Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2013: “Kinh tế Việt Nam năm 2013 – Tái cơ cấu nền kinh tế - Một năm nhìn lại”

12:00 07/04/2013
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong hai ngày 5-6/4/2013, tại thành phố Nha Trang, trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2013 “Kinh tế Việt Nam năm 2013 – Tái cơ cấu nền kinh tế - Một năm nhìn lại”.

 

Chủ tọa Hội thảo có đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; TS. Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

Tham dự Hội thảo có các thành viên Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa; các chuyên gia kinh tế, chuyên gia quản lý, nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Chiến lược phát triển, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng), Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Kinh tế Quốc dân, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright; nhiều chuyên gia nguyên là cán bộ quản lý cấp cao của các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội; Giám đốc Quốc gia và Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đại diện thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam và Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam (IMF), Giám đốc và Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam (ADB); và đại diện một số ngân hàng thương mại, tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Với 23 bài tham luận, các bình luận khoa học và các ý kiến tại hội thảo tập trung vào 2 chủ đề chính: (i) Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 và kiến nghị giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013, với các nội dung về đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012 và đề xuất chính sách cho năm 2013; về bối cảnh kinh tế thế giới năm 2013; chính sách tài khóa năm 2013; tái cấu trúc thị trường tài chính và hiệu quả của chính sách tiền tệ tại Việt Nam; thâm hụt thương mại; cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối; hoạt động của doanh nghiệp năm 2012; thị trường bất động sản; (ii) Tái cơ cấu kinh tế - Một năm nhìn lại, với các nội dung về tái cơ cấu kinh tế; cải cách thể chế kinh tế; tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty 91, ngân hàng thương mại; vấn đề nợ xấu ở các ngân hàng thương mại, các khu vực kinh tế.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, một số chỉ số của nền kinh tế được cải thiện tích cực: tỉ lệ lạm phát xuống thấp, kéo theo là mức lãi suất giảm đáng kể; cán cân thương mại đảo chiều, chuyển từ nhập siêu 9 tỷ USD năm 2011 sang xuất siêu hơn nửa tỷ USD năm 2012, tuy nhiên, xu hướng chủ đạo vẫn là tiêu cực, nền kinh tế năm 2012 và đầu năm 2013 vẫn trong tình trạng bất thường, thậm chí ở cấp độ gay gắt hơn. Các chỉ số vĩ mô quan trọng xấu đi: tốc độ tăng GDP thấp nhất trong vòng 13 năm, sụt giảm mạnh tỉ trọng đầu tư xã hội so với GDP, lạm phát được kiềm chế nhưng không chắc chắn và ngắn hạn, biên độ dao động lạm phát lớn; vấn đề nợ xấu, bất động sản đóng băng vẫn chưa có hướng giải quyết tận gốc. Một số chỉ số quý I năm 2013 về tổng mức bán lẻ, CPI tháng 3 âm, cho thấy sức cầu yếu, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp xa so với 2012, số doanh nghiệp đóng cửa rất lớn, phản ánh sức khỏe xấu của nền kinh tế, dự báo khả năng đến đáy và thoát đáy của nền kinh tế từ giữa năm 2013 đang trở nên xa vời. Tất cả điều này đòi hỏi phải có các giải pháp đặc biệt hơn là các giải pháp thông thường. PGS.TS. Trần Đình Thiên cảnh báo những cái giá phải trả cho phục hồi tăng trưởng và ổn định nền kinh tế trong thời gian tới, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành còn mang tính ngắn hạn, được cho là nguyên nhân dẫn đến bất ổn và suy giảm lòng tin, từ đó đề xuất quan điểm giải pháp cho năm 2013: ưu tiên khôi phục lòng tin vào năng lực và quyết tâm hành động của Chính phủ; ưu tiên giữ ổn định vĩ mô (lạm phát thấp); ưu tiên các hành động tái cơ cấu hơn là các giải pháp tháo gỡ. Một số giải pháp cơ bản PGS.TS. Trần Đình Thiên đề xuất: i) thay đổi ngay cơ chế điều hành lãi suất, áp đặt trần lãi suất cho vay thay vì trần lãi suất huy động; ii) nợ xấu: vai trò của nhà nước đối với nợ của doanh nghiệp; iii) tồn kho bất động sản: để thị trường tự giải quyết; iv) tập trung ưu tiên tái cơ cấu một số tập đoàn nhà nước lựa chọn; v) đổi mới chiến lược thu hút FDI và lựa chọn vùng đột phá; vi) bài học từ sai lầm trong dự án đầu tư Bauxit, cảng Kê Gà cần được lưu ý trong thực hiện tái đầu tư công.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, thực chất lạm phát giảm trong năm 2012 không phải là thành công của chính sách mà là hệ quả của nền kinh tế đi xuống. Năm 2013 cần tập trung vào giải quyết vấn đề lãi suất để khôi phục lòng tin xã hội và tạo động lực cho các doanh nghiệp.

PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đồng tình với nhận định của PGS.TS. Trần Đình Thiên rằng nền kinh tế khó có cơ hội bật lên trong năm 2013 xét cả về tổng cung và tổng cầu, vì vậy cần chuyển mục tiêu của năm 2013 hướng tới chuẩn bị các điều kiện đột phá cho các năm sau. PGS.TS. Bùi Tất Thắng nhấn mạnh, cải thiện phối hợp chính sách phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 và các năm tiếp theo.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn dành nhiều thời gian tranh luận về quan điểm tái cấu trúc nền kinh tế nên theo hướng trọng cung hay trọng cầu, hay kết hợp cả hai; về mức độ khả thi, rõ ràng của Đề án tái cơ cấu nền kinh tế vừa được Chính phủ phê duyệt. Đánh giá về nội dung tái cơ cấu nền kinh tế, các ý kiến tại Diễn đàn cho rằng, sau hơn 1 năm thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện nhiệm vụ được xác định là rất cấp bách này hiện mới chỉ dừng lại ở các Đề án riêng lẻ, chưa có sự gắn kết với nhau trong một chương trình tổng thể, nhất quán, thậm chí là cách làm ngược khi chưa có đề án tổng thể chung nhưng đã có các đề án thành phần.

Nhiều đại biểu thống nhất rằng, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế cần mang tính tổng thể, quá trình tái cơ cấu kinh tế ngành, vùng, địa phương, doanh nghiệp phải tiến hành đồng thời, thống nhất, thúc đẩy lẫn nhau trong kịch bản tái cấu trúc tổng thể; yêu cầu phải có quan điểm mới trong quá trình đổi mới tư duy kinh tế, đổi mới thể chế kinh tế, phát huy vai trò động lực của kinh tế tư nhân; cần thiết phải có bộ máy chỉ huy, giám sát, đánh giá độc lập quá trình tái cấu trúc, trong đó nhấn mạnh cần nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của Quốc hội đối với quá trình các ngành, địa phương, doanh nghiệp tự tái cơ cấu để không làm phá vỡ cấu trúc tổng thể. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần xây dựng lộ trình rõ ràng hơn với những mục tiêu, giải pháp, thời gian cụ thể và sớm báo cáo Quốc hội để làm cơ sở cho Quốc hội giám sát chặt chẽ việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những nội dung thảo luận tại Diễn đàn, đặc biệt là những ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế khi thảo luận về những vấn đề liên quan đến tình hình KT-XH của đất nước. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là kênh tham vấn quan trọng giúp cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có thêm những thông tin để xây dựng báo cáo thẩm tra có chất lượng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới đây./.

 

                                                                                                                                                                         TS. Vũ Hùng Cường

In trang Chia sẻ

Tin khác