Hội thảo được truyền trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội với sự tham gia của 300 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và của Tỉnh; các giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, di sản, quy hoạch, môi trường, khoa học công nghệ và chuyển đổi số của Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Vũ Quyết Tiến, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Hạ Long cho biết, TP Hạ Long là vùng đất giàu giá trị di sản và văn hóa, tự hào sở hữu Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và trên 95 di tích lịch sử văn hóa.
Đồng chí Vũ Quyết Tiến khẳng định: Chuyển đổi sang kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế di sản đang trở thành xu thế tất yếu, khách quan và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia, địa phương trên thế giới nhằm phát triển thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và bảo đảm an toàn công bằng về xã hội.
Sự phát triển của TP Hạ Long trong hiện tại và tương lai đang diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều thay đổi, có nhiều yếu tố mang tính thời đại và nếu tận dụng được thì thành phố sẽ tiếp tục bứt phá phát triển rất nhanh, bền vững. Do đó, mô hình phát triển của thành phố sẽ tập trung hướng vào tăng cường khả năng hoán chuyển được những bất lợi hiện nay thành những lợi thế, với một chiến lược phát triển xanh, chuyển đổi số, kinh tế di sản là hướng đi đúng đắn, cùng với tầm nhìn và tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo.
“Thành phố Hạ Long cần sớm bắt nhịp tư tưởng chỉ đạo mới của Trung ương, tỉnh và xu thế phát triển mới - kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam, TP Hạ Long đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, thành phố “Kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình; thành phố của đổi mới, sáng tạo; thành phố di sản của hoa và lễ hội”; dựa trên 4 trụ cột: Du lịch - dịch vụ; công nghiệp; Nông nghiệp; Văn hóa và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp. Việc thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản sẽ là động cơ, động lực dẫn dắt nền kinh tế thành phố bứt phá trong giai đoạn tới, trở thành hình mẫu phát triển tiên phong, tiêu biểu của tỉnh và đất nước” - Đồng chí Vũ Quyết Tiến nhấn mạnh.
Phát biểu dẫn đề Hội thảo, đồng chí Vũ Thị Mai Anh, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Hạ Long nhấn mạnh, để khẳng định được vị trí là “một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước” thì việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản được xem là một hướng đi đúng đắn giúp Hạ Long chuẩn bị tâm thế vững vàng, tự tin để bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hội thảo khoa học này nhằm mục đích tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, làm cơ sở quan trọng để thành phố hoạch định chiến lược phát triển trong giai đoạn mới. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hạ Long đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận, phân tích, đánh giá giúp cho thành phố có các giải pháp mang tầm chiến lược để thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản trong các năm tiếp theo.
|
|
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận với chủ đề: “Định vị thành phố Hạ Long trở thành đô thị di sản trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”; Thảo luận, tọa đàm, tham vấn ý kiến của các đại biểu về chủ đề: “Hạ Long nhìn từ cực tăng trưởng kinh tế đến động lực phát triển vùng, quốc gia và toàn cầu”, “Phát huy giá trị ngoại hạng di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cho thúc đẩy kinh tế di sản”. Các ý kiến đã phân tích tiềm năng, lợi thế của Hạ Long, thảo luận, nêu quan điểm về nhiều vấn đề quan tâm, kiến giải sâu sắc, nhiều chiều các nội dung của hội thảo, đánh giá thành tựu, nguyên nhân và hạn chế, phát hiện những điểm nghẽn, các mâu thuẫn, lực cản trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và khai thác kinh tế di sản so với khu vực và thế giới; những mô hình đô thị xanh, thông minh và di sản nào trên thế giới mà Hạ Long có thể học tập. Qua đó, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, để TP Hạ Long phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực từ kinh tế di sản.
Đánh giá các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long trong xu thế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản hiện nay, PGS.TS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định “Hạ Long - vùng đất thiêng, được “trời cho - rồng chọn” khi thành phố này hội tụ đầy đủ yếu tố về mặt địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch để làm cơ sở vững chắc phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế di sản.
“Điều đầu tiên, Quảng Ninh, Hạ Long phải làm là hiểu được thời và thế. Tại sao Hạ Long không thể đi đầu và trở thành đô thị toàn cầu, đẳng cấp cao nhất, thử nghiệm các hình mẫu phát triển, đi liền với khẩu hiệu tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm?”, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho biết.
Thành phố cần coi vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên, là báu vật của loài người, từ đó, xác định đây là tọa độ phát triển ưu tiên tầm quốc gia, đẳng cấp quốc tế. Hạ Long gánh sứ mệnh “nâng tầm Việt Nam” và cung cấp cho thế giới sự tận hưởng cao cấp, tương xứng với giá trị quốc tế của nó.
PGS.TS. Trần Đình Thiên đưa ra 4 trục ưu tiên và 4 định hướng chiến lực. Trong đó các trục ưu tiên là phát triển xanh; đô thị hiện đại - thông minh; du lịch khác biệt - đẳng cấp; mở cửa, hội nhập - cạnh tranh quốc tế tầm cao. Tuy nhiên, để thực hiện được các chiến lực trên, ông Thiên thẳng thắn chỉ ra “vạn sự khởi đầu nan”, Hạ Long còn nhiều việc phải làm để vươn mình đúng nghĩa và sẽ không có việc nào là dễ dàng, thậm chí, sẽ càng ngày càng khó khăn hơn, đồng thời cho rằng: Trước những thách thức trong việc bảo tồn, phát triển di sản Vịnh Hạ Long hiện nay rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của chính quyền, các cấp, các ngành và người dân trong việc phối hợp quản lý, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị của di sản Vịnh Hạ Long một cách bền vững.
Với quan điểm cần có tầm nhìn về các giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, GS.TS. Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia khẳng định: Trong tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hạ Long, thành phố nên đặt sự nghiệp phát triển văn hóa, phát huy tiềm năng của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long trong quan hệ mang tính hệ thống của hàng trăm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
“Quảng Ninh và Hạ Long cần lấy con người là trung tâm của tất cả các mục tiêu phát triển, văn hóa làm điểm tựa khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước và khát vọng vươn lên của người Quảng Ninh; Kiên trì với định hướng phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế di sản, gia tăng hàm lượng khoa học, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng năng lượng tái tạo, hạn chế độ phát thải, bảo vệ môi trường”, GS.TS. Nguyễn Văn Kim chia sẻ.
Phát biểu bế mạc, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long nhấn mạnh, những gợi mở, phân tích, định hướng, góp ý, khuyến nghị các vấn đề liên quan đến thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản tại hội thảo sẽ giúp cho thành phố Hạ Long có cái nhìn toàn diện, sâu sắc ở các góc độ khác nhau, đó là những tài sản rất quý báu phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội và quản trị địa phương ngày càng hiệu quả hơn và làm cơ sở quan trọng để thành phố hoạch định chiến lược phát triển trong giai đoạn mới, đặc biệt là tiếp thu, bổ sung để đưa vào mục tiêu và định hướng quan trọng trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025-2030 và các Đề án, kế hoạch, chương trình hành động ưu tiên của thành phố trong nhiệm kỳ 2025-2030.
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tham vấn của các nhà khoa học, các chuyên gia trong thời gian tới để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Hạ Long kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh; trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, trung tâm dịch vụ - du lịch đẳng cấp quốc tế; vững bước cùng đất nước tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
PV.