Hội thảo khoa học quốc tế: Đổi mới mô hình hợp tác về khoa học và công nghệ của Việt Nam với các nước SNG trong bối cảnh hội nhập: Cơ hội, thách thức và triển vọng
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học quốc tế: Đổi mới mô hình hợp tác về khoa học và công nghệ của Việt Nam với các nước SNG trong bối cảnh hội nhập: Cơ hội, thách thức và triển vọng

24/09/2015

Chiều ngày 24/09/2015, tại Hội trường 3C, trụ sở 1B, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), Trường Đại học Ngoại thương đồng phối hợp với các đối tác từ Liên bang Nga (LB Nga), Belarus và Kazakhstan tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Đổi mới mô hình hợp tác về khoa học và công nghệ của Việt Nam với các nước SNG trong bối cảnh hội nhập: Cơ hội, thách thức và triển vọng”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài khoa học trong Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước KX06.09/11-15 “Nghiên cứu đổi mới và hoàn thiện mô hình hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam với các đối tác truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế: nghiên cứu điển hình về hợp tác Nga, Belarus và Kazakhstan”.

Tham dự Hội thảo, về phía quốc tế có: Ngài Vladimia Bublicop, Phó Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam; Ngài Vareli Sadokho, Đại sứ Belarus tại Việt Nam; Ngài Maxim Golikov, Trưởng đại diện thương mại Liêng bang Nga tại Việt Nam… cùng đại diện lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Trường Đại học Tổng hợp kinh tế và dịch vụ Vladivostok và Trường Đại học Tổng hợp vùng Viễn Đông, CHLB Nga do GS.TS. Vorozbit O.Iu (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vladivostok) dẫn đầu. Về phía Việt Nam có: GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn An Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; PGS.TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương; PGS.TS. Đào Ngọc Tiến, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Ngoại thương…; cùng các đại biểu trong và ngoài Viện Hàn lâm; các bộ, ban, ngành, trường đại học ở Hà Nội.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn phát biểu tại Hội thảo
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS. Bùi Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS. Bùi Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc và chào mừng Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn và PGS.TS. Bùi Anh Tuấn khẳng định: Hội nhập về Khoa học & Công nghệ (KH&CN) là một thành tố quan trọng và xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thế giới. Trong những năm qua, hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN giữa Việt Nam với các đối tác truyền thống ở khu vực SNG (LB Nga, Belarus, Kazakhstan) ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên các mô hình hợp tác còn giản đơn, chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của các bên, chưa tạo ra những chuyển biến đột phá cho sự phát triển KH&CN của Việt Nam, cũng như chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa hợp tác KH&CN với hội nhập về kinh tế. Do vậy, việc tìm ra mô hình hợp tác KH&CN được đổi mới phù hợp với thực tiễn hội nhập sẽ góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của hoạt động hợp tác về KH&CN, đưa KH&CN thành yếu tố đảm bảo tính thực tiễn và tính bền vững của quá trình hội nhập về kinh tế.

(từ phải sang trái) PGS.TS. Nguyễn An Hà,  GS.TS. Vorozbit O.Iu và PGS.TS. Đào Ngọc Tiến chủ trì Hội thảo
(từ phải sang trái) PGS.TS. Nguyễn An Hà, GS.TS. Vorozbit O.Iu và PGS.TS. Đào Ngọc Tiến chủ trì Hội thảo

Hội thảo chia làm 02 phiên thảo luận với 08 tham luận: (1) Các nhân tố ảnh hưởng và triển vọng hợp tác KH&CN và đổi mới của Việt Nam và các nước thuộc Liên minh kinh tế Á- Âu (GS.TS. Shelomentsev A.G, Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, LB Nga); (2) Hợp tác về KH&CN của Việt Nam với một số nước SNG (Ông Phạm Tuấn Anh, Bộ KH&CN Việt Nam); (3) Báo cáo của Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga (Ông Andrei Kuznetsov, Giám đốc Trung tâm nhiệt đới Việt- Nga); (4) Hợp tác KH&CN giữa Việt Nam với LB Nga: cơ hội và triển vọng (GS.TS. Starkova G.P, Trường Đại học Tổng hợp kinh tế và dịch vụ Vladivostok); (5) Chính sách đổi mới của Belarus và hợp tác giữa Belarus và Việt Nam (TS. Vasilevski S, Tham tán kinh tế Đại sứ quán Belarus tại Việt Nam); (6) Khu kinh tế mở Cảng Vladivostok: cơ hội và triển vọng hợp tác về KH&CN cho Việt Nam (GS.TS. Vorozhbit O. Iu, Trường Đại học Tổng hợp kinh tế và dịch vụ Vladivostok); (7) Triển vọng hợp tác KH&CN giữa Việt Nam với Nga trong ngành công nghiệp ôtô (GS.TS. Starkov C.B, Trường Đại học Tổng hợp vùng Viễn Đông, LB Nga); (8) Triển vọng phát triển cụm công nghiệp thủy sản vùng duyên hải ở Viễn Đông và các nước Châu Á- Thái Bình Dương (TS. Titova Natalia, Trường Đại học Tổng hợp kinh tế và dịch vụ Vladivostok). 

 
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Các báo cáo cho thấy, bối cảnh hội nhập về kinh tế của Việt Nam với Liên minh kinh tế Á- Âu sẽ mở ra những triển vọng to lớn cho các hoạt động: hợp tác về KH&CN; đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam với các nước thành viên theo định hướng thị trường, định hướng sản xuất với hình thức hợp tác chủ yếu là chuyển giao công nghệ; hợp tác triển khai đưa vào ứng dụng trong sản xuất các kết quả nghiên cứu đã kiểm nghiệm ở mỗi nước thành viên; hợp tác trong việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu… Đây là mục tiêu chủ yếu trong chính sách hợp tác quốc tế về KH&CN mỗi nước. Theo đó, các nhà khoa học của Nga và Kazakhstan nhấn mạnh tới sự hình thành không gian chung về KH&CN trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á- Âu và đưa ra những cơ hội, những khuyến nghị nhằm tăng cường hợp tác với Việt Nam.

Hội thảo là diễn đàn hữu ích để các nhà khoa học trong nước và quốc tế có cơ hội chia sẻ, thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm gợi mở cho nhóm nghiên cứu những mô hình đổi mới hợp tác KH&CN phù hợp, đồng thời cung cấp thêm những luận cứ khoa học góp phần tư vấn chính sách cho việc phát triển KH&CN hướng tới tăng cường hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và các nước SNG trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguyễn Thu Trang

 

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày:
EMC Đã kết nối EMC