 |
Hội thảo vinh dự được đón tiếp các đại sứ đến thăm và làm việc tại VASS: Ngài Pranay Verma, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam; Ngài Ali Akbar Nazari, Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo tại Việt Nam; Ngài Prasanna Gamage, Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam; Ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam; Ông Phạm Sỹ Tam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ. Tham dự hội thảo còn có TS. Phạm Cao Cường, Phó Viện trưởng phụ trách VIISAS; TS. Phan Cao Nhật Anh, Phó Viện trưởng VIISAS; TS. Lê Thị Hằng Nga, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, VIISAS và sự tham gia trực tuyến của các chuyên gia hàng đầu là thành viên của ACSAS như Giáo sư G.Jayachandra Reddy, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương (Ấn Độ); Giáo sư Surat Horachaikul, Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan); Giáo sư Chanwahn Kim, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ (Hàn Quốc); Giáo sư Minoru Mio, Bảo tàng dân tộc quốc gia (Nhật Bản) cùng các đại biểu đến từ các đại sứ quán ở nước ngoài, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các cán bộ nghiên cứu của VIISAS.
Ra đời năm 2016, Mạng lưới nghiên cứu Nam Á (ACSAS) đến nay bao gồm: Chương trình nghiên cứu Nam Á (Nhật Bản); Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan); Viện Nghiên cứu Ấn Độ - Đại học Ngoại ngữ Hankuk (Hàn Quốc); Chương trình Nghiên cứu Nam Á-Khoa Nghệ thuật và Khoa học xã hội, Đại học Quốc gia Singapore (Singapore) và Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (Việt Nam). Sau ba lần tổ chức, chuỗi Hội thảo Khoa học Quốc tế của ACSAS đã đạt được nhiều thành công, có nhiều đóng góp nổi bật cho tri thức chung của cộng đồng học giả khu vực và quốc tế về các vấn đề liên quan đến khu vực Nam Á.
Với sự phát triển năng động và vị trí địa chiến lược quan trọng, ba khu vực Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á đang tạo nên một tam giác phát triển rộng lớn mà nếu được kết nối chặt chẽ với nhau có thể đóng vai trò then chốt trong việc định hình một trật tự thế giới mới lấy Châu Á làm trung tâm. Dựa vào sự gắn kết từ xưa cho đến nay về lịch sử, văn minh, di cư... cũng như là khu vực quy tụ những nền kinh tế lớn và tiềm năng, Nam Á- Đông Á- Đông Nam Á hội tụ những điều kiện cơ bản để phát triển những kết nối song phương và đa phương hiệu quả, trở thành động lực cho sự định hình của các thể chế hợp tác quan trọng ở Châu Á.
 |
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS. Phạm Cao Cường nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học đối với chủ đề của hội thảo lần này. Với 40 tham luận được gửi đến hội thảo, TS. Phạm Cao Cường đã phân tích những kết nối giữa Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á đã tồn tại từ trong quá khứ cho đến hiện tại; qua đó rút ra những triển vọng, xu hướng phát triển trong tương lai gần của những kết nối này.
Trên cơ sở tổng kết nội dung các báo cáo tham dự hội thảo, thay mặt Ban Tổ chức hội thảo, TS. Phạm Cao Cường mong muốn, các đại biểu, các nhà khoa học, sử học tiếp tục đi sâu khẳng định và làm sâu sắc hơn một số nội dung chính:
Thứ nhất là cách thức để giải quyết những điểm nghẽn về kết nối như sự đứt gãy của hệ thống cơ sở hạ tầng, sự bảo hộ chặt chẽ của các thị trường lớn...
Thứ hai là những vấn đề an ninh đặt ra khi Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á ngày càng hội nhập sâu sắc và mạnh mẽ hơn
Thứ ba là vai trò chiến lược của từng quốc gia và khu vực khi tham gia vào quá trình kết nối.
Tiến sỹ Phạm Cao Cường nhấn mạnh đến cách tiếp cận nghiên cứu mới về sự kết nối khu vực Nam Á- Đông Á và Đông Nam Á; không nên nhìn nhận Nam Á như một tiểu lục địa riêng biệt mà cần được đặt trong sự kết nối đa chiều, phúc tạp với các khu vực khác ở Châu Á. Đó là nơi gặp gỡ lợi ích giữa các nước trong và ngoài khu vực, là nơi các quốc gia mong muốn duy trì sự thượng tôn của luật pháp quốc tế và là nơi các nước trong và ngoài khu vực đối thoại và phát triển hợp tác hiệu quả.
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, Ngài Pranay Verma khẳng định tầm quan trọng đối với sự kết nối trong các khu vực trên thế giới trong thời cổ đại và bối cảnh hiện nay. Đại sứ cũng chỉ ra mối liên kết chặt chẽ giữa Ấn Độ và ASEAN ngày nay trong mọi lĩnh vực về văn hóa, xã hội, kinh tế, giao thông, công nghệ thông tin... Đặc biệt Ấn Độ coi trọng chính sách đối ngoại và hội nhập khu vực; tìm kiếm các quan hệ quốc tế; chủ động liên kết vì mục tiêu hòa bình, an ninh và thịnh vượng với các nước láng giềng. Với tầm nhìn Ấn độ “tự lực, tự cường”, quốc gia này đang phát triển năng lực nội sinh để đáp ứng hiệu quả hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đưa ra những định hướng tiên phong trong giai đoạn hậu đại dịch toàn cầu. Đây cũng là cơ hội lớn cho Ấn Độ và các đối tác Đông Nam Á tăng cường mối quan hệ, sự kết nối đa chiều hơn nữa trong thời gian tới.
 |
Hội thảo được chia làm 03 phiên thảo luận với hơn 20 bài tham luận, tập trung vào 03 nội dung chính: (1) Kết nối Nam Á và Đông Nam Á: Hội nhập và hợp tác; (2) Nhân tố tác động đến kết nối Nam Á với Đông Nam Á; (3) Kết nối văn hóa, tôn giáo và con người giữa Nam Á và Đông Nam Á. Theo đó một số tham luận đã sưu tầm, khảo cứu một cách công phu những di sản văn hóa Ấn Độ thế kỷ đầu Công nguyên và cho thấy rằng các di sản này, đặc biệt là di sản Phật giáo đã hòa quyện chặt chẽ, thấm nhuần trong đời sống vật chất và tinh thần của mỗi cư dân bản địa, đồng thời giao thoa, dung hòa với các tôn giáo khác tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo và trường tồn.
Các tham luận cũng chỉ ra những rào cản và thách thức đang cản trở quá trình kết nối giữa Nam Á với Đông Á và Đông Nam Á. Bên cạnh chủ thể chính là Nam Á, một số báo cáo cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác và kết nối khu vực ở Đông Á và Nam Á, đặc biệt là về kinh tế và thương mại. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng phân tích sâu sắc thêm về những triển vọng và những xu hướng kết nối giữa Nam Á- Đông Á- Đông Nam Á trong tương lai.
Ngoài ra, hội thảo cũng phân tích vấn đề thực tiễn đang cần sự định hướng: những thách thức mà cả ba khu vực cùng phải đối mặt, như những hậu quả của đại dịch Covid-19, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ, biến đổi khí hậu... Đồng thời cũng đưa ra những khuyến nghị nhằm hướng đến sự phát triển đồng đều trong tất cả các lĩnh vực kết nối ở Nam Á- Đông Á và Đông Nam Á.
Bên cạnh mục tiêu nghiên cứu, lý giải các hình thức kết nối đã diễn ra giữa ba khu vực, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về những giải pháp để thúc đẩy kết nối bằng cách xây dựng khả năng tương tác lớn hơn, phát triển năng lực chia sẻ thông tin, nhận thức về các lĩnh vực, mở rộng sự hợp tác với các đồng minh và đối tác; từng bước tìm ra những cách thức củng cố các thể chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực (cấu trúc an ninh) tạo ra tiếng nói bình đẳng giữa các quốc gia.
Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ IV của ACSAS là diễn đàn học thuật cởi mở, chuyên nghiệp và thẳng thắn để thảo luận về những cách thức mở rộng và phát huy kết nối giữa Nam Á- Đông Á- Đông Nam Á, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác, hội nhập vì sự hòa bình và thịnh vượng trong khu vực Châu Á nói chung.
Nguyễn Thu Trang