Hội thảo quốc tế “Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập”

20:59 15/05/2013
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 11 tháng 5 năm 2013, Viện Ngôn ngữ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo quốc tế “Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập”.

Đến dự hội thảo có GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đại diện các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện Hàn lâm; các đại biểu đến từ Ủy ban Dân tộc, Ban Khoa giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương cùng đông đảo các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước, đặc biệt, có sự tham gia của hơn 20 nhà ngôn ngữ học đến từ các nước Anh, Mỹ, Canada, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hungary, Thái Lan, Lào...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn khẳng định: “Hội thảo lần này được tổ chức trong bối cảnh thế giới và cả nước đang diễn ra những biến chuyển to lớn. Hàng loạt vấn đề về ngôn ngữ liên quan đến sự phát triển chính trị – kinh tế - xã hội trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong giai đoạn mới đã và đang đặt ra yêu cầu phải có sự đóng góp công sức, trí tuệ của giới ngôn ngữ học trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, như Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ, mục tiêu phấn đấu của chúng ta là đến năm 2020 Việt Nam phải cơ bản hoàn thành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thì yêu cầu này càng trở nên bức thiết.”

 

   

Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tập hợp lực lượng các nhà nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ trong nước và quốc tế để nhìn nhận, đánh giá lại một cách toàn diện những vấn đề cơ bản, thời sự của ngôn ngữ học Việt Nam trong những năm qua từ các vấn đề lý thuyết đến các vấn đề ứng dụng và hoạch định phương hướng phát triển của ngành Ngôn ngữ học  Việt Nam trong những năm tới.

Hội thảo tập trung thảo luận những nội dung khoa học chủ yếu: Những vấn đề cơ bản và thời sự về ngữ âm - âm vị học, từ vựng học, ngữ nghĩa học và ngữ pháp học của tiếng Việt và các ngôn ngữ khác; Quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa; Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập; Vấn đề giáo dục ngôn ngữ đối với sự phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước; Tác động của quá trình đô thị hoá và hội nhập quốc tế của Việt Nam đối với tiếng Việt, ngôn ngữ dân tộc thiểu số và tiếng nước ngoài đang được sử dụng trong dạy và học ở Việt Nam cũng như mối quan hệ giữa tiếng Việt, ngôn ngữ dân tộc thiểu số và tiếng nước ngoài trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ở nước ta hiện nay...

Tại phiên toàn thể, Hội thảo đã nghe 3 báo cáo liên quan đến những lĩnh vực nghiên cứu khác nhau của ngôn ngữ học, đó là: "Tối thiểu luận và Cú pháp ngữ nghĩa - Diễn giải về sự đa năng trong tiếng Việt” - GS.TS. Nigel Duffield; “Ý niệm sông nước trong tri nhận người Nam Bộ” - PGS.TS. Trịnh Sâm; “Vị trí của tiếng Quảng Nam trong quá trình biến đổi âm cuối gốc lưỡi” - PGS. Shimizu Masaaki.

Sau phiên toàn thể, Hội thảo chia thành 5 tiểu ban: Tiểu ban 1: Lý luận ngôn ngữ; Tiểu ban 2: Ngôn ngữ và văn hóa; Tiểu ban 3: Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và chính sách ngôn ngữ; Tiểu ban 4: Giảng dạy tiếng Việt và ngoại ngữ; Tiểu ban 5: Việt ngữ học.

Phiên làm việc tại các tiểu ban đã diễn ra rất khẩn trương, nghiêm túc, nhưng không kém phần sôi nổi và thú vị. Nhiều vấn đề trung tâm và thời sự của ngôn ngữ học đã được các nhà khoa học quan tâm thảo luận: Tiếp thu các quan điểm nghiên cứu mới, cập nhật lý thuyết của thế giới, vấn đề giảng dạy tiếng Việt trong nhà trường, vấn đề nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, vấn đề xây dựng Luật Ngôn ngữ.... Cùng với các miêu tả, thảo luận, các nhà khoa học cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị có giá trị.

Nội dung thảo luận tại các tiểu ban đã gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có tính chiến lược cần được Viện Ngôn ngữ học nói riêng và giới nghiên cứu ngôn ngữ học nói chung tiếp tục triển khai nghiên cứu.

 

Nguyễn Thu Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác