PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng ISAWAAS phát biểu khai mạc Hội thảo
Tham dự hội thảo có Ni trưởng Như Dung, Phó Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương, Cố vấn Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo; Ni sư TS. Như Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo; Ni sư TS. Tuệ Liên, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo; Ni sư TS. Huệ Hiếu, Ni sư TS. Như Ngọc, Ni sư Như Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo cùng các chư tôn đức Tăng Ni đến từ Học viện Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo; PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng ISAWAAS; TS. Kiều Thanh Nga và TS. Phan Cao Nhật Anh, Phó Viện trưởng ISAWAAS; đại diện các đại biểu đến từ các cơ quan (Học viện Phật giáo Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Viện Trần Nhân Tông, Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật Giáo…), cùng đại diện các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các đơn vị nghiên cứu của Viện Hàn lâm.
Trải qua 2.500 năm lịch sử, Phật giáo vẫn thể hiện tính công bằng, vượt trội thông qua việc ghi nhận, tán thán công đức của người nữ tham gia vào hành trình tâm linh. Được sự ghi nhận của Đức Phật, sự ủng hộ của chư Tôn đức và sự quan tâm sâu sắc của các bậc Đại Ni, nên Ni chúng có được sự tự tin để phát huy năng lực cống hiến cho đạo và đời. Chính trong môi trường thuận lợi để phát triển như thế, Ni giới Việt Nam nói riêng và nữ giới Phật giáo nói chung vừa có thể tu dưỡng phạm hạnh, vừa trở thành trụ cột cho quá trình nhập thế, an sinh… Thành tựu mà các Ni sư Việt Nam đạt được trong các lĩnh vực hoằng pháp, giáo dục, khoa học, công tác xã hội, hội nhập quốc tế, giao lưu hợp tác quốc tế… góp phần lớn chứng minh Phật giáo là một tôn giáo có khả năng tạo sự liên kết, gắn kết về mặt văn hóa - tâm lý - tâm linh giữa các cộng đồng, các quốc gia, dân tộc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng ISAWAAS nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt của Ni trưởng Như Dung, Phó Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương, Cố vấn Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo, quý vị Phật tử và các đại biểu tham dự; đồng thời cho biết Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từng bày tỏ rằng: “Chư Ni có thể tham gia mọi lĩnh vực hoạt động. Hãy đừng vì những quan niệm phân biệt giới tính mà quên đi tiềm năng siêu việt của mỗi con người. Đó là một sức cản lớn kìm hãm sự phát triển Phật giáo Việt Nam. Tận dụng chất xám của từng người để xây dựng Chánh pháp là thể hiện được chân lý bình đẳng của Đức Phật dạy, vừa xây dựng thế giới Ta bà được an vui và phát triển bền vững”. Có thể thấy, chính từ sự ghi nhận đó của chư Tôn, các bậc Trưởng lão đã tạo nguồn cảm hứng để Ni giới nói riêng, nữ giới Phật giáo nói chung, thêm tự tin trên hành trình phụng hiến của mình. Sự cống hiến ấy ít nhiều có được thành tựu riêng, là một phần cơ hội để thế giới hiểu hơn về đất nước - con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, bản sắc Phật giáo Việt Nam. Viện trưởng Nguyễn Xuân Trung khẳng định việc đánh giá đúng và ghi nhận những đóng góp của nữ giới trong giao lưu và phát triển Phật giáo quốc tế sẽ góp phần tích cực vào việc khích lệ, cổ vũ nữ giới cống hiến tích cực hơn cho sự phát triển của Phật giáo nước nhà và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cho sự phát triển của Phật giáo châu Á.
Qua Hội thảo này, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung mong muốn sẽ nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của quý phật tử và các đại biểu, qua đó không chỉ giúp phát triển Nữ giới Phật giáo Việt Nam trong hành trình phụng sự đạo pháp và dân tộc, mà còn mở ra những hướng nghiên cứu mới trong tương lai.
Ni sư, TS. Như Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo trình bày báo cáo Đề dẫn Hội thảo
Trong bài phát biểu Đề dẫn Hội thảo, Ni sư, TS. Như Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo nhấn mạnh đến các nội dung cần tập trung thảo luận: (i) Đánh giá, ghi nhận giá trị, vai trò của nữ giới Việt Nam trong giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á; (ii) Phân tích thực trạng, đánh giá cơ hội, thách thức khi Nữ giới Việt Nam nói chung, đặc biệt là Ni giới Việt Nam nói riêng, hội nhập quốc tế trong bối cảnh thời đại công nghiệp 4.0; (iii) Đề xuất giải pháp để chư Ni có đủ những tiền đề cần thiết mà tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, từ đó khẳng định được giá trị, bản lĩnh, tự tin bước ra biển lớn, hội nhập cùng bạn bè quốc tế, trở thành một lực lượng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn trong sự phát triển của Phật giáo Việt Nam cũng như toàn khu vực.
Ni sư, TS. Như Nguyệt cho rằng, từ việc làm sáng tỏ được các nội dung trên sẽ là nền tảng để Nữ giới nói chung, Ni giới Việt Nam nói riêng, có những định hướng, gợi mở, vững vàng bước ra khỏi vùng an toàn, sẵn sàng đối mặt với những thử thách của thời đại và hội nhập sâu hơn, hòa mình vào dòng chảy phát triển chung của Phật giáo khu vực và thế giới, khẳng định bản lĩnh của người con gái Phật – người con gái Việt Nam.
Chủ trì Hội thảo
Ban Tổ chức đã nhận được 39 tham luận, và lựa chọn 9 báo cáo tham luận trình bày tại Hội thảo được chia làm 02 phiên với 03 nhóm chủ đề chính: (i)Tổng luận về Ni giới Việt Nam trong giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á; (ii) Nữ giới Việt Nam: Những dấu chân hành pháp ở châu Á; (iii) Phật giáo Việt Nam hội nhập quốc tế: Nhìn từ vai trò của một số nhân vật tiêu biểu.
PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học và Tâm lý học trình bày báo cáo tham luận
Đề cập đến vai trò của nữ giới Việt Nam trong phát triển Phật giáo châu Á hiện nay, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học và Tâm lý học khẳng định, nữ giới không chỉ đóng góp vào việc duy trì và truyền bá giáo lý mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và lan tỏa tinh thần từ bi, trí tuệ trong gia đình và cộng đồng, và cho tới ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nữ giới Việt Nam không ngừng đóng góp sức mình cho sự lan tỏa Phật giáo Việt Nam trong nước và thế giới.
Sư cô Tịnh Đức trình bày cáo cáo tham luận tại Hội thảo
Chia sẻ về nữ tu Phật giáo trong khung cảnh nữ tu Phật giáo Đông Nam Á, Sư cô Tịnh Đức cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn như sự phân biệt giới tính trong cộng đồng Phật giáo, khó có thể tham gia vào các chức vụ cao cấp, hạn chế cơ hội thăng tiến và thiếu vắng tiếng nói trong hoạch định các chủ trương, đường lối và các kế hoạch cụ thể trong Ni giới, bên cạnh đó là những khó khăn về tài chính và cơ sở vật chất… gây cản trở trong việc tổ chức các khóa tu học, chương trình giảng dạy và hỗ trợ cộng đồng. Tuy nhiên, Nữ tu Phật giáo Việt Nam đã và đang góp phần tăng cường vai trò của nữ giới trong Phật giáo, cải cách trong các truyền thống Phật giáo cũng như khả năng lãnh đạo và ảnh hưởng toàn cầu.
TS. Tống Thị Quỳnh Hương trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo
Cùng quan điểm trên, TS. Tống Thị Quỳnh Hương cho rằng Ni giới có vai trò quan trọng trong việc phát triển truyền bá Phật giáo Việt Nam và hội nhập Phật giáo Á Đông như có mặt trong các dòng tu, trực tiếp tham gia vào việc giảng dạy, nghiên cứu và truyền bá giáo lý; Thực hiện các hoạt động thiện nguyện, chương trình giáo dục đạo đức, hướng dẫn Phật tử áp dụng Phật pháp vào đời sống hàng ngày…
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung đánh giá cao các báo cáo tham luận cũng như những ý kiến trao đổi của các đại biểu. Bên cạnh việc ghi dấu ấn với vai trò của nữ giới Việt Nam trong việc phát triển Phật giáo Châu Á hiện nay, một số báo cáo đã giới thiệu nhiều nhân vật với những đóng góp nổi bật như Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Huệ Hương, Ni trưởng Hải Triều, Ni sư Như Nguyệt… thể hiện vai trò và những đóng góp to lớn của nữ giới Phật giáo cho phong trào giao lưu, phát triển Phật giáo nói chung và của Việt Nam nói riêng. Nhiều báo cáo đã đề cập đến một số vấn đề đặt ra cho Ni giới như: hội nhập, điều chỉnh và tận dụng cơ hội mang lại như chuyển đổi số, AI… Tất cả những điều này một lần nữa khẳng vai trò của Ni giới ngày càng quan trọng hơn trong Phật giáo.
Kết quả của Hội thảo sẽ giúp các chuyên gia, nhà khoa học có những đề xuất đến các cơ quan ban ngành liên quan, từ đó có những quan tâm hơn nữa đến Ni giới Việt Nam nhằm phát huy vai trò của nữ giới Việt Nam trong phát triển Phật giáo châu Á; đồng thời là cơ hội mở ra sự hợp tác mới trong những nghiên cứu tiếp theo giữa ISAWAAS và Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo trong thời gian tới./
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm