Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn của hợp tác xuyên biên giới và vai trò của Tây Nguyên trong vùng Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn của hợp tác xuyên biên giới và vai trò của Tây Nguyên trong vùng Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia”

10/08/2013

Ngày 9 tháng 8 năm 2013, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn của hợp tác xuyên biên giới và vai trò của Tây Nguyên trong vùng Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia”. Hội thảo nằm trong hoạt động của đề tài khoa học cấp Nhà nước “Tây Nguyên trong hợp tác phát triển kinh tế-xã hội xuyên biên giới vùng Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia”, thuộc Chương trình Tây Nguyên 3, do GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn làm chủ nhiệm đề tài.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo  có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị khu vực I, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nhấn mạnh: Hợp tác kinh tế giữa các quốc gia láng giềng là một xu thế đang ngày càng tỏ rõ hiệu quả vì lợi ích chung của các bên tham gia. Thực tế đã có nhiều mô hình hợp tác xuyên biên giới được hình thành và phát triển, có vai trò đáng kể trong việc khai thác lợi thế, bổ sung cho nhau của các quốc gia láng giềng như Tam giác tăng trưởng Indonesia – Malaysia – Singapore, Tứ giác tăng trưởng Brunay - Indonesia – Malaysia và Philipinnes… Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia đã qua 14 năm phát triển, đó là khoảng thời gian chưa dài, song những biến đổi của vùng đất này cho thấy để biến những quyết tâm thành hiện thực trong hợp tác kinh tế - xã hội đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn của cả 3 nước và các địa phương trong vùng. Trong đó, việc xác định vai trò, vị trí của Tây Nguyên là một trong những nhiệm vụ đặt ra đối với Việt Nam trong phát triển vùng này và cũng là nội dung quan trọng trong việc tham gia hợp tác ở khu vực Tam giác phát triển. 

Ban tổ chức Hội thảo cho biết đã nhận được trên 20 tham luận của các nhà nghiên cứu trong cả nước về Tây Nguyên, Tam giác phát triển và hợp tác kinh tế xuyên biên giới, các tham luận tiếp cận từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực tạo nên sắc màu đậm nét, phong phú về hợp tác kinh tế xuyên biên giới nói chung và Việt Nam – Lào – Campuchia nói riêng; nêu những những yếu tố khách quan tạo nên thuận lợi của hợp tác, bên cạnh đó cũng đề cập và phân tích những khó khăn, bất lợi đang hiện hữu trong khu vực Tam giác nói chung và hợp tác xuyên biên giới nói riêng; phân tích và làm rõ vai trò, vị trí của Tây Nguyên trong hợp tác kinh tế - xã hội xuyên biên giới, chỉ ra mặt mạnh, lợi thế và những khó khăn trong phát triển của các tỉnh Tây Nguyên cũng như trong đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh biên giới Việt Nam, Lào và Campuchia.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã sôi nổi trao đổi, thảo luậnvà đưa đến nhận định: hiện nay có nhiều vấn đề đặt ra trong hợp tác kinh tế - xã hội xuyên biên giới như các vấn đề về pháp lý, vấn đề liên quan đến việc phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, các khu kinh tế đặc biệt, các chợ biên giới; các vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng, di cư, bảo vệ môi trường, quản lý ngăn ngừa tội phạm xuyên biên giới. Quan trọng vẫn là bài toán phát triển, chủ động ứng phó với các thế lực thù địch. Để thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới, về phía Việt Nam phải coi Tây Nguyên là một cực tăng trưởng chính, nơi thu hút lao động, làm động lực cho vùng Tam giác phát triển và cần phải có cơ chế đặc thù để giải quyết các vấn đề Tây Nguyên thông qua các chính sách vùng biên cương của các nước trên cơ sở cố kết quốc gia.

Trong phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nêu rõ: các tham luận và phát biểu của các đại biểu tham dự đã phân tích và làm rõ hơn kinh nghiệm của khu vực và thế giới về mô hình hợp tác kinh tế - xã hội xuyên biên giới cả trên khía cạnh tích cực và hạn chế, đặc biệt xem xét các xu hướng, biểu hiện mới phát triển hiện nay và trong thời gian tới; phân tích và đánh giá về những kết quả, thuận lợi, và những khó khăn, hạn chế trong hợp tác kinh tế - xã hội xuyên biên giới khu vực Tam giác phát triển, chỉ ra được các mối quan hệ, tính lan tỏa, cơ hội gia tăng hợp tác giữa các địa phương khu vực biên giới với các tỉnh trong mối quan hệ hợp tác liên vùng và quốc tế; đánh giá vị trí và vai trò của Tây Nguyên trong khu vực Tam giác phát triển nói chung, hợp tác kinh tế - xã hội nói riêng. Các tham luận và ý kiến của các đại biểu là những đóng góp quan trọng giúp cho đề tài “Tây Nguyên trong hợp tác phát triển kinh tế-xã hội xuyên biên giới vùng Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia” triển khai đạt kết quả và chất lượng tốt./.

 

Nguyễn Thu Hà

Đang tải dữ liệu...
Các tin đã đưa ngày:
EMC Đã kết nối EMC