Vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc luôn có vị trí then chốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ở những quốc gia đa dân tộc (tộc người). Việt Nam là quốc gia đa tộc người, cho nên ngày từ khi được thành lập đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện các nguyên tắc cơ bản của chính sách dân tộc là: Đoàn kết toàn dân tộc (quốc gia) là chiến lược của cách mạng Việt Nam; các dân tộc (tộc người) bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Nguyên tắc này được thể hiện thành những chủ trương, quan điểm lớn trong các văn bản quan trọng nhất của đất nước, đặc biệt là Hiến pháp và những Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng cũng như được cụ thể hóa qua thực hiện các chính sách cụ thể ở từng dân tộc, từng địa phương và trên cả nước trong các thời kỳ lịch sử.
Trên tinh thần đó, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chính sách tốt đẹp của cho các dân tộc thiểu số, nhất là những dân tộc, bộ phận dân cư sinh sống ở các vùng khó khăn luôn được chú trọng, kết quả thực hiện đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ảnh ưởng sâu rộng đến tất cả các dân tộc, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, ven biển.
Chính sách dân tộc ở nước ta về cơ bản được chia thành ba nhóm lớn (1) Nhóm chính sách theo tộc người và nhóm tộc người mang tính đặc thù; (2) Nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo vùng, theo địa bàn; (3) Nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo lĩnh vực, theo ngành. Do đó, các chính sách dân tộc ở nước ta đã bao quát tương đối đầy đủ những lĩnh vực cần đầu tư, hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, ven biển và hải đảo. Những kết quả to lớn đạt được của quá trình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã góp phần nâng cao mọi mặt đời sống của các dân tộc, có ảnh hưởng sâu rộng đến công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, một số thành tựu đáng chú ý nhất là trên các lĩnh vực sau:
- Chính sách dân tộc đã góp phần nâng cao ý thức dân tộc và quan hệ trong nội bộ các dân tộc; phát triển quan hệ giữa các dân tộc; tăng cường ý thức quốc gia và quan hệ của các dân tộc với quốc gia cũng như quan hệ của người dân các dân tộc với Đảng và Nhà nước, thực hiện thành công chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính sách dân tộc còn góp phần xử lý thành công các vấn đề dân tộc nhạy cảm, những điểm nóng ở vùng dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần đảm bảo ổn định chính trị xã hội và quốc phòng an ninh ở vùng dân tộc thiểu số, vùng biên cương, giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; đồng bào các dân tộc tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tinh thần đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường phát huy nguồn lực và giá trị chung của dân tộc Việt Nam và của từng dân tộc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
- Chính sách dân tộc đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh con người, trên cơ sở đó xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho các dân tộc và cộng đồng quốc gia Việt Nam. Đặc biệt, chính sách dân tộc đã góp phần giải quyết cơ bản những vấn đề khó khăn, bức xúc ở vùng dân tộc thiểu số, như: kinh tế những năm qua có sự tăng trưởng nhanh chóng và xóa đói giảm nghèo đạt được những thành tựu ấn tượng to lớn; cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện và đồng bộ hóa; tài sản và tư liệu sản xuất thiết yếu như đất, rừng, nước của người dân dần được đảm bảo; hệ thống y tế và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân được cải thiện; chất lượng giáo dục, đào tạo và nguồn lực con người được nâng cao; đào tạo nghề và giải quyết việc làm có những chuyển biến tích cực; thông tin truyền thông phát triển mạnh mẽ; công tác trợ giúp xã hội và các dịch vụ công phát triển mạnh đã góp phần giải quyết đáng kể những khó khăn cơ bản của người dân;... Qua đó từng bước tạo cơ hội phát triển bình đẳng, công bằng cho các dân tộc, nhất là những cộng đồng còn ở trình độ kinh tế - xã hội thấp, có dân số rất ít người, cư trú ở những địa bàn khó khăn.
- Chính sách dân tộc đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, đồng thời phát triển văn hóa quốc gia, nhất là tăng cường ngôn ngữ quốc gia, biểu tượng quốc gia ở các dân tộc thiểu số, ở vùng biên giới. Trên cơ sở đó tạo nền tảng xây dựng cộng đồng quốc gia Việt Nam nói chung và văn hóa dân tộc Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Theo đó, những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang được quan tâm bảo tồn và phát huy, nhất là khôi phục các lễ hội truyền thống, tổ chức liên hoan văn hóa, nghệ thuật, thể thao khu vực, thi trang phục và ẩm thực truyền thống các dân tộc Việt Nam,... Đồng thời tăng cường các giá trị, biểu tượng và yếu tố chung của văn hóa quốc gia Việt Nam tiếp nối được những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại.
- Chính sách dân tộc đã góp phần phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc tại chỗ, có dân số rất ít, cư trú ở những địa bàn khó khăn, vùng biên giới, ven biển, hải đảo để phục vụ nhu cầu công tác của địa phương, của đất nước. Đặc biệt là quyền bình đẳng về chính trị của các dân tộc không chỉ được thừa nhận trong những văn kiện, Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, mà quan trọng hơn là đã đi vào thực tiễn, đó là quyền làm chủ đất nước, quyền được tham gia vào các vấn đề quan trọng của đất nước. Các dân tộc đều có quyền và trên thực tế đã được tham gia trong hệ thống chính trị các cấp, quản lý xã hội, phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ và hưởng dụng các nguồn tài nguyên,... Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đã tăng lên về số lượng và nâng cao chất lượng, trong đó có không ít cán bộ là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận tổ quốc, lực lượng vũ trang.
- Chính sách dân tộc đã góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển sản xuất và đời sống cho người dân các dân tộc. Việc đẩy mạnh thực thi Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Chiến lược Biển... cũng như những chính sách cụ thể về quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là đất đai, rừng, nước... vốn là tài sản có giá trị lớn, là nguồn tư liệu sản xuất thiết yếu của đại bộ phận người dân từng bước đi vào cuộc sống, góp phần hỗ trợ và giải quyết một phần khó khăn, bức xúc cho một bộ phận người dân bị mất đất, thiếu đất sản xuất và đất ở trong quá trình phát triển, đồng thời bảo vệ môi trường sống và không gian sinh tồn cho người dân.
- Những thành tựu đạt được trong thực hiện chính sách dân tộc những năm qua đã góp phần nâng cao vị thế của Đảng và Nhà nước ta trên trường quốc tế cũng như ảnh hưởng của Việt Nam với cộng đồng thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng. Trên thực tế, cộng đồng quốc tế đã ghi nhận và đánh giá rất cao hệ thống chính sách dân tộc tốt đẹp, khá toàn diện và đồng bộ của Đảng và Nhà nước ta dành cho các dân tộc thiểu số, nhất là những tộc người có dân số rất ít, cư trú ở vùng đặc biệt khó khăn; coi những thành tựu về xóa đói, giảm nghèo mà Việt Nam đạt được là hình mẫu cho nhiều quốc gia chậm phát triển và đang phát triển học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.
Để xây dựng cộng đồng quốc gia – dân tộc Việt Nam thống nhất, vững mạnh trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước ta xác định rõ chính sách dân tộc cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong những văn kiện của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp, đồng thời chú ý hơn đến một số nội dung mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn của thế giới, khu vực và đất nước. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam thống nhất, vững mạnh. Đảm bảo các dân tộc được tôn trọng, bình đẳng, đoàn kết, tin cậy và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi quan điểm, hành vi kỳ thị dân tộc, chia rẽ phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Chính sách dân tộc là bộ phận quan trọng của hệ thống chính sách quốc gia, có mục tiêu và nhiệm vụ then chốt là nhằm giải quyết hài hòa và phát triển bền vững các mối quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc, đặc biệt là quan hệ giữa người dân các dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh đa số, giữa người dân các dân tộc với cộng đồng quốc gia Việt Nam; góp phần tăng cường văn hóa quốc gia, ý thức quốc gia, tiếp tục thực hiện thành công Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam thống nhất, vững mạnh. Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách kiến tạo cơ hội, phát huy thế mạnh tiềm năng sẵn có, huy động sức mạnh nội lực, sự chủ động và sáng tạo của các dân tộc nhằm phát triển tổng thể, toàn diện cho các dân tộc theo vùng, trong đó đặc biệt quan tâm đến các dân tộc, bộ phân dân cư ở vùng biên giới, ven biển và hải đảo, những nơi có trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp, điều kiện phát triển đặc biệt khó khăn cần có thêm sự hỗ trợ phù hợp để tạo lập cơ sở nền tảng vững chắc cho phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, thành công hơn trong quá trình đổi mới và hội nhập cùng đất nước.
Tài liệu tham khảo
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,...
- Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (sửa đổi, bổ sung mới), Nxb. Hồng Đức.
- Đặng Nghiêm Vạn (2003), Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.