Chiến thắng vang dội của quân và dân miền Nam ở Ấp Bắc ngày 02/01/1963 góp phần làm sụp đổ cơ bản kế hoạch Staley - Taylor, tiếp tục đẩy ngụy quân, ngụy quyền vào tình thế nguy ngập. Qua đó, đồng bào ta càng thêm tin tưởng vào khả năng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Sau thắng lợi trên, theo chủ trương của Đảng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã phát động “Thi đua ấp Bắc, diệt giặc lập công”, kiên quyết tiến công tiêu diệt địch, làm phá sản chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của chúng.
Bước vào năm 1964, phong trào cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam tiếp tục phát triển. Ta đã phá tan hàng ngàn “ấp chiến lược” của địch, mở ra nhiều vùng giải phóng. Phong trào chiến tranh du kích phát triển rộng khắp, bộ đội địa phương có bước phát triển mới đã đánh bại một bước quan trọng kế hoạch lập “ấp chiến lược” của địch, đẩy Mỹ - ngụy ngày càng lâm vào thế thất bại và suy yếu nghiêm trọng. Mỹ cho rằng, nguyên nhân chính của tình hình đó là do bọn tay sai Ngô Đình Diệm bất tài, bất lực và đến tháng 11/1963, Mỹ đã chỉ đạo một số tướng lĩnh quân đội Sài Gòn làm đảo chính, lật đổ Ngô Đình Diệm, đưa Dương Văn Minh rồi Nguyễn Khánh lên thay. Nhưng bọn tay sai mới tiếp tục đấu đá nhau và không chống đỡ nổi cuộc tiến công nổi dậy ngày càng mạnh mẽ của quân và dân miền Nam. Từ tháng 3/1964, đế quốc Mỹ thực hiện kế hoạch Giônxơn - Mắc Namara, nhằm bình định miền Nam trong vòng 2 năm (1964-1965), đẩy chiến lược “chiến tranh đặc biệt” lên đỉnh cao, dùng ưu thế quân sự và mọi thủ đoạn thâm độc, tàn bạo đè bẹp phong trào cách mạng, hòng cứu vãn nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn của ngụy quyền tay sai trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”.
Cuối năm 1963, Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đánh giá thắng lợi của quân và dân miền Nam sau 2 năm tiến hành chiến tranh cách mạng chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, xác định phương châm chiến lược đánh lâu dài, đồng thời tích cực tranh thủ và sáng tạo thời cơ để thắng địch trong thời gian tương đối ngắn.
Trên cơ sở nhận định tình hình, Hội nghị Trung ương Cục miền Nam đã xác định phương hướng nhiệm vụ năm 1964 -1965 là ra sức động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tranh thủ, thời cơ liên tục tiến công địch, kiên quyết đánh bại kế hoạch Giônxơn - Mắc Namara, làm cho mưu đồ tập trung quân đánh phá có trọng điểm và gom dân lập “ấp chiến lược” của địch bị thất bại nặng nề, đồng thời khẩn trương xây dựng thực lực ta, đặc biệt là xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân, tạo ra những điều kiện cần thiết để có thể mở ra cục diện to lớn cho phong trào, tiến lên giành thắng lợi quyết định
Để vận dụng đúng đắn nghị quyết của Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền chủ trương mở chiến dịch tác chiến tập trung trên địa bàn miền Đông Nam Bộ. Đó là yêu cầu khách quan có tính chất chiến lược dẫn đến sự xuất hiện chiến dịch đầu tiên của chủ lực ta ở miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
*
* *
“Ấp chiến lược” Bình Giã (nay thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), có chiều dài khoảng 4 km, với 4.000 dân di cư theo đạo thiên chúa, phần lớn là gia đình hậu phương của các lực lượng biệt động quân và thủy quân lục chiến ngụy; đây là “ấp chiến lược” “kiểu mẫu” của địch, trong đó số đông Nhân dân bị giáo lý phản động mê hoặc, bị địch lợi dụng chống phá ta.
Từ cuối năm 1964, để cứu vãn sự thất bại của quân đội Sài Gòn, Mỹ và chính quyền Sài Gòn gấp rút triển khai kế hoạch bình định có trọng điểm, tổ chức khu vực Bình Giã, Đức Thạnh, Long Điền, Xuyên Mộc, Đất Đỏ thành 4 chi khu quân sự với lực lượng gồm 4 tiểu đoàn biệt động quân (30, 33, 35, 38), 2 tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến (1, 4) của Lữ đoàn 147, 2 tiểu đoàn dù (5, 6), 3 tiểu đoàn bảo an, 2 trung đội pháo binh 105 mm và 1 chi đoàn xe thiết giáp M113. Mỗi chi khu có từ 1 đại đội đến 1 tiểu đoàn bảo an đóng giữ; riêng “ấp chiến lược” Bình Giã, địch tổ chức lực lượng riêng để bảo vệ, chống phá ta quyết liệt. Do tính chất quan trọng của tỉnh Bà Rịa, nên địch ra sức củng cố tỉnh này để tạo thành thế phòng thủ án ngữ mặt phía Bắc và Đông Bắc, bảo vệ căn cứ hải quân Vũng Tàu.
