dọa của đại dịch COVID-19.
Bên cạnh chính sách đòn bẩy ba hướng kích thích kinh tế, Đài Loan còn thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng, cắt giảm lãi suất cho SMEs giúp các doanh nghiệp này duy trì hoạt động. Chẳng hạn như vào tháng 3/2020, ngân hàng Trung ương đã cắt giảm 0,25 điểm phần trăm đối với lãi suất chiết khấu, lãi suất có thế chấp và lãi suất không thế chấp xuống lần lượt là 1,125%; 1,5% và 3,375%. Ngân hàng còn cung cấp quỹ bổ sung trị giá 200 tỷ Đài tệ và mức lãi suất thấp hơn 1% so với lãi suất có thế chấp để hỗ trợ tín dụng cho SMEs14. Để tạo thuận lợi cho việc triển khai các gói cứu trợ và kích thích kinh tế, Ngân hàng cũng nỗ lực thiết lập môi trường tài chính linh hoạt tạo thuận lợi cho việc triển khai các chương trình hỗ trợ đặc biệt cho SMEs. Ngân hàng Trung ương còn theo dõi sát tình hình dịch bệnh để điều chỉnh chính sách tiền tệ cũng như đưa ra các tư vấn tình hình kinh tế tài chính phù hợp.
Song hành với các biện pháp kích thích kinh tế, Đài Loan cũng tận dụng cơ hội chuyển đổi số trên toàn thế giới trong thời kỳ đại dịch để phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo cốt lõi trong Cách mạng công nghiệp 4.0 như đẩy mạnh triển khai Kế hoạch sáng tạo công nghiệp 5+2 (tập trung vào các ngành năng lượng xanh, quốc phòng và không gian, công nghệ sinh học, nông nghiệp hiện đại, và kinh tế tuần hoàn). Đài Loan nỗ lực thu hút đầu tư cả với các doanh nghiệp Đài Loan cũng như khuyến khích các tập đoàn lớn hay các công ty khởi nghiệp sáng tạo đầu tư tại Đài Loan, tiếp sức cho mục tiêu xây dựng Đài Loan trở thành “Thung lũng Silicon châu Á” với vai trò như một trung tâm (hub) sáng tạo của khu vực nhờ vào hệ sinh thái khởi nghiệp dựa trên ứng dụng internet vạn vật (IOT), trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn. Với các doanh nghiệp Đài Loan đang hoạt động tại Trung Quốc, Đài Loan cũng thực thi các chính sách lôi kéo doanh nghiệp lớn Đài Loan hồi hương các cơ sở sản xuất hay đa dạng hóa đầu tư sang 18 quốc gia trong chính sách hướng Nam mới như ASEAN, Ấn Độ… Chiến lược này không chỉ có mục tiêu củng cố hoạt động sản xuất tại Đài Loan mà còn hướng đến chiến lược đa dạng chuỗi cung ứng khỏi Đại lục nhằm đảm bảo sự vận hành chuỗi cung ứng ổn định trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến bất thường và ứng phó trước các thiệt hại từ căng thẳng Mỹ - Trung trên các mặt trận kinh tế, chính trị, công nghệ và an ninh.
Mặc dù xác định tình hình dịch bệnh vẫn có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, song các lãnh đạo công ty Đài Loan cho thấy sự linh hoạt thích ứng nhanh trước các thay đổi trên thị trường, tình hình kinh tế suy thoái và bất định do dịch bệnh. Theo khảo sát của Pricewaterhouse-Coopers (PwC) Đài Loan, cho thấy rằng: có đến 83% CEO Đài Loan cảm nhận được tình hình suy thoái toàn cầu đang tác động xấu tới niềm tin khách hàng và 59% cho rằng các biện pháp kiểm soát rủi ro, cũng như ra quyết định và phối hợp liên vùng là không thỏa đáng; tuy nhiên có tới 60% người trả lời tự tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp có thể trở lại bình thường trong vòng 3 tháng, thậm chí có 29% tin sẽ phục hồi trong 1 tháng15. Khoảng một nửa số doanh nghiệp nội địa Đài Loan nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục gia tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), phối hợp với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trẻ để tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường hải ngoại và tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng mới. Cũng theo khảo sát của PwC, Việt Nam được đánh giá đã vượt Nhật Bản và Đức trở thành thị trường lớn thứ ba (27%) sau Trung Quốc (56%), Mỹ (51%) của các doanh nghiệp Đài Loan. Những khảo sát này cho thấy thái độ lạc quan của các doanh nghiệp Đài Loan ngay cả trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn luôn thường trực. Chúng cũng thể hiện sự hiệu quả và mức độ đáp ứng tích cực của khu vực doanh nghiệp và người dân với các biện pháp kích thích kinh tế và cứu trợ công nghiệp cũng như nỗ lực tận dụng khủng hoảng do đại dịch như một cơ hội nâng cấp ngành và đẩy mạnh chuyển đổi số trên toàn lãnh thổ Đài Loan.
