Hội thảo quốc gia: Độc lập – tự do – Hạnh phúc: Nghiên cứu và chia sẻ giữa Việt Nam và các quốc gia Châu Phi – Trung Đông

17:00 10/11/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 10/11/2023, tại trụ sở 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Độc lập – Tự chủ: Nghiên cứu và chia sẻ giữa Việt Nam và các quốc giá Châu Phi và Trung Đông” với sự tham dự của nhiều nhà khoa học đến từ các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm cùng sự có mặt của các đại biểu đến là các chuyên gia, các nhà ngoại giao, đại sứ đến từ sứ quán các quốc gia khu vực Châu Phi và Trung Đông có trụ sở trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu phi và Trung Đông phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu phi và Trung Đông cho biết: Hội thảo được diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị ở một số quốc gia Châu Phi và Trung Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều xung đột, mâu thuẫn xảy ra đã dấy lên sự lo ngại về một thế giới có những thay đổi về một trật tự có nhiều thay đổi nhanh chóng, bất ổ và khó dự báo. Hội thảo sẽ là cơ hội để các nhà khoa học, nhà ngoại giao có dịp trao đổi về giá trị cốt lõi của “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, điều mà mỗi người dân Việt Nam chúng ta, già trẻ, lớn bé đều đang được hưởng thụ. Đây là một giá trị mà người dân ở một số quốc gia Châu Phi và Trung Đông đang chưa có hoặc chưa có được một cách thực sự.

Bên cạnh đó Hội thảo còn là diễn đàn học thuật hướng đến góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 35/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các tư tưởng sai trái, thù định trong tình hình mới” và tiếp tục thực hiện Quyết định số 2015/QĐ-TTg ngày 24/10/2016 về “Đề án phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Phi – Trung Đông giai đoạn 2016-2025”.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà ngoại giao đã có cơ hội chia sẻ nhiều vấn đề về tình hình Trung Đông, sự căng thẳng ở “chảo lửa Trung Đông” với sự can thiệp quá sâu của các nước lớn; các thách thức nổi lên với nhiều diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trong khu vực cũng như những bế tắc của các xung đột và cuộc chiến uỷ nhiệm đang diễn ra ở Trung Đông và Châu Phi trong thời gian gần đây, nhất là về cuộc chiến ngày 7/10/2023 giữa Hamas và Israel đã khiến cho một số nhà báo bình luận và dự báo về cuộc chiến đẫm máu của khu vực và có thể là mầm mống hiểm hoạ cho chiến tranh thế giới lần thứ 3.

Các nhà khoa học tham gia thảo luận tại Hội thảo

Nhìn lại Việt Nam, các nhà khoa học Việt Nam đã bày tỏ sự tự hào khi trao đổi các ý kiến cũng như tham luận về sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đường lối đối ngoại hết sức đúng đắn của Chính phủ và nhận định Việt Nam hiện đang trở thành một trong số các quốc gia có mô hình tăng trưởng bền vững, phát triển ổn định được biết đến nhiều trên thế giới. Những bài học kinh nghiệm về quản lý đất nước các cấp từ vi mô đến vĩ mô, các mô hình kinh tế; các quan điểm đối ngoại… của Việt Nam được nhiều quốc gia Châu Phi và Trung Đông xem trọng và bày tỏ mong muốn được chia sẻ và học tập kinh nghiệm.

Qua các ý kiến tham luận và trao đổi, có thể khẳng định: Độc lập dân tộc là khát vọng mang tính phổ biến với toàn nhân loại. Với dân tộc Việt Nam, đó còn là một giá trị thiêng liêng, được bảo vệ và giữ gìn bởi máu xương, sức lực của biết bao thế hệ người Việt Nam. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn thống nhất quan điểm: độc lập dân tộc phải gắn liền với thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, độc lập dân tộc luôn gắn liền với tự do, dân chủ, ấm no hạnh phúc của nhân dân;“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống, là lý do chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, là nguồn động viên đối với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Độc lập dân tộc bao gồm đầy đủ chủ quyền quốc gia về chính trị, kinh tế, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ. Nền độc lập thực sự, hoàn toàn phải được thực hiện một cách triệt để theo nguyên tắc “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”...

Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Vui mừng trước kết quả đạt được của Hội thảo, PGS.TS. Lê Phước Minh đã dành nhiều lời cảm ơn gửi tới các đại biểu, các nhà khoa học, nhà ngoại giao tham dự Hội thảo và cho rằng các ý kiến đóng góp đã góp phần khẳng định “Chỉ có độc lập dân tộc thật sự mới có một nền hòa bình chân chính; chỉ có hòa bình chân chính, mới có độc lập dân tộc hoàn toàn. Không thể có độc lập dân tộc thực sự, khi đất nước còn có sự lệ thuộc, hoặc có sự hiện diện của quân đội nước ngoài”. Di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn và sẽ mãi mãi được thấm nhuần trong đường lối lãnh đạo đất nước và chính sách đối ngoại của Đảng ta, Nhà nước ta, đó là dân tộc Việt Nam luôn thể hiện ý chí độc lập tự do, khát vọng hòa bình. Việt Nam luôn tìm mọi cách để đẩy lùi chiến tranh, cứu vãn hòa bình, giữ gìn độc lập dân tộc. Trong 92 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhờ xác định rõ nội dung và cụ thể hóa mục tiêu về Độc lập – Tự do – Hạnh phúc, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Thực tiễn đó chỉ ra rằng, độc lập dân tộc là ngọn cờ, là sự lựa chọn nhất quán và đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta trong lịch sử 92 năm qua.

Toàn cảnh Hôi thảo

Ngày nay trong bối cảnh thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường hoạt động chống phá, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đòi hỏi nội bộ Đảng và cán bộ, đảng viên phải luôn vững vàng lập trường, bản lĩnh, kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tin tưởng tuyệt đối vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nêu cao cảnh giác, chủ động ứng phó có hiệu quả với mọi tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Sẵn sàng chia sẻ và ủng hộ cho các quốc gia Châu Phi và Trung Đông trong mưu cầu độc lập, tự chủ, ấm no, hạnh phúc.

Phạm Vĩnh Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác