Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

17:00 07/01/2025
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 22/12/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu đạt được đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; cùng với đó là 7 nhiệm vụ, giải pháp trong tổ chức thực hiện.

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW là minh chứng rõ nét thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị của Đảng ta trong phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS quốc gia. Bởi, phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS vừa là điều kiện tiên quyết, vừa là thời cơ, đồng thời là đòi hỏi của thực tế không chỉ đối với Việt Nam, mà có tác động và ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nên bước ngoặt lịch sử trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tạo ra những điều kiện và cơ sở vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS quốc gia một cách bài bản, hệ thống và đột phá. Nghị quyết không chỉ đặt ra các chỉ tiêu cụ thể, mà còn chỉ rõ con đường, giải pháp để đạt được những mục tiêu đó. Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS, coi đây là động lực then chốt để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn ngừa nguy cơ tụt hậu… Thực chất chính là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việc đẩy mạnh CĐS được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và toàn diện đất nước.

Trong 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, nhóm nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên chính là nâng cao nhận thức, tạo sự đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS quốc gia. Đây là giải pháp tiên quyết và có ý nghĩa quyết định việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị trong thực tế. Bài học thực tiễn sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước cho chúng ta thấy rất rõ điều này: Đổi mới đất nước phải bắt đầu từ đổi mới tư duy. Cùng với đó cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút và phát triển nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu "đột phá".

7 nhiệm vụ, giải pháp được xác định có mối quan hệ biện chứng và thống nhất với nhau trong quá trình thực hiện. Mỗi nhiệm vụ, giải pháp có vị trí, vai trò và cách thức tổ chức tuy khác nhau, nhưng trong quá trình thực hiện cần phải được triển khai đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, biện pháp quyết liệt và triệt để.

Sự kết hợp ba trụ cột khoa học công nghệ, ĐMST và CĐS tạo nên cuộc cách mạng trong quản trị và vận hành. Khi triển khai thành công, Việt Nam không chỉ theo kịp mà có thể vươn lên trong khu vực.

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị thực sự là một chiến lược mang tính đột phá về khoa học, công nghệ và CĐS. Với trọng tâm là AI, Big Data và công nghệ bán dẫn, Việt Nam không chỉ bắt kịp xu hướng quốc tế mà còn đặt khát vọng dẫn đầu, tạo ra những điều kiện và cơ sở vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ và ĐMST là động lực then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá, ưu tiên và khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST như: Đầu tư tài chính, phát triển nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính, và khuyến khích hợp tác công-tư...

Với những cam kết về cơ chế, chính sách ưu tiên như tăng cường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy sự hợp tác liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.... Nghị quyết 57-NQ/TW giúp tạo ra môi trường năng động và thực tế hơn để sớm đưa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào thực tiễn. Đặc biệt, sự chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm trong nghiên cứu khoa học cho phép nhà khoa học khai phá ý tưởng mới, những sáng tạo mới.

Nghị quyết số 57-NQ/TW giải phóng sự sáng tạo, tinh thần chung là quản lý theo mục tiêu, không quản cách làm, trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm, người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo.

Nghị quyết xác định bộ 3: KHCN, ĐMST và CĐS là 3 trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, KHCN là nền tảng, nó tạo ra tri thức và công cụ. ĐMST là động lực, nó chuyển hoá các tri thức mới, công cụ mới thành ý tưởng, giải pháp. CĐS là hiện thực hoá tri thức, công cụ, ý tưởng, giải pháp thành sản phẩm, dịch vụ và phổ cập vào cuộc sống để tạo ra giá trị thực tế.

Nghị quyết 57 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của làm chủ KHCN để làm chủ tiến trình CĐS Việt Nam. Giao các doanh nghiệp nòng cốt làm các dự án lớn về CĐS, giao các doanh nghiệp nòng cốt làm chủ các công nghệ chiến lược.

Tổng Bí thư Tô Lâm là Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS quốc gia. Từ nay, CĐS đã thực sự trở thành sự nghiệp của toàn đảng và toàn dân, CĐS Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá. Chúng ta kỳ vọng CĐS sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam vươn mình, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

PV.

In trang Chia sẻ

Tin khác