Chấp hành chỉ thị của Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, đầu tháng 11/1964, Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở chiến dịch tiến công địch tại khu vực Bình Giã - Đức Thạnh - Đường số 2 (cách Sài Gòn 70 km về phía đông), trên địa bàn các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hoà, Bình Thuận (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và nam tỉnh Bình Thuận) với diện tích gần 500km2, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực, phá kế hoạch bình định trọng điểm của ngụy quyền Sài Gòn, hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy phá “ấp chiến lược”, đẩy mạnh chiến tranh du kích, mở rộng vùng căn cứ cách mạng.
Đây là lần đầu tiên Bộ Chỉ huy Miền tập trung lực lượng lớn, cơ động chiến đấu trên địa bàn rộng, xa hậu phương. Để giữ bí mật, tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị và triển khai chiến dịch, đánh lạc hướng phán đoán của địch, Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương trên các chiến trường, buộc địch phải phân tán đối phó trên nhiều hướng. Với sự nỗ lực, chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, đến ngày 20/11/1964 về cơ bản ta đã hoàn thành công tác chuẩn bị.
Diễn biến và kết quả chiến dịch
Rạng sáng 2/12/1964, Đại đội 445 tỉnh Bà Rịa nổ súng tiến công “ấp chiến lược” Bình Giã nhưng không dứt điểm, gần sáng phải rút ra ngoài. Sáng 3/12, địch cho Tiểu đoàn Biệt động quân 38 đổ bộ bằng máy bay trực thăng xuống tây nam Đức Thạnh để giải toả, khôi phục ấp Bình Giã. Đêm 7/12 ta sử dụng Đại đội 445 và 1 đại đội của Trung đoàn 762 tiến công Bình Giã lần 2; Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 761) và Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 762) đánh thẳng vào chi khu quân sự Đất Đỏ; lực lượng pháo binh Miền tập kích hoả lực vào các chi khu Xuyên Mộc, Đức Thạnh, căn cứ huấn luyện biệt kích Vạn Kiếp.
Trước áp lực ngày càng tăng của ta ở Bình Giã - Đức Thạnh, ngày 9/12 địch sử dụng Chi đoàn thiết giáp 3 (Thiết đoàn 1) có không quân yểm trợ mở cuộc hành quân “Bình Tuy 33” càn quét dọc đường 2, đoạn từ Bà Rịa lên Đức Thạnh. Trung đoàn 762 bố trí sẵn trận địa phục kích nhưng không đánh được (do địch hành quân không đúng hướng ta dự kiến), đã kịp thời cơ động về phía đông núi Nghệ (cách đường 2 khoảng 4 km). Tại đây, ngày 13/12, đoàn xe địch từ Đức Thạnh trở về lọt vào trận địa phục kích, Trung đoàn nhanh chóng vận động tiến công, sau gần 1 giờ chiến đấu diệt gọn Chi đoàn thiết giáp 3, phá huỷ nhiều xe thiết giáp, máy bay trực thăng và sinh lực địch, thực hiện thắng lợi trận then chốt thứ nhất của chiến dịch. Trong khi đó, trên hướng phối hợp Hoài Đức, Tánh Linh, Tiểu đoàn 186 Quân khu 6 đánh chiếm “ấp chiến lược” Mê Pu, chặn đánh viện binh địch từ Hoài Đức, La Gi lên ứng cứu, đánh thiệt hại nặng 3 đại đội bảo an, 1 đại đội dân vệ.
Đêm 27/12, Trung đoàn 761 sử dụng 2 đại đội phối hợp với Đại đội 445 đánh chiếm “ấp chiến lược” Bình Giã và tổ chức chốt giữ. Sáng 28/12, địch cho Tiểu đoàn Biệt động quân 30 ở Bà Rịa đổ bộ bằng máy bay trực thăng xuống khu vực Trảng Trống ở tây nam Đức Thạnh, từ đó chia thành 3 mũi tiến vào Bình Giã, nhưng bị ta chặn đánh quyết liệt, phải rút chạy về ấp La Vân. Trưa cùng ngày, địch tiếp tục dùng máy bay trực thăng chở Tiểu đoàn Biệt động quân 33 từ Biên Hoà đổ xuống đông bắc ấp Bình Giã, nhưng cũng bị hoả lực phòng không của ta chế áp, phải chuyển hướng xuống khu vực cánh đồng trũng ở phía đông nam Bình Giã, cách trận địa phục kích của ta khoảng 500 m. Nắm thời cơ địch chưa kịp triển khai đội hình, Trung đoàn 761 cho bộ đội xuất kích bao vây tiến công, đến 18 giờ làm chủ hoàn toàn trận địa, tiêu diệt phần lớn quân địch, bắn rơi 18 máy bay trực thăng, hoàn thành thắng lợi trận then chốt thứ hai của chiến dịch.
