
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Chủ nhiệm chương trình cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai một số nghị quyết quan trọng liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh và phát triển vùng biên giới theo hướng bền vững. Đáng chú ý là Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết của Chính phủ số 23/NQ-CP về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền …Bên cạnh đó, còn có các hiệp định ký kết với các nước láng giềng như: Hiệp định về quy chế quản lý biên giới đất liền và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (ký ngày 16 tháng 3 năm 2016)... Trong bối cảnh như vậy, việc nhận diện đúng, đầy đủ thực trạng và hiểu rõ hơn bản chất của các vấn đề an ninh phi truyền thống đang nổi lên cũng như dự báo xu hướng phát triển và đánh giá các yếu tố tác động ở vùng biên giới đất liền của nước ta hiện nay có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn quan trọng, góp phần vào việc đảm bảo an ninh, chính trị, từ đó ổn định và phát triển của vùng biên giới đất liền Việt Nam trong giai đoạn tới.
Các đại biểu tham dự phát biểu, trao đổi, trình bày tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự được lắng nghe 05 báo cáo trình bày. Các diễn giả đã đề cập đến một số vấn đề lý luận, thực tiễn về an ninh phi truyền thống vùng biên giới đất liền chính như: Thực trạng các vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống (an ninh kinh tế, an ninh con người, an ninh môi trường..); thực trạng các mối quan hệ dân tộc vùng biên giới và quan hệ dân tộc xuyên quốc gia; các quan hệ giữa các quốc gia láng giềng và gợi ý bài học cho Việt Nam….Các diễn giả cũng tập trung phân tích nguyên nhân cho những trường hợp an ninh phi truyền thống bị đe dọa, các thách thức đang đặt ra và từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả đảm bảo an ninh phi truyền thống ở vùng biên giới đất liền Việt Nam. Hội thảo cũng được đông đảo các đại biểu và chuyên gia có mặt cùng bình luận, đặt câu hỏi, thảo luận về các vấn đề mà đề tài này quan tâm.
Trình bày một số vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh phi truyền thống khu vực biên giới, PGS.TS. Dương Văn Huy, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết, khu vực biên giới đất liền Việt Nam đang phải đối điện với các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, trong đó có vấn đề an ninh con người, vấn đề tội phạm xuyên biên giới cũng như an ninh môi trường... Việc giải quyết các thách thức phi truyền thống khu vực biên giới khó khăn hơn rất nhiều so với những khu vực trong nội địa bởi tính chất nhạy cảm về mặt an ninh quốc gia, cũng như việc hợp tác quốc tế với các quốc gia có chung đường biên giới.
Đánh giá an ninh môi trường rừng khu vực biên giới vùng Tây Nguyên, theo TS. Trần Thị Tuyết, Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, qua phân tích thực trạng môi trường rừng cho thấy, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng môi trường rừng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân; cụ thể là sinh kế phụ thuộc vào rừng còn nhiều khó khăn, một số giải pháp kinh tế- xã hội chưa phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Do đó, mặc dù diện tích rừng có tăng (trên 2 triệu ha, chiếm khoảng 44 trong diện tích tự nhiên của các địa phương khu vực biên giới) nhưng chất lượng rừng chưa đáp ứng yêu cầu; nhất là khi người dân địa phương chưa được hưởng lợi nhiều từ các sản phẩm từ rừng và vẫn coi sinh kế phụ thuốc vào tài nguyên rừng là nghề phụ, dẫn đến tình trạng phá rừng vẫn tiếp diễn, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
Để đảm bảo an ninh môi trường rừng gắn với đảm bảo an ninh cho phát triển và sinh kế bền vững cho người dân địa phương, TS. Trần Thị Tuyết đề xuất cần phải tập trung và phát huy sức mạnh xã hội, có các biện pháp tổ chức phù hợp, có chính sách linh hoạt, trong hoàn cảnh quốc gia và quốc tế nhằm khuyến khích và thu hút các bên liên quan trong xã hội tham gia vào công tác quản lý và phát triển bảo vệ rừng. Đây là cách duy nhất đề đảm bảo an ninh môi trường của vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung trong tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đề cập vấn đề đói nghèo ở vùng biên, theo tác giả Linh Giang, nhà nghiên cứu độc lập cho biết, qua gần 40 năm đổi mới,Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một điểm sáng về giảm nghèo. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn dưới 3%, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích sớm trong thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về giảm nghèo.
Thách thức đặt ra đối với công cuộc giảm nghèo hiện tại và trong thời gian tới là sự gia tăng bất bình đẳng và tình trạng nghèo kinh niên đối với nhóm dễ bị tổn thương. Tỷ lệ hộ tái nghèo hằng năm so với tổng số hộ thoát nghèo còn cao, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, đặc biệt là ở những huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Để thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ở các vùng biên giới, tác giả Linh Giang đề xuất cần thực hiện một số giải pháp như: (i) đổi mới, đa dạng phương thức, nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, các cấp chính quyền và người dân về chính sách giảm nghèo bền vững; (ii) tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo vùng sâu, vùng biên giới; (iii) xã hội hóa các dịch vụ cơ bản để giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận về nhà ở bảo đảm chất lượng, giải quyết việc làm để ổn định thu nhập; (iv) đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giúp người dân tạo sinh kế bền vững; (v) tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng; coi trọng công tác sơ kết, tổng kết sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, từ đó kịp thời điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh những vấn đề bất hợp lý về chính sách, đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo…

Phát biểu kết luận, PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Chủ nhiệm Chương trình cho biết các ý kiến đóng góp, thảo luận tại Hội thảo là rất bổ ích, cung cấp những vấn đề lý luận, thực tiễn về an ninh phi truyền thống vùng biên giới đất liền, đánh giá thực trạng giúp nhận diện hiện trạng vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống và gợi ý, đề xuất các giải pháp và khuyến nghị chính sách quan trọng cho Đảng và nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách phát triển vùng biên giới đất liền và trong việc hoạch định chính sách đối ngoại với các nước láng giềng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị bền vững.

PV.