Hội thảo khoa học “Nông thôn Việt Nam – Truyền thống và hiện đại”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học “Nông thôn Việt Nam – Truyền thống và hiện đại”

25/11/2023

Ngày 24/11/2023, tại trụ sở số 38, Hàng Chuối, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Viện Sử học - VASS phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng sự đồng hành của Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nông thôn Việt Nam - Truyền thống và hiện đại”. Hội thảo là một trong những hoạt động khoa học quan trọng hướng tới Lễ Kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Sử học (1953 - 2023) và cũng là 70 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (1953 - 2023).

TS. Trần Thị Phương Hoa, nguyên Phó Viện trưởng điều hành Viện Sử học; PGS.TS. Trần Đức Cường Chủ tịch Hội Khoa học</br> Lịch sử Việt Nam; TS. Lê Quang Chắn, Phó Viện Trưởng điều hành Viện Sử học chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Viện Sử học có TS. Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng điều hành; PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sử học, Nguyên Phó Viện trưởng phụ trách, PGS.TS. Đinh Quang Hải, Nguyên Viện trưởng, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử; TS. Trần Thị Phương Hoa, Nguyên Phó Viện trưởng điều hành. Về phía Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có PGS.TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội; PGS. TS. Nguyễn Văn Nhật, Nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Phó Tổng Thư ký Hội.

Về phía khách mời có GS.TS. Nguyễn Văn Khánh, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Đào Tố Uyên, PGS.TS. Phan Ngọc Huyền, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội;…

Đặc biệt, tham dự Hội thảo có đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu đến từ Viện Sử học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng), các trường: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Vinh, một số học giả Hàn Quốc… cùng đại diện một số cơ quan thông tấn, báo chí.

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, TS. Trần Thị Phương Hoa - Nguyên Phó Viện trưởng điều hành Viện Sử học nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các quý vị đại biểu. Nêu bật ý nghĩa của Hội thảo, những vấn đề tập trung cần thảo luận. TS. Trần Thị Phương Hoa nhấn mạnh nội dung Hội thảo là một trong các hoạt động thiết thực hướng tới Lễ Kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Sử học và cũng là 70 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (1953 - 2023); đồng thời cảm ơn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) đã cho phép, phối hợp và hỗ trợ cùng tổ chức Hội thảo này.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 38 tham luận nghiên cứu về nông thôn Việt Nam xuyên suốt các thời kỳ lịch sử; trong đó có 15 tham luận về nông thôn Việt Nam thời kỳ Cổ Trung đại, 8 tham luận về nông thôn Việt Nam thời kỳ Cận đại và 15 tham luận về về nông thôn Việt Nam thời kỳ Hiện đại. Các tham luận tập trung thảo luận 5 chủ đề nổi bật: 1. Sự hình thành của làng xã, tổ chức xã hội và tổ chức quản lý nông thôn; 2. Chính sách đối với nông thôn; 3. Tổ chức sản xuất và đặc trưng kinh tế nông thôn; 4. Tổ chức an ninh và đóng góp của xã thôn trong bảo vệ chủ quyền quốc gia; 5. Văn hóa xã hội và giáo dục ở nông thôn.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận. Đề cập đến sự hình thành làng xã - tổ chức xã hội và tổ chức quản lý xã hội, PGS.TS. Nguyễn Minh Tường cho rằng, làng Việt ở đồng bằng Bắc Bộ chia thành 2 khu vực chính là không gian cư trú và không gian canh tác, đồng thời, làng Việt từ nghìn năm đã có cấu trúc khép kín, đời sống của làng Việt chủ yếu là tự cấp, tự túc hầu hết được bảo vệ bằng những lũy tre dầy…

PGS.TS. Nguyễn Minh Tường trình bày tham luận tại Hội thảo

Đến thời kỳ thuộc địa, TS. Trần Thị Phương Hoa cho rằng, cải cách hành chính ở làng xã Nam Kỳ được tiến hành sớm nhất từ năm 1904, tiếp đó là Trung Kỳ vào năm 1935. Sau khi cải cách, số làng ở Trung Kỳ tiếp tục tăng, trong khi số làng ở Nam Kỳ giảm mạnh. Điều này thể hiện rõ quyền lực truyền thống ở Trung Kỳ vẫn nằm trong tay hội đồng kỳ mục với vai trò thuộc về ngôi tiên chỉ, một quyền lực được làng xã đồng thuận chấp nhận.

TS. Trần Thị Phương Hoa trình bày tham luận tại Hội thảo

Trao đổi thảo luận về tổ chức sản xuất và đặc trưng kinh tế nông thôn, PGS.TS. Nguyễn Đình Lê cho rằng, bên cạnh một số mặt tiêu cực thì nông thôn Việt Nam nổi lên nhiều mặt tích cực “Chính xã viên và tổ chức của nó là hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có tác dụng như một tấm lưới an toàn, đóng vai trò như một hiệp hội quần chúng, lại có chức năng như mọt tổ chức hành chính có hiệu quả, góp phần quyết định, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội cho sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ chiến đấu khó khăn quyết liệt. Từ cuộc sống xã hội nông thôn ngày hôm nay, nhìn lại thời kỳ ấy, dù nó có nhiều vấn đề khiếm khuyết, nhưng phải nói rằng an  ninh thôn xóm và trật tự xã hội trong những ngày tháng chiến đấu ác liệt nhất lại tốt hơn, hiện đại hơn…”

PGS.TS. Nguyễn Đình Lê trình bày báo cáo tại Hội thảo

   Về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và vai trò của giai cấp nông dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, PGS.TS Nguyễn Văn Nhật khẳng định: Nhận rõ được vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông thôn và giai cấp nông dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước luôn đổi mới các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn và phát huy vai trò của giai cấp nông dân. Với những chủ trương, chính sách ngày càng phù hợp, nền nông nghiệp Việt Nam đã phát triển theo xu hướng nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa với ứng dụng công nghệ cao; bộ mặt nông thôn thay đổi về cơ bản; giai cấp nông dân đã có những thay đổi về cơ cấu, trình độ và cuộc sống. Giai cấp nông dân cùng với giai cấp công nhân và tầng lớp trí thức là trụ cột của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, quyết tâm đưa đất nước ta đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Sau khi nghe trình bày các báo cáo tham luận, Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu tham dự, trong đó tập trung vào một số nội dung sau: (i) Những mặt tích cực và tiêu cực của nông thôn qua từng thời kỳ; (ii) Quan điểm về Làng và siêu Làng; (iii) Biến đổi về văn hóa, phong tục tập quán và quản lý tổ chức xã hội ở làng xã từ truyền thống đến hiện đại; (iv) Vai trò của hợp tác xã nông nghiệp ở nông thôn miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; (v) Nút thắt tín dụng của nông thôn hiện nay và vấn đề xây dựng nông thôn mới…

GS.TS. Nguyễn Văn Khánh thảo luận tại Hội thảo

Phát biểu kết luận và bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Đức Cường cho rằng: Việt Nam là một nước nông nghiệp, với nền kinh tế trải qua hàng nghìn năm lịch sử chủ yếu là kinh tế nông nghiệp, nếu như cách đây không lâu, chúng ta còn truyền nhau câu nói của Lê Quý Đôn ở thế kỷ thứ 18 là “Phi nông bất ổn”, người dân thì quan niệm “dĩ nông vi bản”, thì chỉ trong vòng vài thập kỷ gần đây, với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nông nghiệp và nông thôn đều có những biến đổi tích cực, kết quả là mỗi năm Việt Nam thu về hàng chục tỷ đô la từ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Cuộc sống ở nông thôn hiện nay có nhiều đổi thay và quan hệ nông nghiệp - nông thôn - nông dân có nhiều biến đổi, khoảng cách xã hội giàu nghèo được cải thiện đáng kể.

PGS.TS. Trần Đức Cường nhấn mạnh: trên cơ sở những ý kiến thảo luận của các đại biểu trong buổi Hội thảo này, chắc chắn sẽ là những gợi mở quý giá để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu về tổ chức làng xã, nông thôn, đời sống văn hóa tinh thần của nông dân và vấn đề nông thôn mới trong thời gian tới.

PGS.TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu bế mạc Hội thảo

Trong không khí chuẩn bị Lễ Kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Sử học và 70 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo này không chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật mà còn là sự tri ân các thế hệ đi trước, trong đó có GS.VS. Trần Huy Liệu, Viện trưởng đầu tiên của Viện Sử học và cũng là người sáng lập Hội khoa học Lịch sử Việt Nam.

Các đại biểu, các nhà nghiên cứu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

 

Nguyễn Minh Hồng

Các tin đã đưa ngày: