Tầm vóc và ý nghĩa chiến thắng Tây Bắc 1952

17:00 05/12/2022
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Thu Đông năm 1952, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân Việt Nam mở chiến dịch tiến công Tây Bắc, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng và lập "Xứ Thái tự trị" của thực dân Pháp, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng, nối thông Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc, vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Thượng Lào và căn cứ địa cả nước. 70 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng Tây Bắc vẫn mang tầm vóc và ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

1. Mở Chiến dịch Tây Bắc - Tầm nhìn chiến lược của Đảng

Từ cuối Chiến dịch Hòa Bình (2-1951), Bộ Chính trị đã có ý định mở chiến dịch trên hướng Tây Bắc. Ngày 17-7-1952, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập khu Tây Bắc gồm 4 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Sơn La. Nhiệm vụ và quyền hạn của Khu ủy Tây Bắc cũng giống như các Khu ủy khác là lãnh đạo quân, dân, chính và Đảng bộ Tây Bắc thực hiện các nhiệm vụ, chủ trương, chính sách do Trung ương và Chính phủ đề ra[1].

Về tổng thể, Tây Bắc là vùng rừng núi trùng điệp, là vị trí chiến lược quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Hơn nữa, nhân dân Tây Bắc có truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng kiên cường. Các đội vũ trang tuyên truyền, đội xung phong công tác, các đại đội độc lập hoạt động ở nhiều địa phương, đã phát động được nhiều phong trào chiến tranh du kích. Trong chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950, quân dân trên địa bàn Tây Bắc đã phối hợp đánh địch, giành thắng lợi ở Đại Bục, Đại Phác, Phố Lu, Phố Ràng, Bản Lầu, Vạn Yên, Nghĩa Lộ, giải phóng một phần Lào Cai…

Tháng 9-1952, dựa vào so sánh thế, lực giữa ta và Pháp trên chiến trường, căn cứ vào đề nghị của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc nhằm mục đích: Tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân vùng Tây Bắc, giải phóng một bộ phận đất đai ở Tây Bắc[2] và cử đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng chiến dịch, đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Chính trị và đồng chí Trần Đăng Ninh làm Chủ nhiệm Cung cấp.

Nhìn chung, chọn hướng Tây Bắc để tiến công, Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh đã có sự phân tích đúng đắn, đánh giá chính xác tương quan lực lượng cũng như sở trường, sở đoản của hai bên. Tây Bắc tuy có vị trí chiến lược hết sức quan trọng nhưng lại là nơi địch có lực lượng phòng thủ yếu, hỏa lực pháo binh, không quân khó phát huy sức mạnh và hiệu quả do địa hình rừng núi. Trái lại, đây là nơi phù hợp với trình độ tác chiến và sở trường của bộ đội, nơi ta có thể khắc phục chỗ yếu của mình, hạn chế sức mạnh và khoét sâu điểm yếu của địch, buộc chúng phải đối phó theo cách đánh của chúng ta.

Để đảm bảo việc tổ chức và thực hiện chiến dịch Tây Bắc giành nhiều thắng lợi, từ ngày 6 đến ngày 9-9-1952, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức hội nghị trao nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia Chiến dịch Tây Bắc (với 7 Trung đoàn chủ lực thuộc các Đại đoàn 308, 312, 316 cùng với nhiều binh chủng phối hợp). Cũng tại hội nghị này, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh phổ biến kế hoạch, nêu lên ba nhiệm vụ chủ yếu của Chiến dịch là: tiêu diệt địch, giải phóng đất, tranh thủ nhân dân và coi đây là hướng hoạt động chính trong Thu Đông 1952. Hơn nữa, việc xác định đồng bằng Bắc Bộ là hướng chiến lược quan trọng cũng cho thấy Đảng đã phân tích thấu đáo, đánh giá đúng tương quan lực lượng giữa hai bên, nhất là khắc phục hạn chế của bộ đội khi tác chiến ở đồng bằng (qua 3 chiến dịch đánh vào trung du và đồng bằng Bắc Bộ đầu năm 1951 là chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám và Quang Trung), đồng thời chủ trương sử dụng một bộ phận quân chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương đẩy mạnh hoạt động nhằm kiềm chế, giam chân địch ở đồng bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị tác chiến ở Tây Bắc. Đặc biệt, để tiếp thêm tinh thần và cổ vũ mạnh mẽ các lực lượng tham gia chiến dịch, ngày 9-9-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nói chuyện với Hội nghị và nêu rõ: “Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã cân nhắc kỹ chỗ dễ, chỗ khó của chiến trường sắp đến và quyết tâm là chiến dịch này phải đánh cho thắng lợi”, “Phải quyết tâm chiến đấu, quyết tâm chịu khổ chịu khó, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm chấp hành chính sách của Trung ương Đảng, Chính phủ”[3].

