Qua 35 năm Đổi Mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc đáng ghi nhận. Công cuộc xóa đói giảm nghèo thu được nhiều thành công, quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đưa đất nước ta trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình trên thế giới. Có được những thành tựu đó là nhờ vào các chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, những chương trình, chính sách phát triển của Nhà nước. Đồng thời sự năng động, sáng tạo và nỗ lực của mỗi cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng và chính quyền địa phương đã góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Có những sáng kiến, chiến lược của cộng đồng, của người dân thể hiện mô hình phát triển rất riêng, được xem như là sự phát triển từ cơ sở, do chính người dân địa phương đề xuất và thực hiện.
Khoa học chính trị quốc tế đã chỉ ra rằng, các cộng đồng địa phương, những nhóm yếu thế cũng có khả năng tác động đến các chính sách công, ngay cả ở các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, tiếng nói của cộng đồng và các nhóm xã hội này chưa được quan tâm một cách đầy đủ trong quá trình phát triển. Suy nghĩ của họ đôi khi còn bị cho là không duy lý và thiếu cơ sở khoa học; động cơ, thực hành và cách làm của họ thường phi chính thức, với ngôn ngữ thể hiện bằng tiếng địa phương và dân tộc thiểu số nên ít được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách chú ý. Thực tế cho thấy quan điểm, cách nghĩ và thực hành của các tộc người, cộng đồng có tính lô-gíc riêng, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và bối cảnh xã hội của họ. Vì vậy, khi người dân, các cộng đồng hay nhóm yếu thế được tham gia đầy đủ vào việc ra các quyết định, triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án phát triển sẽ hiệu quả hơn, đảm bảo được sự cân đối, hài hòa giữa mục tiêu phát triển hiện đại và truyền thống tộc người.
Dân tộc học/Nhân học với tư cách là ngành khoa học về sự khác biệt văn hóa của con người và quan tâm nhiều đến các tộc người, các nhóm yếu thế trong xã hội, hoàn toàn phù hợp trong việc đóng góp nghiên cứu về sự trải nghiệm, các chiến lược, mô hình phát triển từ cơ sở gắn với quá trình phát triển, hiện đại hóa của đất nước. Tuy nhiên, cho đến nay sự hiện diện và vai trò của Dân tộc học/Nhân học trong phát triển ở Việt Nam vẫn còn hạn chế và ít được biết đến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các quý đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo. Cảm ơn Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup – VinIF cũng đã đồng ý tài trợ một phần kinh phí cho Hội thảo.
GS. Đặng Nguyên Anh khẳng định, hội thảo quốc tế này nhằm mục đích trình bày, thảo luận các kết quả nghiên cứu mới của ngành Dân tộc học/Nhân học Việt Nam, về động năng và nội lực phát triển cấp cơ sở ở các tộc người, và các nhóm xã hội ở Việt Nam. Hội thảo là cơ hội để Dân tộc học/Nhân học Việt Nam quảng bá vai trò đặc trưng của ngành trong nghiên cứu về phát triển nói riêng và trong việc đóng góp tri thức cho xã hội nói chung. Hội thảo cũng là dịp để các nhà dân tộc học/nhân học Việt Nam gắn kết, xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các chuyên gia trong và ngoài khu vực. Do đó, đây cũng là cơ hội quý cho các nhà khoa học tham gia học hỏi chia sẻ lẫn nhau và hiểu biết sâu hơn về chủ đề của Hội thảo.
GS. Đặng Nguyên Anh cho biết, bằng việc sử dụng phương pháp, cách tiếp cận Dân tộc học/Nhân học và các khái niệm được xây dựng từ cơ sở, các báo cáo gửi tham luận đã xem xét phương thức phi chính thức mà người dân ở nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số quan niệm, hành động về phát triển dựa trên bản sắc văn hóa và truyền thống tộc người, nhu cầu và bối cảnh thực tế của họ. Qua đó, giúp các nhà hoạch định chính sách nhận thức được chiến lược, giá trị và nguồn lực của các cộng đồng và người dân địa phương có thể đóng góp cho phát triển. GS. Phó Chủ tịch mong muốn các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách tập trung thảo luận về những kết quả nghiên cứu của chủ đề này tại Hội thảo.