4. Kết luận
Đối ngược với tình trạng u ám và thực tế tăng trưởng âm ở phần lớn các quốc gia, mặc dù có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định, nền kinh tế Đài Loan đã trở thành điểm sáng không chỉ trong ứng phó và kiểm soát dịch bệnh mà còn là điểm sáng tăng trưởng trên thế giới. Do tình hình kinh tế toàn cầu đình trệ, lại là nền kinh tế phụ thuộc lớn vào ngoại thương, nền kinh tế Đài Loan cũng chịu tổn thương ít nhiều do sự phong tỏa biên giới, hạn chế du lịch và gián đoạn chuỗi cung ứng. Ứng phó với tình trạng này, trong khi tìm cách khai thác các lợi thế cạnh tranh cao trong lĩnh vực điện tử, thông tin và truyền thông trên thị trường toàn cầu; Đài Loan vẫn phải cố gắng khai thác và tìm động lực tăng trưởng từ cầu thị trường nội địa. Để kích thích kinh tế, ngăn giảm phát và suy thoái, Đài Loan cũng áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và tiền tệ nới lỏng cho phù hợp. Tuy nhiên, điểm đáng quan tâm là cả chính quyền và doanh nghiệp Đài Loan dù vẫn xem khủng hoảng đại dịch COVID-19 như một thách thức toàn cầu phải ứng phó, song lại nhìn nhận đây cũng là cơ hội lớn cho việc điều chỉnh, tái cấu trúc và tranh thủ khoảng lặng này cho việc học hỏi, tái đào tạo nâng cấp ngành và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây là một điểm nhấn đáng học hỏi của Đài Loan trong cách thức ứng phó với đại dịch. Ngoài ra, cách thức trợ cấp cho người dân gặp khó khăn thông qua cung cấp các phiếu mua hàng cũng là một kinh nghiệm hay cho các quốc gia khác khi vừa đạt mục tiêu trợ cấp cho các đối tượng khó khăn, vừa thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Sự mềm dẻo, linh hoạt và hiệu quả trong các chương trình chống dịch, kích thích kinh tế, ngoại giao COVID-19 và nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế đã góp phần đáng kể trong tạo dựng Đài Loan không chỉ như mô hình hiệu quả trong khống chế dịch bệnh mà còn tạo sức hút cho sự hội tụ của các tập đoàn lớn ở các ngành công nghiệp bậc cao và tạo thuận lợi cho việc triển khai các chương trình chuyển đổi mô hình phát triển của Đài Loan trong thời gian tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chang, Chien-Yi (22/5/2020), “Impact of COVID-19 on Taiwan’s Economy and Industry”, Perspectives from Around the World 156 – RIETI – Japan.
2. Chiang, Min-Hua (28/5/2020), “The impact of COVDI-19 on Taiwan’s economy and future prospects”, Taiwan Insight.
3. Hsu, Crytal (17/7/2020), “Taiwanese CEOs expect recession due to pandemic”, Taipei Times.
4. Huynh Tam Sang (12/9/2020), “Exporting Taiwanese influence abroad during COVID-19”, East Asia Forum.
5. Sung, Wen-Ti (2/6/2020), “Taiwan’s COVID-19 diplomacy and WHO participation: Losing the battle but winning the war?”, The Diplomat.
[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] TS., Trưởng khoa lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp
[3] TS., Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[4] Xem OECD (2020), “The global outlook is highly uncertain – OECD Economic Outlook, June 2020”; Amaro, Silvia (16/9/2020), “OECD projects global GDP will collapse by 4.5% this year”, CNBC; IMF (2020) “A Crisis like no other, an uncertain recovery - World Economic Outlook Update, June 2020”; WB (8/6/2020), “The global economic outlook during the COVID-19 pandamic: A changed world”.
[5] Chiang, Min-Hua (28/5/2020), “The impact of Covid-19 on Taiwan’s economy and future prospects”, Taiwan Insight.
[6] Bóng chày là môn thể thao được yêu thích nhất ở Đài Loan.
[7] Pan, Jason (9/5/2020), “Virus outbreak: Taiwan open stadium to ball fans”, Taipei Times; Hsieh, Ching-wen & Mazzetta, Matthew (8/5/2020), “Taiwan the first to open pro baseball games to fans in 2020”, Central News Agency; “More fans, fewer restrictions: Games go on in the nation’s ballparks”, Taipei Times; 11/6/2020.
[8] Chang, Chien-Yi (22/5/2020), “Impact of COVID-19 on Taiwan’s Economy and Industry”, Perspectives from Around the World 156 – RIETI – Japan.
[9] Oung, Angelica (21/8/2020), “Export orders surge 12,4% last month”, Taipei Times; Liang, Pei-chi & Ko, Lin (20/8/2020), “Taiwan’s July export orders rise for fifth consecutive month”, FocusTaiwan.
[11] “Coronavirus/Taiwan to donate 7 million more marks to countries woldwide”, Focus Taiwan.
[12] Sung, Wen-Ti (2/6/2020), “Taiwan’s COVID-19 diplomacy and WHO participation: Losing the battle but winning the war?”, The Diplomat.
[13] Xem “Cabinet approves second increase in COVID-19 special budget”, 23/7/2020 và “Taiwan’s COVID-19 relief measures”, 28/8/2020, Department of Information Services, Executive Yuan.
[14] Xem “Monetary policy decisions of the Board Meeting”, Press Release - Central Bank of the Republic of China (Taiwan), 19/3/2020.
[15] Hsu, Crytal (17/7/2020), “Taiwanese CEOs expect recession due to pandemic”, Taipei Times.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 11 (237) 11-2020