Có thể khẳng định, Hội nghị về Chiến dịch Tây Bắc một lần nữa khẳng định quyết tâm mở Chiến dịch Tây Bắc với mục đích phải chiến thắng. Quyết tâm của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh được truyền đến từng người lính, để họ ghi nhớ sâu sắc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

2. Tầm vóc, ý nghĩa Chiến thắng Tây Bắc 1952

Trên cơ sở chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, ngày 14-10-1952, Chiến dịch Tây Bắc mở màn và qua 3 đợt tấn công, ngày 10-12-1952, ta chủ động kết thúc chiến dịch. Thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc có ý nghĩa quan trọng cả về quân sự, chính trị và kinh tế, mang tầm vóc, ý nghĩa chiến lược, thể hiện ở những nội dung chủ yếu:

Một là, đã tiêu hao một bộ phận quan trọng sinh lực, làm tan rã hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Bắc

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) nói chung và từng chiến dịch cụ thể nói riêng, mục tiêu hàng đầu đặt ra đối với ta là tiêu hao sinh lực địch. Đồng thời với tiêu hao sinh lực địch, tuỳ theo yêu cầu đặt ra của từng chiến dịch cụ thể, chúng ta thực hiện các mục tiêu khác. Chiến dịch Tây Bắc cũng vậy, một trong các mục tiêu chính là tiêu hao sinh lực địch.

Trải qua 3 đợt chiến đấu, mặc dầu trong đợt 3 đánh tập đoàn cứ điểm Nà Sản không thành công, nhưng về tổng thể Chiến dịch Tây Bắc ta đã hoàn thành thắng lợi mục tiêu nói trên. Số lượng quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu là 6.029 tên trong đó có 1.005 tên bị tiêu diệt, trong số này có nhiều sĩ quan, binh lính Âu- Phi có “thâm niên” ở Tây Bắc, khá thông thạo phong tục tập quán, ngôn ngữ địa phương. Nhiều tiểu đoàn và đại đội địch bị xoá số hoặc bị thiệt hại nặng, trong số này có các đơn vị lính nguỵ người địa phương - lực lượng đóng vai trò xung kích, cốt yếu để Pháp thực hiện chính sách “chia để trị”, “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Thiệt hại về quân số, tan rã của các đơn vị cấp tiếu đoàn, đại đội, trung đội,… là tổn thất lớn của địch, song lớn hơn là sự sụp đổ của các phân khu Nghĩa Lộ, Lai Châu, Sông Đà, Sơn La và cả toàn Khu độc lập Tây Bắc (Zone Autonome Nord Ouest- ZANO). Lực lượng quân địch còn lại ở thị xã Lai Châu và Nà Sản bị cô lập. Như vậy, trên thực tế, tuyến phòng thủ của Pháp ở Tây Bắc đã bị phá vỡ hoàn toàn.

Cùng với thiệt hại về quân số, địch còn chịu nhiều thiệt hại về vũ khí trang bị. Trong số đó, ta thu được là phần lớn, có 2 khẩu pháo 105 mm, 1 pháo 94 mm, 1 pháo 75mm, 7 pháo 57 mm, 65 súng cối, 33 trọng liên và đại liên. Theo ước tính thì số vũ khí ta thu được trong chiến dịch này đủ để trang bị cho nhiều trung đoàn bộ đội ta. Số vũ khí này trở thành “gây ông đập lưng ông”, bộ đội sử dụng đánh địch ngay trong chiến dịch này và cho các chiến dịch sau.  

Thành tích về tiêu hao sinh sinh lực địch ở Tây Bắc và các chiến trường phối hợp đã đưa tổng số quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu trong Thu Đông 1952 lên tới 13.800 tên, làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt quân số của địch.

Tổn thất về lực lượng và vũ khí, phương tiện chiến tranh tính toán được về số lượng, biểu thị qua các số liệu thống kê, song tác động tinh thần từ thất bại ở Tây Bắc đối với các cấp chỉ huy và binh lính địch là vô cùng to lớn. 

Hai là, giải phóng phần lớn đất đai, dân số trên địa bàn chiến lược quan trọng

Giải phóng đất đai, dân số là mục tiêu rất quan trọng đối với Chiến dịch Tây Bắc, bởi đây là vùng có nhiều dân tộc thiểu số (Thái, H’Mông, Tày, Nùng, v.v) sinh sống, lại ở vị trí tiếp giáp với Việt Bắc - căn cứ địa kháng chiến của cả nước và vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh đồng án ngữ đường giao thông liên lạc với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh vùng Thượng Lào.  

