Cán bộ, đảng viên Chi bộ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc

17:00 03/07/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

Theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[1]. Chủ nghĩa Mác – Lê nin là hệ thống lý luận toàn diện về nhiều lĩnh vực với cốt lõi là học thuyết Triết học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học được xây dựng từ thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng hàng trăm triệu nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến, đế quốc và tư bản. Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống những quan điểm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.[2] Việc phát huy nền tảng tư tưởng này trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bảo vệ Tổ quốc và giành độc lập cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước suốt 48 năm qua đã cho thấy nhiều thành tựu đáng ghi nhận, song cũng gặp không ít khó khăn khi phải đối mặt với các quan điểm sai trái, thù địch. Chính vì lẽ đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần được thực hiện sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó củng cố công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh thế giới phức tạp và luôn biến động.

Trên bình diện dân tộc, nền tảng tư tưởng của Đảng coi khối đại đoàn kết dân tộc là cơ sở để đưa các dân tộc cùng tiến lên. Khối đại đoàn kết dân tộc được xây dựng và bồi đắp trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội đến an ninh, quốc phòng và cả văn hóa. Trong lĩnh vực văn hóa, việc nâng cao nhận thức của nhân dân về tính đa dạng văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc ở Việt Nam là một trong những nhiệm vụ góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, để các dân tộc xích lại gần nhau, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Bởi lẽ đó, cán bộ, đảng viên của Chi bộ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn coi công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên mảnh đất hình chữ S, lấy đó làm nhiệm vụ chính trị trọng tâm qua từng năm, vừa thể hiện vai trò của một đơn vị văn hóa với xã hội, vừa góp phần tạo nên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc.

Tổ chức các trưng bày về di sản văn hóa phong phú của các dân tộc ở Việt Nam

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đến nay, tuy tuổi đời non trẻ[3] song Bảo tàng đã tổ chức hàng trăm cuộc trưng bày lớn nhỏ ở trong và ngoài nước, tiến hành độc lập hoặc phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức văn hóa ở Việt Nam và quốc tế. Các cuộc trưng bày của Bảo tàng được thực hiện với sự tham gia của các cộng đồng: cộng đồng tộc người, cộng đồng nghề nghiệp..., tạo ra sự gắn kết giữa các cộng đồng tham gia trưng bày và mang lại sự hiểu biết nhiều hơn cho công chúng tham quan về các cộng đồng này.

Bên cạnh trưng bày cố định về văn hóa 54 dân tộc ở Việt Nam luôn mở cửa đón khách tham quan thập phương, các trưng bày nhất thời do Bảo tàng thực hiện gia tăng thêm sự thu hút của Bảo tàng đối với công chúng. Chẳng hạn, trưng bày về nghề gốm của người Chăm và người Việt từ những năm 2000 cho thấy sự tương đồng và khác biệt trong kỹ thuật và quy trình tạo ra các sản phẩm gốm, từ đó thấy được nét độc đáo trong di sản gốm ở hai dân tộc, Trưng bày “Đồ vải Thái ở tiểu vùng sông Mê Công: Tiếp nối và biến đổi” năm 2006 làm nổi bật nét đặc sắc trong nghệ thuật thổ cẩm của người Thái ở Việt Nam và đặt nó trong bối cảnh rộng lớn hơn của người Thái trong khu vực. Người Thái tự làm ra nhiều loại hình đồ vải, từ trang phục đến các vật dụng trong gia đình như vỏ gối, mặt chăn, màn, đệm, túi… Không chỉ sử dụng trong gia đình, thổ cẩm của người Thái còn trở thành sản phẩm thủ công được ưa chuộng bởi du khách trong và ngoài nước. Điều đó một phần lý giải cho sự tồn tại của di sản văn hóa này trong đời sống hiện đại.

Năm 2017, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức thành công trưng bày cố định “Voi ở Tây Nguyên”, giới thiệu tới công chúng kinh nghiệm và kỹ năng bắt và thuần dưỡng voi rừng của người Mnông cũng như việc sử dụng voi trong đời sống của một số tộc người như Mnông, Ê đê, Gia rai ở các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum. Thông qua trưng bày, công chúng hiểu thêm về những đóng góp của những tộc người này vào cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ khi người dân dùng voi thồ đạn dược, lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến. Điều đó khẳng định mối quan hệ gắn bó, gần gũi giữa các dân tộc ở Việt Nam trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Lan tỏa những giá trị của di sản văn hóa đến thế hệ trẻ thông qua các hoạt động giáo dục và tập huấn

Không chỉ tiến hành các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa tại Bảo tàng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn thực hiện các chương trình tích hợp di sản văn hóa phi vật thể vào giáo dục trong trường phổ thông, làm tăng tính tương tác trong công tác dạy và học, nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa các dân tộc, đồng thời thúc đẩy chất lượng tiếp thu kiến thức khoa học thông qua các bài giảng tích hợp. Từ những năm 2006, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam dưới sự chủ trì của UNESCO Hà Nội đã thực hiện dự án về tích hợp di sản văn hóa phi vật thể vào bài giảng chính khóa cho một số trường phổ thông cơ sở tại nội thành và ngoại thành Hà Nội, chẳng hạn như giảng dạy về "Sự nổi" thông qua nghệ thuật múa rối nước hay về "Đối lưu bức xạ nhiệt" thông qua nghệ thuật chế tác và sử dụng chiếc đèn kéo quân... Đến năm 2010, trong khuôn khổ dự án "Truyền thông dựa vào cộng đồng: Những giọng nói chủ thể", Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tích hợp nghệ thuật chiêng tre của người Ba na ở Kon Tum vào bài học Vật lý về "Độ cao của âm". Dự án đã mang lại sự hứng khởi cho học sinh Ba na ở Kon Tum bởi kiến thức được truyền thụ dễ hiểu, học sinh có cơ hội hiểu thêm và trân quý di sản văn hóa của tộc người mình. Tiếp đó, trong hai năm 2019-2020, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu quốc tế về Di sản Văn hóa phi vật thể ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Nhật Bản (IRCI) và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIE) thực hiện biên soạn Tài liệu hướng dẫn Giáo dục về di sản văn hóa phi vật thể trong trường phổ thông hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Dự án mang đến cho học sinh các trường phổ thông cơ sở tại Hà Nội những bài học tích hợp kiến thức khoa học với di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, nâng cao nhận thức của các em về trách nhiệm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, bất kể đó là di sản văn hóa của tộc người nào, ở địa phương nào trên đất nước Việt Nam. Lòng tự hào, tự tôn dân tộc được nuôi dưỡng thông qua những bài học tích hợp với di sản văn hóa là nền tảng để gia tăng khối đại đoàn kết dân tộc, để thế hệ trẻ xây dựng hiện tại và hướng đến tương lai của một đất nước Việt Nam là tổng hòa của những nét đẹp văn hóa của 54 dân tộc, phát triển bền vững bên cạnh những trụ cột về kinh tế, xã hội, môi trường.

Không chỉ vậy, trong những năm gần đây, cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tham gia chương trình giảng dạy bồi dưỡng kiến thức về dân tộc cho các cán bộ quản lý ở nhiều địa phương trong cả nước. Bằng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt thông qua những ví dụ sinh động về những nỗ lực của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong việc kết nối các cộng đồng tộc người thông qua trưng bày, trình diễn, hoạt động giáo dục bảo tàng, cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng đã truyền tải đến các học viên là cán bộ quản lý trong hệ thống chính quyền ở cấp xã, huyện về những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc; trong đó, nhấn mạnh vai trò và những đóng góp của các dân tộc anh em trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc cũng như quá trình xây dựng và phát triển đất nước đến ngày hôm nay. Với tính chất cư trú đan xen trên hầu hết các vùng miền của lãnh thổ Việt Nam, các tộc người ở Việt Nam có mối quan hệ gần gũi, tương trợ lẫn nhau, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa cũng như tích cực tham gia giao lưu, tiếp nhận những yếu tố văn hóa văn minh của các tộc người khác và của nhân loại. Điều đó góp phần gia tăng sức mạnh nội lực và sự đoàn kết giữa các dân tộc, tạo điều kiện cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội-văn hóa tại các địa phương.

***

Có thể nói, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã và đang làm tốt nhiệm vụ chính trị trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, tạo ra sợi dây kết nối giữa các tộc người trên cả nước, góp phần khẳng định khối đại đoàn kết dân tộc vẫn luôn được duy trì, bồi đắp thông qua nhiều hình thức hoạt động khoa học, là minh chứng rõ ràng và sinh động, đập tan luận điệu thù hằn, chia rẽ dân tộc của những thế lực thù địch. Cán bộ, đảng viên trong Chi bộ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn giữ vững lập trường của người cộng sản, không bị hoang mang, dao động trước những nội dung tuyên truyền xấu độc, xuyên tạc, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, do đó, được củng cố thêm thông qua những đóng góp vào lĩnh vực văn hóa của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hướng đến nhận thức sâu sắc đã được nhắc đến trong Báo cáo chính trị của Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xay dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.[4]

 

Nguồn: Chi bộ Bảno tàng Dân tộc học Việt Nam

 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 88.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 88.

[3] Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được thành lập năm 1995, tính đến năm 2023 là 28 năm.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 109.

 

In trang Chia sẻ

Tin khác