Sáng kiến xây dựng xã hội 5.0 của Nhật Bản

17:00 24/03/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

Trần Thị Nhung*

 

Tóm tắt: Năm 2016 Nhật Bản đã đưa ra ý tưởng và thảo luận về việc xây dựng xã hội Nhật Bản 5.0, một xã hội siêu thông minh, tận dụng những thành quả tinh túy nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (trí tuệ nhân tạo, robot, internet vạn vật, dữ liệu lớn) để giải quyết các vấn đề xã hội nan giải, đem lại cuộc sống viên mãn cho người dân trong tương lai. Bài viết trình bày những hiểu biết cơ bản về xã hội 5.0, phân tích những khó khăn, thách thức Nhật Bản cần phải vượt qua như vấn đề an ninh bảo mật dữ liệu và những rào cản về cơ chế chính sách giữa các bộ và ngành, hệ thống pháp lý, công nghệ, nguồn nhân lực và sự chấp nhận của xã hội trên con đường hiện thực hóa xã hội 5.0, đồng thời phân tích triển vọng về xã hội 5.0 ở Nhật Bản trong tương lai, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chăm sóc y tế, giao thông vận tải, kỹ thuật hạ tầng và tài chính.

Từ khóa: Nhật Bản, Xã hội 5.0, Công nghệ, Trí tuệ nhân tạo, Robot

1. Khái lược về xã hội Nhật Bản 5.0*

Theo quan niệm  của Nhật Bản, loài người đã trải qua các bước phát triển từ thấp đến cao gắn với tên gọi, đặc trưng của xã hội: xã hội 1.0 (xã hội săn bắn, hái lượm); xã hội 2.0 (xã hội nông nghiệp); xã hội 3.0 (xã hội công nghiệp); xã hội 4.0 (xã hội thông tin) và hiện nay bước tiến thứ 5 trong cuộc cách mạng xã hội (xã hội 5.0) vượt xa những hình mẫu xã hội trước đây với nền tảng là một cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, và Nhật Bản là quốc gia đi đầu.

Vào năm 2016, Chính phủ Nhật Bản đã nêu ra những thách thức cản trở sự phát triển bền vững của Nhật Bản: sự cạnh tranh kinh tế trên toàn cầu, xã hội siêu già hóa với gánh nặng chăm sóc y tế ngày càng tăng trong khi lực lượng lao động trẻ sụt giảm. Để vượt qua những thách thức đó, Liên đoàn các doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren - tập đoàn lớn nhất quốc gia) đã đề ra tầm nhìn về một xã hội mới “siêu thông minh”, còn gọi là “xã hội 5.0”. Xã hội Nhật Bản theo mô hình này sẽ phát triển bền vững trong hoàn cảnh dân số suy giảm, khẳng định được vị thế của Nhật Bản trong quá trình cạnh tranh toàn cầu và góp phần giải quyết các vấn chung của nhân loại.

 Khái niệm “xã hội 5.0” xuất hiện lần đầu trong Kế hoạch cơ bản khoa học và công nghệ lần thứ năm, một chiến lược quốc gia năm năm được xây dựng bởi Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo (CSTI). Kế hoạch này đã kết hợp các kết quả thảo luận chuyên sâu của các ủy ban chuyên gia do Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) quản lý từ năm 2014. Trong năm 2015 và 2016, các bộ trưởng và lãnh đạo doanh nghiệp có liên quan đã gặp nhau nhiều lần để thảo luận về hướng đi mà Nhật Bản nên thực hiện. Chỉ vài tháng sau khi CSTI công bố Kế hoạch cơ bản khoa học và công nghệ thứ năm, Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã công bố đề xuất chính sách của riêng mình về xã hội 5.0 và mối quan hệ giữa chính phủ với ngành công nghiệp, đặc biệt là với Keidanren ngày càng chặt chẽ, tạo động lực thúc đẩy nhanh quá trình hình thành xã hội 5.0.

Được gọi là xã hội siêu thông minh, xã hội 5.0 hình dung ra một hệ thống kinh tế xã hội toàn diện, bền vững, được hỗ trợ bởi các công nghệ kỹ thuật số như phân tích dữ liệu khổng lồ (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và robot. Hệ thống vật lý không gian mạng, trong đó không gian mạng và không gian vật lý được tích hợp chặt chẽ, trở thành một hệ thống công nghệ phổ biến hỗ trợ xã hội 5.0. Sự chuyển đổi sang xã hội 5.0 được coi là tương tự như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó cả hai khái niệm đều đề cập đến sự thay đổi cơ bản hiện tại của kinh tế thế giới theo một mô hình mới. Tuy nhiên, xã hội 5.0 là một khái niệm sâu rộng hơn, vì nó hình dung ra một sự thay đổi hoàn toàn về lối sống. Trong xã hội 5.0, mọi sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ được phân phối một cách tối ưu và phù hợp với nhu cầu của mọi người. Đồng thời, xã hội 5.0 sẽ giúp con người vượt qua các thách thức xã hội như lão hóa dân số, phân cực xã hội, suy suy giảm dân số và những hạn chế liên quan đến vấn đề năng lượng và môi trường.

Chiến lược công nghệ trí tuệ nhân tạo Nhật Bản là trụ cột chính của xã hội 5.0. Chiến lược này mô tả AI là một dịch vụ và dự kiến ba giai đoạn phát triển và sử dụng AI: (1) mở rộng sử dụng AI điều khiển dữ liệu trong mỗi miền dịch vụ, (2) sử dụng chung AI và dữ liệu trên các dịch vụ và (3) hình thành hệ sinh thái thông qua việc sáp nhập phức tạp các dịch vụ này. Chiến lược công nghệ trí tuệ nhân tạo áp dụng khung này cho ba lĩnh vực ưu tiên của xã hội 5.0 là sức khỏe, tính di động và năng suất[1].

Trong xã hội 5.0, dữ liệu khổng lồ là nguồn tài nguyên chính được thu thập từ rất nhiều nguồn khác nhau, thông qua IoT, từ các cảm biến, camera… trong không gian thực, được tích lũy vào không gian ảo (không gian đám mây), và được AI chuyển đổi thành một loại trí thông minh mới đi tới mọi ngóc ngách trong xã hội. Các giá trị và dịch vụ mới sẽ được tạo ra liên tục nên mọi người được cung cấp các sản phẩm và dịch vụ với số lượng và vào thời điểm cần thiết, làm cho cuộc sống của mọi người trở nên thoải mái và ổn định hơn. Chính vì vậy trong Kế hoạch cơ bản khoa học và công nghệ lần thứ năm Nhật Bản đã định nghĩa “xã hội 5.0 là một xã hội lấy con người là trung tâm, là xã hội cân bằng giữa phát triển về kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội bằng hệ thống tích hợp cao giữa không gian ảo và không gian thực”[2].

Xã hội 5.0 là một chương trình và tầm nhìn cụ thể tại Nhật Bản xoay quanh hai xu hướng công nghệ hiện tại đang diễn ra trên thế giới nói chung: IoT và AI nhằm mục tiêu hội tụ không gian ảo với thế giới thực để giải quyết các vấn đề như tăng nhu cầu năng lượng và thực phẩm, bất bình đẳng trong xã hội và xã hội già hóa.

Bản chất của xã hội 5.0 là sự kết hợp các tinh túy mọi lĩnh vực của xã hội từ công nghiệp, kinh tế, khoa học, y tế, giáo dục, tâm linh… để đưa ra giải pháp tốt nhất, tốn ít sức lao động, đưa ra kết quả tốt nhất phục vụ lợi ích con người.

Cấu trúc xã hội 5.0 sẽ dựa trên dữ liệu được thu thập bởi các cảm biến trong thế giới thực được gửi đến thế giới ảo trên đám mây để được phân tích bằng AI. Sau đó, các dữ liệu này quay trở lại thế giới thực ở dạng vật lý thông qua robot, máy móc, xe tự hành hay thậm chí là máy tính. Đặc biệt, sáng kiến và công nghệ sẽ không chỉ được sử dụng cho lợi ích của các doanh nghiệp mà còn mang lại lợi ích cho toàn xã hội[3].

Nguyên tắc để xây dựng và vận hành xã hội 5.0 là phân tích dữ liệu nhờ sức mạnh trí tuệ nhân tạo (AI) và tận dụng tối đa sức mạnh công nghệ để nâng cao hiệu quả và giải quyết mọi vấn đề sản xuất hay xã hội. Xã hội 5.0 sẽ tìm kiếm một con đường mà công nghệ có thể giúp tất cả mọi người dân tham gia vào hoạt động xã hội, kể cả người cao tuổi, người nước ngoài. Thay vì cạnh tranh khốc liệt, công nghệ mới sẽ mang lại sự hợp tác của mọi thành viên xã hội với nhau, với các doanh nghiệp nước ngoài[4].

Xã hội 5.0 chính là xã hội mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, là một xã hội siêu thông minh, nhưng phát triển một cách bền vững vì con người, cho con người. Ở đó, loài người, các robot và một trí tuệ nhân tạo sẽ cùng tồn tại và lao động để đáp các nhu cầu cơ bản về vật chất và tinh thần một cách đầy đủ nhất của con người.

