Trong giai đoạn hiện nay, thế giới đang trải qua những biến chuyển sâu sắc với tốc độ nhanh chưa từng có. Những thay đổi về trật tự địa chính trị – địa kinh tế, sự nổi lên của các trung tâm quyền lực mới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh mạng, an ninh phi truyền thống và sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đã và đang đặt ra yêu cầu cấp bách đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam, trong việc thích ứng và định hình lại chiến lược phát triển. Trong bối cảnh đó, đổi mới tư duy và phương thức hợp tác quốc tế không chỉ là yêu cầu khách quan của tình hình mà còn là yếu tố then chốt, mang tính chiến lược nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập toàn diện, sâu rộng mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.
Bối cảnh mới và yêu cầu đổi mới tư duy hợp tác quốc tế.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ nhiệm vụ “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả; nâng cao năng lực thích ứng, chủ động tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi tri thức toàn cầu”. Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV tiếp tục kế thừa và phát triển đường lối này, nhấn mạnh vai trò của ngoại giao và hợp tác quốc tế như một trong ba trụ cột đối ngoại, bên cạnh đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả định hướng đó, một trong những yếu tố tiên quyết là cần thay đổi tư duy về hợp tác quốc tế. Tư duy truyền thống – coi hợp tác quốc tế là hình thức tiếp nhận đơn thuần về tài trợ, công nghệ, hay kinh nghiệm – không còn phù hợp với yêu cầu của thời đại. Trong giai đoạn mới, hợp tác quốc tế phải được định vị như một quá trình tương tác hai chiều, dựa trên lợi ích và giá trị cùng kiến tạo, nơi Việt Nam không chỉ là bên thụ hưởng mà còn là bên cung cấp tri thức, giải pháp và giá trị cho cộng đồng quốc tế.
Sự thay đổi tư duy đó cần bắt đầu từ việc chuyển từ phương thức “đi ra” đơn lẻ sang mô hình kết hợp chặt chẽ giữa “đi ra” và “mời vào”, tức là vừa chủ động hội nhập vào các diễn đàn khu vực và toàn cầu, vừa biết cách phát huy hiệu quả các cơ hội hợp tác ngay trên chính lãnh thổ của mình – nơi Việt Nam có thể trở thành điểm đến của tri thức, sáng kiến và đầu tư quốc tế.
Cần thiết đổi mới phương thức hợp tác quốc tế theo hướng thực chất, hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh thay đổi tư duy, đổi mới phương thức hợp tác quốc tế là nhiệm vụ không thể tách rời trong chiến lược hội nhập. Những mô hình hợp tác truyền thống – thường dưới dạng dự án ngắn hạn, thiên về hình thức – cần được thay thế bằng các mô hình hợp tác có chiều sâu, hướng tới kết quả và giá trị gia tăng dài hạn. Thay vì chú trọng vào số lượng các chương trình hợp tác, cần tập trung vào chất lượng, khả năng nhân rộng và mức độ lan tỏa của các chương trình.
Một phương thức đáng chú ý là lồng ghép hợp tác quốc tế vào chiến lược phát triển nội bộ của đơn vị, bảo đảm rằng mọi chương trình hợp tác đều gắn với mục tiêu chuyên môn, năng lực nội sinh và khả năng chuyển hóa thành kết quả thực chất. Cách tiếp cận này không chỉ nâng cao hiệu quả hợp tác mà còn giúp đơn vị phát triển đồng bộ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, từ đó từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ học thuật và hợp tác quốc tế.
Song song với đó, cần đặc biệt quan tâm đến xây dựng hình ảnh tổ chức là đối tác đáng tin cậy trong mắt bạn bè quốc tế. Điều này đòi hỏi sự chuyên nghiệp, minh bạch trong quản lý hợp tác; sự cam kết thực hiện các thỏa thuận; và năng lực tổ chức, điều phối các hoạt động đối ngoại có chất lượng. Uy tín đối ngoại không phải là điều có thể hình thành trong ngày một ngày hai, mà là kết quả của quá trình tích lũy, rèn luyện và nhất quán trong hành động.
Thúc đẩy nguồn lực con người: trụ cột của đổi mới.
Trong mọi nỗ lực đổi mới, yếu tố con người luôn đóng vai trò trung tâm. Đội ngũ cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế chính là những người trực tiếp hiện thực hóa tư duy, chiến lược và phương thức mới. Do vậy, cần có chính sách cụ thể và dài hạn nhằm xây dựng đội ngũ này theo hướng chuyên nghiệp, năng động và có tư duy toàn cầu.
Trong đó, việc phát hiện, bồi dưỡng và giao nhiệm vụ cho cán bộ trẻ là điểm then chốt. Những cán bộ trẻ có khả năng ngoại ngữ, kỹ năng đa văn hóa và nhạy bén với xu hướng quốc tế cần được tin tưởng, trao quyền và khuyến khích phát huy vai trò trong các chương trình hợp tác xuyên biên giới. Đồng thời, cần có cơ chế “học đi đôi với hành”, nơi các cán bộ có cơ hội tham gia thực tiễn, từ đó rèn luyện năng lực hội nhập và tư duy phản biện đa chiều.
Ngoài ra, cần xây dựng hệ sinh thái học tập liên tục thông qua các hình thức đào tạo, hội thảo, tọa đàm, trao đổi học thuật với các chuyên gia trong và ngoài nước. Việc kết nối với các tổ chức học thuật quốc tế không chỉ là phương tiện cập nhật tri thức, mà còn là cơ hội mở rộng mạng lưới, nâng cao vị thế của đơn vị và đất nước trên trường quốc tế.
Tầm nhìn và cam kết trong giai đoạn phát triển mới
Trong tinh thần “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng” mà Đảng ta đã xác định, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói chung và Ban Hợp tác quốc tế nói riêng xác định rõ vai trò không thể thiếu của mình trong việc thúc đẩy đổi mới tư duy và phương thức hợp tác. Chúng tôi cam kết tiếp tục là đầu mối tin cậy, linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế; không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ; tăng cường nội lực, tạo nền tảng để hội nhập sâu sắc hơn với cộng đồng khoa học khu vực và thế giới.
Hướng tới Đại hội XIV của Đảng, sự đổi mới trong tư duy và hành động về hợp tác quốc tế chính là bước đi chiến lược, mang tính nền tảng, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu lớn mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong tiến trình phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn 2045./.