Hội thảo khoa học quốc tế: “Biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vùng”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học quốc tế: “Biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vùng”

18/07/2023

Ngày 17/7/2023, tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và Trường Kinh doanh EM Normandie (Cộng hòa Pháp) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vùng”. Hội thảo nằm trong chuỗi hội thảo quốc tế thường niên về Phát triển bền vững vùng. Hội thảo là diễn đàn học thuật để các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà quản lý, các nhà hoạt động thực tiễn trao đổi, làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh cho phát triển bền vững ở Việt Nam và trên thế giới; tập trung bàn luận sâu về các sáng kiến, tư duy mới gắn với phát triển bền vững vùng trong bối cảnh mới. Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Cộng hòa Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

Tham dự Hội thảo, về phía đại diện Trường Kinh doanh EM Normandie (Cộng hòa Pháp) có: GS. Sylvaine Castellano, Giám đốc nghiên cứu, Trưởng khoa; PGS Amandine Lare, Trưởng khoa, cùng nhiều giáo sư, chuyên gia của Trường; Hội thảo cũng vinh dự cháo đón của nhiều chuyên gia, học giả đến từ Đại học Picardie Jules Verne, CH Pháp; Đại học Nevada, USA; Đại học Ubon Ratchathani, Thái Lan; Viện Du lịch và Kinh doanh Quốc tế, Indonesia; Đại học Ambedkar, Ấn Độ.

Về phía Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam có: TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung Bộ; PGS.TS Hồ Việt Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ; TS. Trần Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung Bộ; PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHXH vùng Nam Bộ; PGS.TS Lê Thanh Sang, Nguyên Viện trưởng Viện KHXH vùng Nam Bộ; TS. Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Nam Bộ; TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên, Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Nam Bộ.

Hội thảo được vinh dự đón tiếp sự hiện diện của các vị khách quý: TS. Trần Thế Lưu, nguyên Ủy viên Ban thường vụ, nguyên Trưởng Ban Nội chính Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Đình Tứ, Chánh Văn phòng Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; PGS. TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing; ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Phú Yên; TS. Nguyên Thị Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM; TS Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Bình Dương; TS. Hồ Thị Trinh Anh, Đại diện Ban Tuyên Giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và các học giả tham dự hội thảo đến từ các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học trong nước: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Thương mại; Viện KHXH vùng Trung Bộ, Viện KHXH vùng Nam Bộ,… cùng các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đến dự, viết bài và đưa tin về Hội thảo.

Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Giáo sư Sylvaine CASTELLANO Giám đốc Nghiên cứu kiêm Trưởng khoa, Trường Kinh doanh EM Normandie (Cộng hòa Pháp) đã cảm ơn và chào mừng các đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý, cơ quan báo chí, các đơn vị đã hợp tác tổ chức hội thảo khoa học ý nghĩa và thiết thực này. Giáo sư nhấn mạnh sự cần thiết cần tiến hành nghiên cứu các vấn đề đương đại như tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu ở tầm vùng và địa phương. Giáo sư cũng khẳng định sự hợp tác giữa ba đơn vị thông qua tổ chức hội thảo quốc tế thường niên về phát triển bền vững vùng là cơ hội để kết nối các học giả Việt Nam với các học giả quốc tế trong nghiên cứu các chủ đề quan trọng gắn với phát triển bền vững vùng.

TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung Bộ phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Hoàng Hồng Hiệp - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho biết, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21. Đây cũng là mối quan tâm hành đầu của các quốc gia, các nhà quản lý và giới khoa học. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi biến đổi khí hậu. Năm 2022, thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021). Văn kiện Đại hội XIII dự báo, biến đổi khí hậu, nước biển dâng,… tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với các thách thức truyền thống và phi truyền thống khác sẽ còn tác động mạnh đến sự phát triển bền vững của Việt Nam trong những năm tới.          

TS. Hoàng Hồng Hiệp nhấn mạnh thêm: Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, tăng trưởng xanh được mô tả như là một phương cách hay cách thức vừa theo đuổi mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo ngăn chặn suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang phát triển đầu tiên trên thế giới phát động “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” với ý chí và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 Phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 có định hướng chung tập trung nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc, bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế.

Tuy nhiên, cũng theo Quyền Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung Bộ, việc thực hiện tiến trình này cũng đã và đang gặp những vấn đề đáng lo ngại như sự xung đột, trùng lặp về mục tiêu giữa các chiến lược: Chiến lược phát triển bền vững; chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu; chiến lược tăng trưởng xanh; nguồn lực thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; việc lồng ghép chiến lược tăng trưởng xanh vào các kế hoạch chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương chưa thật sự khả thi đối với hoàn cảnh cụ thể của địa phương, của vùng.

Quang cảnh Hội thảo

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 138 bài viết, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, các học giả trong nước và quốc tế. Trong đó, có 13 tham luận của các học giả quốc tế của trường Kinh doanh EM Normandie (CH Pháp), Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, Đại học toàn cầu OP Jindal (Ấn Độ), Đại học Picardie Jules Verne (CH Pháp), Viện nghiên cứu quốc tế về du lịch và kinh doanh (Indonesia), Đại học Ubon Ratchathani (Thái Lan), Đại học Sushant (Ấn Độ), Đại học Ambedkar (Ấn Độ), Đại học Nevada (Mỹ). Hội đồng khoa học hội thảo cũng đã tiến hành tuyển chọn 64 bài viết đảm bảo yêu cầu chất lượng đưa vào xuất bản kỷ yếu hội thảo có chỉ số ISBN. Trong đó, có 12 bài viết đề cập đến chủ đề Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vùng; 24 bài viết trình bày về Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vùng; và 28 bài viết tập trung vào chủ đề kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Các nghiên cứu đã cho thấy một bức tranh cụ thể và rõ nét về tác động của biến đổi khí hậu, tầm quan trọng của tăng trưởng xanh trong phát triển bền vững vùng dưới các góc độ, lăng kính với các tiếp cận đa chiều.

Với 19 tham luận được trình bày tại 1 phiên toàn thể và 6 phiên chuyên môn, xoay quanh 3 chủ đề chính của Hội thảo, các tham luận đã tập trung phân tích các vấn đề lý luận và thực tiễn về nông nghiệp bền vững; kinh doanh xanh; kinh tế tuần hoàn; đổi mới sáng tạo trong bối cảnh phát triển bền vững vùng.

Hội thảo cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi bình luận từ các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn trên nhiều chiều cạnh của chủ đề Hội thảo. Các ý kiến tập trung phân tích, thảo luận về (i) Các mô hình kinh tế mới (kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, và kinh tế tuần hoàn) trong xu hướng thích ứng với biến đổi khí hậu; (ii) Các vấn đề về đào tạo, việc làm và khởi nghiệp trong bối cảnh hậu covid-19 và biến đổi khí hậu; (iii) Nhận diện những khó khăn và thách thức của tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn, trong các ngành nông nghiệp, du lịch, logistic, tài chính; (iv) Sáng kiến, giải pháp về nghiên cứu đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong giải quyết các vấn đề về thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ phát triển bền vững vùng.

Thông qua hội thảo các vấn đề về học thuật, thực tiễn và các mô hình kinh tế mới, sáng kiến và tư duy mới gắn với phát triển bền vững vùng dưới tác động của biến đổi khí hậu được trao đổi, bàn luận. Đây là các vấn đề học thuật hữu ích đối với các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và nhà hoạt động thực tiễn cho cách nhìn nhận đa chiều về vấn phát triển bền vững Vùng trong bối cảnh mới. Các quan điểm trình bày trong các tham luận, các ý kiến trao đổi tại hội thảo là gợi mở thú vị và là kênh tham khảo hữu ích đối với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý đồng thời mở ra các hướng nghiên cứu tiếp theo phục vụ quá trình phát triển bền vững Vùng ở Việt Nam. Đồng thời thông qua hội thảo gợi mở, hứa hẹn phát sinh nhiều dự án, hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn.

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp trong không khí cởi mở, trao đổi thẳng thắn dựa trên tinh thần khoa học và trách nhiệm cao. Ban tổ chức Hội thảo trân trọng cảm ơn sự tham gia và những ý kiến trao đổi quý báu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, nhà quản lý; các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đã góp phần mang đến thành công cho Hội thảo. Ban tổ chức Hội thảo hy vọng sẽ có cơ hội hợp tác với quý vị đại biểu trong những Hội thảo, dự án, hợp tác nghiên cứu tiếp theo.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tham dự đã có chuyến đi thực địa thú vị tại Khu di tích địa đạo Củ Chi, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.

PV. Tổng hợp

Các tin đã đưa ngày: