Đại hội Chi bộ Viện Triết học nhiệm kỳ 2025-2030
Chi bộ Viện Triết học là tổ chức đảng trong một cơ quan nghiên cứu khoa học về một lĩnh vực lý luận rất đặc thù - lĩnh vực triết học, do đó, cấp ủy Chi bộ luôn ý thức rõ cần phải phát huy tối đa chất xám, trí tuệ và năng lực tư duy lý luận của toàn thể đảng viên Chi bộ vào việc góp ý các dự thảo báo cáo chính trị của các tổ chức đảng cấp trên. Chi bộ xác định hoạt động góp ý này vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của mỗi một đảng viên. Các dự thảo luôn được gửi trước để các đảng viên nghiên cứu kỹ. Toàn thể đảng viên của Chi bộ đều ý thức rõ rằng Đại hội Đảng các cấp diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đã, đang và sẽ có nhiều thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước sau gần 40 năm Đổi mới đã được nâng lên một tầm cao mới. Đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam với nhiều thay đổi mang tính cách mạng.
Đối với Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, bên cạnh việc khẳng định tính khái quát, nhất quán, kế thừa, bổ sung, phát triển và một số điểm mới của dự thảo, các góp ý của Chi bộ Viện Triết học tập trung vào các điểm sau: một là, trong bối cảnh thế giới, cần chú ý thêm xu hướng chống toàn cầu hóa và sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy đang đặt thế giới trước những xung đột về tư tưởng và văn hóa; hai là, cần bổ sung nội dung về “ngăn chặn và xử lý vấn đề ô nhiễm không khí, nhất là tại các đô thị lớn, khu công nghiệp và làng nghề” trong các phần về mục tiêu phát triển và bảo vệ môi trường; ba là, cần nhìn thẳng vào trình độ còn thấp của nền kinh tế cũng như của thực tiễn an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dịch vụ y tế,…; bốn là, những định hướng liên quan đến lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn còn khá mờ nhạt, trong khi đây cũng là lĩnh vực có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nên cần thiết được đề cập đến trong định hướng phát triển khoa học và công nghệ nói chung; và đặc biệt, năm là, góp ý đối với việc xác định các giá trị cụ thể trong các hệ giá trị.
Về hệ giá trị quốc gia, ý kiến của Chi bộ tập trung vào các điểm: Thứ nhất, chỉ nên chọn một trong hai giá trị hoặc “giàu mạnh”, hoặc “phồn vinh”, vì hai giá trị này tuy không hoàn toàn đồng nhất nhưng trên nhiều phương diện lại có sự trùng hợp nhau. Bản thân giá trị “phồn vinh” đã chứa đựng giàu có và phát triển. Thứ hai, trong hệ giá trị quốc gia vẫn nên giữ lại giá trị “công bằng”, vì đây là một giá trị quan trọng, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội mà dân tộc Việt Nam đang xây dựng, đồng thời được nhắc đến trong bài phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Thứ ba, trong hệ giá trị quốc gia rất cần thiết bổ sung giá trị “tự do”. Bởi lẽ, “tự do” là một giá trị cốt lõi và là mục đích tối cao trong học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về xã hội xã hội chủ nghĩa; “tự do” là quyền cơ bản, thiêng liêng và bất khả xâm phạm của bất kỳ một dân tộc nào; “tự do” có mối liên hệ chặt chẽ với các giá trị quốc gia khác ở chỗ, “tự do” vừa là tiền đề, cơ sở cho các giá trị quốc gia khác tồn tại, vừa là mục đích cuối cùng mà các giá trị quốc gia khác hướng đến.
Trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam, nên thêm giá trị “đa dạng” bởi sự phong phú giá trị của các nền văn hóa tộc người ở Việt Nam. Trong hệ giá trị gia đình, chỉ nên chọn giá trị “văn minh”, không nên chọn “tiến bộ”, vì văn minh đã bao hàm sự tiến bộ. Trong chuẩn mực con người Việt Nam, nên thay cụm từ “chuẩn mực con người” thành “hệ giá trị con người”, hay “phẩm chất con người”.
Đồng chí Bí thư Nguyễn Tài Đông chủ trì buổi góp ý của Chi bộ Viện Triết học đối với các dự thảo Báo cáo chính trị của các tổ chức đảng cấp trên.
Đối với Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Chính phủ, ý kiến của Chi bộ tập trung vào các điểm sau: một là, việc đặt ra các mục tiêu cụ thể cần có cơ sở khoa học để tránh tạo áp lực, cũng như khả năng dẫn đến các quyết sách không thật chính xác với tình hình đất nước, khu vực và thế giới (ví dụ, như đối với mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân cho giai đoạn 2026-2030 là 10%/năm trở lên,…); hai là, cần chú ý đến tính logic, chính xác và nhất quán trong một số nhận định về tăng trưởng kinh tế và chỉ tiêu kinh tế, trong đánh giá thành tựu và hạn chế về cán bộ và thể chế; ba là, dự thảo nên chú trọng hơn đến vấn đề về môi trường văn hoá, cả trong xã hội thực lẫn trên không gian mạng; bốn là, với mục tiêu “dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới và quốc tế hóa nền văn hóa Việt Nam” cần xác định, bổ sung thêm là trên nền tảng nào; năm là, nên chú trọng hơn vấn đề chuyển đổi số trong các giải pháp;…
Đối với Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Viện Hàn lâm, ý kiến của Chi bộ tập trung vào các điểm sau: một là, trong Phần thứ hai (Phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2025-2030) nên bổ sung thêm một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, nhất là trong công tác xây dựng Đảng; hai là, về bối cảnh (ở Phần thứ hai), nên đề cập khái quát bối cảnh phát triển khoa học và công nghệ trên thế giới hiện nay, bởi đây là yếu tố có sự tác động trực tiếp và sâu sắc đến hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm; ba là, mục Hạn chế, khuyết điểm, chưa thể hiện rõ hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Viện Hàn lâm đối với hoạt động của các tổ chức đoàn thể, mới dừng ở chỉ ra hạn chế, khuyết điểm của bản thân các tổ chức đoàn thể;...