Việc thực hiện chính sách dân tộc trong các hoạt động ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Việc thực hiện chính sách dân tộc trong các hoạt động ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

24/07/2020

TS. VŨ THỊ HÀ

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Tóm tắt

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã trú trọng đến chính sách dân tộc. Là một bảo tàng được “sinh sau đẻ muộn”, trong hơn 20 năm thành lập và mở cửa phục vụ công chúng, với tinh thần học hỏi và hướng đi đổi mới cùng với sự chỉ đạo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thông qua các hoạt động của mình, Bảo tàng DTHVN đã tập trung thể hiện sự đa dạng tộc người, đa dạng về văn hóa của các tộc; sự bình đẳng, tôn trọng giữa các dân tộc người thiểu số ở Việt Nam. Cũng từ đó, Bảo tàng đã góp phần làm cho khách tham quan trọng và ngoài nước hiểu biết về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam, cũng như về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Từ khóa: Chính sách dân tộc, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đa dạng văn hóa.

 

Mở đầu

Nước ta là một quốc gia đa dân tộc. Do vậy, ngày từ ngày đầu thành lập, Đảng và Nhà nước ta đã chú ý đến vấn đề dân tộc. Vấn đề dân tộc được thể hiện trong hệ thống các văn bản quan trọng của đất nước như Hiến pháp, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và được cụ thể hóa qua các chính sách cụ thể ở từng tộc người, từng địa phương và trên quy mô cả nước. Hệ thống văn bản này thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề dân tộc và mối quan hệ giữa các dân tộc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện những nguyên tắc cơ bản: bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 2016, 220). Với chính sách dân tộc thống nhất, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến việc bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (DTHVN) thành lập năm 1995 và mở cửa đón khách tham quan năm 1997. Bảo tàng DTHVN có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu khoa học, sưu tầm, phân loại, đánh giá, bảo quản, phục chế, trưng bày, giới thiệu, khai thác các giá trị lịch sử, văn hoá, về phương diện dân tộc học của các dân tộc anh em trong đại gia đình Tổ quốc Việt Nam… Trong hơn 20 năm thành lập và mở cửa phục vụ công chúng, với tinh thần học hỏi và hướng đi đổi mới cùng với sự chỉ đạo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thông qua các hoạt động của mình, Bảo tàng DTHVN đã tập trung thể hiện sự đa dạng tộc người, đa dạng về văn hóa của các tộc; sự bình đẳng, tôn trọng giữa các dân tộc người thiểu số ở Việt Nam. Cũng từ đó, Bảo tàng đã góp phần làm cho khách tham quan trọng và ngoài nước hiểu biết về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam, cũng như về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

1. Trưng bày về sự đa dạng tộc người, đa dạng văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam

Do điều kiện địa lý và hoàn cảnh lịch sử của riêng mình, Việt Nam đã là nơi hội tụ và phát triển của 54 dân tộc với nhiều nhóm địa phương khác nhau. Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng, có lịch sử lâu dài gắn bó với Tổ quốc Việt Nam. Bảo tàng DTHVN, ngày từ những ngày đầu thành lập đã xác định, sự đa dạng văn hóa thể hiện ở 2 khía cạnh chính:

  • Sự đa dạng hiểu theo khía cạnh tộc người: Đó là sự cùng tồn tại của những nền văn hóa của các dân tộc cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam. Mỗi dân tộc có những đặc điểm riêng về lịch sử, nếp sống, phong tục, tập quán, phương thức canh tác và ứng xử môi trường, ứng xử với các quan hệ xã hội. Chính nhờ những đặc trưng văn hóa này mà các dôn tộc cùng tồn tại và phát triển.
  • Sự đa dạng còn chứa đựng trong ngay bản thân mỗi một dân tộc. Nhân dân mỗi địa phương, mỗi khu vực trải qua quá trình lịch sử lâu dài ứng xử với môi trường từ nhiên và những điều kiện kinh tế - xã hội, đã tạo ra và tích lũy được vốn tri thức và những giá trị tinh thần đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của mình”. (Nguyễn Văn Huy 1999)

Với những nhận thức rõ ràng trên, các hoạt động của Bảo tàng DTHVN luôn hướng tới mục tiêu phản ánh sự đa dạng văn hóa tộc người.

