Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024)

Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024)

20/06/2024

Tại Quyết định số 52-QĐ/TW ngày 5/2/1985 của Ban Bí thư Trung ương Đảng lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày Báo chí Việt Nam, nhằm kỷ niệm, tri ân các thế hệ nhà báo đã cống hiến sự nghiệp của mình cho đất nước. Ngày 21/6/2000, nhân dịp kỉ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Ngày 21/6/1925, Cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội” - Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã ra số đầu tiên, đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta. Từ khi có báo “Thanh niên”, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Cùng với quá trình lịch sử vẻ vang của Báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ người làm báo đã đồng hành cùng dân tộc suốt hơn chín thập kỷ qua và có nhiều đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Ðó là tinh thần chiến đấu và phẩm chất tiên phong, luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng, kiên quyết bảo vệ công lý và lẽ phải. Luôn đổi mới sáng tạo, phát hiện cái mới, khẳng định và bảo vệ cái mới, cố gắng cập nhật kiến thức, rèn luyện kỹ năng để tác nghiệp trên tất cả các loại hình báo chí, sử dụng công nghệ làm báo tiên tiến, hiện đại. Ðó là tinh thần đoàn kết, là sự gắn bó máu thịt với Nhân dân, trung thành tuyệt đối với Ðảng, với Tổ quốc và dân tộc.

Từ những ngày đầu sơ khai đến nay, gần một thế kỷ trôi qua, Báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, tiến những bước vững chắc trên hành trình vẻ vang của mình. Trong những ngày đầu tiên của cuộc cách mạng giải phóng, báo chí cách mạng đã được xác định là một công cụ quan trọng trong việc phổ biến tư tưởng, văn hóa và tri thức. Mỗi trang báo không chỉ đơn thuần là trang thông tin mà còn là ánh sáng của tư tưởng, của đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, soi đường cho nhân dân tiến bước.

Qua từng giai đoạn lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phản ánh trung thực, bảo vệ lợi ích quốc gia và dân tộc. Trong suốt gần 100 năm qua, Báo chí cách mạng Việt Nam đã không chỉ ghi nhận những thời khắc lịch sử, mà còn là nguồn cảm hứng cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và phát triển quốc gia. Các nhà báo không ngừng nêu bật những giá trị cao đẹp, tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm và sự hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trong thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập, báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nhân tố mới, người tốt, việc tốt. Báo chí đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu len lỏi vào Việt Nam. Báo chí đã tổ chức khơi dậy và biến nhiều hoạt động xã hội từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội. Báo chí đã quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời báo chí cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân. Báo chí không chỉ khẳng định vai trò của mình trong việc định hướng dư luận, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đồng thời phản ánh một cách sinh động và đa chiều cuộc sống xã hội, những vấn đề nóng bỏng, những thành tựu và khó khăn trong quá trình phát triển của đất nước. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào và vinh quang của những người làm báo cách mạng, những người luôn sẵn sàng đối mặt với thách thức, không ngừng sáng tạo, đổi mới để đưa Báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Thời đại khoa học - công nghệ và thông tin số phát triển vượt bậc, Báo chí cách mạng Việt Nam cũng đứng trước những thách thức và cơ hội mới. Sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, đã trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Với trách nhiệm và sứ mệnh mới, Báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng nỗ lực, đổi mới và phát triển, để luôn xứng đáng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là trái tim của dân tộc trên hành trình vươn lên phồn vinh, sánh với cường quốc năm châu. Người làm báo trong thời đại mới cần nhạy bén, trách nhiệm, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp, phấn đấu trở thành những người xây dựng và thể hiện giá trị nhân văn, văn hóa dân tộc trong từng sản phẩm báo chí.

Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với quyết tâm, hào khí mới, đưa các chủ trương, định hướng, mục tiêu nhiệm vụ được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, thành hiện thực. Trong khi đó, các thế lực thù địch trong nước và nước ngoài đã và đang cấu kết chặt chẽ với nhau, lợi dụng quyền dân chủ trong thông tin, khai thác sâu công nghệ truyền thông, “mở mặt trận” tuyên truyền những nội dung thông tin sai trái, xuyên tạc sự thật, vu khống, bôi nhọ, nói xấu chế độ, chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng, Nhà nước, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng, nhân dân. Âm mưu, phương thức, thủ đoạn mà chúng sử dụng hiện nay hết sức tinh vi và nham hiểm. Hoạt động chống phá cũng diễn ra có bài bản, được che đậy một cách khéo léo, tinh vi. Để góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội đất nước, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước ta xác định là một việc quan trọng, cấp thiết. Đảng ta đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với các giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó trọng tâm là phải ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta xác định đang là thời kỳ chuyển từ giai đoạn “phòng ngự” sang “tiến công”, khẳng định quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, liên tục và ngày càng quyết liệt hơn”. Trong xu thế, dòng chảy đó, báo chí cần bám sát, tiếp tục phát huy hiệu quả chức năng tư tưởng; định hướng; giáo dục; quản lý, giám sát xã hội; chức năng giải trí. Thông qua đó truyền bá hệ tư tưởng của Đảng, đó là chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời truyền bá Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng; chủ động, tích cực phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức về hệ tư tưởng của Đảng, từ đó không ngừng nâng cao giác ngộ cách mạng, tự giác cách mạng, đồng thời bồi dưỡng niềm tin, tình cảm cách mạng và cổ vũ hành động cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn và phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch; định hướng, tác động, giúp đỡ để công chúng hiểu đúng các chủ trương, chính sách, các sự kiện, hiện tượng xảy ra trong xã hội, để có thái độ, hành vi đúng đắn, phù hợp.

Báo chí Cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Báo chí cũng là một vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân. Trong 99 năm qua, kể từ số báo Thanh niên đầu tiên (21/6/1925), báo chí Việt Nam không ngừng phát triển phong phú, đa dạng; đang hiện đại hóa kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao hóa trở nên hoàn thiện hơn và dần dần toàn diện để đồng bộ “Báo chí đa phương tiện”. Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 là dịp tri ân các thế hệ nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt thành, và, nhiều khi là cả máu và nước mắt để độc giả có được những bài báo hay phản ánh chân thực các sự kiện nóng hổi, các vấn đề đời sống, văn hóa, xã hội, những câu chuyện truyền cảm hứng và những tấm gương đáng tôn vinh.

Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là dịp ôn lại chặng đường phát triển và khẳng định vị thế không thể thiếu trong đời sống xã hội suốt gần một thế kỷ phát triển, một hành trình dài đồng hành cùng dân tộc với bao thăng trầm và vinh quang. Báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử dân tộc mà còn là nguồn cảm hứng, là niềm tự hào và là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, hướng tới tương lai phồn vinh, hạnh phúc.

Ban Biên tập

Các tin đã đưa ngày: