Tham dự hội thảo, về phía Việt Nam có 24 đại biểu đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS): GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; đại diện các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện và các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Lào có sự tham dự của TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Lào.
Về phía Campuchia có 26 đại biểu đến từ Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC): TS. Khrốt Thị Đa, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia; GS.TS. Chăn Sổm Bun, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; đại diện các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia.
Về phía Lào có 60 đại biểu: PGS.TS. Thong Sa Lít Măng No Mệk, Quyền Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; TS. Khăm Phon Bun Nạ Đi, Phó Chủ tịch Viện; TS. Sỉ La Mun Tha La Vông, Phó Chủ tịch Viện; đại diện các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; đại diện các Bộ, Ngành của Lào. Về phía tỉnh Khăm Muộn có sự tham dự của Ông Khăm Bay Đăm Lắt, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn.
Chủ trì phiên khai mạc hội thảo có: PGS.TS. Thong Sa Lít Măng No Mệk, Quyền Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; Ông Khăm Bay Đăm Lắt, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn; GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Khrốt Thị Đa, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia.
Hội thảo đã nghe các bài phát biểu chào mừng của Quyền Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào, Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/gs.%20thang%20ht%20lao.jpg)
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu chào mừng hội thảo
|
|
Trong bài phát biểu chào mừng hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia nằm giữa hai cực tăng trưởng của thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Với lợi thế vị trí địa - kinh tế, địa - chính trị hết sức quan trọng, thế giới đang nhìn nhận chúng ta như cầu nối phát triển của khu vực, cầu nối trong xử lý các vấn đề chung của khu vực, trong đó phát triển bền vững là một trong những vấn đề được quan tâm nhất. Vì vậy, tất cả các quốc gia lớn trên thế giới đang nhìn nhận lại phương thức hợp tác và xác định các ưu tiên nhằm hợp tác có hiệu quả với chúng ta. Điều này đem lại nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác giữa ba nước, mở rộng hợp tác với các quốc gia khác trong vùng và khu vực, đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong bối cảnh thế giới đang biến đổi nhanh, có nhiều yếu tố thay đổi khó đoán định. Chúng ta cần đánh giá lại sự hợp tác giữa ba nước trên quan điểm phát triển bền vững nhằm tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua các thách thức, có những bước phát triển đột phá, đưa ba nước chúng ta thoát khỏi tình trạng vẫn bị coi là vùng trũng trong các nước ASEAN.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá cao những thành tựu đã đạt được rất đáng ghi nhận trong khuôn khổ hợp tác về khoa học xã hội giữa ba nước thời gian qua. Có thể nói rằng, quan hệ hợp tác về khoa học xã hội của ba nước đã có những bước tiến đáng kể theo lộ trình đã đặt ra từ kết quả thảo luận giữa lãnh đạo cấp cao ba viện khoa học xã hội tại Hội thảo Quốc tế thường niên lần thứ nhất về khoa học xã hội tổ chức ở Đà Nẵng, Việt Nam năm 2012, từng bước khẳng định vị thế của ngành khoa học xã hội trong phát triển bền vững ở mỗi quốc gia và trong khu vực. Đây là mô hình hợp tác theo hướng tăng cường nghiên cứu phối hợp và tư vấn chính sách ở tầm vĩ mô, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong tiểu vùng, đồng thời sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia và đối tác bên ngoài, trước hết là các quốc gia và đối tác trong Tiểu vùng Mê Kông, khu vực ASEAN và vùng châu Á. Chúng ta cần có định hướng phát triển bền vững chung để khắc chế các thách thức, hạn chế rủi ro trong phát triển, định vị đúng vai trò của khoa học xã hội trong định hướng phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dựa trên cơ sở quan điểm chia sẻ lợi ích chung về tài nguyên, môi trường, nguồn nhân lực, đầu tư, thương mại xuyên biên giới, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa, giải quyết tốt các vấn đề về dân tộc, tôn giáo của tiểu vùng, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chúng ta phải xây dựng được khung khổ pháp lý cho sự hợp tác về các mặt liên quan đến phát triển bền vững tiểu vùng, một khái niệm còn rất mới trong chương trình hợp tác của chúng ta, đưa ra các sáng kiến dựa trên các luận cứ khoa học và thực tiễn, lấy thực tiễn phát triển của mỗi nước và ba nước làm cơ sở xây dựng chương trình nghiên cứu, góp phần quan trọng giúp cho Chính phủ, các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách có những định hướng, giải pháp và quyết sách phù hợp.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/726_toan%20canh%20ht.jpg)
|
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác toàn diện với Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào và Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, cũng như các quan hệ hợp tác với các quốc gia và đối tác quan tâm đến các vấn đề phát triển chung của tiểu vùng, và khẳng định sẽ là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cơ chế hợp tác này, tiếp tục có những đóng góp thiết thực, chất lượng để nâng cao hơn nữa mối quan hệ hợp tác bền chặt, hiệu quả giữa ba viện, góp phần khẳng định vị thế của khoa học xã hội đối với phát triển bền vững ở từng quốc gia cũng như của tiểu vùng.
Sau bài phát biểu đề dẫn hội thảo của TS. Khăm Phon Bun Nạ Đi, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào, hội thảo đã chia ra 4 phiên thảo luận:
Phiên thứ 1: Vai trò của khoa học xã hội đối với phát triển bền vững, do TS. Khăm Phon Bun Nạ Đi, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào chủ trì, gồm 3 tham luận: 1) Vai trò của khoa học xã hội đối với phát triển bền vững ở Lào (TS. Sỉ La Mun Thạ La Vông, Phó Chủ tịch Viện KHXH Quốc gia Lào trình bày); 2) Phát triển bền vững và vai trò của khoa học xã hội đối với phát triển bền vững ở Việt Nam (PGS.TS. Phạm Văn Đức, Viện trưởng Viện Triết học, VASS); 3) Vai trò của khoa học xã hội đối với phát triển bền vững ở Campuchia: Ứng dụng chính sách về giáo dục đối với phát triển bền vững ở Campuchia (TS. Som Sommuny, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia).
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/gs.%20thuan%20ht%20lao.jpg)
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chủ trì phiên thảo luận 2 |
|
Phiên thứ 2: Tăng trưởng kinh tế theo hướng phát triển bền vững, do GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chủ trì, gồm 4 tham luận: 1) Tăng trưởng kinh tế theo hướng phát triển bền vững ở Việt Nam (PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, VASS); 2) Tăng trưởng kinh tế thông qua phát triển bền vững ở Campuchia (GS.TS. Heng Bunsong, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia); 3) Tăng trưởng kinh tế theo hướng phát triển bền vững ở Lào (TS. Li Bơ Lo Bua Pao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Lào); 4) Phát triển bền vững nông thôn ở Lào (TS. Sụ Băn Sẻng Sụ Lị Vông, Phó Ban Tổ chức và Văn phòng Trung ương, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, Lào).
Phiên thứ 3: Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, do GS.TS. Chăn Sổm Bun, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia chủ trì, gồm 3 tham luận: 1) Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường (TS. Sun Sot, Viện trưởng Viện Sinh vật học, Dược học và Nông nghiệp, Campuchia); 2) Quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở Lào (Ông Khăm Pa Đít Khăm Mun Hương, Cục trưởng Cục Phát huy Chất lượng môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lào); 3) Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường: vấn đề lý luận và thực tiễn của Việt Nam (PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng Viện Xã hội học, VASS).
Phiên thứ 4: Vai trò của văn hóa đối với phát triển bền vững, do TS. Sỉ La Mun Thạ La Vông, Phó Chủ tịch Viện KHXH Quốc gia Lào chủ trì, gồm 3 tham luận: 1) Vai trò của văn hóa đối với phát triển bền vững ở Lào (Ông Sổm Sẻng Xay Nhạ Vông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, LASS); 2) Tăng cường vai trò của văn hóa đối với phát triển bền vững ở Campuchia (GS.TS. Heng Bunsong, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia); 3) Vai trò của văn hóa đối với phát triển bền vững qua nghiên cứu di sản các lễ hội truyền thống Việt Nam (GS.TS. Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, VASS); 4) Phát triển nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng để đảm bảo cho phát triển bền vững ở Lào (TS. Khăm Pheng Thíp Mun Ta Ly, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội học, LASS).
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/hoi%20thao%20thuongn%20ien%202.jpg)
Đoàn đại biểu Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Quyền Chủ tịch Viện KHXH Quốc gia Lào và Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia
|
|
Phát biểu tổng kết hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu rõ: hội thảo đã thống nhất cao trong nhận thức về phát triển bền vững - vấn đề cốt tử trong sự phát triển, cũng như thống nhất trong đánh giá về vai trò to lớn của khoa học xã hội đối với phát triển bền vững của đất nước. Các quốc gia đều đã có chiến lược, chính sách phát triển bền vững nhằm thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tuy nhiên, là nước đi sau, trong xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách phát triển tổng thể, chúng ta phải giải quyết hài hòa nhiều mối quan hệ hết sức phức tạp, nan giải, đó là quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và bền vững, quan hệ giữa chất lượng tăng trưởng và số lượng tăng trưởng, phải giải quyết các vấn đề về thể chế, về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh, từ mô hình phát triển theo chiều rộng sang mô hình phát triển theo chiều sâu,v.v... Để có một chính sách đúng đắn, sát hợp cần phải dựa trên các luận cứ khoa học, tức là phải dựa trên các hoạt động nghiên cứu, điều tra, khảo sát, xây dựng các cơ sở dữ liệu, lập bản đồ dữ liệu, đó chính là nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội. Chúng ta cần có thay đổi tư duy về xây dựng thể chế phát triển dựa trên 4 căn cứ: i) xuất phát từ nhu cầu trong nước và đánh giá đúng điều kiện thực tiễn cụ thể trong mỗi nước; ii) tham chiếu kinh nghiệm quốc tế, áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong điều kiện đã hội nhập sâu rộng và vận dụng hợp lý theo điều kiện cụ thể của từng quốc gia; iii) tăng cường phối hợp và liên kết vùng; iv) tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp chính sách. Thể chế phát triển phải được xây dựng tuân thủ theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và hướng về người dân để người dân có cơ hội tham gia, kiểm tra giám sát và hưởng lợi từ các quá trình phát triển. Đây chính là thông điệp mà lãnh đạo Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam mong muốn phát huy, xây dựng cơ chế hợp tác, để ba quốc gia Lào, Campuchia và Việt Nam không tiếp tục bị coi là vùng trũng về phát triển của khu vực Đông Nam Á.
Sau khi PGS.TS. Thong Sa Lít Măng No Mệk, Quyền Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Khrốt Thị Đa, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia đã nhận đăng cai tổ chức Hội thảo thường niên lần thứ ba vào năm 2014 về chủ đề "Sự hợp tác của ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015: những vấn đề mới và giải pháp".
Sau hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào và Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia với sự chứng kiến của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam./.
TS. Vũ Hùng Cường