Trước hết phải kể đến trưng bày thường xuyên Các dân tộc Việt Nam. Trưng bày này giới thiệu về văn hóa của 54 dân tộc ở Việt Nam. Phần dẫn nhập của trưng bày đã thể hiện sự đa dạng về tộc người, đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ của 54 dân tộc ở Việt Nam thông qua chân dung 54 dân tộc chia theo 8 nhóm ngôn ngữ thuộc 5 ngữ hệ (Nam Đảo, Thái-Kađai, Nam Á, Hmông-Dao, Hán-Tạng), sự đa dạng tiếng nói của các dân tộc khác nhau thông qua đoạn video ngắn khi một số dân tộc nói bằng ngôn ngữ tộc người. Mở rộng hơn, phần trưng bày này còn thể hiện sự đang dạng và thống nhất về tộc người và các nhóm ngữ hệ ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á thông qua 2 bản đồ với sự tương đồng về màu sắc.  

Khi giới thiệu về văn hóa các dân tộc Việt Nam, sự tương đồng trong các khía cạnh văn hóa của các dân tộc trong nhóm ngôn ngữ đó là các chủ đề của các bài viết cấp 1. Ví dụ, các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái có những tương đồng trong cảnh quan cư trú, nhà ở, làng bản… thì đó chính là các chủ để của các bài viết cấp 1 của  nhóm ngôn ngữ này; hay trong các dân tộc thuộc nhóm, dân tộc Tày, Nùng có những nét tương đồng về văn hóa cũng đã được dành riêng một pano bài viết cấp 1. Hoặc đối với nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme, ngoài bài giới thiệu chung về nhóm thì có thêm một pano về “Nhà cửa”, “Làng”, “Nương rẫy”… Đây cũng chính là một số đặc điểm tương đồng của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme.

Mặc dầu vậy, hình ảnh và văn hóa các dân tộc trong nhóm ngôn ngữ không bị xóa nhòa mà ở đó, trưng bày nhấn mạnh những yếu tố đặc sắc của mỗi tộc người/nhóm tộc người thông qua các pano bài viết cấp 2[1], phần tái tạo, sách cứng và pano ảnh. Ví dụ, trong phần trưng bày về nhóm ngôn ngữ Tày-Thái, bên cạnh giới thiệu về những nét tương đồng thì các các pano bài viết và ảnh cấp “Các nhóm địa phương dân tộc Tày”, “Dệt thổ cẩm của người Tày”, “Dân tộc Nùng”, “Người Thái Trắng”, “Dân tộc Lào và dân tộc Lự”, “Các dân tộc Sán Chay, Giáy, Bố Y”, “Dân tộc Pu Péo và dân tộc La Chí”, “Dân tộc Cờ Lao và dân tộc La Ha”; pano tái tạo “Một số đặc trưng kiến trúc nhà người Thái Đen”, “Cây hoa trong nghi lễ của người Thái”; sách cứng “Cửa sổ nhà người Thái Đen”, “Khau cút nhà người Thái Đen” lại chỉ ra những nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc trong nhóm ngôn ngữ. Hoặc với nhóm ngôn ngữ Hmông-Dao, bên cạnh các pano cấp 1 giới thiệu chung về nhóm ngôn ngữ, các pano bài viết cấp 2 đề cập đến “Vật dụng bằng gỗ của người Hmông”, “Tạo hoa văn bằng sáp ong”, “Dân tộc Pà Thẻn” và 2 bài viết dành cho khu tái tạo về Lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở Yên Bái và “Dệt lanh của người Hmông”… Motip trưng bày này cũng được sử dụng trong các nhóm ngôn ngữ khác.

Bên cạnh trưng bày về các dân tộc ở Việt Nam, trưng bày Vườn kiến trúc đã phản ánh sự đa dạng văn hóa của 3 vùng môi trường sinh thái khác nhau: vùng đồng bằng và biển, vùng núi thấp và cao nguyên, và vùng cao; với 10 công trình kiến trúc dân gian của 10 dân tộc và một số “hiện vật” lớn đặc biệt khác. Đó là nhà sàn của người Tày, nhà nửa sàn nửa trệt của người Dao, nhà sàn thấp của người Chăm, nhà trệt của người Việt và người Hmông, nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà dài của người Êđê, nhà cộng đồng của làng – nhà rông của người Bana, kho thóc của người Dao, nhà mồ của người Giarai, Cơtu… Những công trình dân gian này vừa giới thiệu sự đa dạng và độc đáo của kiến trúc dân gian cũng như sự đa dạng trong thích ứng của các tộc người với các địa thế sinh sống khác nhau; vừa giới thiệu về cuộc sống, văn hóa của những cộng đồng cư dân đã sản sinh ra chúng. Ở thời điểm những năm 2000, Bảo tàng DTHVN là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam xây dựng thành công khu trưng bày ngoài trời (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam 2006, 21).

Để bổ trợ và góp phần làm sinh động hơn cho các trưng bày thường xuyên, Bảo tàng đã thường xuyên tổ chức các trưng bày nhất thời, trình diễn, sự kiện. Tính từ khi mở cửa cho tới nay, Bảo tàng đã tổ chức khoảng 50 cuộc trưng bày nhất thời, trình diễn và các sự kiện về/có sự tham gia của một hoặc nhiều dân tộc khác nhau. Ví dụ, cuộc trình diễn “Câu chuyện rối Tày làng Thẩm Rộc” (năm 1998) là cuộc trình diễn đầu tiên của Bảo tàng về những con rối của người Tày ở làng Thẩm Rộc đã bị “ngủ quên” trong hòm, hay một chuỗi hoạt động (trưng bày, trình diễn, hoạt động giáo dục) về “Nghề dệt vải của người Thái, Cơtu, Việt” (năm 2001), hoặc chuỗi các sự kiện vào Tết Nguyên Đán với sự tham gia của nhiều dân tộc khác nhau… Có thể nói, với số lượng các hoạt động trên, văn hóa hay một số khía cạnh văn hóa của các dân tộc đã được Bảo tàng DTHVN khơi dậy, làm sống lại và đưa văn hóa các dân tộc ở Việt Nam đến gần hơn với công chúng.

2. Bình đẳng dân tộc là nguyên tắc luôn được đề cao

Các dân tộc ở Việt Nam có sự khác nhau về dân số, địa bàn cư trú hay lịch sử di cư đến Việt Nam. Do vậy, bình đẳng, không lựa chọn dân tộc tiêu biểu (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam 2011, 31) chính là quan điểm xuyên suốt trong các trưng bày hay các hoạt động của bảo tàng.

Trong trưng bày Các dân tộc Việt Nam, quan điểm mang tính nền tảng là bình đẳng dân tộc và bình đẳng văn hóa giữa các dân tộc được đề cao hơn cả. Theo đó, văn hóa của tất cả các tộc người được đều được tôn trọng như nhau, không có sự phân biệt dân tộc lớn hay dân tộc nhỏ, dân tộc bản địa hay dân tộc từ nơi khác di cư đến, dân tộc có trình độ kinh tế-xã hội cao hơn hay dân tộc chậm phát triển hơn, không có sự phân biệt hơn/kém giữa các nhóm địa phương của mỗi dân tộc”. (Lưu Hùng 2017) 54 dân tộc đều được giới thiệu trong nhóm ngôn ngữ dù dân tộc đó có dân số đông hay có dân số ít, bất kể họ cư trú tại đồng bằng hay vùng sâu vùng xa, hay dù họ có lịch sử cư trú hàng ngàn năm hay mới di cư đến Việt Nam, họ đều được được coi trọng như nhau và được giới thiệu thông qua hình ảnh, hiện vật hoặc bài viết.

Không những trưng bày về 54 dân tộc, Bảo tàng trong các giai đoạn khác nhau cũng đã tổ chức các chuyến nghiên cứu, sưu tầm hiện vật; quay phim tư liệu về các nghi lễ, cuộc sống hằng ngày của các dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, tại Bảo tàng đã lưu giữ và bảo quản hơn 85.000 ảnh và hơn 30.000 hiện vật của 54 dân tộc Việt Nam. Phần lớn ảnh và hiện vật được chụp và sưu tầm trong các chuyến công tác ở thời kỳ đầu thành lập Bảo tàng. Vì số lượng ảnh và hiện vật của các dân tộc không đồng đều nên giai đoạn sau, Bảo tàng cũng đã chú trọng bổ sung ảnh và hiện vật liên quan đến các dân tộc mà số lượng còn khá khiêm tốn trong các chuyến nghiên cứu, sưu tầm sau khi mở cửa trưng bày.

Một khía cạnh khác của nguyên tắc bình đẳng dân tộc, trong các hoạt động của mình, Bảo tàng DTHVN còn đi tiên phong trong việc đề cao và tôn trọng đúng đắn các chủ thể của văn hóa và thiết lập quan hệ chặt chẽ giữa bảo tàng với cộng đồng. (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam 2006, 22) Điều này thể hiện ở việc hầu hết các trưng bày của Bảo tàng đều xuất phát từ cộng đồng (hiện vật, ý tưởng đều từ cộng đồng, thậm chí, cộng đồng tham gia vào quá trình tổ chức trưng bày và có quyền quyết định nội dung trưng bày). Trong các hoạt động trình diễn, sự kiện, người thợ thủ công làm đồ vật và giao lưu trực tiếp với công chúng. Quá trình dựng hay sửa các công trình kiến trúc, chủ thể văn hóa là nhân vật chính và được mời đến Bảo tàng để trực tiếp thực hiện và giới thiệu về văn hóa của họ. Thậm chí, với nhiều cách tiếp cận mới (photovoice – tiếng nói từ những bức ảnh, trưng bày dựa vào cộng đồng), Bảo tàng đã từng bước chia sẻ quyền quyết định với cộng đồng trong quá trình tổ chức trưng bày. Đây là cách làm tôn trọng cộng đồng, trao cho cộng đồng quyền quyết định những vấn đề, câu chuyện thuộc về bản thân họ. (Vũ Thị Hà 2017) Đối với Bảo tàng DTHVN, đây chính là phương châm tiên quyết của Bảo tàng nhằm tìm mọi cách tạo cơ hội và điều kiện cho chủ thể văn hóa tự quảng bá văn hóa của mình. “Đây là môi trường lý tưởng cho sự giáo dục ý thức tự thân về văn hóa dân tộc mình và tôn trọng những nền văn hóa khác. Đó cũng là cách khẳng định sự thực nhận và tôn trọng những giá trị hiện tại của tính đa dạng của văn hóa”. (Nguyễn Văn Huy 1999)

3. Giúp đỡ nhau cùng phát triển là mục tiêu của mỗi hoạt động bảo tàng

Quan tâm tới chủ thể văn hóa, tạo điều kiện và cơ hội cho chủ thể văn hóa tham gia vào việc giới thiệu hay thể hiện suy nghĩ, mong muốn về văn hóa của họ với công chúng chính là cách để văn hóa của các tộc người “phát triển mà không đánh mất mình. (Nguyễn Văn Huy 1999)

Với thế mạnh của loại hình bảo tàng dân tộc học là gắn liền với cộng đồng, Bảo tàng DTHVN đã có nhiều chương trình, dự án nhằm giúp các tộc người thiểu số có thể mở rộng hơn … văn hóa của mình để phát triển văn hóa cũng như kinh tế. Chẳng hạn như Bảo tàng đã cũng với tổ chức Craft-Link thực hiện dự án phát triển nghề dệt truyền thống của người Hmông ở Sa Pa (1998). Các nhà nghiên cứu của Bảo tàng đã tiến hành nghiên cứu nghề dệt truyền thống, các thổ cẩm, cách trang trí dân gian và ý nghĩa của nó, các nhà chế tạo mẫu của Craft-Link thiết kế các mẫu mới trên cơ sở sử dụng các mẫu trang trí tuyền thống của địa phương cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước, khuyến khích, hướng dẫn người dân địa phương học cách sản xuất các mẫu mới để cuối cùng các sinh hoạt này trở thành hàng hóa bán tại các cửa hàng lưu niệm của Bảo tàng và khắp nơi trên đất nước. Hay với dự án photovoice về nghề dệt của người Lào ở bản Na Sang II, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên do quỹ Jica tài trợ (năm 2004), từ một nghề thủ công sản xuất chủ yếu phục vụ nhu cầu tự thân của người Lào tại địa phương và có nguy cơ bị mai một, khi dự án kết thúc (với trưng bày và trình diễn tại địa phương và tại Bảo tàng), nghề dệt ở đây đã được nhiều người người biết đến và “nay đã trở thành một trong những hợp tác xã điển hình nhất của tỉnh Điện Biên”. (Thế giới Di sản) Với các cuộc trưng bày và trình diễn tại Bảo tàng, nghề gốm Phù Lãng (ở Bắc Ninh), nghệ thuật múa rối nước của người Việt ở các làng quê Bắc bộ, nghề gốm Bầu Trúc của người Chăm (Ninh Thuận), nghề đan lát của người Khơmú (Nghệ An)… từ nguy cơ bị mai một đã phục hồi và trở thành điểm sáng trong nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại. Điều này cho thấy, Bảo tàng đã có đóng góp quan trọng trong việc hồi sinh một số văn hóa truyền thống, đặc biệt là các nghề thủ công có nguy cơ bị mai một. Hơn thế nữa, Bảo tàng cùng góp phần giúp hoạt động mưu sinh dựa trên vốn văn hóa truyển thống của các cộng đồng các dân tộc thiểu số trở nên ổn định và bền vững hơn.

Trong đánh giá của mình về hiệu quả của cách hoạt động ở Bảo tàng DTHVN, PGS. TS. Nguyễn Văn Huy đã khẳng định: “Cách tiếp cận mới của Bảo tàng DTHVN có nhiều ý nghĩa thiết thực đối với các dân tộc ở Việt Nam. Từ đó, vốn tri thức văn hóa không những được giữ gìn mà còn được tái sinh một cách liên tục và sinh động cả về kỹ thuật, chất liệu, mẫu mã. Như vậy, các sản phẩm thủ công không còn chỉ tự cung tự cấp mà được biến thành hàng hóa. Điều đó có nghĩa là tăng thu nhập gia đình, việc làm cho người lao động và phương pháp để họ biết phát triển truyền thống cho việc thích ứng với điều kiện mới. Đó là mối quan hệ biện chứng giữa tái sản xuất xã hội và tái sản xuất văn hóa. Qua đó, khẳng định rằng truyền thống là một nguồn có thể sử dụng được một cách tích cực và hữu dụng trong đời sống hiện tại. (Nguyễn Văn Huy 1999)

 Với cách tiếp cận tạo cơ hội cho chủ thể văn hóa tham gia vào việc giới thiệu văn hóa của mình, Bảo tàng đã đem lại một ý nghĩa khác cho các hoạt động của mình. Đó là tạo ra sự đối thoại trực tiếp giữa khách tham quan và chủ thể văn hóa. Sự đối thoại này vừa đem lại trải nghiệm thích thú, và điều quan trọng hơn là đưa lại hiệu quả giáo dục, nhận thức rất cao đối với cả hai phía. Chủ thể văn hóa có thể tự khẳng định và hiểu thêm về giá trị văn hóa của mình đem tới Bảo tàng, đồng thời được củng cố lòng tự tôn và ý thức bình đẳng khi nhìn nhận văn hóa của cộng đồng mình. Đặc biệt, nhiều cuộc trình diễn gắn với hoạt động phát triển và góp phần giữ gìn hoặc khôi phục một số nghề hay một số sinh hoạt nghệ thuật dân gian đã bị mai một. Cũng thông qua đó, khách tham quan thu nhận nhiều hơn, có phần dễ và sâu sắc hơn, giúp họ nhìn nhận đúng đắn và biết yêu quý, trân trọng bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung và trân trọng văn hóa của chính mình. (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam 2006, 22)

Lời kết

Hơn 20 năm qua, Bảo tàng DTHVN vẫn không ngừng học hỏi và hướng tới những cách tiếp cận mới trong hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, trình diễn. Nhưng có một nguyên tắc mang tính nền tảng có giá trị bất biến luôn được các thế hệ cán bộ bảo tàng trao truyền và đề cao, đó là nguyên tắc “bình đẳng, tôn trọng các văn hóa của các dân tộc thiểu số”. Và kết quả đạt được của Bảo tàng đã được khẳng định “Bảo tàng có tác dụng làm cho khách tham quan hiểu được về nền văn hóa lâu đời, đa dạng, phong phú của các dân tộc ở Việt Nam, tác động làm nảy nở và củng cố tính cảm tôn trọng văn hóa của mỗi dân tộc, đồng thời khích lệ lòng tự tôn, tự hào đúng đắn và ý thức bình đẳng dân tộc của các cộng đồng tộc người khác nhau” (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam 2006, 20) Đây cũng là những nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (2005), Những ngôi nhà dân gian, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
  2. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (2006), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – 10 năm xây dựng và phát triển (1995-2005), Nxb. Thế giới, Hà Nội.
  3. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (2011), Các công trình nghiên cứu nghiên cứu của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Tập VII), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  4. Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (2000), Vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam (Chương trình chuyên đề dùng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở), Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
  5. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2016), Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội.
  6. Lưu Hùng (2017), “Đa dạng tộc người ở Việt Nam: Từ thực tế đến trưng bày Các dân tộc Việt Nam ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam”, trong Võ Quang Trọng, Nguyễn Duy Thiệu đồng chủ biên, Để có một bảo tàng sống động – Quan niệm và phương thức hoạt động ở Bảo tàng Dân tộc học  Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
  7. Nguyễn Văn Huy (1999), “Góp phần giữ gìn và phát triển sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc nhìn từ góc độ loại hình bảo tàng dân tộc học”, trong Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (1999), Các công trình nghiên cứu của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Tập I), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  8. Trần Nam Sơn – Lê Hải Anh (2001), Những quy định về chính sách dân tộc, Nxb. Lao động, Hà Nội.
  9. Phan Xuân Sơn – Lưu Văn Quảng (2006), Những vấn đề cơ bản về chính sách dân tôc ở nước ta hiện nay, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội.
  10. Hoàng Đức Thắng (2014), “Vấn đề dân tộc trong Hiến pháp”, truy cập 28/6/2020

https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/201406/hien-phap-voi-cuoc-song-van-de-dan-toc-trong-hien-phap-2115905/

  1. Thế giới Di sản, “Làng nghề dệt thổ cẩm Na Sang II”, truy cập 28/6/2020

http://thegioidisan.vn/vi/lang-nghe-det-tho-cam-na-sang-ii.html

  1. Ủy ban Dân tộc và Miền núi (2000), Hệ thống các văn bản chính sách dân tộc và miền núi (Tập III về Kinh tế - Xã hội), Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.

 


[1] Còn gọi là pano tủ kính.

 

Nguồn: Chi bộ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

 

Các tin đã đưa ngày: