Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc

17:00 17/08/2020
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

PHÚ VĂN HẲN

Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

Bác Hồ là một con người ưu tú nhất của đại gia đình dân tộc Việt Nam. Bác Hồ tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc dù đông người hay ít người, dù miền núi hay miền xuôi, ở vùng cao hay vùng thấp đều nhận thấy cái đẹp nhất, cái hay nhất của dân tộc mình trong con người Hồ Chí Minh. Bác Hồ là người cha vô vàn kính yêu, là niềm tin sắt đá, là nguồn hy vọng vô biên của các dân tộc.  

Cuộc sống và vận mệnh của các dân tộc gắn bó máu thịt với tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bác Hồ. Đối với các dân tộc thiểu số, Bác Hồ có quan điểm rõ ràng, trước sau như một: “Nước ta là một đất nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Các dân tộc anh em trong nước ta gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung và trải qua một lịch sử lâu đời cùng nhau lao động và đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi đẹp[1]. Bác Hồ nói: “Trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến, đồng bào miền núi đã có nhiều công trạng vẻ vang và oanh liệt. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa và xã hội ở miền Bắc và đấu tranh để thực hiện hoà bình thống nhất Tổ quốc, đồng bào miền núi đang cố gắng góp phần xứng đáng của mình[2].

Bác Hồ đánh giá cao vị trí của các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp cách mạng chung của đất nước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, các dân tộc ở nước ta luôn phải chống lại âm mưu xâm lược. Đấu tranh kiên cường đã trở thành truyền thống hết sức quý báu của các dân tộc. Truyền thống đó đã góp phần làm cho dân tộc ta khi đứng trước những thử thách lớn lao của lịch sử, vẫn giữ được một khối thống nhất và đã được Bác Hồ phát huy cao độ trong điều kiện lịch sử mới và thể hiện rõ trong chính sách đại đoàn kết dân tộc.

Hồ Chí Minh chính là người sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất ở nước ta. Người nhắc nhở “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt[3]. Bác luôn nhắc nhở đến sự đoàn kết trong các buổi nói chuyện, các hội nghị, trong các tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng. Trong thư gửi đồng bào Việt Bắc, Bác Hồ viết: “… Đồng bào ta cần phải: - Đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, mọi người thương yêu, giúp đỡ nhau như ruột thịt. – Đoàn kết chặt chẽ với đồng bào cả nước[4]. Nhân ngày khai giảng của học sinh trường Trung học Sư phạm miền núi Trung ương, Bác Hồ căn dặn: “Các cháu thuộc nhiều dân tộc và ở nhiều địa phương. Nhưng các cháu đều là con em của đại gia đình chung; là gia đình Việt Nam; đều có một Tổ quốc chung; là Tổ quốc Việt Nam…”. Bác Hồ nhắc đến nhiệm vụ chung của các dân tộc và nhấn mạnh rằng các dân tộc đều nằm chung trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, cùng có chung một Tổ quốc Việt Nam. Các dân tộc anh em chúng ta muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hoá của mình thì chúng ta phải tẩy trừ những thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em một nhà”[5].

Dưới các chế độ cũ, các dân tộc ít người cùng chịu chung số phận của người nô lệ mất nước, cùng chịu cảnh áp bức bóc lột của đế quốc và phong kiến, bị tiêm nhiễm nọc độc chia rẽ, hằn thù dân tộc. Để làm thất bại những thủ đoạn của đế quốc xâm lược và các lực lượng phản động, Bác Hồ coi vấn đề đại đoàn kết dân tộc là quốc sách. Bác nhấn mạnh: “Phải đoàn kết các dân tộc anh em, cùng nhau xây dựng Tổ quốc. Phải ra sức làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp vùng thấp[6], đoàn kết dân tộc nhằm phục vụ cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc. Người khẳng định: “Nước Việt Nam ta là một, dân tộc Việt Nam ta là một. Dù cho sông cạn đá mòn, nhân dân Nam Bắc là con một nhà[7].

