Chạy đua Vaccine và ảnh hưởng của đại dịch đối với các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á

Chạy đua Vaccine và ảnh hưởng của đại dịch đối với các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á

20/01/2022

Mới đây, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) vừa tổ chức Diễn đàn khoa học "Cuộc chạy đua Vaccine - Covid 19 và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các quốc gia". Bên cạnh việc làm rõ những vấn đề liên quan đến sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn trên thế giới, giữa các nước đang phát triển, nhiều vấn đề liên quan đến Việt Nam nói riêng hay các nước trong khu vực Đông Nam Á nói chung trong bối cảnh đại dịch cũng được các nhà khoa học đến từ các trường đại học, tổ chức trong và ngoài Viện Hàn lâm quan tâm trao đổi.

Trước nhất, nên hiểu rằng khi các quốc gia đã và đang tiếp tục phải đối mặt với những tác động bất lợi về kinh tế và sức khỏe từ đại dịch Covid 19, thì nhu cầu về vật tư y tế và vaccine nảy sinh là tất yếu. Điều này làm xuất hiện sự mất cân bằng trong tiếp cận nguồn cung với các quốc gia.

Khoảng cách giữa cung và cầu trong thực tế đã mở rộng “biên độ” khi có sự xuất hiện của các biến thể Covid 19, khiến cho việc cung cấp vaccine trở thành một công cụ “quyền lực  mềm” được các quốc gia sử dụng để nâng cao “tầm ảnh hưởng” và cải thiện hình ảnh của mình trên trường quốc tế.


Toàn cảnh Diễn đàn

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến tháng giữa tháng 1/2022, dịch Covid 19 đang hoành hành trên khắp thế giới với tổng số ca nhiễm đã vượt con số 343 triệu ca. Việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine đã trở thành một hy vọng quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh. Tính đến chiều ngày 17/1/2022, theo số liệu mới nhất của trang thống kê thực tế worldometer, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã lên tới 343.396.564 ca, trong đó 5.594.010 ca tử vong. Hiện có 250.858.345 ca đã bình phục. Trong số hơn 25,3 triệu ca đang điều trị, có 88.767 ca bệnh nặng, phải điều trị tích cực. Như vậy, nhìn một cách tổng thể, thế giới vẫn đang phải sẵn sàng để bước sang “năm Covid thứ ba”, trong những cảm giác run rẩy không khác nhiều lắm so với thời điểm này 12 tháng trước - khi “năm Covid thứ nhất” chuẩn bị kết thúc. Thay thế biến chủng Delta, biến chủng Omicron đã chiếm khoảng 50% số ca nhiễm hiện tại, qua đó, không chỉ đe dọa hiệu quả của các nỗ lực tiêm chủng đã được thực hiện, nó còn khắc sâu thêm “cơn khát vaccine” trên toàn cầu, cũng như tạo vết hằn rõ hơn nỗi khắc khoải trông đợi một “tấm lá chắn” hữu hiệu (như là thuốc đặc trị) để bảo vệ tương lai nhân loại.

Hiện nay, Nga đang nổi lên là quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy kế hoạch hợp tác sản xuất vaccine ở khu vực Đông Nam Á. Tính đến tháng 4/2021, Tổng thống Putin đã đưa ra cam kết sẽ cung ứng 15 triệu liều vaccine cho Thái Lan, Malaysia cũng đặt  mua 6,4 triệu liều vaccine của Nga; Myanmar thông báo sẽ tiếp nhận 2 triệu liều bắt đầu từ tháng 7/2021; Philipines đã tiếp nhận thêm 170.000 liều vaccine từ Nga cùng với 180.000 liều đã được cung ứng. Thực tế cho thấy với chính sách viện trợ vaccine, Nga đã thực hiện mục tiêu kết nối thương mại và thể hiện các năng lực cạnh tranh mạnh mẽ với nhiều chính phủ và người dân ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Với chính sách và bước đi phù hợp, Nga đã tạo ra được sự tín nhiệm của các quốc gia trong khu vực này về năng lực sản xuất vaccine, tạo sự tin tưởng, xây dựng được tình bằng hữu qua đó tạo ra quyền lực mềm trong lĩnh vực hợp tác này ở cấp chính phủ.


Tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Đông Nam Á được cho là còn quá thấp

Tại Việt Nam trong cuộc chạy đua nghiên cứu và phát triển Covid 19. Tính đến tháng 3/2020, Bộ Y tế đã khảo sát tính sẵn sàng của các đơn vị sản xuất vaccine trong nước, kết quả là đã có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu Vaccine Covid 19 theo các hướng công nghệ khác nhau đó là: công ty TNHH Một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC); Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) và Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược NANOGEN. Với sự tham vấn của tổ chức WHO thời gian nghiên cứu vaccine ngừa Covid 19 đã có thể được rút ngắn 50% thời gian kế hoạch đặt ra.

Theo TS. Lê Lan Anh (Viện Nghiên cứu Châu Mỹ): Tình hình tiêm chủng tại Việt Nam đã được thực hiện khá tốt, tạm tính đến ngày 22/10/2021 đã có trên 71 triệu liều vaccine được triển khai tiêm cho người dân trên toàn quốc, tỷ lệ tiêm một liều đạt khoảng 70%, hai liều đạt hơn 27% cho công dân từ 18 tuổi trở lên. Dù tổ chức tiêm phòng chậm hơn nhưng số ca nhiễm và tử vong được cho là thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, với 873.901 nghìn ca nhiễm và 21.416 nghìn ca tử vong (tính đến ngày 21/10/2021). Mặc dù dịch bệnh bùng phát trở lại vào giữa năm 2021 đặc biệt là với các tỉnh miền Nam, nhưng cho đến nay, tình hình đã tương đối được kiểm soát. Nhìn vào tổng số tiền mà Quỹ vaccine phòng Covid 19 đã huy động được, tính đến ngày 21/10/2021 Việt Nam đạt được con số 8.784.4 tỷ đồng, đã cho thấy sự đồng lòng của toàn dân trong việc hợp tác với Chính phủ phòng chống Covid 19.

Nhận định về sự cạnh tranh của các quốc gia trong cuộc chạy đua Vaccine Covid 19 trong khu vực Đông Nam Á và với riêng Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Trần Hiếu (Đại học An ninh Nhân dân) cho biết: Ngay trong ngày đầu tiên thăm Việt Nam (vào ngày 25/8/2021) tại Hà nội, Phó tổng thống Hoa Kỳ, ngài Kamala Harris đã tuyên bố ủng hộ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam từ “Đối tác toàn diện” lên “Đối tác chiến lược” và đề nghị sự giúp đỡ của Mỹ trong một số lĩnh vực quan trọng trong hoạt động chống đại dịch Covid 19. Theo đó, Mỹ sẽ viện trợ thêm vaccine ngừa Covid 19 cho Việt Nam, tăng cường hỗ trợ cho việc phân phối vaccine và mở văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á ở Hà Nội để tăng cường hợp tác an ninh và y tế. Điều  này thể hiện sự quan tâm lớn và nằm trong “cam kết” Mỹ sẽ ở lại lâu dài và củng cố hợp tác với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Trong đại dịch, các nước lớn như Nga, Mỹ và một số quốc gia khác như Trung Quốc, Anh, Nhật… đã chứng tỏ được tầm ảnh hưởng của mình trong việc sử dụng Vaccine Covid 19 một cách hiệu quả. Theo đó, các nước lớn cũng đang bước sang một giai đoạn mới khi các nhà sản xuất thuốc của họ đang thực hiện việc chuyển giao công nghệ cho các công ty ở Đông Nam Á để bắt đầu sản xuất thuốc trong nước và coi đó như một cách để nâng tầm ảnh hưởng tại khu vực và củng cố niềm tin của đồng minh.

Điều này là nguyên nhân dẫn đến một thách thức mới, đó chính là hoạt động cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc trong khu vực trong cuộc chạy đua vaccine, tạo ra cho các quốc gia vướng đại dịch một “áp lực” mới trong việc giải quyết dịch bệnh và vấn đề phụ thuộc lợi ích. Các nước trong khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam cần phải nhận thức một các rõ ràng và tỉnh táo hơn nữa để tránh trở thành đối tượng bị lôi kéo, tranh giành gây ảnh hưởng của các nước lớn trên thế giới.


Tuy nhiên, với sự ứng biến linh hoạt, đã có 8/11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã đồng loạt đưa ra các biện pháp ứng phó sớm với dịch bệnh thông qua các chính sách liên quan đến tài khóa, tiền tệ, tài chính vĩ mô và các biện pháp về tỷ giá hối đoái, cán cân thanh toán. Bên cạnh các dự báo tích cực về sự tăng trưởng từ những tín hiệu phục hồi nhờ các giải pháp hiệu quả trong nước cũng như triển vọng về sự đã có được vaccine vào đầu năm 2021 từ các nước như Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Đài Loan, các chuyên gia và nhà khoa học tham dự Diễn đàn cũng dự báo khu vực Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn từ cuộc chiến thương mại và công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Bên cạnh đó, viễn cảnh về một đại dịch kéo dài hoặc các đợt bùng phát sẽ tái phát vẫn là “bóng đen” lớn đến triển vọng kinh tế thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại sẽ là nguyên nhân kìm hãm nên kinh tế, thậm chí có thể gây ra các đợt khủng hoảng lớn về tài chính.

Bài học rút ra trong hoàn cảnh này được các nhà khoa học tham dự Diễn đàn cho rằng, Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng liên quan cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch Covid 19, thúc đẩy nghiên cứu, học tập kinh nghiệm xử lý dịch bệnh của các nước một cách tích cực, chủ động, tham mưu kịp thời với Chính phủ các xu hướng, phương pháp đẩy lùi dịch bệnh nhằm từng bước kiểm soát chủ động dịch bệnh, “mở cửa” để phục hồi kinh tế; Nhận thức đầy đủ thế và lực để kịp thời có những thích ứng linh hoạt với thời cuộc; đưa nội dung vận động vaccine vào các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Qua đó đảm bảo đường lối độc lập, tự chủ hướng tới mục tiêu kép một cách linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa  phòng, chống dịch Covid 19 hiệu quả và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc…

Phạm Vĩnh Hà

 

Các tin đã đưa ngày:
EMC Đã kết nối EMC