Ngày 30/12, địch cho máy bay trực thăng chở Tiểu đoàn Thuỷ quân lục chiến 4 thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược đổ bộ xuống đông nam ấp La Vân 600m (gần quận lị Đức Thạnh) để cùng Tiểu đoàn Biệt động quân 30 phản kích chiếm lại Bình Giã. 18 giờ cùng ngày, ta bắn rơi 1 máy bay trực thăng ở Quảng Giới diệt một số địch, trong đó có 4 lính Mỹ (có 1 trung tá). Nhận định địch sẽ tổ chức tìm xác đồng đội, Bộ Tư lệnh Chiến dịch lệnh cho Trung đoàn 761 khẩn trương bố trí trận địa phục kích tại đây. Đúng như dự kiến của ta, 14 giờ 30 phút ngày 31/12 khi Tiểu đoàn Thuỷ quân lục chiến 4 đến Quảng Giới, Trung đoàn 761 đã kịp thời nổ súng, bao vây chia cắt, tiêu diệt từng bộ phận, đến 18 giờ, các lực lượng của ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt gần 600 địch, thu toàn bộ vũ khí, hoàn thành thắng lợi trận then chốt thứ ba của chiến dịch.
Để cứu nguy cho Đức Thạnh và cố gắng chiếm lại Bình Giã, ngày 01/01/1965 địch huy động khoảng 2 nghìn quân mở cuộc hành quân giải toả mang tên “Hùng Vương 2”. Phán đoán chính xác hướng hành quân của địch, Trung đoàn 762 phục kích tại khu vực Cóc Tiên diệt gọn đoàn xe 10 chiếc và 1 đại đội địch trên đường 15 từ Vũng Tàu về Sài Gòn. Tiếp đó, ngày 3/01, trung đoàn tiếp tục phục kích trên đường số 2 từ Bà Rịa lên Đức Thạnh, diệt đoàn xe 16 chiếc, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn Biệt động quân 35. Cùng ngày, Tiểu đoàn 800 Quân khu 7 tập kích trại biệt kích Bình Sơn, phối hợp với du kích Long Thành diệt đồn Tam An, Phước Thọ, hỗ trợ quần chúng phá “ấp chiến lược”. Trên hướng Hoài Đức - Tánh Linh, ta bao vây chi khu Hoài Đức, đánh chiếm các “ấp chiến lược” Mê Pu, Sùng Nhơn, Đậm Rim, Tà Bao, làm tan rã lực lượng dân vệ ở đây. Ngày 3/1/1965, Bộ Tư lệnh quyết định kết thúc chiến dịch.
Kết quả chiến dịch: ta loại trên 1.700 địch (bắt 293), trong đó diệt Tiểu đoàn Biệt động quân 33, Tiểu đoàn Thuỷ quân lục chiến 4 và 1 chi đoàn thiết giáp M113; đánh thiệt hại 3 tiểu đoàn biệt động quân (30, 35, 38), 7 đại đội bảo an; làm tan rã hầu hết lực lượng dân vệ trong khu vực; phá huỷ và phá hỏng 45 xe quân sự (phần lớn là M113), bắn rơi, bắn cháy, bắn hỏng 56 máy bay các loại, thu hơn 1 nghìn súng và gần 100 máy thông tin các loại; phá vỡ hàng loạt “ấp chiến lược” ven đường số 2 và đường số 15, giải phóng vùng ven Hàm Tân và toàn bộ huyện Hoài Đức, mở rộng căn cứ Hát Dịch (Bà Rịa) nối liền với Chiến khu Đ và căn cứ Bình Thuận, bảo đảm căn cứ tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc vào bằng đường biển.
*
* *
Chiến thắng Bình Giã (1964 - 1965) đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, tạo ra thế và lực mới, góp phần thúc đẩy nhanh sự phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Chiến thắng có ý nghĩa chiến lược to lớn, ảnh hưởng sâu rộng ở trong và ngoài nước, khẳng định tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta, đặc biệt là lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam trong lãnh đạo và tiến hành chiến tranh cách mạng.
Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng, tri ân công lao cống hiến, hy sinh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh và ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
PV (Tổng hợp)