Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam qua các nghiên cứu của khoa học xã hội

18:11 19/02/2025
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Năng lượng tái tạo được biết đến là nguồn tài nguyên vô giá của mỗi quốc gia, không chỉ phong phú về trữ lượng, số lượng mà còn là nguồn năng lượng không gây hại cho môi trường. Năng lượng tái tạo hoặc năng lượng tái sinh là loại năng lượng được tạo ra từ các nguồn liên tục và theo tiêu chuẩn của con người, nó được coi là vô hạn. Ví dụ như nguồn năng lượng từ mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng và địa nhiệt…
Ứng dụng năng lượng tái tạo vào trong hoạt động nông nghiệp (ảnh internet)

Năng lượng tái tạo - yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững hiện nay

Trong các nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, năng lượng tái tạo được các chuyên gia đánh giá mà một trong những đối tượng nghiên cứu có tính chất trọng điểm, có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững, nhất là nâng cao vị thế cạnh tranh của ngành kinh tế.

Trao đổi về tính chất quan trọng của các nghiên cứu về năng lượng tái tạo, TS. Phan Thị Sông Thương[i], Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: Năng lượng tái tạo là lĩnh vực ngày càng được khai thác phổ biến trong hệ thống năng lượng toàn cầu; có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững ở nhiều quốc gia trên thế giới; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế gắn với tận dụng nguồn năng lượng sạch, an toàn; theo dự kiến, năng lượng tái tạo sẽ tăng trưởng 7,1% mỗi năm trong hai thập niên tới, sau đó thay thế than đá để trở thành nguồn năng lượng hàng đầu thế giới vào năm 2040.

Công nghệ tuabin gió đang được cải tiến để tăng hiệu suất, giảm chi phí sản xuất điện

Các nghiên cứu cho thấy, nước ta đã và đang thực hiện quá trình đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch, bền vững, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính; tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, như nhà máy năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhiệt điện,… theo tinh thần phát huy nội lực cũng như tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác và thu hút nguồn vốn FDI từ các doanh nghiệp lớn.

Pin nhiên liệu Hydro (ảnh Internet)

Từ năm 2018 đến nay, ngành năng lượng tái tạo chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh (đặc biệt là các dự án điện gió và điện mặt trời); tỷ trọng sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (gồm điện mặt trời nối lưới, điện gió, năng lượng sinh khối và thủy điện) tăng lên nhanh chóng. Đến nay, tổng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo và thủy điện vừa và lớn đạt 43.126MW, chiếm 55,2% tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam (78121 MW), trong đó điện gió đạt 4.126 MW, điện mặt trời mái nhà là 7.660MW, điện mặt trời trang trại 8.904MW, thủy điện là 22.111MW, năng lượng sinh khối là 325MW(12). Tuy vậy, năng lượng tái tạo hiện vẫn còn chiếm tỷ trọng tương đối thấp, khoảng 9% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp của cả nước (năm 2020) và nguồn cung năng lượng sơ cấp vẫn phụ thuộc chủ yếu từ than (chiếm tỷ trọng 51% trong cùng năm).

Triển vọng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Theo TS. Phan Thị Sông Thương, điều kiện địa lý tự nhiên ở Việt Nam rất lý tưởng cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Bên cạnh đó, với mạng lưới gồm khoảng 3 nghìn sông, ngòi lớn, nhỏ, nước ta là một trong số 14 quốc gia trên thế giới đứng đầu về tiềm năng thủy điện; sở hữu khoảng 8,6% diện tích đất, nước thích hợp cho phát triển các trang trại điện gió; có trên 120.000 trạm thủy điện với tổng công suất ước tính đạt 300MW(13). Thêm vào đó, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong tận dụng nguồn năng lượng sinh khối từ nhiều nguồn khác nhau, như gỗ củi, phế thải từ nông nghiệp, rác thải đô thị,...; là yếu tố quan trọng góp phần giải quyết bài toán bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; cải thiện chi phí, tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp thuộc các ngành năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp, biển; nghiên cứu, đào tạo, sáng chế,…

Năng lượng tái tạo cũng là một trong lĩnh vực cũng nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách được triển khai đồng bộ đã có tác dụng rất lớn trong việc thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo quốc gia. Các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể triển khai thực hiện đã thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân, bước đầu đóng góp có hiệu quả vào việc bảo đảm thực hiện thành công Chiến lược tăng trưởng xanh cũng như hiện thực hóa mục tiêu đạt tỷ lệ 67,5% - 71,5% năng lượng tái tạo đến năm 2050 được đề ra trong Quy hoạch Điện VIII.

lực lượng lao động của Việt Nam có rất nhiều cơ hội về nghề nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (ảnh Internet)

Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia của cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), trong vòng 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo đạt khoảng 20%, mở ra cơ hội lớn cho các tập đoàn nước thực hiện đầu tư, kinh doanh. Năm 2021, Việt Nam xếp hạng thứ 31 trong danh sách các quốc gia có độ thu hút cao về các cơ hội đầu tư và triển khai trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tính riêng đối với chuyển dịch 2 ngành điện gió và điện mặt trời, tiềm năng đóng góp vào GDP cả nước lên tới 70 - 80 tỷ USD, tạo ra khoảng 105 nghìn việc làm trực tiếp. Như vậy có thể thấy rằng phát triển năng lượng tái tạo đang dần trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển ngành năng lượng toàn cầu và chiếm vị trí quan trọng trong phát triển bền vững ở các nền kinh tế trên thế giới; do đó, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính và ước tính, cung cấp khoảng một phần ba lượng điện trên thế giới. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư phát triển ngành năng lượng tái tạo trong tương lai, đồng thời, vị thế địa - kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu mở ra nhiều điều kiện, cơ hội thuận lợi trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế - xã hội và môi trường.

Tăng cơ hội việc làm gắn với việc phát triển năng lượng tái tạo

Trao đổi về vấn đề này, TS. Trần Thị Tuyết[ii] (Viện Địa lý Nhân văn) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Thông qua nghiên cứu trường hợp tại Ninh Thuận, nhóm nghiên cứu nhận thấy: Năng lượng tái tạo hiện được xem là một trong những giải pháp hiệu quả, giải quyết được các thách thức trong xã hội công nghiệp, tức là hướng đến mục tiêu phát thải các bon thấp. Đồng thời, tạo cơ hội việc làm cho rộng rãi các nhóm cộng đồng tiếp cận được với các vị trí việc làm mới từ chính ngành năng lượng tái tạo, cải thiện được việc làm hiện có thông qua các lợi ích có được từ chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng và các chính sách hỗ trợ chuyển đổi việc làm của Trung ương và tỉnh Ninh Thuận.

Nhà máy điện gió tại Ninh Thuận, Việt Nam

TS. Trần Thị Tuyết cho biết thêm: Nghiên cứu của Viện Địa lý Nhân văn cho thấy dịch chuyển năng lượng là vấn đề cấp thiết ở Việt Nam nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, đảm bảo một tương lai năng lượng tự chủ, giữ gìn môi trường không khí, nguồn nước, bảo vệ sức khỏe cộng động. Quá trình dịch chuyển này gắn liền với chuyển dịch lao động, gắn với sự tham gia của đa dạng các thành phần trong xã hội. Vì vậy, để góp phần chuyển đổi có hiệu quả, người lao động rất cần được đào tạo nghề, tận dụng cơ hội việc làm để chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình dịch chuyển hướng tới “tăng trưởng, tạo việc làm có chất lượng”.

Theo đó, với yêu cầu ngày càng tăng đối với cá nhân có bộ kỹ năng và tài năng đa dạng. Trong tương lai gần sẽ rất cần những nỗ lực chung tay của các cấp, bộ, ban, ngành trong lĩnh vực đào tạo, giáo dục để cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực có đủ kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của định hướng xã hội. Việc làm này sẽ giúp nhà quản lý chủ động hơn trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho quá trình xây dựng kế hoạch, lường trước được những thách thức nhất là đối với Ninh Thuận, địa phượng đang phát triển mạnh điện năng lượng tái tạo với định hướng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn của đất nước và gia tăng cơ hội chuyển đổi việc làm cho người lao động trong lĩnh vực đầy tiềm năng này./.

 


[i] Trích tham luận “Một số vấn đề về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay, thực trạng, tiềm năng và hàm ý giải pháp” do TS. Phan Thị Song Thương và TS. Nguyễn Tất Trường (Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ) thực hiện, đăng trên Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 28/3/2024, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/906102/mot-so-van-de-ve-phat-trien-nang-luong-tai-tao-o-viet-nam-hien-nay--thuc-trang,-tiem-nang-va-ham-y-giai-phap.aspx

[ii] Báo cáo Tổng kết Đề tài “Việc làm phát triển bền vững gắn với năng lượng tái tạo”(nghiên cứu trường hợp Ninh Thuận) do TS. Trần Thị Tuyết (Viện Địa lý Nhân Văn) làm chủ nhiệm

Tác Giả: Phạm Vĩnh Hà (tổng hợp)

In trang Chia sẻ

Tin khác