Cải tổ quỹ khoa học và công nghệ theo hướng trọng thưởng, thực chất

10:44 14/05/2025
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Quỹ khoa học công nghệ cần được cải tổ theo hướng tập trung hướng đến hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tạo đà khai phóng phát triển của VN trong kỷ nguyên mới.

Tổ chức bộ máy KH-CN hiệu năng, hiệu lực

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị năm 2024 ra đời trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang lan rộng và làm biến đổi sâu sắc mọi lĩnh vực của đời sống, có ý nghĩa lớn cho sự phát triển không chỉ khoa học và công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo mà còn là kim chỉ nam, bệ phóng cho sự phát triển hùng cường của VN một cách nhanh và bền vững.

Việc tổ chức bộ máy KH-CN theo hướng hiệu năng cao, hiệu lực thực thi mạnh mẽ và hiệu quả rõ rệt không còn là lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu. Sau nhiều năm vận hành với những tồn tại về cơ chế, phân cấp, phối hợp và đánh giá kết quả, hệ thống KH-CN của VN đang đứng trước một cuộc cách mạng tổ chức toàn diện, nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn cố hữu, đồng thời tạo nền tảng thể chế vững chắc để phát triển đột phá.

Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần Trường ĐH Bách khoa TP.HCM
Ảnh: Ngọc Dương

 

Cuộc cách mạng này không chỉ nằm ở việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy mà còn xây dựng một hệ sinh thái vận hành linh hoạt, đổi mới theo nhu cầu thực tiễn, có khả năng kết nối chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học. Với định hướng này, VN đang chuyển mình mạnh mẽ, quyết liệt tái cấu trúc nền tảng tổ chức KH-CN để nâng cao sức cạnh tranh, bắt kịp xu hướng toàn cầu và chủ động kiến tạo tương lai bằng tri thức và công nghệ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Để đưa thể chế ưu việt trong Nghị quyết 57 vào thực tiễn cần phải thiết kế, kiến tạo sự phát triển của khâu tổ chức bộ máy KH-CN quốc gia thật sự phù hợp, xứng tầm. Xét về mặt nguồn lực và phân bổ nguồn lực, cần hướng đến các quỹ KH-CN như một công cụ thúc đẩy sáng tạo, nâng cao hiệu quả và trọng thưởng cho kết quả đầu ra.

Trong hệ sinh thái này, quỹ KH-CN đóng vai trò như "nguồn năng lượng vận hành trí tuệ", giúp nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo, giải phóng tiềm năng nghiên cứu và thúc đẩy ứng dụng hiệu quả các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Trong bối cảnh VN đẩy mạnh cải cách thể chế theo tinh thần Nghị quyết 57, việc cải tổ, phát triển và tối ưu hóa các quỹ KH-CN đang được đặt ra như một giải pháp chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên phát triển mới.

Tạo động lực thực chất

 Đầu tiên, quỹ KH-CN phải chuyển đổi từ công cụ cấp phát nguồn lực sang công cụ tạo động lực, khai phóng sáng tạo. Hiện nhiều quỹ hoạt động chủ yếu theo cơ chế nặng tính cấp phát hành chính, đặt nặng quy trình và thủ tục hơn là khuyến khích kết quả. Điều này dẫn đến tình trạng "an toàn, ít rủi ro nhưng kém đột phá" trong đầu tư cho nghiên cứu và gây ức chế rất lớn cho các nhà khoa học sáng tạo thực thụ.

Để quỹ KH-CN tạo động lực sáng tạo thực chất, nhà nước cần chấp nhận rủi ro sáng tạo có kiểm soát, khuyến khích nghiên cứu tiên phong, mạo hiểm nhưng có tiềm năng tạo ra đột phá. Việc này có ý nghĩa lớn với sáng tạo trí tuệ và đặc biệt là sáng tạo trí tuệ ở tầm cao gắn với các sáng chế, phát kiến lớn.

Bên cạnh đó, ưu tiên tài trợ cho ý tưởng mới, hướng tới giải pháp cho các vấn đề lớn của đất nước như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, y sinh học, công nghệ bán dẫn… Các quỹ sẽ vận hành trên cơ sở thúc đẩy tài trợ theo cơ chế cạnh tranh, minh bạch, không bình quân hoặc dàn trải để tạo ra các sáng tạo trí tuệ đủ tầm tương xứng với sự đầu tư đủ lớn, phù hợp và khả thi khi triển khai.

Thứ hai, cần thay đổi tư duy tài trợ nghiên cứu theo hướng trọng thưởng kết quả đầu ra. Đây là một trong những điểm đột phá trong tư duy tài trợ KH-CN của thế giới hiện đại là chuyển từ tài trợ theo đầu vào (kinh phí, số người tham gia, ngày công) sang trọng thưởng đầu ra (chất lượng, tác động, ứng dụng). Đây cũng là định hướng cần theo đuổi để tăng tính khả thi, hiệu quả thực sự của các nghiên cứu, từ đó cổ vũ sáng tạo không giới hạn nhằm thúc đẩy sự phát triển của VN.

Do vậy, cần có cơ chế để gắn tài trợ nghiên cứu với kết quả cụ thể như: bằng sáng chế, công bố quốc tế, sản phẩm công nghệ, giải pháp ứng dụng thực tiễn. Đặc biệt là các sáng tạo trí tuệ đủ lớn để lan tỏa, đóng góp thúc đẩy sự ứng dụng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương. Bên cạnh đó, thiết kế quỹ với việc vận hành thưởng lớn cho các nghiên cứu có tác động cao, nhất là những nghiên cứu chuyển giao được cho doanh nghiệp, cho xã hội hoặc có đóng góp chính sách thúc đẩy quản trị và phát triển đất nước.

Công tác quản trị cần thiết lập cơ chế hậu kiểm linh hoạt, đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí không chỉ qua hồ sơ, mà dựa trên giá trị thực tế mang lại. Các quỹ KH-CN cần có cơ chế "kéo" thay vì "đẩy" - nghĩa là thay vì chỉ đi tìm đề tài để tài trợ, hãy xây dựng các "đặt hàng" chiến lược từ nhà nước và doanh nghiệp, từ đó thu hút các nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện với cam kết rõ ràng về kết quả xứng tầm với kinh phí, tài chính đầu tư tương xứng.

Khuyến khích tập đoàn lớn đầu tư vào R&D

Thứ ba, cần đa dạng hóa các nguồn quỹ và mô hình vận hành quỹ KH-CN đa tầng, đa dạng nguồn lực. Trong đó, quỹ nhà nước (như Quỹ Nafosted, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia) tiếp tục giữ vai trò tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược và công nghệ quốc gia. Đối với quỹ tư nhân và doanh nghiệp, khuyến khích các tập đoàn lớn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), thành lập quỹ.

 

PGS-TS Vũ Tuấn Hưng

(Bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hộivùng Nam bộ,

Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN)

Nguồn: https://thanhnien.vn/

In trang Chia sẻ

Tin khác