Hội thảo quốc tế “Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh phát triển mới”

12:00 08/04/2013
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ (1978-2013), ngày 5/4/2013, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh phát triển mới”.

Tham dự hội thảo, về phía khách quốc tế có Ngài Ahmet Akif  Oktay, Đại sứ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam; GS. Bulent Aras, Cố vấn Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ; GS. Selcuk Colakoglu, Cố vấn Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ; TS. Cagdas Ungor Sunar, Đại học Marmara, Thổ Nhĩ Kỳ. Về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, các nhà khoa học từ các viện chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm; các cơ quan thông tấn, báo chí tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TS. Võ Khánh Vinh nhấn mạnh: Quan hệ Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ với 35 năm phát triển đã và đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ đầy tích cực. Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới, mở cửa tạo ra động lực giúp cho đất nước tăng cường hội nhập quốc tế với chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, quá trình cải cách kinh tế - xã hội được thúc đẩy giúp cho đất nước có tăng trưởng hợp lý và đạt được những thành tựu phát triển rất đáng ghi nhận. Năm 1997, với việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt thêm dấu mốc quan trọng trong văn bản pháp lý giúp cho hợp tác về kinh tế của hai quốc gia ngày càng được phát triển. Cũng trong năm 1997, Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập Đại sứ quán tại Hà Nội và năm 2003, Đại sứ quán Việt Nam cũng chính thức đi vào hoạt động tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với việc Việt Nam ngày càng nhìn nhận Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Tây Á đã khẳng định rõ ràng rằng những động thái và những hoạt động cụ thể trong xây dựng và phát triển mối quan hệ đối ngoại đã và đang tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với nỗ lực phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới. Đây chính là nội dung quan trọng mà Giáo sư Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm mong muốn các diễn giả của cả hai nước tập trung làm rõ tại hội thảo, qua đó có thể đưa ra những đánh giá, trao đổi về mối quan hệ song phương, kiến nghị các giải pháp phù hợp để phát triển các hoạt động hợp tác giữa hai quốc gia trong bối cảnh hiện nay và giai đoạn tới.

Hội thảo được chia làm 4 phiên làm việc với các nội dung cụ thể như sau:

Phiên 1: Tổng quan về chính sách đối ngoại do PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông chủ tọa, với tham luận Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời kỳ Davutoglu do GS.Bulent Aras trình bày và tham luận Chính sách đối ngoại của Việt Nam từ thời kỳ Đổi mới đến nay  do GS. TS. Dương Phú Hiệp trình bày.

Phiên 2: Chính sách đối ngoại trong bối cảnh khu vực do PGS.TS. Selcuk Colakoglu, Cố vấn Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chủ tọa, với tham luận Chính sách Châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ  do TS. Cagdas Ungor Sunar, giảng viên Đại học Marmara trình bày; và tham luận Cộng đồng ASEAN: Cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ  do PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á trình bày.

Phiên 3: Một số vấn đề quan hệ quốc tế do PGS.TS. Đỗ Đức Định, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông chủ tọa, với tham luận Quan hệ Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ: Giải pháp cho tương lai 2020 do PGS.TS. Bùi Nhật Quang trình bày; và tham luận Vai trò trung gian hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ  do GS. Bulent Aras trình bày.

Phiên 4: Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ: Hứa hẹn cơ hội kinh doanh do GS. Bulent Aras chủ tọa, với tham luận Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng FTA càng sớm càng tốt  do PGS.TS. Đỗ Đức Định trình bày; và tham luận Khả năng hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ  do PGS.TS. Selcuk Colakoglu trình bày.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận sôi nổi trên tinh thần thẳng thắn, lắng nghe và cởi mở, nhiều vấn đề mở xung quanh hợp tác đối ngoại giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ như đầu tư, du lịch, giáo dục, thương mại cũng được các đại biểu đề cập tới nhằm góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề mới để bổ sung cho việc hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Tại Hội thảo, Lễ ký kết về thỏa thuận hợp tác khoa học giữa Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (SAM) và Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông cũng đã được thực hiện dưới sự chứng kiến và chúc mừng của toàn thể đại biểu tham dự Hội thảo./.

 

                                                                                                       Phạm Vĩnh Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác