|
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch phụ trách điều hành Viện Hàn lâm phát biểu chào mừng Hội thảo |
Phát biểu chào mừng Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch phụ trách điều hành Viện Hàn lâm nêu rõ: Hội thảo được tổ chức nhằm triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW khóa XIII về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực xây dựng “nông nghiệp sinh tháo, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đẩy mạnh quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới và chủ động tham gia vào cuộc CMCN lần thứ IV. Nông dân nước ta với tư liệu sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và sản xuất gắn với đặc điểm tâm lý, văn hóa của xã hội nông thôn. Cuộc sống nông dân Việt Nam đã có nhiều đổi thay từ sau cách mạng tháng Tám(1945), đặc biệt là công cuộc đổi mới (1986) đã tạo ra sự thay đổi diện mạo nông thôn và cải thiện đời sống của người nông dân.
|
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
Với 15 tham luận do các chuyên gia, các nhà khoa học trình bày, TS. Đặng Xuân Thanh đề nghị Hội thảo tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến vị thế, vai trò của lực lượng lao động là người nông dân trong bối cảnh mới. Gợi mở các giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người nông dân, góp phần xây dựng được hệ thống lý luận khoa học, hoàn thiện chính sách đối với nông dân trong tiến trình hội nhập và phát triển đất nước.
Sau Phiên toàn thể “Hướng đến nhận thức mới về nông dân Việt Nam”, Hội thảo được chia thành 2 tiểu ban: Tiểu ban 1: Vị thế, vai trò của người nông dân trong bối cảnh mới; Tiểu ban 2: Cơ hội và thách thức phát triển của nông dân Việt Nam”, các nhà khoa học đã cùng nhau làm rõ về những vấn đề liên quan như: Nhận diện một số thay đổi trong nông dân Việt Nam; vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn văn minh; vị trí, vai trò của giai cấp nông dân và liên minh công – nông – trí thức trong giai đoạn CNH, HĐH; thu nhập của nông dân Việt Nam; di động xã hội của nông dân trong bối cảnh Việt Nam chuyển đổi; sự bền vững của gia đình nông thôn Việt Nam; vấn đề hợp tác trong sản xuất nông nghiệp của nông dân tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; mạng lưới xã hội trong nuôi trồng thủy sản của nông hộ tại huyện Bình Đại, Bến Tre; Tham gia xã hội của người nông dân: những ảnh hưởng từ các chủ thể đối với tổ tự quản về an ninh trật tự…
|
PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học phát biểu tại Hội thảo |
Trên cơ sở phân tích thực trạng và làm rõ xu hướng biến đổi, hội thảo đã làm rõ được những nội dung cụ thể có liên quan đến điều kiện có thể thực hiện nhằm nâng cao vai trò của người nông dân, nhận diện đặc trưng nhân khẩu học – xã hội học của lao động nông nghiệp hướng tới mục tiêu tạo ra những nhận thức mới về người nông dân hiện đại. Qua đó, khẳng định rõ vị thế, vai trò của lực lượng lao động này trong bối cảnh mới. Mặt khác, các nhà khoa học cũng cho rằng, bối cảnh mới là cơ hội song cũng tiềm ẩn nhiều thách thức nhất là trên con đường tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới; những thách thức đến từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đang ngày càng diễn ra phức tạp, có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và cuộc sống của các nông hộ, nhất là khi họ ở tại các vùng khó khăn, miền núi, ven biển hiện nay.
Tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh, Viện Trưởng Viện Xã hội học đã vui mừng cho biết: Qua hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận. Công cuộc xóa đói giảm nghèo đã thu được nhiều thành công. Quá trình Đổi mới, CNH, HĐH đã đưa đất nước ta trở thành quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới. Những thành tựu đó đạt được là nhờ có các chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, những chương trình, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước cũng như nhờ vào sự năng động, nỗ lực và sáng kiến của người dân. Với 15 bài tham luận và các ý kiến trao đổi Hội thảo đã gợi mở và kiến nghị được các giải pháp hướng tới việc phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ thể của người nông dân, nâng cao mức sống của các nông hộ nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 19-NQ/TW khóa XIII trong giai đoạn mới hiện nay. Mặt khác, cũng khẳng định được vai trò của ngành nghiên cứu xã hội học trong nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng các chiến lược, mô hình và quyết sách phát triển, trong tư vấn chính sách và dự báo về những vấn đề trọng yếu có liên quan đến phát triển bền vững tại Việt Nam nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay./.
Phạm Vĩnh Hà