Tham dự có các đại biểu đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Các đại biểu được nghe 4 tham luận: tham luận 1: “Khái quát các yêu sách đối với Biển Đông” do TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, Bộ Ngoại giao trình bày; tham luận 2: “Đánh giá hành vi của Trung Quốc trong ứng xử Biển Đông và hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyuo (Hải Dương) 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” do TS. Nguyễn Đăng Thắng, Ban Biên giới, Bộ Ngoại giao trình bày; tham luận 3: “Cơ sở pháp lý và ngoại giao áp dụng đối với hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyuo (Hải Dương) 981 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” do TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trình bày; tham luận 4: “Các phương thức và thủ tục khởi kiện đối với hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyuo (Hải Dương) 981 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” do TS. Lê Mai Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật trình bày.
Sau khi nghe các báo cáo tham luận, và bình luận các đại biểu tham dự đã sôi nổi trao đổi, thảo luận về những nội dung mà các báo cáo đã đề cập và những vấn đề pháp lý có liên quan.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm đã đồng thuận cao trong việc khẳng định có nhiều cơ sở pháp lý khác nhau để kết luận về sự vi phạm của Trung Quốc và nhiều khả năng và con đường pháp lý để đưa Trung Quốc ra công luận và tài phán quốc tế./.
Nguyễn Thu Hà