Tây Bắc là địa bàn có vị thế chiến lược quan trọng trên nhiều phương diện, song cho tới mùa Đông 1952, vùng này đang bị quân Pháp chiếm đóng toàn phần. Cùng với việc sử dụng lực lượng quân sự thiết lập hệ thống đồn bốt, chiếm đóng ở hầu hết các vị trí quan trọng, Pháp lập nên cái gọi là Xứ tự trị của người dân tộc thiểu số. Đó là  “Xứ Thái tự trị”, với 16 châu ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu và “Xứ Nùng tự trị”, ở các châu phía tả ngạn sông Hồng thuộc tỉnh Lào Cai. Âm mưu lập các xứ tự trị của người dân tộc thiểu số là nhằm chia rẽ khối đoàn kết cộng đồng các dân tộc ít người và với người Kinh, thực hiện chính sách “chia để trị”, “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Đứng đầu Xứ Thái tự trị là một Chúa xứ, kiêm tỉnh trưởng tỉnh Lai Châu. Phòng dân biểu xứ Thái với hơn 70 nghị viên. Tỉnh Sơn La và Phong Thổ có các tỉnh trưởng. Đứng đầu mỗi châu là một tri châu. Dưới châu là mường do các phìa, tạo cai quản. Bên cạnh Chúa xứ và tỉnh trưởng có cố vấn người Pháp - người có thực quyền trong xứ và ở mỗi tỉnh. Toàn xứ có 3 tiểu đoàn Thái, do các sĩ quan Pháp trực tiếp chỉ huy và huấn luyện. Ngoài ra còn có các đơn vị vũ trang ở các châu, mường. Tham gia bộ máy chính quyền Xứ Thái tự trị, phần lớn là những người xuất thân từ tầng lớp khá giả, có địa vị. Nhân dân phải cống nạp lương thực, thực phẩm, đàn ông có nghĩa vụ đi phu, đi lính. Các châu, mường, bản hàng tuần phải “cung cấp” chị em làm “vợ” cho binh lính ở các đồn bốt. Cùng với đó, chúng truyên truyền đả kích Việt Minh, đưa lính dõng và bảo an ở địa phương này đi đàn áp, cướp phá ở địa phương khác, gây mâu thuẫn, hiềm khích giữa các dân tộc ít người với nhau và với người Kinh. Xứ tự trị của người dân tộc ở Tây Bắc trước năm 1952 được Pháp coi là một “thành công điển hình” trong âm mưu chia rẽ dân tộc “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Đó là cách nhìn nhận của phía Pháp. Trên thực tế, với việc ra đời các xứ tự trị của người dân tộc, là một trong những nguyên nhân làm cho phong trào đấu tranh cách mạng, kháng chiến chống Pháp ở các tỉnh Sơn La, lai Châu, Lào Cai, Yên Bái trong những năm trước năm 1952 gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với ta, sau Chiến dịch Biên Giới Thu Đông 1950 và Chiến dịch Hoà Bình (cuối 1951 đầu 1952), về căn bản chúng ta đã làm chủ được vùng Việt Bắc rộng lớn cùng tỉnh Hoà Bình, song vùng Tây Bắc vẫn do địch chiếm đóng hầu như toàn bộ. Để tiếp tục giữ vững thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ,  một vấn đề đặt ra là cần phải giải phóng đất đai và đồng bào các dân tộc trên địa bàn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu khỏi ách chiếm đóng, áp bức bóc lột của thực dân Pháp và tay sai, xây dựng Tây Bắc thành căn cứ địa kháng chiến. 

Sau khi Chiến dịch kết thúc, Tây Bắc chưa hoàn toàn sạch bóng quân thù,  nhưng về căn bản đã được giải phóng, ta hoàn toàn làm chủ vùng đất chiến lược này. Vùng tự do, căn cứ địa kháng chiến của cả nước ở Bắc Bộ được mở rộng, nối liền cả một vùng rộng lớn, bao gồm hầu như toàn bộ vùng rừng núi Việt Bắc và Tây Bắc; nối thông với Liên khu 3 và vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh; mối liên hệ giữa các địa bàn chiến lược trong nước và quốc tế thêm nhiều thuận lợi, ảnh hưởng trực tiếp có lợi cho công cuộc kháng chiến của Lào.  

Như vậy, việc phần lớn đất đai và dân số Tây Bắc được giải phóng là một thắng lợi có ý nghĩa mang tầm chiến lược. Từ chiến thắng này, Tây Bắc trở thành căn cứ địa, hậu phương cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta. Đặc biệt trong Đông Xuân 1953-1954, vùng giải phóng Tây Bắc có vai trò vị trí vô cùng quan trọng, đây là hậu phương trực tiếp cung cấp sức người sức của rất lớn cho mặt trận Điện Biên Phủ, là địa bàn để các đại đoàn bộ đội và dân công với quân số hàng chục vạn người dừng chân và trú đóng, chuẩn bị và xuất phát thực hành tiến công địch trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. 

