Tới dự Hội thảo, về phía Hàn Quốc có: TS. Lee Chang Kyu, Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc; GS. TS. Park Bok Yeong, Đại học Kyung Hee; GS. TS. Kim Jong Il, Đại học Donguk; GS. TS. Woo Myung Suk, Đại học Sư phạm Quốc gia Hàn Quốc; GS. TS. Chae Jae Eun, Đại học Gachon; TS. Kwon Kyoung Doug, Văn phòng KOTRA tại Việt Nam; Ông Goo Ryuo In, Công ty C&N VINA; cùng đại diện của một số công ty Hàn Quốc đang hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Về phía Việt Nam, có PGS.TS. Chu Đức Dũng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới; Đại diện lãnh đạo các Ban chức năng, các Viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đại diện một số cơ quan của Đảng, Quốc hội, Viện nghiên cứu và các trường đại học trên địa bàn Hà Nội và các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học tại Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tìm cách phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghiệp. Kể từ khi hai nước đặt quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1992 tới nay, các hoạt động hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng trong các lĩnh vực công nghiệp cũng như văn hóa, thương mại và đầu tư. Hiện Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 4, và là nhà xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam. Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ tư vào Việt Nam xét về số vốn đăng ký lũy kế đến hết năm 2012 và thứ nhất vào Việt Nam xét về số dự án. Có hơn 6 vạn người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Hàn Quốc. Việt Nam và Hàn Quốc cần tiếp tục có những hành động cụ thể để chinh phục những thách thức chính sách, tăng cường quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực đầu tư, mạng sản xuất và trao đổi lao động.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc05157.jpg)
Hội thảo được chia làm 4 phiên. Phiên thứ nhất: Chính sách công nghiệp, với các tham luận: “Chính sách kinh tế và công nghiệp của Hàn Quốc nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính Chấu Á 1997 và hàm ý cho Việt Nam” – GS.TS. Park Bok Yeong, Đại học Kyung Hee; “Chính sách công nghiệp của Việt Nam và hàm ý đối với hợp tác công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc” – TS. Nguyễn Bình Giang, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới.
Phiên thứ hai: Khu kinh tế và cụm liên kết ngành, với các tham luận “Chính sách phát triển khu kinh tế và cụm liên kết ngành ở Việt Nam và hàm ý đối với hợp tác công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc” – Ông Đặng Xuân Quang, Cục Đầu tư nước ngoài; “Một nghiên cứu tình huống về hợp tác công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc” – ; Ông Goo Ryuo In, Công ty C&N VINA.
Phiên thứ ba: Mạng thương mại và sản xuất quốc tế, với các tham luận “Mạng thương mại và sản xuất giữa Việt Nam và Hàn Quốc” – TS.Jaewan Cheong, Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc; “Chiến lược tham gia mạng sản xuất quốc tế của Việt Nam” – NCS. Bùi Thái Quyên, Học viện Khoa học xã hội.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc05166.jpg)
Phiên thứ tư: Dạy nghề và hợp tác công nghiệp, với các tham luận “Một số vấn đề trong phát triển dạy nghề ở Việt Nam,vai trò của ODA và hàm ý đối với chính sách ODA của Hàn Quốc” – NCS. Bùi Quang Sơn, Học viện Khoa học xã hội; “Dạy nghề và tăng trưởng kinh tế ở Hàn Quốc” - GS. TS. Chae Jae Eun, Đại học Gachon.
Hội thảo tạo cơ hội cho các nhà khoa học, nhà quản lý của Việt Nam và Hàn Quốc chia sẻ, trao đổi và thảo luận với nhau về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, những thách thức chính sách chủ yếu để từ đó tìm cách thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp.
Hội thảo là một hoạt động cụ thể tiếp tục triển khai chương trình hợp tác đã diễn ra từ nhiều năm qua giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế của Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc nói chung cũng như giữa Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới với Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc nói riêng./.
Nguyễn Thu Hà