Hội thảo nhận được nhiều báo cáo tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Phần lớn các báo cáo này tập trung vào vai trò của các nhà dân tộc học/nhân học trong phát triển và tiếng nói, quan điểm của người dân ở cơ sở về phát triển.
Hội thảo được tổ chức thành 03 phiên với 09 báo cáo trình bày về các chủ đề:
Phiên thứ nhất “Nhân học và phát triển”, có các tham luận: (1) Vận dụng Dân tộc học trong thúc đẩy phát triển từ cơ sở: Vấn đề và hiện trạng của nhân học “nhập thế” ở miền núi phía Bắc Việt Nam, do TS. Emmanuel Pannier (Viện Nghiên cứu phát triển Pháp) trình bày; (2) Giới hóa nghèo tại Việt Nam từ góc nhìn xen kẽ, do TS. Nguyễn Thu Hương (Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày; (3) Sự sai lệch giữa khung lý thuyết sự can thiệp của dự án và thực tế quan sát: trường hợp dự án thủy lợi Phước Hòa, do TS. Olivier Tessier (Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp – EFEO), NCS. Nguyễn Minh Nguyệt (Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày.
Phiên thứ hai “Cộng đồng và phát triển”, có các tham luận: (4) Từ thiện xã hội của Phật giáo Hòa Hảo: Một hình thái phát triển từ cơ sở tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, do TS. Võ Duy Thanh (Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), trình bày; (5) Xây dựng quê hương Việt Nam: sự tham gia thực hiện các chính sách của Nhà nước ở người Hmông vùng cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang, do TS. Trần Hồng Thu (Viện Dân tộc học) trình bày; (6) Người quen thành lạ: Những thực hành “xa lạ hóa” của cộng đồng và chính quyền đối với người phụ nữ dân tộc thiểu số di cư xuyên biên giới (nghiên cứu trường hợp tại một xã biên giới, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai), do ThS. NCS. Vương Ngọc Thi (Viện Dân tộc học) trình bày.
Các đại biểu phát biểu, trình bày báo cáo tại Hội thảo
Phiên thứ ba “Văn hóa tộc người và phát triển”, có các tham luận: (7) Nhận diện và tranh cãi về vai trò của cộng đồng đối với di sản, do PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền (Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày; (8) Tính xác thực trong phát triển du lịch ở không gian thiêng của tộc người thiểu số: trường hợp đền tháp Po Klaong Girai của người Chăm tỉnh Ninh Thuận, do TS. Quảng Đại Tuyên (Đại học Văn Lang) trình bày; (9) Biểu diễn cho sự tồn tại: suy nghĩ, trải nghiệm và cách thực hành di sản của một số cộng đồng địa phương ở Tây Nguyên, do TS. Trần Hoài (Viện Nghiên cứu văn hóa, VASS) trình bày.
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia và các nhà khoa học. Các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, làm rõ các chủ đề Nhân học và phát triển, Cộng đồng và phát triển, Văn hóa tộc người và phát triển… đều là những chủ đề hết sức lý thú và cấp thiết. Hội thảo thu nhận được nhiều phát hiện khoa học và thực tiễn, cung cấp giá trị tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, đồng thời gợi mở một số hàm ý chính sách cho Việt Nam trong lĩnh vực dân tộc học. Cũng qua đó, góp phần mang lại cái nhìn đa chiều, chuyên sâu, giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc học cảm ơn Lãnh đạo Viện Hàn lâm, cảm ơn sự có mặt đông đủ của các đại biểu, các nhà khoa học, đặc biệt cảm ơn Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup đã tài trợ một phần kinh phí, góp phần tạo nên thành công của Hội thảo. Phó Tổng biên tập cho biết các tham luận và trao đổi tại Hội thảo là rất cởi mở và khoa học đã nêu lên nhiều các dữ kiện, nhiều ý tưởng, các ý kiến thảo luận tại Hội thảo đều rất bổ ích, đặt ra những vấn đề mới, vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu thảo luận thêm. TS. Nguyễn Thị Thanh Bình mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp bổ ích, đồng thời tiếp thu các ý kiến đã trình bày, thảo luận, trao đổi tại Hội thảo để Viện Dân tộc học có những định hướng nghiên cứu tốt trong tương lai...
Ban Biên tập