Trước đây, trong xã hội 4.0 (xã hội thông tin), dữ liệu được thu thập sẽ do con người phân tích, còn trong xã hội 5.0, con người, vạn vật và các hệ thống được kết nối với nhau tại không gian ảo, siêu thông minh. Tại đó, trí tuệ nhân tạo, dự đoán vượt cả trí tuệ của con người, sẽ phân tích dữ liệu và truyền kết quả phân tích trở lại cho không gian thực dưới các hình thức khác nhau. Hiểu một cách đơn giản, xã hội 5.0 được vận hành trên nền tảng kỹ thuật số, thu thập, phân tích các dữ liệu lớn để đưa ra các giải pháp. Cụ thể, máy tính với sự trợ giúp của AI sẽ lọc những thông tin quan trọng chứa trong các bộ nhớ đám mây để phân tích và với nền tảng ban đầu là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một lượng lớn vật chất sẽ được tạo ra, đáp ứng được các nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của con người, đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội.

Khác với xã hội 4.0 lấy số hóa làm trung tâm, sử dụng công nghệ để thúc đẩy xã hội phát triển, xã hội 5.0 lấy con người là trung tâm, số hóa là phương tiện làm cho con người hạnh phúc và được hưởng nhiều tiện ích mới trong xã hội siêu thông minh. Xã hội 5.0 đưa các công cụ công nghệ tiên tiến đến với công chúng, cố gắng làm giảm những khó khăn và cải thiện cuộc sống của con người. Trong khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chỉ tập trung ở lĩnh vực sản xuất thì xã hội 5.0 lại mở rộng ra mọi ngóc ngách của xã hội.

Sự chuyển đổi sang xã hội 5.0 được coi là tương tự như cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó cả hai khái niệm đều đề cập đến sự thay đổi cơ bản của nền kinh tế thế giới theo một mô hình mới. Tuy nhiên, xã hội 5.0 là một khái niệm sâu rộng hơn, vì nó hình dung một sự thay đổi hoàn toàn trong lối sống của con người.

Xã hội Nhật Bản 5.0 không chỉ đơn thuần là nói về kinh tế mà là nói về sự số hóa của toàn xã hội để làm cho xã hội trở nên siêu thông minh. Cùng với phát triển kinh tế thông qua việc tạo ra giá trị mới bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, xã hội Nhật Bản 5.0 đồng thời tập trung vào các giải pháp để giải quyết các vấn đề xã hội như tăng nhu cầu năng lượng và thực phẩm, an toàn và an ninh, biến đổi khí hậu, dân số già, bất bình đẳng khu vực và kinh tế khác biệt.

2. Thách thức

Xã hội 5.0 được dự báo là một dự án đầy tham vọng nhằm mục đích giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội hiện hành thông qua việc tích hợp các lĩnh vực vật lý và không gian mạng. Ý tưởng này của xã hội 5.0 nhìn nhận sự thay đổi và tiến bộ công nghệ mang ý nghĩa tích cực và có thể kiểm soát được, đưa ra được những giải pháp cho nhiều thách thức lớn mà Nhật Bản và các nước phát triển khác đang phải đối mặt. Tuy nhiên, viễn cảnh này đã ít tính đến những mối nguy hiểm tiềm tàng khi internet và trí tuệ nhân tạo được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động xã hội.

Để hiện thực hóa xã hội 5.0 thì “vạn vật” cần được kết nối với nhau thông qua mạng internet và loài người cần xây dựng các hệ thống dữ liệu khác nhau, tích hợp chúng lại và để các hệ thống kết nối với nhau. “Sự tích hợp này cho phép nhiều dữ liệu rất khác nhau (dữ liệu web, dữ liệu hoạt động của con người, dữ liệu địa lý 3D, dữ liệu giao thông, dữ liệu quan sát môi trường, dữ liệu sản xuất và phân phối của công nghiệp và nông nghiệp, cũng như các dữ liệu khác) được thu thập, phân tích, và áp dụng trên tất cả các hệ thống phối hợp và cộng tác để liên tục tạo ra các giá trị và dịch vụ mới”[5]. Mức độ hợp nhất giữa không gian ảo và thế giới thực rất cao nên thiệt hại mà các cuộc tấn công trên mạng có thể gây ra trên thế giới thực sẽ ngày càng trở nên trầm trọng và có thể ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Điều này nảy sinh vấn đề an ninh bảo mật dữ liệu. Việc gia tăng sử dụng hệ sinh thái IoT sẽ làm tăng nguy cơ xâm phạm đời tư, an ninh mạng và những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của con người trong sử dụng các sản phẩm kết nối không dây hay các phương tiện không người lái và vấn đề bảo mật sẽ trở nên quan trọng hơn rất nhiều. Nếu kẻ xấu xâm nhập vào được những dữ liệu tối mật của đối thủ cạnh tranh hay của một quốc gia khác thì đó sẽ là một thảm họa khôn lường. Vì vậy tại Nhật Bản, chính phủ, doanh nghiệp đã cùng hợp tác để soạn ra luật quản lý dữ liệu nhằm giải quyết vấn đề nan giải này.

Bên cạnh đó, để hiện thực hóa xã hội 5.0 con người phải xây dựng, tích hợp, kết nối các hệ thống dữ liệu khác nhau sau đó phân tích và áp dụng trên tất cả các hệ thống phối hợp và cộng tác để tạo ra các giá trị và dịch vụ mới. Tuy nhiên, để xây dựng, kết nối được các hệ thống dữ liệu giữa các công ty ngay lập tức là điều không dễ dàng vì để làm được điều đó cần có thời gian và đủ nguồn lực (nguồn nhân lực ở trình độ cao và vật chất). Hiện tại, các nhà sản xuất có xu hướng sở hữu số lượng lớn dữ liệu thu thập được theo các kênh của riêng mình và hạn chế chia sẻ với các công ty khác. Điều này phần nào hạn chế khả năng phát triển những công nghệ mới và lãng phí tài nguyên dữ liệu.

Ngoài ra, để đạt được những thành quả đáng mong đợi trong xã hội 5.0, Nhật Bản sẽ cần phải vượt qua một số rào cản về cơ chế chính sách giữa các bộ ngành, hệ thống pháp lý, công nghệ, nhân lực và nhận thức xã hội[6].

Trước hết là rào cản về cơ chế chính sách giữa các bộ, ngành (thậm chí là giữa các quốc gia) với nhau, đặc biệt là vấn đề quan hệ giữa các bộ khác nhau của chính phủ về chiến lược công nghệ trí tuệ nhân tạo (trụ cột chính của xã hội 5.0). Xã hội 5.0 của Nhật Bản không chỉ là về công nghệ, mà còn bao gồm những chính sách và quy định định hình sự phát triển của nó. Do vậy, thành phần chính trong xã hội 5.0 không chỉ là các ngành công nghiệp 4.0 mà còn bao gồm các tổ chức, tất cả các bên liên quan như công dân, chính phủ, học viện… Tuy nhiên, trong thực tế, mặc dù Văn phòng nội các và Bộ Nội vụ và Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các nguyên tắc chung để phát triển chính sách AI nhưng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp lại được chủ động trong việc đưa ra các chính sách, phương thức cạnh tranh giữa các khu vực. Các bộ ngành như Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải và Bộ Y tế, Phúc lợi và Lao động thì được chủ động trong từng lĩnh vực ứng dụng (như các loại xe và trang thiết bị y tế tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo). Điều này có thể dẫn đến sự thiếu thống nhất trong một số chính sách, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các bộ và ngành.

Thứ hai, rào cản về hệ thống pháp lý cần phải vượt qua để tạo ra hành lang pháp lý mới cho việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến. Trước khi đạt được những những thay đổi mới trong xã hội, có rất nhiều công việc, bao gồm cả những vấn đề pháp lý mới từ cấp độ quốc gia tới toàn cầu cần phải thực hiện. Do vậy hệ thống pháp lý cần phải được đổi mới để giải quyết các trở ngại pháp lý khác nhau cũng như làm thế nào để tích hợp thế giới ảo với thế giới thực và sử dụng robot trong tất cả các lĩnh vực. Trong thực tế, điều này cũng có nghĩa là cần phải cải cách quy định và thúc đẩy số hóa hành chính.

Thứ ba, cần vượt qua rào cản về công nghệ (nhân tố hình thành nên nền tảng tri thức). Dữ liệu hoạt động cũng như tất cả các công nghệ/lĩnh vực để bảo vệ và sử dụng, từ an ninh mạng đến công nghệ robot, nano, sinh học và hệ thống công nghệ đóng vai trò nền tảng cần được nghiên cứu và phát triển ở các cấp độ khác nhau để phù hợp với sự phát triển xã hội.

 Thứ tư, rào cản về nguồn nhân lực ảnh hưởng lớn tới việc hiện thực hóa xã hội 5.0. Xã hội 5.0 đòi hỏi mọi thành phần trong xã hội phải có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, có nhiều người có chuyên ngành về kỹ thuật số. Rào cản này Nhật Bản đang từng bước vượt qua nhờ các cuộc cải cách giáo dục trong đó có việc chú trọng đến việc tăng cường sự hiểu biết về công nghệ thông tin trong các trường học, mở rộng nguồn nhân lực sẵn có các chuyên ngành về kỹ năng kỹ thuật số tiên tiến, dự định sẽ mở cửa cho các chuyên gia có tay nghề cao trong các lĩnh vực như bảo mật và khoa học dữ liệu và khuyến khích phụ nữ tham gia vào thị trường lao động để phát hiện những tài năng tiềm ẩn của họ,…

Thứ năm, rào cản về nhận thức xã hội siêu thông minh đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa xã hội 5.0. Sự chấp nhận của xã hội đối với những sản phẩm và dịch vụ mới liên quan đến xã hội hơn cả. Định kiến và sự phản kháng xã hội có thể cản trở sự phát triển và lan rộng của xã hội thông minh 5.0. Vì vậy cần thiết phải có sự đồng thuận xã hội và sự hợp tác giữa các cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy, tin tưởng sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng có thể nói Nhật Bản cũng có nhiều thuận lợi trên con đường hiện thực hóa xã hội 5.0. Sự quyết tâm của chính phủ, sự ủng hộ mạnh mẽ của các liên đoàn doanh nghiệp, đặc biệt là của Keidanren, trong việc xây dựng mô hình xã hội 5.0 là thuận lợi cơ bản để Nhật Bản đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa xã hội mới. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên dữ liệu khổng lồ có thể sử dụng trong nền kinh tế thị trường, trong các ngành công nghiệp hiện nay đã tích lũy được, các công nghệ tiên tiến sẵn có và nhiều năm nghiên cứu cơ bản giúp cho việc tạo ra các sản phẩm sử dụng công nghệ thông tin như big data, trí tuệ nhân tạo ứng dụng vào xã hội… là những điều kiện thuận lợi, cần thiết để hình thành nên xã hội siêu thông minh, xã hội 5.0. Bằng cách tận dụng các yếu tố độc đáo này, Nhật Bản sẽ vượt qua các thách thức xã hội như giảm dân số trong độ tuổi sản xuất, già hóa cộng đồng địa phương và các vấn đề năng lượng và môi trường trước các quốc gia khác.

3. Triển vọng

 Xã hội Nhật Bản 5.0 được hình thành trong tương lai sẽ làm thay đổi căn bản mọi mặt đời sống xã hội. Tuy chặng đường để đi tới xã hội mới còn khó khăn, thách thức, nhưng có một sự thật không thể phủ nhận là, một hình mẫu về một xã hội tốt đẹp hơn đang dần được định hình trong đời sống xã hội Nhật Bản.

Sự xuất hiện của robot và trí tuệ nhân tạo đã mang lại nhiều ứng dụng mới cho xã hội. Sự phát triển của công nghệ bay không người lái và tàu tự hành trong xã hội 5.0 sẽ giúp Nhật Bản đổi mới ngành công nghiệp hậu cần, vận tải và giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động hiện nay và tương lai. Trong tương lai, sự xuất hiện của các nhà máy tự động hoàn toàn trong sản xuất, các xe vận tải không người lái, bệnh viện hoạt động bằng những robot bác sĩ... được kết nối và điều hành thông qua trí tuệ nhân tạo, sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo, robot và hệ thống máy tính thông minh sẽ thay thế con người trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và giúp làm ra nhiều của cải vật chất hơn. Với phiên bản “xã hội 5.0”, chỉ cần một chiếc máy tính được kết nối internet và điều khiển thông qua một “trí tuệ nhân tạo”, người lao động, đặc biệt là những người lao động có trình độ cao trên toàn cầu sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn, phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình.

Trong xã hội 5.0 con người và robot hay trí tuệ nhân tạo sẽ cùng tồn tại và làm việc để cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách cung cấp các dịch vụ hỗ trợ các hoạt động của con người, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng, đồng thời cung cấp cả các dịch vụ riêng phù hợp với đặc thù từng vùng miền, tuổi tác, giới tính, ngôn ngữ… và cho phép bất cứ ai cũng là nhà cung cấp dịch vụ. Như vậy, mọi sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ được phân phối tối ưu cho mọi người dân và phù hợp với nhu cầu của họ. Những thách thức xã hội như dân số già, phân cực xã hội, suy thoái và những hạn chế liên quan đến năng lượng và môi trường sẽ được giải quyết nhờ sự phát triển của các công nghệ tiên tiến.

Cụ thể hơn, dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, phiên bản “xã hội 5.0” sẽ thay đổi hoàn toàn phương thức sống, giao tiếp của con người hiện nay. Máy móc, robot,... sẽ thay thế con người nhiều hơn. Những công việc vốn rất quen thuộc với con người trước đây như nấu ăn, phục vụ, lái xe taxi, bán hàng,... sẽ được robot thay thế. Các phương tiện tự động và máy bay không người lái sẽ mang đến hàng hóa và dịch vụ cho người dân ở những khu vực hoang vắng. Khách hàng sẽ có thể lựa chọn sản phẩm tiêu dùng có kích cỡ, kiểu cách, chất liệu… trực tuyến từ nhà sản xuất trước khi được giao bằng máy bay không người lái. Một bác sĩ sẽ có thể tư vấn cho bệnh nhân của mình một cách đầy đủ tại nhà riêng của họ thông qua một máy tính bảng đặc biệt. Tại viện dưỡng lão, robot có thể giúp chăm sóc người cao tuổi. Trong bếp của nhà dưỡng lão, tủ lạnh sẽ theo dõi thực trạng thực phẩm dự trữ để có thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không bị lãng phí. Đô thị sẽ được cung cấp năng lượng một cách linh hoạt và phi tập trung để đáp ứng nhu cầu cụ thể của người dân. Ở vùng ngoại ô, máy kéo tự hành sẽ hoạt động trên các cánh đồng. Trong khi, trung tâm thành phố, các hệ thống vật lý không gian mạng tiên tiến sẽ duy trì cơ sở hạ tầng quan trọng và sẵn sàng thay thế các kỹ thuật viên và thợ thủ công đã nghỉ hưu, nếu không có đủ người trẻ để thay thế.

Đồng thời, “trong tương lai, với sự tiến bộ trong những nỗ lực hướng tới xã hội siêu thông minh, con người không chỉ dự đoán được sự tích hợp của một số hệ thống, như năng lượng, vận tải, sản xuất và dịch vụ, mà còn tích hợp các chức năng quản lý tổ chức như nhân sự, kế toán, pháp luật, cũng như giá trị công việc do con người thực hiện như nhân lực và sáng tạo ý tưởng, điều này sẽ dẫn tới việc tạo ra giá trị tiếp theo”[7].

Như vậy “Xã hội Nhật Bản 5.0” sẽ có nhiều tác động tích cực tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội, từ cá nhân tới nhà nước và đời sống quan hệ quốc tế, giải quyết được các vấn đề kinh tế, xã hội một cách cơ bản và bền vững, làm cho cuộc sống của người dân sẽ tốt đẹp hơn. Những tác động tích cực thể hiện rõ nhất trong một số lĩnh vực tiêu biểu như chăm sóc y tế, giao thông vận tải, kỹ thuật hạ tầng và tài chính.

Trong lĩnh vực chăm sóc y tế, tình trạng gia tăng chi phí y tế, an sinh xã hội và nhu cầu chăm sóc người cao tuổi do xã hội bị lão hóa nhanh chóng sẽ được khắc phục trong xã hội 5.0. Chăm sóc y tế từ xa giúp người bệnh không còn phải đến bệnh viện thường xuyên, bác sĩ có thể điều trị cho người bệnh một cách hiệu quả qua màn hình máy tính từ nhà, dựa trên dữ liệu y tế được kết nối và chia sẻ từ nhiều bệnh viện khác nhau. Bệnh nhân được phát thuốc đến tận nhà bằng các phương tiện bay, hoặc được chăm sóc y tế bằng các robot. Đồng thời, ai cũng có thể đo lường và quản lý dữ liệu sức khỏe của mình khi ở nhà để có thể biết cách phòng chống bệnh tốt hơn, kéo dài giai đoạn sống khỏe mạnh. Hiện tại, Nhật Bản đã thử nghiệm robot công nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe để phục vụ người cao tuổi. Các nhà nghiên cứu cũng đang tập trung nghiên cứu việc sử dụng robot và cảm biến trong chăm sóc điều dưỡng để giảm gánh nặng của người chăm sóc cũng như giảm chi phí điều trị và chăm sóc y tế. Nhìn chung, xã hội 5.0 sẽ mang lại một hệ thống y tế mới bao gồm cả chăm sóc y tế và chăm sóc điều dưỡng tốt hơn cho người dân, đặc biệt là cho người cao tuổi.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, sự suy giảm dân số làm cho mật độ dân số các vùng nông thôn càng trở nên thưa thớt, người dân khó tiếp cận được hệ thống giao thông công cộng và tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh tạo ra tình trạng thiếu tài xế phục vụ giao hàng. Việc sử dụng các xe tự hành, kể cả taxi và xe buýt trong xã hội thông minh sẽ giúp người tham gia giao thông thư giãn và an toàn, làm cho giao thông nông thôn trở nên thuận tiện hơn. Việc giao nhận hàng bằng máy bay không người lái cũng sẽ giúp giảm thiểu lượng người và xe lưu thông trên đường, tránh được tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông. Hiện nay Chính phủ Nhật Bản đang triển khai kế hoạch về dịch vụ giao hàng bằng thiết bị bay không người lái cho các khu vực vùng núi, đồng thời sẽ tiến tới việc triển khai giao hàng an toàn tại khu vực đô thị.

Trong lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng, sự xuống cấp cơ sở hạ tầng công cộng phát triển trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh đã tạo ra sự thiếu hụt lực lượng lao động lành nghề và tăng gánh nặng tài chính cho việc kiểm tra và bảo trì. Trong tương lai, bằng cách sử dụng các công nghệ mới bao gồm công nghệ thông tin và truyền thông, cảm biến, trí tuệ nhân tạo, robot, cho các hệ thống kiểm tra và bảo trì cầu, đường, hầm, đập… đòi hỏi các kỹ năng chuyên môn, việc phát hiện những nơi cần sửa chữa có thể được thực hiện ở giai đoạn đầu. Bằng cách làm như vậy, tai nạn bất ngờ sẽ được giảm thiểu và thời gian dành cho công việc xây dựng sẽ giảm, đồng thời mức độ an toàn và năng suất sẽ tăng lên.

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, hiện nay ở Nhật Bản các giao dịch bằng tiền mặt chiếm tỷ lệ cao và các thủ tục ngân hàng còn cồng kềnh, chuyển tiền ra nước ngoài phải dành nhiều thời gian và trả phí ngân hàng. Việc sử dụng công nghệ thông tin trong các công ty còn hạn chế, việc cài đặt thanh toán không dùng tiền mặt và các dịch vụ tài chính linh hoạt còn chậm. Các vấn đề này sẽ dần được cải thiện cùng với quá trình hiện thực hóa xã hội 5.0. Công nghệ chuỗi khối (block chain) sẽ giảm thời gian và chi phí trong khi vẫn đảm bảo an toàn trong các giao dịch tài chính và kinh doanh toàn cầu.

*

*    *

Xã hội Nhật Bản 5.0 là xã hội siêu thông minh lấy con người làm trung tâm, số hóa là phương tiện. Là xã hội được hỗ trợ bởi các công nghệ kỹ thuật số như phân tích dữ liệu khổng lồ, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và robot đề cân bằng giữa phát triển về kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội như tăng nhu cầu năng lượng và thực phẩm, bất bình đẳng trong xã hội và xã hội già hóa bằng hệ thống tích hợp cao giữa không gian ảo và không gian thực. Đây là hình mẫu của một xã hội tối ưu hóa sự tham gia của trí tuệ nhân tạo, robot để giải phóng sức lao động của con người trong nhiều hoạt động và giúp làm ra nhiều của cải vật chất hơn, đem lại cuộc sống đầy đủ và viên mãn, phục vụ tốt nhất cho con người.

Để hiện thực hóa xã hội 5.0, bên cạnh những thuận lợi như sự đồng tâm nhất trí của chính phủ, sự ủng hộ mạnh mẽ của các liên đoàn doanh nghiệp trong việc xây dựng mô hình xã hội 5.0, nguồn tài nguyên dữ liệu khổng lồ đã tích lũy được, các công nghệ tiên tiến sẵn có…, Nhật Bản phải đối diện với vấn đề an ninh mạng để đảm bảo sự bảo mật dữ liệu trong môi trường vạn vật đều được kết nối internet và phải vượt qua những rào cản về cơ chế chính sách giữa các bộ và ngành, hệ thống pháp lý, công nghệ, nguồn nhân lực và nhận thức xã hội.

Mặc dù còn những khó khăn, thách thức nhưng hình mẫu xã hội văn minh, hiện đại, xã hội Nhật Bản 5.0, đã, đang được hình thành và sẽ được hiện thực hóa trong tương lai. Khi đó các vấn đề kinh tế, xã hội sẽ được giải quyết một cách cơ bản và bền vững, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chăm sóc y tế, giao thông vận tải, kỹ thuật hạ tầng và tài chính, làm cho cuộc sống của người dân sẽ trở nên tốt đẹp, viên mãn hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoa Hướng Dương (2018), “Vượt mặt Đức để xây xã hội thông minh 5.0: Người Nhật đang cá cược gì với thế giới?”, http://soha.vn/ vuot-mat-duc-de-xay-xa-hoi-thong-minh-50-nguoi-nhat-dang-ca-cuoc-gi-.

2. Nguyễn Đình Đức (2019), “Society 5.0: Chính phủ Nhật Bản đã và đang xây dựng xã hội 5.0 trong kế hoạch 2016-2020”, https://vmcg.vn/ bai-viet/society-5-0-chinh-phu-nhat-ban-da-va-dang-xay-dung-xa-hoi-5-0-trong-ke-hoach-2016-2020/6de8b7ce-d88f-4369-ac76-37cff5ccf2a2.

3. Nguyễn Đình Đức (2020), “Nhật Bản bắt đầu xây dựng xã hội 5.0”, https://vnu.edu. vn/ttsk/?C1654/N23823/Nhat-Ban-bat-dau-xay-dung-Xa-hoi-5.0.htm.

4. Nguyễn Long (2019), “Cách mạng công nghiệp 4.0 là tiền đề hình thành xã hội 5.0”, http://enternews.vn/print/cmcn-4-0-la-tien-de-hinh-thanh-xa-hoi-5-0-145501.html.

5. Sĩ Lực (2018), “Nhật Bản giới thiệu xã hội 5.0 tại Việt Nam”, https://www.tienphong. vn/cong-nghe/nhat-ban-gioi-thieu-xa-hoi-50-tai-viet-nam-1237115.tpo.

6. Hoa Nắng (2019), “Xã hội 5.0″: Đỉnh cao mới của sự phát triển”, https://vietnam hoinhap.vn/article/xa-hoi-50-dinh-cao-moi-cua-su-phat-trien---n-19348.

7. Phương Thảo (2019), “Nhật Bản cải cách “xã hội 5.0”, đưa văn minh lên tầm cao mới”,  https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ nhat-ban-cai-cach-xa-hoi-50-dua-van-minh-len-tam-cao-moi-1290768.html.

8. Vũ Khánh Thọ (2019), “Nhật Bản bắt đầu cải cách xã hội 5.0”, https://thegioihoi nhap.vn/cong-nghe/nhat-ban-cai-cach-xa-hoi-5-0/.

9. Trang Nguyễn (2019), “Hướng tới công nghệ xã hội 5.0”, https://thuonghieucongluan. com.vn/huong-toi-cong-nghe-xa-hoi-5-0-a69985.html.

10. Hải Yến (2019), “Hướng tới xã hội 5.0 từ cách mạng công nghiệp 4.0”, https://www. vnmedia.vn/dan-sinh/201907/huong-toi-xa-hoi-50-tu-cach-mang-cong-nghiep-40-637220/.

11. FPT techinsight (2019), “‘Xã hội 5.0’ – Tầm nhìn táo bạo của người Nhật”,  https://tech insight.com.vn/xa-hoi-5-0-tam-nhin-tao-bao-cua-nguoi-nhat/.

12. I-Scoop (2018), “From Industry 4.0 to Society 5.0: the big societal transformation plan of Japan”, https://www.i-scoop.eu/industry-4-0/society-5-0/.

13. Keidanren (2016), “Toward realization of the new economy and society – Reform of the economy and society by the deepening of “Society 5.0””, https://www.keidanren.or.jp/en/ policy/2016/029_outline.pdf.

14. Mark Minevich (2019), “Japan’s ‘Society 5.0’ initiative is a road map for today’s entrepreneurs”, https://techcrunch. com/2019/02/ 02/japans-society-5-0-initiative-is-a-roadmap-for-todays-entrepreneurs/.

15. Maurice Lefebvre (2018), “Society 5.0: Accessibility as the Focus of the Design Industry”, https://www.primospopuli.com/en/ society-5-0-accessibility-as-the-focus-of-the-design-industry.

16. The Codian (2013), “Society 5.0: Reconciling social and business interests”, http://thecodian.com/society-5-0-reconciling-social-and-business-interests/.

17. UNESCO (2019), “Japan pushing ahead with Society 5.0 to overcome chronic social challenges”, https://en.unesco.org/news/japan-pushing-ahead-society-50-overcome-chronic-social-challenges.

18. Brian Buntz (2020), “In Japan, smart city projects have a social dimension”, https://www.iotworldtoday.com/2020/02/26/in-japan-smart-city-projects-have-a-social-dimension/.

19. Daily sabah (2019), “Society 5.0: A 'smart' new phase in human history on the horizon”, https://www.dailysabah.com/science/ 2019/10/28/society-50-a-smart-new-phase-in-human-history-on-the-horizon.

 


* TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt nam

[1] UNESCO, https://en.unesco.org/news/japan-pushing-ahead-society-50-overcome-chronic-social-challenges.

[2] Nguyễn Đình Đức, “Society 5.0: Chính phủ Nhật Bản đã và đang xây dựng xã hội 5.0 trong kế hoạch 2016-2020”, https://vmcg.vn/bai-viet/society-5-0-chinh-phu-nhat-ban-da-va-dang-xay-dung-xa-hoi-5-0-trong-ke-hoach-2016-2020/6de8b7ce-d88f-4369-ac76-37cff5ccf2a2.

[3] Phương Thảo, “Nhật Bản cải cách “xã hội 5.0”, đưa văn minh lên tầm cao mới”,  https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nhat-ban-cai-cach-xa-hoi-50-dua-van-minh-len-tam-cao-moi.

[4]  Trang Nguyễn, “Hướng tới công nghệ Xã hội 5.0”, https://thuonghieucongluan.com.vn/huong-toi-cong-nghe-xa-hoi-5-0-a69985.html.https://vmcg.vn/bai-viet/society-5-0-chinh-phu-nhat-ban-da-va-dang-xay-dung-xa-hoi-5-0-trong-ke-hoach-2016-2020/6de8b7ce-d88f-4369-ac76-37cff5ccf2a2.

[5] NASATI, “Hiện thực hóa “xã hội siêu thông minh” hàng đầu thế giới (Xã hội 5.0)”, dẫn theo http://www.vista. gov.vn/UserPages/News/detail/tabid/73/newsid/16018/seo/Hien-thuc-hoa-xa-hoi-sieu-thong-minh-hang-dau-the-gioi-Xa-hoi-5-0-/language/vi-VN/Default.aspx.

[6] I-Scoop (2018).

[7] NASATI, “Hiện thực hóa “xã hội siêu thông minh” hàng đầu thế giới (Xã hội 5.0)”, Tài liệu đã dẫn.


Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 5 (231) 5-2020

 

In trang Chia sẻ

Tin khác