Ba là, làm biến chuyển cục diện chiến tranh bất lợi cho địch, có lợi cho ta

Chiến dịch Tây Bắc kết thúc, địch còn chiếm đóng một số vùng ở Tây Bắc, trong đó quan trọng là Nà Sản, nhưng đối với Pháp đó là thất bại lớn với nhiều hệ luỵ. Báo Bằng chứng cơ đốc của Pháp viết “Tiếng súng Tây Bắc báo hiệu một mùa Đông đáng lo ngại nữa cho Pháp, mùa Đông thứ tám của cuộc chiến tranh ngày càng gợi ra những hình ảnh lo âu, thất vọng”[4].

Tây Bắc thuộc về ta, quân Pháp ở Thượng Lào bị uy hiếp mạnh về phía Đông, buộc phải điều lực lượng tăng cường cho Sầm Nưa, một địa bàn có vị trí quan trọng ở Thượng Lào. Song, quân địch ở Thượng Lào lâm vào thế cô lập, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho ta và nước bạn Lào mở chiến dịch tiến công Thượng Lào thắng lợi lớn vào đầu mùa Hè 1953.

Thắng lợi Tây Bắc mùa Đông 1952 là kết quả trực tiếp của gần hai tháng chiến đấu của quân, dân ta ở mặt trận này và cũng là kết quả 7 năm chiến đấu trước đó của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trên cả nước. Thắng lợi chung của toàn quốc trong năm 1952 cùng với chiến thắng Tây Bắc làm cho cục diện chiến tranh ở Việt Nam nói riêng và toàn Đông Dương nói chung ngày càng biến chuyển mạnh theo chiều hướng có lợi cho cuộc kháng chiến của Việt Nam, Lào và Cam puchia.

Theo dõi sát diễn biến chiến sự ở mặt trận Tây Bắc và đồng bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi bộ đội và dân công: “Bác được tin các chú, các cô thắng trận, bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí, giải phóng đồng bào và một phần đất đai Tây Bắc, đánh du kích mạnh ở đồng bằng… Chiến dịch này các cô, các chú quyết tâm từ trên xuống dưới: bộ đội thì quyết tâm chiến đấu, dân công thì quyết tâm phục vụ, chịu gian khổ nhiều. Đơn vị nào, đoàn nào cũng có thành tích”[5]. Ngày 29-1-1953, tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ biểu dương cán bộ, chiến sĩ, dân công: “Trung ương, Chính phủ khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Trung ương, Chính phủ, Bác bằng lòng các chú, lần này chưa phải hoàn toàn, nhưng hơn mọi lần trước”[6].

Chiến dịch Tây Bắc thu đông 1952 của quân và dân Việt Nam diễn ra vào lúc cục diện đối đầu và chiến tranh lạnh đã lên tới đỉnh cao. Thế và lực của cuộc kháng chiến đều lớn mạnh, lại có sự ủng hộ về chính trị và giúp đỡ về vật chất từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Đó là thuận lợi rất lớn, nhưng yếu tố quyết định thắng lợi vẫn là sức mạnh bên trong của cuộc kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bây giờ chúng ta quân nhiều, tướng mạnh, mọi người lại đều quyết tâm. Cho nên ta nhất định thắng lợi”[7]. Người cũng căn dặn: “Đừng để cho mình say sưa vì chiến thắng. Không được bao giờ đánh giá thấp kẻ thù. Hãy luôn nhớ rằng chiến tranh yêu nước sẽ thắng lợi, nhưng nó sẽ lâu dài và gian khổ. Thắng lợi càng gần thì kẻ thù càng hung hãn, và chúng ta có nhiều khó khăn hơn. Hãy luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng”[8].

70 năm trôi qua, nhìn lại chiến thắng Tây Bắc 1952 càng khẳng định tầm nhìn chiến lược đúng đắn, nhạy bén của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy trong chỉ đạo chiến tranh cũng như khẳng định tầm vóc và ý nghĩa của chiến thắng này đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hơn nữa, ôn lại thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc là hoạt động thiết thực góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần quật khởi và truyền thống đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc đổi mới nhằm tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

Chi bộ Viện Sử học


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 13 (1952), Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr.210.

[2] Báo cáo kế hoạch tác chiến chiến dịch và tổng kết kinh nghiệm của các chiến dịch lớn, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản năm 1963, Tập 2, tr.140.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7 (1951-1952), Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.481-482.

[4] Dẫn theo Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tập 2, Nxb QĐND, Hà Nội, 1994, tr. 233.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6, sđd, tr.590.

[6] Những tài liệu chỉ đạo chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu xuất bản, 1963, tập 4, tr. 419.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Sđd, tr. 485.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Sđd, tr. 537.

 

Nguồn: Chi bộ Viện Sử học

In trang Chia sẻ

Tin khác