Ngày nay, Tổ quốc ta đã thống nhất một nhà, dân tộc ta đã được độc lập, tự do, điều đó đã chứng minh một cách hùng hồn chân lý của Bác. Người tổng kết các ý nghĩa chiến lược của khối đoàn kết toàn dân, đại đoàn kết các dân tộc trong một câu nói nổi tiếng vừa giản dị, vừa sâu sắc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Chính từ chủ trương sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là Hồ Chí Minh vĩ đại, từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cây đại đoàn kết dân tộc đã đâm hoa kết trái; các dân tộc miền xuôi, miền núi trong đại gia đình dân tộc Việt Nam đã thực sự đoàn kết, yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau như anh em ruột thịt, kết thành một sức mạnh vô địch. Ước mơ bao đời của các dân tộc là được độc lập, tự do, có cơm ăn, có áo mặc, được học hành đã trở thành hiện thực. So với trước đây, đó là một sự đổi đời chưa từng thấy, mặc dù cuộc sống vật chất của các dân tộc chưa phải là đã hết khó khăn. Bác hiểu rất rõ điều đó nên trước khi đi xa, Bác còn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh… Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống văn hoá của nhân dân[8].

Bác Hồ luôn căn dặn: “Phải đoàn kết các dân tộc, phải đoàn kết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt[9]. Trong thư gửi Đại hội hợp tác xã và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du, Người viết: “… Các dân tộc chặt chẽ muôn người như một, thương yêu giúp đỡ nhau. Chú trọng giúp đỡ đồng bào vùng cao và làm tốt công tác an ninh trật tự, củng cố quốc phòng[10].

Tại hội nghị cán bộ phụ nữ các dân tộc miền núi toàn miền Bắc, Bác Hồ dạy: “Đoàn kết giữa dân tộc mình, đoàn kết giữa các dân tộc. Đoàn kết với đồng bào miền xuôi lên phát triển kinh tế miền núi. Tất cả các dân tộc miền núi và miền xuôi phải đoàn kết như anh em, chị em trong một nhà, cùng nhau ra sức xây dựng miền Bắc giàu mạnh và ủng hộ đồng bào miền Nam ruột thịt đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ Việt gian[11].

Bác Hồ mong muốn đồng bào các dân tộc thiểu số đoàn kết giúp đỡ nhau để nhanh chóng đưa miền núi thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần đầy đủ hơn, no ấm hơn. Đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, Bác Hồ nói: “Bây giờ muốn mang lại lợi ích cho đồng bào các dân tộc, thì phải nâng cao đời sống của đồng bào. Muốn nâng cao đời sống của đồng bào, không phải cứ nói mà ra cơm gạo. Cơm gạo không phải trên trời rơi xuống. Muốn có cơm gạo thì phải làm cái gì? Muốn no ấm thì phải làm cái gì? Phải làm thế nào? Phải tăng gia sản xuất[12]. Bác Hồ nhắc nhở cán bộ, bộ đội và đồng bào: “trong mọi công việc phải ra sức giúp đỡ đồng bào ở rẻo cao. Trong việc vận động định canh, định cư, phải đoàn kết được đồng bào các dân tộc, làm cho đồng bào vùng thấp như Kinh, Tày biết giúp đỡ đồng bào vùng cao tiến kịp đồng bào vùng xuôi”. Bác Hồ thấy miền núi là nơi có đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số, cũng là nơi có một vị trí quan trọng về quốc phòng và kinh tế. Bác Hồ nhận xét: “Tục ngữ ta có câu: Rừng vàng biển bạc, câu nói đó rất đúng”. Miền núi có tài nguyên phong phú, có nhiều khả năng để mở mang nông nghiệp và công nghiệp. Rõ ràng, miền núi có một địa vị cực kỳ quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng của cả nước ta[13].

Bác Hồ Chí Minh rất coi trọng thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Ngay từ khi Đảng mới được thành lập (1930), trong Cương lĩnh Đảng đã vận dụng đúng đắn nguyên lý‎‎ của chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề dân tộc và chỉ rõ: Đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để tranh thủ độc lập, tự do và hạnh phúc chung. Bác chỉ thị: “…Các cấp bộ Đảng phải thi hành đúng chính sách dân tộc, thực hiện đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc[14]. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc là một nội dung lớn trong chính sách dân tộc của Đảng ta. Muốn đoàn kết thực sự phải đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc thể hiện trên nhiều mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa,… Để thực hiện quyền bình đẳng một cách đầy đủ, các dân tộc cần phải phấn đấu nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, phải giác ngộ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Sự gắn bó ruột thịt ấy không chỉ thể hiện ở đường lối chính sách của Đảng mà còn thể hiện ở những hoạt động cụ thể của Hồ Chí Minh. Ở mỗi dân tộc, mỗi vùng mà Bác Hồ đã đi qua đều có những kỉ niệm thân thiết về Người. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sóng gió của Bác Hồ, sau mấy chục năm bôn ba ở khắp các lục địa để tìm đường cứu nước và sống cuộc đời của một chiến sĩ quốc tế vĩ đại, mảnh đất mà Người đặt chân đầu tiên khi trở về Tổ quốc để chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước là một vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ phút đầu tiên, một tình cảm son sắt đã gắn bó giữa Bác Hồ với các dân tộc thiểu số. Trong mười mấy năm ròng rã sống và chỉ đạo, hoạt động cách mạng ở nhiều vùng dân tộc thiểu số miền Bắc, Bác vẫn “có nâu túi vải, cháo bẹ canh măng” như mọi đồng bào miền núi. Bác rất thông cảm và thương yêu đồng bào các dân tộc thiểu số. Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, về sống và làm việc tại Hà Nội, trong nhiều năm Bác đã đi thăm các tỉnh miền núi, đi thăm lại những bản làng trước đây Người đã chung sống với đồng bào. Cho đến những ngày cuối cùng của đời mình, hễ nghe tin có đại biểu các dân tộc thiểu số về thăm thủ đô là Bác ân cần thăm hỏi.

Như lòng người mẹ hiền dõi theo từng bước đi của những đứa con, lòng Bác luôn hướng về các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào ở các vùng cao, xa xôi, hẻo lánh, đồng bào còn phải sống dưới gót sắt quân xâm lược.

Bác Hồ như là người cha thân yêu và gần gũi các dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc dành một tên gọi vừa tôn nghiêm, vừa thân thiết để gọi Người. Người là Paác Hồ của đồng bào Thái, là Cống (cụ) Hồ của đồng bào Nùng, là Pe Hồ của đồng bào Dao, là Chi Lao Hồ của đồng bào Mông, là Avoóc Hồ của đồng bào Bru Vân Kiều, là Awa Hồ của đồng bào Gia Rai và Ê Đê, là Bok Hồ của đồng bào Ba Na và Xơ Đăng, là Om Hồ của đồng bào Khmer… và là Wa Hồ của đồng bào Chăm. Dân tộc nào cũng đều thân thiết gắn bó, là mối quan hệ đặc biệt hiếm có: vừa rất tôn kính, tin yêu, lại vừa hồn nhiên cởi mở. Trong sâu kín và trong tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân tộc đều in đậm nét hình ảnh Bác Hồ vô cùng thân thương. Mỗi dân tộc có những cách biểu hiện lòng biết ơn khác nhau. Bác Hồ như trời cao biển rộng, công đức của Bác nhiều như sao trên trời, nhiều như cây lá trong rừng. Các dân tộc ở Tây Bắc nói: “Công đức của Bác Hồ cao hơn núi chồng núi, dài hơn sông nối sông”. Đồng bào Vân Kiều, vốn trước đây không có họ, tự nguyện lấy họ Bác Hồ làm họ chung của dân tộc mình… Tại các plei Chăm đi đến đâu cũng được nghe “Công ơn trên như núi cao biển sâu” (Bài hát Làng Chăm ơn Bác của Nhạc sĩ người Chăm: Amư Nhân), hoặc như ca sĩ, nhạc sĩ trẻ người Chăm trong bài hát mới nhất ở “Những ngày văn hóa Chăm tại Hà Nội” (năm 2004) bộc bạch “Bác Hồ sáng mãi như “Ia bulan” (vầng trăng).

Ngày hôm nay, tuy Người đã đi xa, nhớ ơn Người, mỗi người Việt Nam, mỗi thành phần dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam nguyện đem sức mình tiếp tục sự nghiệp của Người. Đoàn kết dân tộc chính là cội nguồn sức sống mãnh liệt của nhân dân ta qua mấy nghìn năm lịch sử, là bài học mà Bác Hồ suốt đời dạy bảo chúng ta, là bí quyết để thắng lợi của chúng ta.

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr. 587.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 608.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 217.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 230.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 496.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 605 – 606.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 10.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 498.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 135.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 244.

[11] Hồ Chí Minh: Tòan tập, Sđd, t. 11, tr. 215.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 130 – 131.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 608.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 547. 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Viện KHXH vùng Nam Bộ 

(http://siss.vass.gov.vn)

 

 

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác